10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1)

    NGUYÊN KHÁNH, Theo Trí Thức Trẻ 

    Giới nhà nghề thường nói với nhau rằng: nếu bạn đã tạo ra một tuyệt phẩm, thì chất lượng những hậu bản tiếp theo sẽ rất khó bứt phá nổi cái bóng từ chính người tiền nhiệm. Thế nhưng, vẫn có vài trường hợp ngoại lệ đập tan định kiến này và trở thành những hậu truyện thành công vang dội.

    Được phát hành vào năm 1916, The Fall of a Nation đã khai sinh nên khái niệm hậu truyện (sequel) ở bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Đặc biệt, trong suốt thời kì phát triển rực rỡ của nền văn hóa đại chúng (pop culture) tại Hoa Kỳ, rất nhiều tác phẩm kinh điển đã được ra đời. Xu hướng sản xuất series điện ảnh dài kì cũng bắt nguồn từ đó. Đáng buồn thay, hầu hết các tập hậu truyện thường không nhận được sự đánh giá cao , bởi chúng chẳng thể sánh bằng bản gốc về mặt nội dung lẫn hình tượng nhân vật.

    Tuy nhiên, cuộc đời luôn xuất hiện một số bất ngờ đầy thú vị, như 5 cái tên lớn góp mặt trong danh sách sau đây. Mặc dù tất cả các phần phim đầu tiên của chúng đều gây ấn tượng mạnh mẽ nơi người xem, nhưng thông qua loạt tác phẩm thuộc thế hệ "đàn em", đông đảo khán giả mới thực sự biết đến và ngày càng yêu thích những thương hiệu điện ảnh này.

    10. The Bourne Ultimatum (2007)

    Dựa theo bộ tiểu thuyết nổi tiếng của cố nhà văn Robert Ludlum, cựu sát thủ Jason Bourne/David Webb (Matt Damon) đã đưa thể loại điệp viên, tình báo lên tầm cao mới. Xét trên mặt bằng chung lúc ấy, điệp viên James Bond (007) thường bị nhận xét là thiếu thực tế do quá lạm dụng phong cách quý tộc bóng bẩy, trong khi tay đặc vụ Ethan Hunt ( Misson: Impossible ) thì lại cứ mãi lệ thuộc vào mớ "đồ chơi" công nghệ hiện đại. Không thực hiện nhiệm vụ giải cứu nhân loại hay truy bắt bọn tội phạm nguy hiểm như hai anh bạn đồng nghiệp , cả cuộc đời Bourne chỉ tóm gọn qua hai từ: chạy trốn.

    10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1) - Ảnh 1.

    Một cuộc truy đuổi giết cùng diệt tận tàn khốc, những phút giây căng thẳng nối tiếp nhau không ngừng, xen lẫn hàng loạt mưu toan chính trị bẩn thỉu của thế giới tình báo. Tất cả tạo nên điểm nhấn riêng không thể nhầm lẫn cho The Bourne. Mang vẻ ngoài phong trần, bụi bặm, nhưng Jason Bourne luôn tính toán kỹ lưỡng từng đường đi nước bước trước khi hành động. Bên cạnh đó, anh còn sở hữu nhiều miếng đòn cận chiến tay đôi hết sức lợi hại, chú trọng yếu tố nhanh gọn và chuẩn xác. Suốt 5 tập phim xoay quanh nhân vật này kể từ năm 2002 đến nay, The Bourne Ultimatum (Siêu điệp viên 3: Tối hậu thư của Bourne) được xem là tác phẩm xuất sắc nhất toàn bộ series.

    Nhờ vào phần kịch bản trí tuệ, lớp lang chặt chẽ, cộng thêm việc dàn dựng các phân cảnh đối đầu, rượt đuổi với tiết tấu dồn dập, mà câu chuyện về mạng lưới gián điệp trong The Bourne Ultimatum cực kì lôi cuốn, không có chỗ cho thời gian chết. Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 80, The Bourne Ultimatum đã vinh dự giành lấy ba tượng vàng danh giá ở hạng mục: Dựng phim hay nhất, Biên tập âm thanh hay nhất và Hòa âm hay nhất.

    9. Spider-Man 2 (2004)

    Năm 2002, dự án Spider-Man do đạo diễn Sam Raimi cầm trịch đã góp phần mở lối cho giai đoạn phát triển mới của dòng phim siêu anh hùng thế kỉ XXI. Dẫu nam chính Peter Parker (Tobey Maguire) mang nhiều nét khác biệt so với nguyên tác comic, nhưng hình ảnh cậu học sinh nhút nhát bỗng chốc trở nên năng động lúc khoác lên mình bộ trang phục người nhện đã mãi mãi in sâu trong tâm trí fan hâm mộ . Lấy cảm hứng từ cuốn truyện tranh The Amazing Spider -Man số 50: Spider-Man No More! Sam Raimi tiếp tục thực hiện phần hậu truyện Spider-Man 2.

    10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1) - Ảnh 2.

    Bạn sẽ làm gì nếu sứ mệnh hành hiệp trượng nghĩa đang ngăn cản bạn có một cuộc sống bình thường như bao người khác? Mô tả xung đột nội tâm của bản thân Peter Parker, Spider-Man 2 được đánh giá cao hơn hẳn bản tiền nhiệm khi tập trung khai thác tính nhân văn ở các nhân vật, nhưng lại chẳng hề làm lu mờ vai trò siêu anh hùng hoặc phản diện của họ. Không thuộc hàng con nhà đại gia giống Tony Stark hay T’Challa, Peter Parker cần kiếm tiền để hỗ trợ dì May trang trải chi phí sinh hoạt. Bên cạnh trách nhiệm bảo vệ người dân vô tội, những áp lực về công việc, chuyện tình cảm mà cậu phải đối mặt hằng ngày đã tạo nên sự đồng cảm nơi khán giả với chàng nhện Spidey.

    Trong khi đấy, vốn ấp ủ kế hoạch chế tạo nguồn năng lượng sạch cho cư dân thành phố New York , nhà khoa học lỗi lạc Otto Octavius (Alfred Molina) vô tình gây ra tai nạn thảm khốc khiến vợ mình mất mạng. Quá sức đau đớn, Otto bị các xúc tu robot chi phối đầu óc rồi biến thành gã thiên tài cuồng loạn mang biệt danh tiến sĩ bạch tuộc. Ngoài tuyến nhân vật được xây dựng diễn biến tâm lý thuyết phục, Spider-Man 2 còn phô diễn kỹ xảo đồ họa vô cùng đẹp mắt. Nó đã giúp bộ phim chiến thắng giải thưởng Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất từ Viện Hàn Lâm năm 2005.

    10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1) - Ảnh 3.

    8. Fast Five (2011)

    10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1) - Ảnh 4.

    Xuất phát từ một tác phẩm hạng B hồi năm 2001, thương hiệu Fast & Furious (Quá Nhanh Quá Nguy Hiểm) dần chuyển mình thành bom tấn phòng vé sau màn lột xác đầy ngoạn mục tại hậu bản Fast Five . Bộ phim mạnh dạn rời bỏ thế mạnh đua xe đường phố để hướng câu chuyện theo phong cách băng cướp (the heist) chuyên sử dụng "chiến mã" bốn bánh. Sở hữu nội dung kịch tính và có chiều sâu, Fast Five đón nhận cơn mưa lời khen của giới phê bình; chính thức thoát khỏi cái mác xôi thịt, chuyên câu kéo khán giả bằng những pha phóng xe mạo hiểm.

    10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1) - Ảnh 5.

    Đạo diễn Justin Lin đã chứng tỏ rằng mình chẳng hề sai lầm, khi quy tụ lại toàn bộ các thành viên thuộc băng nhóm tội phạm nhà Toreto: từ Roman (Tyrese Gibson), Tej (Ludacris), Han (Sung Kang) đến Gisele (Gal Gadot), Santos (Don Omar)... Từng xuất hiện dưới nhiều vai trò khác nhau xuyên suốt bốn phần trước đây, dàn diễn viên đa sắc tộc tạo ấn tượng mạnh bởi cá tính đa dạng mà đồng đều. Họ giúp làm nổi bật hơn thông điệp chủ đề về mối quan hệ "gia đình" khăng khít ở loạt phim, đồng thời củng cố nền tảng vững chắc cho những hậu bản tiếp theo ra đời.

    Chưa hết, không thể không nhắc tới mảnh ghép hành động tốc độ cao , vốn là đặc sản xưa nay của dòng Fast & Furious. Trường đoạn hai chiếc Dodge Charger kéo lê cái két tiền khổng lồ khắp mọi ngõ ngách Rio de Janeiro đã đem về quả ngọt cho Universal Pictures. Ngoài doanh thu toàn cầu đạt gần 630 triệu USD, Fast Five còn lăng xê bóng hồng Gal Gadot, cựu đô vật Mỹ Dwayne Johnson và cố tài tử Paul Walker bước lên hàng ngũ ngôi sao Hollywood.

    7. Aliens (1986)

    10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1) - Ảnh 6.

    Cuối thập niên 70, siêu phẩm Alien của vị đạo diễn huyền thoại Ridley Scott gây bất ngờ lớn trong làng giải trí quốc tế nhờ concept điện ảnh độc lạ: kinh dị kết hợp cùng khoa học viễn tưởng . Thế nhưng, con số lợi nhuận 4 triệu USD ít ỏi khiến hãng Fox tỏ ra chần chừ với việc phát triển nó thành một series dài tập. Mãi tới tận năm 1983, vì nhìn thấy tiềm năng chưa khai thác hết từ loài quái vật không gian Xenomorph, James Cameron mới tình nguyện đảm nhận dự án. Quá thích thú trước tập bản thảo do ông gửi sang, chủ tịch 20th Century Fox thời bấy ngờ là Larry Gordon đã hứa hẹn rằng, nếu đứa con tinh thần The Terminator (1984) của Cameron thành công, thì chiếc ghế đạo diễn Alien 2: Aliens (Quái Vật Không Gian 2) chắc chắn sẽ thuộc về tay ông. Rồi chuyện gì đến cũng đã đến.

    10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1) - Ảnh 7.

    Dẫu bản thân rất hâm mộ Alien, James Cameron vẫn muốn mang tới hướng đi khác biệt cho phần hậu truyện. Ông quyết định gia giảm yếu tố kinh dị (horror) và thay vào đó bằng "nỗi kinh hoàng" (terror). Không chỉ đơn thuần là cuộc chạm trán đẫm máu giữa loài người với lũ quái vật đáng sợ, Aliens còn khéo léo lồng ghép những thông điệp ẩn ý. Hình ảnh lực lượng đặc nhiệm đầy vẻ tự mãn, trang bị khí tài tối tân trong tư thế kẻ đi chinh phục, nhưng lại nhanh chóng sa lầy trước phe địch thoắt ẩn thoắt hiện đã phản ánh tinh thần phản chiến sâu xa.

    Ngoài ra, Aliens cũng đề cao vấn đề bình đẳng giới qua nhân vật Ellen Ripley (Sigourney Weaver) thông minh, mạnh mẽ. Vai diễn hành động đó giúp Weaver nhận được đề cử Oscar cho hạng mục Nữ chính xuất sắc nhất năm 1987. Mặc dù cô không đoạt giải, nhưng nó đánh dấu bước ngoặt lớn lao từ Viện Hàn Lâm khi công nhận thể loại phim mới mẻ này. Trang IGN thậm chí buông lời nhận định: "Sẽ chẳng bao giờ có thêm một tác phẩm nào về Alien đủ sức vượt qua phiên bản 1986 của James Cameron".

    10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1) - Ảnh 8.

    6. X-Men: Days of Future Past (2014)

    10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1) - Ảnh 9.

    Ngay từ thời điểm ra mắt, X-Men (2000) đã tạo dựng chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả bằng góc nhìn độc đáo xoay quanh đời sống, tâm tư của những dị nhân. Trái ngược hẳn các biệt đội siêu anh hùng được cộng đồng tung hô kính trọng, người đột biến bị xã hội ruồng bỏ, tẩy chay nặng nề bởi chính năng lực dị thường mà họ đang sở hữu. Tuy nhiên, sau thảm họa bom xịt The Last Stand (2006), vũ trụ X-Men rơi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng do bế tắc về mặt ý tưởng sáng tạo lẫn nội dung nghèo nàn, nhạt nhẽo.

    10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1) - Ảnh 10.

    Năm 2011, First Class gieo lại niềm hy vọng nơi người xem khi tiến hành tái khởi động thương hiệu điện ảnh đình đám này. Thế nhưng, hậu bản X-Men: Days of Future Past (X-Men: Ngày Cũ Của Tương Lai) mới đích thực xử lý mớ hỗn độn mà The Last Stand gây nên nhờ tận dụng tài tình yếu tố xuyên không. Chẳng phải dựa dẫm vào Wolverine/Logan ( Hugh Jackman ) như trước kia, bộ phim khai thác mối quan hệ thú vị của giáo sư Charles Xavier ( James McAvoy , Patrick Stewart ) và Magneto/ Erik ( Michael Fassbender , Ian McKellen ).

    10 phần hậu truyện sinh sau đẻ muộn nhưng đáng xem hơn cả bản gốc (Phần 1) - Ảnh 11.

    Ẩn sau hành trình giải cứu người đột biến, Days of Future Past tiếp tục là cuộc đối đầu day dứt về quan điểm giữa hai gã dị nhân lão làng. Đạo diễn Bryan Singer đã đập tan mọi nghi ngờ từ phía khán giả với câu chuyện có tuy phần u ám, phức tạp, nhưng lại được xử lý tinh tế, hài hòa đến không ngờ. Bên cạnh đó, dù tập hợp dàn nhân vật đông đảo nhất từ trước đến nay, Singer vẫn khéo léo phân bố đất diễn hợp lí cho từng người tỏa sáng một cách hợp lí.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ