17 "đứa con rơi" bất hạnh bị lãng quên của Google

    NPQM,  

    Không gì là hoàn hảo cả. Đặc biệt là những tên tuổi lớn trong làng công nghệ thế giới, họ vẫn luôn có những mặt tối ẩn sâu phía sau mà chúng ta ít khi biết đến tường tận.

    Google nổi tiếng với những sản phẩm và phát kiến đột phá và phổ biến, phục vụ nhu cầu của hàng triệu người trên thế giới, từ bộ máy tìm kiếm cho tới bản đồ và cả nền tảng hệ điều hành nữa.

    Thế nhưng không phải lúc nào thần may mắn cũng mỉm cười với họ. Google Glass là một minh chứng tiêu biểu nhất. Nó được hy vọng là sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới trong ngành công nghệ, thế nhưng mọi diễn biến lại đi ngược lại với dự đoán chung.

    Tất nhiên, những phát minh thành công nhất thường lại nhận được vô số lời gạch đá trong những giai đoạn phát triển ban đầu. Do đó cũng không quá khó hiểu khi một công ty lớn tầm cỡ như Google đều lần lượt trải qua những cung bậc lên xuống.

    Vậy tổng cộng có bao nhiêu gương mặt của Google đã "ngã xuống" trong cuộc đua khốc liệt của xu hướng công nghệ đầy biến động trên thế giới? Hãy cùng tìm hiểu trong danh sách dưới đây:


    1. Google Answers là dự án đầu tiên được thực hiện bởi Google, khởi nguồn từ ý tưởng của Larry Page. Nó kéo dài trong hơn 4 năm rồi sau đó dừng dịch vụ vào năm 2006.


    2. Lively - nền tảng thế giới số hóa của Google - còn kém may mắn hơn khi chỉ tồn tại hơn 1 năm. Mục đích ban đầu của Google khi tạo ra Lively là để cho mọi thành viên tham gia được trải nghiệm một hình thức tương tác mới với bạn bè của mình trên mạng, nhưng đáng tiếc là mọi việc không đi theo mong muốn, dẫn đến sự sụp đổ vào năm 2008.


    3. Google lần đầu tiên giới thiệu Google Glass đến công chúng là ở một sự kiện vào năm 2012, nhưng thiết bị này chưa bao giờ thỏa mãn được kỳ vọng ở đội ngũ phát triển của Google. Giá thành cao, lỗi phần mềm, các vấn đề bảo mật, và thiết kế chưa thực sự thu hút đã khiến cho Google Glass trở thành một thất bại thảm hại. Dần dần, những kế hoạch nhắm vào thị trường đại trà được dẹp bỏ, thay vào đó là phân khúc dành cho giới doanh nhân, đồng thời tiếp tục lên dự định cho ra mắt một phiên bản mới trong tương lai.


    4. Google Buzz là một dịch vụ mạng xã hội tích hợp với Gmail, thế nhưng lại hứng chịu hàng loạt những lỗi bảo mật vi phạm quyền riêng tư. Công ty đã quyết định vào tháng 10 năm 2011 rằng họ sẽ dừng triển khai dịch vụ này và tập trung nguồn lực vào Google như cho đến hiện tại.


    5. Những chiếc điện thoại Android phiên bản tích hợp riêng Google Play được rục rịch giới thiệu vào năm 2014, nhưng đã nhanh chóng bị "vùi dập" vào đầu năm 2015 khi công ty công bố không tung ra thị trường, mặc dù đã có vài hình ảnh bị rò rỉ trên mạng về giao diện và mẫu mã của thiết bị gốc.


    6. Google Wave là dịch vụ được tạo ra để giúp mọi người có thêm một công cụ giao tiếp qua tin nhắn với nhau và cùng biên tập, soạn thảo tài liệu, văn bản. Nhưng có vẻ như nó không nhận được nhiều sự ủng hộ và hưởng ứng từ phía người dùng, do đó chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm trước khi bị lãng quên vào tháng 8 năm 2010.


    7. Google Video là dịch vụ video-streaming chính thức của Google, trước khi YouTube về tay họ vào năm 2006. Năm 2009 đánh dấu thời điểm Google Video ngừng đăng tải video mới, sau đó cùng tồn tại song song với YouTube thêm 3 năm trước khi Google khai tử hoàn toàn.


    8. Google Nexus Q, một thiết bị chơi nhạc streaming vốn được thiết kế để kết nối với mọi phần cứng khác trong môi trường sinh thái nhà ở đã được giới thiệu rầm rộ trong một buổi hội thảo của các nhà phát triển vào năm 2012. Tuy nhiên, kết quả nhận lại chỉ là những phản hồi và đánh giá tiêu cực từ các chuyên gia, để rồi Google đã ngay lập tức phải dừng dự định sản xuất ra thị trường của mình.


    9. Google X, một giao diện thiết kế khác của bộ máy tìm kiếm nổi tiếng, tồn tại đúng chỉ 1 ngày trước khi Google rút lại. Thực ra đó là một cách để bày tỏ lòng kính trọng đến phát minh ra Mac OS X, với một bài thơ tùy biến được đăng tải trên giao diện chính: "Roses are red. Violets are blue. OS X rocks. Homage to you." Vào 16/3/2005, Google đã gỡ bỏ và thay vào đó, biến nó thành một mảng nghiên cứu khác của mình.


    10. Tạo ra với nhiệm vụ cung cấp thêm thông tin hữu ích về sức khỏe và đời sống cho mọi người, Google Health vẫn chịu chung số phận với những trường hợp trên vào năm 2012 sau khi Google nhận ra dịch vụ này không đem lại nhiều thành công như kỳ vọng.


    11. Google Reader là một ứng dụng đọc tin tức cho phép người dùng lưu lại những mẩu tin từ các blog và trang tin khác. Google cuối cùng cũng thông báo dừng dịch vụ này vào tháng 3 năm 2013 do nhiều phản hồi không khả quan từ cộng đồng người dùng, và chính thức khai tử nó vào tháng 7 năm 2013.


    12. Google Catalogs - một chương trình mua bán online tương tác - cũng mới vừa năm ngoái bị cho vào danh sách đen của Google. Công ty thực ra đã loại bỏ nền tảng này trên mobile vào 2 năm trước đó, còn 2015 là phiên bản desktop.


    13. Google Hangouts On Air - dịch vụ live-stream chính thức của Google - được chuyển sang sáp nhập và trở thành YouTube Live vào tháng 9 năm nay. Năm 2012 là năm đầu tiên Google triển khai, khi mà xu hướng chia sẻ trực tiếp trên mạng trở nên phổ biến, từng được sử dụng bởi Tổng thống Obama và Giáo Hoàng Francis.


    14. Dodgeball là nền tảng cho phép người dùng check-in tại mỗi địa điểm hiện tại, được Google mua về vào năm 2005. Người sáng lập ra nó - Dennis Crowley - đã rời khỏi Google vì những hiềm khích cá nhân vào năm 2007 và tự phát triển một dịch vụ tương tự - Foursquare - 2 năm sau đó.


    15. iGoogle - một trang chủ tùy biến cá nhân - đã phải dừng hoạt động vào năm 2013 sau 8 năm tồn tại. Đây là chương trình giúp người dùng tự điều chỉnh trang chủ cá nhân của mình bằng những widget tùy thích. Lý do nó buộc phải biến mất là do không còn ai quan tâm nhiều nữa từ khi nền tảng Chrome và Android cũng có khả năng tương tự, thậm chí còn tiện lợi hơn.


    16. Orkut từng tự hào là một mạng xã hội nổi tiếng được phát triển từ dự án riêng của một nhân viên Google. Tuy nhiên, thành công lại chỉ thu được ở thị trường nước ngoài chứ không phải hoàn toàn xuất phát ở Mỹ, do đó Google quyết định dừng hỗ trợ dự án này vào tháng 9 năm 2014.


    17. Google Notebook thật ra là tiền thân của Google Docs và có nhiệm vụ chính là nơi để copy/paste URL hoặc viết các dòng ghi chú cùng tính năng chia sẻ rộng rãi. Trong khoảng thời gian từ 2009 đến tháng 7 năm 2012, Google dần chuyển toàn bộ dữ liệu từ Notebook sang Google Docs và dừng hoạt động trước đó.

    Tham khảo: Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày