3 cặp đôi khổng lồ tiềm năng nhất của thị trường hi-tech hiện nay, và vì sao họ khó có thể đến được với nhau

    Lê Hoàng,  

    Google + Snapchat, Apple + Tesla và Microsoft + Facebook. Càng nghĩ càng thấy đẹp đôi.

    Google và Snap

    Google cần phải đối mặt với một sự thật đau lòng: chẳng có một sản phẩm social nào của hãng này là không thất bại cả. GTalk, Hangouts, Duo, Allo... lần lượt ra đời rồi chìm vào quên lãng. Google đã chết từ lâu, ngay trong sự ghẻ lạnh của tất cả các dịch vụ Google khác.

    Với Google, mua lại một công ty khác để làm đối trọng với Facebook trên lĩnh vực social là lựa chọn hợp lý hơn cả. Lựa chọn hợp lý nhất sẽ là Snap.

    Nếu Snapchat về tay Google và có được sự ưu ái như Hangouts, Facebook sẽ phải dè chừng.
    Nếu Snapchat về tay Google và có được sự ưu ái như Hangouts, Facebook sẽ phải dè chừng.

    Tại sao ư? Snap thu hút người dùng bằng một tư duy ứng dụng rất khác (nhanh nhạy, hướng hình ảnh, trải nghiệm "cool". Snap có rất nhiều ý tưởng hay. Snap và Google có chung một địch thủ lớn: Facebook, kẻ đã luôn luôn copy các ý tưởng của Snap lên Instagram, Messenger và dĩ nhiên là cả ứng dụng Facebook chính.

    Điều mà Snap cần lúc này là một cộng đồng người dùng "chính thống" có khả năng mở rộng đối tượng của Snapchat ra toàn cầu. Google là thế lực duy nhất sở hữu khả năng này. Và Google đơn giản là rất, rất cần một nền tảng social chất lượng.

    Apple và Tesla

    Đế chế 50 tỷ đô của Tesla được xây dựng trên hy vọng chứ không phải là những khoản lời "khủng" hay một bộ máy điều hành nhuần nhuyễn. Vẫn chưa ai biết hàng trăm nghìn đơn hàng Model 3 sẽ được giải quyết như thé nào. Bất cứ một lĩnh vực nào có thể mang đến tương lai cho Tesla đều đòi hỏi rất nhiều tiền. Nhưng về bản chất Tesla vẫn chỉ là một startup có rất nhiều ý tưởng hay và một ý chí sắt đá rằng thế giới phải được thay đổi.

    Trải nghiệm Tesla gợi nhắc rất nhiều đến Apple.
    Trải nghiệm Tesla gợi nhắc rất nhiều đến Apple.

    Đó chính là ý chí của Steve Jobs khi vượt qua những trở ngại của ngành công nghiệp viễn thông nhằm tạo ra cú sốc iPhone. Nhưng đến giờ thì Steve Jobs đã ra đi, và Apple cũng không còn là thế lực đi trước để định hình cho thị trường công nghệ thế giới. Nếu nhắc đến các tên tuổi tạo ra bước ngoặt cho thị trường hi-tech toàn cầu thì đó chỉ có thể là Amazon và Tesla.

    Sự kết hợp của Apple và Tesla bởi vậy sẽ là tuyệt vời. Apple có đủ tiền đưa Tesla vững tiến về phía trước và một lần nữa định hình lại tương lai. Đó là còn chưa kể trải nghiệm người dùng trau chuốt, đơn giản và ẩn chứa rất nhiều công nghệ tiên tiến của hai hãng này là khá tương đồng.

    Facebook và Microsoft

    Facebook và Microsoft nên kết hợp bởi cả hai cùng có kẻ thù chung lớn nhất là Google. Facebook đang tìm mọi cách để vượt mặt doanh thu quảng cáo của Google, còn Microsoft thì đã từng vài lần nhận trái đắng từ Google trên lĩnh vực tìm kiếm và hệ điều hành.

    Không hề mâu thuẫn.
    Không hề mâu thuẫn.

    Dù cùng ghét bỏ Google nhưng Facebook và Microsoft lại không mấy mâu thuẫn với nhau. Miếng ăn chính của Microsoft nằm ở hệ điều hành, đám mây, Office và dịch vụ doanh nghiệp. Còn Facebook lại chiêu mộ người dùng bằng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin, các lĩnh vực gần như không hề mâu thuẫn với bất cứ sản phẩm nào của Microsoft ngoại trừ Skype. Quan trọng nhất, Microsoft không mấy quan tâm đến quảng cáo.

    Vì sao sự kết hợp rất khó xảy ra

    Đáng tiếc, dù trên sách vở những mối lương duyên công nghệ có đẹp đến mấy thì chúng vẫn rất khó xảy ra. Các gã khổng lồ không khó để nhận ra những vấn đề tiềm ẩn khi kết hợp làm một.

    Vấn đề đầu tiên là lòng tự tôn của từng mảnh ghép. Trong thương vụ AMD mua ATI, nhân viên của hai bên tiếp tục hoạt động riêng rẽ trong một thời gian dài, thậm chí còn tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của thời kỳ độc lập thay vì hướng đến những cái đích chung. Mất đến 5 năm mẫu APU đầu tiên của AMD mới ra đời. Bây giờ cũng vậy: Apple cũng thay đổi thế giới, Tesla cũng thay đổi thế giới. Cớ gì Tesla phải trở thành Apple?

    Không phải cứ đẹp đôi là tốt.
    Không phải cứ đẹp đôi là tốt.

    Tiếp đến là mô hình hoạt động. Ví dụ điển hình là một thương vụ cũng đã từng được tung hô lên được mây xanh: Google mua Motorola. Motorola có truyền thống chất lượng phần cứng rất tốt, còn Google là ông chủ của Android. Nhưng đến khi kết hợp lại với nhau, Google lại "sợ" các đối tác phần cứng Android đến nỗi có phần đối xử tệ bạc với Motorola thay vì dẫn dắt công ty con của mình. Kết quả là chỉ trong vòng 3 năm, Motorola đã lại một lần nữa đổi chủ.

    Cuối cùng là vấn đề cá tính. Mỗi gã khổng lồ công nghệ đều được lãnh đạo bởi các bậc kỳ tài, và sẽ thật khó để tưởng tượng khi Mark Zuckerberg về chung một công ty với Satya Nadella thì điều gì sẽ xảy ra. Elon Musk liệu có chịu đựng được sự chỉ đạo của Tim Cook? 99% là không.

    Chính vì lý do này nên khả năng những mảnh ghép hoàn hảo của thế giới công nghệ có thể thực sự đến được với nhau trong lúc vẫn đang ở trên đỉnh cao là rất, rất khó. Bạn muốn đợi Tesla đến với Apple ư? Có lẽ phải đến khi nào Elon Musk đi vào đường cùng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ