5 tiếng điều trần của Zuckerberg trước Quốc hội Mỹ có thể tóm tắt được trong 2 câu

    Z-Lion,  

    Giống như lịch sử hoạt động suốt 14 năm qua của Facebook, Zuckerberg chỉ biết lên tiếng xin lỗi người dùng sau khi gây ra những vấn đề về bảo mật.

    Như vậy là Mark Zuckerberg đã trải qua gần 5 tiếng điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ bê bối nghiêm trọng khi để lộ dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng toàn cầu. Đã có rất nhiều câu hỏi mà các Thượng nghị sĩ đặt ra cho vị CEO trẻ tuổi này, nhưng dường như những vấn đề còn tồn tại về chính sách bảo mật của Facebook vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng nhất.

    Tờ USA Today của Mỹ thậm chí còn nhận định, 5 giờ điều trần tưởng chừng như vô tận hóa ra lại được gói gọn trong hai câu nói của Zuckerberg: “Tôi xin lỗi” và “Chúng tôi đang xử lý việc này”. Điều đó cho thấy Thượng viện Mỹ và bản thân Facebook cũng chưa thể tìm ra phương án khắc phục cụ thể và giải quyết triệt để vụ rò rỉ dữ liệu vừa qua.

     Lại một lần nữa, Zuckerberg và Facebook chỉ biết lên tiếng xin lỗi và hứa hẹn với người dùng.

    Lại một lần nữa, Zuckerberg và Facebook chỉ biết lên tiếng xin lỗi và hứa hẹn với người dùng.

    Đây cũng không phải lần đầu tiên Facebook lên tiếng xin lỗi và hứa hẹn với người dùng. Thậm chí trong suốt lịch sử 14 năm hoạt động của hãng luôn ngập tràn những lời xin lỗi sau khi liên tục phạm phải những sai lầm nghiêm trọng về vấn đề bảo mật thông tin khách hàng.

    Ví dụ như năm 2007, Facebook đã ra mắt chương trình Beacon nhằm theo dõi thói quen sử dụng Internet của người dùng, sau đó bán thông tin cho các nhà quảng cáo để thu lợi nhuận. Hay vào năm 2010, mạng xã hội này cũng liên tục cung cấp thông tin cá nhân của người dùng cho bên thứ ba khiến danh tính thực của họ có thể bị “bại lộ” bất cứ lúc nào.

    Và đương nhiên, tất cả những hành động này đều diễn ra một cách bí mật, thiếu minh bạch. Để rồi khi mọi chuyện vỡ lở thì Facebook lại “bổn cũ soạn lại”, lên tiếng xin lỗi người dùng và hứa sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất.

     14 năm hoạt động của Facebook luôn ngập tràn những lời xin lỗi về vấn đề bảo mật thông tin người dùng.

    14 năm hoạt động của Facebook luôn ngập tràn những lời xin lỗi về vấn đề bảo mật thông tin người dùng.

    Và buổi điều trần gần 5 tiếng đồng hồ trước Quốc hội vừa rồi cũng không phải ngoại lệ. Zuckerberg đã quá tỉnh táo và khôn ngoan trước những áp lực đến từ phía các Thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, sự bình tĩnh của Zuckerberg chỉ phần nào xoa dịu tâm lý của người dùng sau chuỗi ngày đen tối vừa qua, chứ nó không đồng nghĩa với việc Facebook đã tìm ra giải pháp cụ thể cho những rắc rối mà họ đang phải đối mặt.

    Cùng chung quan điểm này, tờ Washington Post nhận định buổi điều trần vừa qua chẳng có gì nổi bật ngoài những lời xin lỗi liên tiếp cùng những hứa hẹn cải cách trong tương lai gần. Tuy nhiên, những cải cách đó là gì, biện pháp triển khai cụ thể ra sao thì lại chẳng được đề cập đến, hoặc có nhưng rất mờ nhạt, không rõ ràng.

    Zuckerberg khẳng định anh luôn sẵn sàng tuân thủ những luật lệ chung, bao gồm cả điều luật yêu cầu Facebook phải có trách nhiệm thông báo cho người dùng mỗi khi sử dụng dữ liệu của họ trong vòng 72 giờ. Tuy nhiên, anh nhận định những điều luật này, nếu thực sự được ban hành, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến những đơn vị, nền tảng nhỏ nhiều hơn so với Facebook.

     Zuckerberg đã rất bình tĩnh trong lần đầu đối mặt với Quốc hội Mỹ.

    Zuckerberg đã rất bình tĩnh trong lần đầu đối mặt với Quốc hội Mỹ.

    5 tiếng điều trần cũng vì thế trôi qua rất nhanh mà không có nhiều điểm nhấn hay sự kịch tính nào. Có chăng chỉ là câu hỏi của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard J. Durbin khi ông muốn biết tên khách sạn mà Zuckerberg đã ở vào đêm 9/4 vừa qua cũng như danh tính những người mà vị CEO của Facebook đã nhắn tin trong tuần này.

    Đó cũng là lần hiếm hoi người ta thấy Zuckerberg tỏ ra bất ngờ và bối rối trong lần đầu tiên đối mặt với Quốc hội Mỹ. Sau một thoáng thất thần, anh đã từ chối tiết lộ và rơi ngay vào “cái bẫy” của Durbin. Vị Thượng nghị sĩ này cho rằng đó chính là vấn đề về giới hạn quyền riêng tư và cũng chính là nguyên nhân khiến Zuckerberg phải có mặt trong phiên điều trần vừa qua.

    Ngoài ra, Thượng nghị sĩ John Kennedy cũng gây ấn tượng mạnh khi thẳng thắn chỉ trích chính sách dịch vụ, đặc biệt là các điều khoản về bảo mật thông tin người dùng của Facebook quá phức tạp. Ông thậm chí còn yêu cầu Zuckerberg “về nhà và viết lại nó” để mọi thứ trở nên đơn giản, minh bạch hơn. Câu nói của ông: “Điều khoản sử dụng của các anh như rác vậy” đã được CNN bầu chọn là phát biểu đáng nhớ nhất trong phiên điều trần này.

     Dù buổi điều trần tương đối nhạt nhòa nhưng cũng có lúc Zuckerberg phải toát mồ hôi hột trước những câu hỏi cũng như sự thẳng thắn của các Thượng nghị sĩ.

    Dù buổi điều trần tương đối nhạt nhòa nhưng cũng có lúc Zuckerberg phải "toát mồ hôi hột" trước những câu hỏi cũng như sự thẳng thắn của các Thượng nghị sĩ.

    Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận sự bình tĩnh trong phiên điều trần cũng như bản lĩnh sau hơn 1 thập kỷ cùng Facebook trải qua nhiều sóng gió của Zuckerberg đã cứ nguy cho mạng xã hội lớn nhất thế giới này cũng như rất nhiều hãng công nghệ khác tại Thung lũng Silicon. Sau tất cả, dữ liệu người dùng vẫn là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số hiện nay. Chính nhờ "màn trình diễn" tuyệt vời này đã giúp cho cổ phiếu của Facebook tăng đến 4.5% sau khi tụt dốc thê thảm trong thời gian vừa qua.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ