6 bác sĩ thử nuốt một miếng LEGO, để xem mấy ngày con người chúng ta mới chịu "bắn" nó ra

    zknight,  

    Một đồng xu mất 3-6 ngày để đi qua hệ tiêu hóa, còn một chiếc đầu LEGO thì sao?

    Con bạn có từng nuốt một miếng LEGO hay không? Hoặc chính bạn cũng đã làm điều dại dột này khi còn bé? Tất cả những ai rơi vào trường hợp dở khóc dở cười ấy đều nóng lòng trông chờ miếng LEGO đi ra ngoài, dĩ nhiên rồi, theo đường tiêu hóa.

    Nhưng phải mất bao lâu để miếng LEGO kết thúc hành trình khám phá của nó bên trong cơ thể? Mới đây, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em đã tìm ra đáp án cho câu hỏi "kinh điển" ấy.

    Và con số trung bình là 1,7 ngày.

    6 bác sĩ thử nuốt một miếng LEGO, để xem mấy ngày con người chúng ta mới chịu bắn nó ra - Ảnh 1.

    6 bác sĩ thử nuốt một miếng LEGO, để xem mấy ngày nó mới chịu ra khỏi cơ thể

    Nghiên cứu là ý tưởng của tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Andrew Tagg đến từ Đại học Melbourne, Australia. Anh và 5 đồng nghiệp của mình (3 năm, 3 nữ) đã thực hiện 6 thí nghiệm trên chính bản thân họ, mỗi người nuốt một chiếc đầu tượng LEGO và chờ đợi nó đi ra ngoài.

    Trong khoảng thời gian chờ đợi này, cứ mỗi lần đại tiện các bác sĩ đều phải thu thập phân của mình và tìm kiếm chiếc đầu LEGO trong đó. Một vài người đại tiện vào túi nilon để sờ xem có miếng LEGO cứng không. Một số khác đại tiện ra ngoài rồi dùng găng tay, đũa hoặc que đè lưỡi để kiểm tra phân của họ.

    Các nhà nghiên cứu đặt ra một khái niệm gọi là "thời gian tìm kiếm và thu hồi" (Found and Retrieved Time - FART), được tính từ lúc họ nuốt miếng LEGO cho đến khi họ tìm thấy chúng trong phân của mình.

    Sau vài ngày thí nghiệm, 5 bác sĩ đã tìm thấy miếng LEGO. Kết quả FART trung bình là 1,71 ngày. Cho tới tận thời điểm này, chưa có bất kể một nghiên cứu nào tương tự, nên chúng ta có thể tạm coi đó là khoảng thời gian chính xác nhất mà một chiếc đầu LEGO chu du trong đường tiêu hóa của một người trưởng thành.

    "Một vật thể đồ chơi sẽ nhanh chóng đi qua đường tiêu hóa của tình nguyện viên trưởng thành mà không gây ra bất kỳ biến chứng nào", các nhà nghiên cứu viết. Điều này sẽ trấn an các bậc cha mẹ, nhưng họ hi vọng rằng không có phụ huynh nào phải rơi vào trường hợp hi hữu này, những người sẽ phải canh con mình đi vệ sinh để tìm mẩu LEGO sau đó.

    Sự thật là 1 trong 6 bác sĩ đã không tìm thấy miếng LEGO cho tới tận 2 tuần sau đó. Có nghĩa là nó vẫn bị kẹt trong đường tiêu hóa, hoặc là bác sĩ này đã không để ý trong quá trình kiểm tra phân của mình và bỏ sót nó.

    Không nhà nghiên cứu nào biết chắc, nhưng họ đưa ra một dự đoán hóm hỉnh trên blog: "Có lẽ một ngày nào đó sau vài năm nữa, một bác sĩ tiêu hóa thực hiện nội soi đại tràng sẽ nhìn thấy đầu LEGO nhìn chằm chằm vào anh ta".

    Xem 6 bác sĩ nuốt LEGO, nhưng đừng thử điều này ở nhà

    Mặc dù được công bố trên một tạp chí khoa học, nhưng nhiều người vẫn đặt câu hỏi rằng: Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa thực sự nào hay không?

    Các nhà khoa học thừa nhận với cỡ mẫu nhỏ như vậy, mọi người không nên ngoại suy con số 1,7 ngày cho toàn bộ dân số hoặc toàn bộ mọi người trên thế giới. Nghĩa là FART của một người ở Châu Á hoặc Châu Âu có thể khác rất xa FART của các bác sĩ ở Australia. Họ dự đoán khoảng này sẽ rơi vào từ 1-3 ngày.

    Ngoài ra, hầu hết những đối tượng nuốt phải LEGO đều là trẻ em, thường có đường tiêu hóa ngắn hơn, nên con số cũng chỉ mang tính tham khảo chứ không phải ấn định chắc chắn.

    Nếu bạn muốn một tài liệu chuyên sâu hơn để tham khảo khi con mình nuốt phải một dị vật nào đó thì hãy tra cứu ở nghiên cứu này. Trong đó, các nhà khoa học đã tổng hợp lại gần 500 trường hợp trẻ em nuối phải dị vật đường tiêu hóa, chẳng hạn như pin, đồng xu, ghim, ốc vít, nam châm… tại một bệnh viện ở Đài Loan từ năm 2001 đến năm 2015.

    Nghiên cứu cho thấy nếu các dị vật có đường kính lớn hơn 1,95 cm và chiều dài lớn hơn 2,25 cm, chúng nhiều khả năng sẽ ở lại trong hệ tiêu hóa của trẻ hơn 3 ngày. Khoảng hơn một nửa (55,1%) trẻ nuốt phải dị vật sẽ phải chụp X-quang để tìm kiếm nó.

    Sau khi thấy được vị trí của dị vật, khoảng một phần ba (33,1%) bệnh nhi sẽ cần tới thủ thuật nội soi để gắp nó ra ngoài. Kém may mắn hơn, khoảng 2,6% sẽ phải phẫu thuật.

    Ngoài ra, nghiên cứu của các nhà khoa học Anh cũng chỉ ra đồng xu là vật thể mà trẻ em dễ nuốt phải nhất, mặc dù, nó không quá nguy hiểm. Những đồng xu thường tự đi ra ngoài cơ thể mà không gây ra biến chứng nghiêm trọng sau khoảng thời gian từ 3,1 - 5,8 ngày.

    6 bác sĩ thử nuốt một miếng LEGO, để xem mấy ngày con người chúng ta mới chịu bắn nó ra - Ảnh 3.

    "Chúng tôi đã thử với bản thân mình rồi, bạn không cần thử nữa đâu" - một thông điệp từ các nhà khoa học trong nghiên cứu

    Trở lại với nghiên cứu với những miếng LEGO, các nhà nghiên cứu cho biết nó là một dị vật không quá nguy hiểm. "Có rất nhiều người từng vô tình ăn phải những miếng LEGO trong đời, nhưng nó không gây ra tác dụng phụ nào cả", Anecdata, một trong 6 bác sĩ viết trên Twitter.

    Những miếng LEGO này chỉ thực sự nguy hiểm khi nó bị hóc vào đường thở, hơn là khi bạn đã nuốt được chúng vào bụng. Dẫu vậy, các bác sĩ lưu ý mọi người không nên bắt chước họ mà thử nuốt những miếng LEGO. "Xin đừng thử làm điều này tại nhà", họ viết.

    Tham khảo Businessinsider, Gizmodo, Dontforgetthebubbles

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày