6 lý do khiến Alibaba chịu bỏ 1 tỷ USD để chiếm quyền chi phối Lazada

    Tuấn Anh,  

    Việc mua lại phần lớn cổ phần Lazada mang tới rất nhiều lợi ích cho Alibaba.

    Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã thu hút sự chú ý của toàn bộ thị trường Đông Nam Á khi bỏ ra 1 tỷ USD để mua phần lớn cổ phần của cửa hàng trực tuyến được ví như Amazon "clone" của Đông Nam Á.

    Trang thương mại điện tử Lazada được thành lập năm 2012 bởi Rocket Internet của Đức. Giống như nhiều dịch vụ từ Rocket, Lazada lấy ý tưởng từ Amazon của Mỹ và áp dụng vào những thị trường non trẻ của Đông Nam Á. Hiện tại Lazada hoạt động tại nhiều quốc gia, trong đó Singapore là đất nước phát triển tương đối dễ dàng của họ thì Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều là những thị trường gặp khó khăn bởi nhiều rào cản.

    1. Alibaba đã quá mạnh tại Trung Quốc, họ cần tìm thị trường mới nếu muốn mạnh hơn nữa

    Theo báo cáo gần đây nhất của công ty, Alibaba hiện có 407 triệu người mua sắm hoạt động hàng năm trên Taobao và Tmall. Trung Quốc có 785 triệu người dùng internet di động, do đó sự thống trị của Alibaba là điều dễ dàng nhìn thấy. Trong những năm qua, Jack Ma và các cộng sự của mình đã đưa ra nhiều chiến lược để khách hàng quốc tế sử dụng dịch vụ thương mại điện tử mà Alibaba sở hữu thường xuyên hơn.

    Vào cuối năm 2014, Jack Ma cho biết Alibaba có kế hoạch phát triển mạnh thương mại điện tử (TMĐT) tại vùng nông thôn. Họ thực sự hi vọng sẽ mang TMĐT tới các vùng quê Trung Quốc, giúp người dân nông thôn có thể hưởng được "hương vị" của cuộc sống thành phố, đồng thời giúp họ bán được các sản phẩm lên thành phố dễ dàng hơn.

    Dân số Trung Quốc đa phần là tầng lớp trung lưu và đô thị, hiện tại là thị trường TMĐT phát triển rất nhanh chóng. Có được điều này phần nào nhờ vào sự xuất hiện của Jack Ma cùng với Taobao vào năm 2003, dịch vụ từng khiến eBay rút khỏi Trung Quốc.

    Quay trở lại với thương vụ Alibaba và Lazada. Đây không phải lần đầu tiên Alibaba đổ tiền để phát triển ra ngoài Trung Quốc. Công ty này từng bỏ hơn 1 tỷ USD vào startup của Ấn Độ là Paytm (bán lẻ điện thoại và thanh toán trực tuyến) trong năm 2015 thông qua công ty con Financial Ant. Hiện tại Alibaba cũng đứng đầu một quỹ đầu tư giá trị 500 triệu USD tại quốc gia này.

    Việc mua phần lớn cổ phần của Lazada sẽ giúp Alibaba mở rộng hơn nữa ở những thị trường mới. Đây cũng là đợt "vung tiền" lớn nhất ngoài Trung Quốc của Jack Ma.

    2. Đông Nam Á là thị trường phát triển nhanh chóng với tầng lớp trung lưu xuất hiện ngày càng nhiều

    Đông Nam Á có dân số 618 triệu người. Tầng lớp trung lưu của khu vực này hiện tại ước tính ở mức 190 triệu người, với thu nhập trung bình 16 - 100 USD/ngày. Số lượng người trung lưu dự kiến sẽ tăng lên 400 triệu vào năm 2020.

    Sự gia tăng trên sẽ tương đương với lượng người dùng ngày càng tăng cho Alibaba khi họ kiểm soát Lazada, trong đó bao gồm cả người mua hàng và những thương gia bán sản phẩm.

    3. Lazada đã "vững chân" tại Đông Nam Á

    Lazada hiện có mặt tại 6 quốc gia, xứng đáng là "đàn anh" TMĐT trong khu vực, mặc dù tại một số thị trường nó không phải dịch vụ phổ biến nhất.

    Những khách hàng của Lazada đã chi 433 triệu USD trong sáu tháng đầu năm 2015 (dựa vào dữ liệu mới nhất có được từ Rocket), cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách hàng hiện hoạt động là 5,7 triệu, tăng gấp bốn lần từ 1,4 triệu vào giữa năm 2014.

     Ông chủ Lazada - Maximilian Bittner. Ảnh: Lazada.

    Ông chủ Lazada - Maximilian Bittner. Ảnh: Lazada.

    Đây đều là những con số nhỏ so với thị trường mà Alibaba đang nắm giữ tại Trung Quốc, nhưng mức tăng trưởng cao chính là yếu tố hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư nào trong khu vực.

    Lazada bắt đầu hoạt động như một dịch vụ thương mại điện tử với hàng hóa tập kết tại kho riêng, nhưng sau đó phát triển thành thị trường mở với thương nhân nhỏ và các thương hiệu lớn bán trực tiếp hàng cho người dùng - tương tự như Alibaba. Theo thống kê, Lazada hiện có 27.000 thương nhân hoạt động tại 6 quốc gia Đông Nam Á.

    Cha đẻ của Lazada - Rocket Internet đã phát triển một loạt dịch vụ tại Đông Nam Á nhưng không gặp nhiều may mắn, điển hình là thất bại của EasyTaxi khi đối đầu với Uber và Grab. Điều này phần nào cho thấy thị trường Đông Nam Á không hề "dễ ăn" cho dù nguồn vốn rất mạnh. Tuy nhiên với Lazada, Rocket đã "đóng đinh" vững chắc so với các đối thủ trong khu vực.

    4. Lazada đã tìm được cách vượt qua những khó khăn ở thị trường Đông Nam Á

    Phát triển tại Đông Nam Á là quyết định không hề dễ dàng đối với Lazada. Đây là thị trường lớn nhưng hạ tầng phát triển kém. TMĐT cần kết nối internet, thế nhưng tốc độ tại một số quốc gia có thể nói là... "rùa bò", dân số được phân bố không đồng đều và trải dài trên rất nhiều vùng miền. Mỗi quốc gia lại có ngôn ngữ riêng và hàng rào luật, thuế, phương thức thanh toán, thủ tục tông quan,... khác nhau. Tại mỗi nước trong khu vực lại có nhiều startup TMĐT mọc lên để cạnh tranh, họ có nhiều ưu thế bản địa hơn Lazada rất nhiều.

    Tại nhiều khu vực thuộc Đông Nam Á, cơ sở hạ tầng kém hoặc gần như không có cơ sở hạ tầng. Đường giao thông, đường xe lửa đều rất khó khăn khi di chuyển dẫn tới việc chuyển hàng hóa tăng chi phí và tốn kém, không đảm bảo thời gian. Thậm chí, một số nơi chỉ có thể di chuyển tới bằng thuyền.

    Tất cả những yếu tố trên cho thấy một khu vực không hề dễ dàng cho việc phát triển TMĐT. Điều này khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi Lazada quyết định phát triển TMĐT ở 6 quốc gia thuộc Đông Nam Á, khi mà điều kiện cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn.

    Magnus - người đứng đầu Lazada Indonesia cho biết các công ty hậu cần của nước này không thể theo kịp với sự phát triển của Lazada. Đó là lý do tại sao Lazada vốn hoạt động dạng thị trường mở, không có hàng tồn kho nhưng đã phải xây dựng các trung tâm dịch vụ hậu cần để phân phối hàng hóa toàn quốc.

    Điều này lặp lại ở nhiều thị trường, trong đó có cả Việt Nam.

    5. Mua lại dịch vụ có sẵn dễ dàng hơn nhiều so với việc xây dựng mới

    Điều này hiển nhiên đúng, nhất là khi Alibaba đã quen với thị trường Trung Quốc, họ chưa từng gặp những khó khăn như Lazada đã gặp tại Đông Nam Á. Có thể nói rằng toàn bộ khó khăn đã nói phía trên đều xa lại với Jack Ma, nếu như ông quyết định đầu tư mới, mọi thứ sẽ phải làm lại từ đầu.

    Và những chi phí cho việc xây dựng, tìm hiểu 6 thị trường, giải quyết khó khăn cho từng thị trường sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với chi phí 1 tỷ USD mà Alibaba dùng để mua cổ phần Lazada.

    6. Jack Ma có thể giúp thương nhân Trung Quốc "thông quan" vào Đông Nam Á

    Thỏa thuận của Alibaba với Lazada mở ra cơ hội cho các thương nhân Trung Quốc bán hàng cho người mua sắm ở khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, trước đây nếu người dùng muốn mua sản phẩm từ Alibaba đều phải thông qua "con buôn" hoặc chờ đợi thời gian dài để hàng chuyển tới và phải thanh toán từng chi phí hải quan cho món hàng.

    Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, người bán hàng trên Taobao và Tmall sẽ rất vui mừng khi có cơ hội tiếp cận người mua hàng tại những thị trường mới.

    Tham khảo Techinasia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày