7 món đồ sáng tạo bậc nhất một thời nhưng không vượt qua được cái bóng “con nhà người ta”

    Le Min Kop,  

    Có những ý tưởng được ca ngợi như bước tiến của tương lai bỗng ngụp lặn trong cơn cuồng phong cạnh tranh của thị trường để rồi chỉ còn xuất hiện trong các bài học lịch sử.

    Trong thế giới công nghệ siêu cạnh tranh, những câu chuyện thành công có thể định hình cách chúng ta sống, làm việc hoặc vui chơi nhiều năm trời. Nếu tất cả đi đúng theo kế hoạch với lộ trình rõ ràng, chiến lược marketing đúng đắn, gây quỹ, các ý tưởng có thể vượt qua sức cạnh tranh khốc liệt để được người dùng yêu mến.

    Sự kỳ vọng cùng sức cạnh tranh khốc liệt của thị trường khiến nhiều sản phẩm thất bại.
    Sự kỳ vọng cùng sức cạnh tranh khốc liệt của thị trường khiến nhiều sản phẩm thất bại.

    Nhưng nếu thiết bị thất bại, giới chóp bu của công ty phải bù đầu bứt tóc để tìm ra đâu là sai lầm chính. Đôi khi, khác biệt ở góc nhìn cũng đủ nhấn chìm một ý tưởng đầy triển vọng thành đống sắt vụn không hơn không kém. Hãy cùng nhìn lại những thất bại nổi tiếng bậc nhất làng công nghệ để rút ra bài học riêng.

    Betamax

    Đôi khi, cơ hội chỉ đến một lần. Khi Sony giới thiệu máy video gia đình Betamax năm 1975, hãng nhanh chóng đụng độ với đối thủ JVC trên thị trường với dòng sản phẩm sử dụng băng VHS. Điều đáng nói, VHS dù ra sau nhưng khả năng ghi tới 2 giờ, phù hợp với dịch vụ cho thuê phim, trong khi Betamax chỉ hỗ trợ 1 giờ.

    Cùng với việc Sony không cấp phép công nghệ Betamax cho các nhà sản xuất (điều mà JVC đã làm được với VHS), cộng thêm lợi thế về giá của VHS khiến sản phẩm phải nhận thất bại cay đắng. VHS kéo dài chuỗi ngày tháng thành công, còn Betamax trở thành bài học kinh điển trong các cuốn sách kinh doanh.

    Segway

    Ngoại trừ một vài trung tâm thương mại và địa điểm du lịch được trang bị, không mấy ai dùng Segway, phương tiện vận chuyển 2 bánh sử dụng năng lượng điện. Ra mắt năm 2002, chiếc xe này được thổi phồng sẽ lớn mạnh vượt xa cả Internet. Tuy nhiên, sai lầm khi để truyền thông tự do thêu dệt thông tin và mức giá 5.000 USD quá mức chi trả của số đông người dân khiến Segway nhanh chóng nhận trái đắng.

    Đĩa Laser

    Đĩa laser là một trong những chuẩn định dạng video cao cấp đầu tiên được thương mại hóa. Nó cung cấp hình ảnh và âm thanh vượt trội hứa hẹn có thể thay thế tất cả các công nghệ trước đó.

    Thật không may, đĩa laser lại chưa giải quyết được những nhược điểm cố hữu, như kích thước quá nặng và lớn, khó lưu trữ, chỉ lưu dưới 60 phút video mỗi bên và gây ra tiếng ồn khi phát. Như một tất yếu, đĩa laser bị thay thế bởi CD, DVD và BluRay.

    Tivi 3D

    Ngay cả khi ngành công nghiệp giải trí cố gắng mang tới trải nghiệm tốt nhất cũng khó thuyết phục người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Tivi 3D trở thành cơn sốt sau bộ phim bom tấn Avatar, với hy vọng mang cả phòng rạp đa chiều về mỗi gia đình.

    Nhưng việc phải đeo thêm kính 3D cồng kềnh xấu xí khiến trào lưu này nhanh chóng thoái lui. Thay vào đó, màn hình 4K và công nghệ OLED trở thành ưu tiên hàng đầu tại các cửa hàng tivi.

    Xe chạy bằng động cơ hơi nước

    Xe điện đang trở thành xu hướng chung của toàn ngành công nghiệp ô-tô. Còn động cơ xăng đã là “vua đường phố” suốt hơn 1 thế kỷ qua. Nhưng ở thời kỳ đầu, động cơ đốt trong từng bị đe dọa bởi động cơ hơi nước.

    Lúc đó, công nghệ này tỏ ra vượt trội nhờ tính hiệu quả và cho ra những chiếc xe dễ sử dụng. Tuy nhiên, kể từ khi Henry Ford đưa việc sản xuất ô-tô chạy gas thành dây chuyền thì công chúng dần lãng quên xe chạy bằng hơi nước.

    Bộ nhớ bọt từ

    Ngành công nghiệp máy tính trở thành lãnh địa tàn khốc bậc nhất với vô số những ý tưởng đầy sáng tạo được thai nghén nhưng dần bị bóp nghẹt trước sức cạnh tranh dữ dội của thị trường. Thẻ nhớ bọt từ là bộ nhớ được tạo bởi các bọt từ trên nền phim mỏng giống như vị cứu tinh cho toàn ngành lúc bấy giờ.

    Thiết bị có độ bền cao, không cần các bộ phận chuyển động, tháo lắp, khả năng lưu trữ thông tin lớn. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các con chip bộ nhớ RAM động (DRAM) và mức giá thiếu cạnh tranh khiến công nghệ từng một thời “làm mưa làm gió” tụt lại phía sau.

    Đĩa HD DVD

    Cuộc chiến “được ăn cả ngã về không” trong thị trường định dạng luôn tiếp diễn. HD DVD của Toshiba tưởng chừng chiếm ưu thế tuyệt đối về giá và khả năng hỗ trợ bỗng gục ngã trước cú đánh trực diện đến từ chuẩn BluRay được hậu thuẫn bởi Sony.

    Nhờ con bài PlayStation 3, cùng khả năng lưu trữ thông tin lớn và tích hợp bộ mã hóa chống sao chép, BluRay khiến HD DVD chỉ còn được nhắc trong các bài học lịch sử ngành điện tử.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ