7 phát minh thay đổi thế giới bỗng chốc hóa thành thất bại thảm hại

    Neo,  

    Lịch sử nhân loại ghi nhận nhiều sáng tạo, phát minh mang tính đột phá thay đổi cả thế giới. Tuy nhiên, cũng có không ít những phát minh tưởng chừng đột phá nhưng rồi lại mang tới những hậu quả nghiêm trọng.

    Có lẽ những thất bại này đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn vấn đề và có những bước đi đúng đắn hơn.

    1. Khinh khí cầu hydro

    Ngay từ năm 1908, những khinh khí cầu bơm đầy khí hydro, nguyên tố nhẹ nhất trên trái đất và rẻ hơn heli, đã được cất cánh.

    Tuy nhiên, tính dễ cháy của hydro mau chóng biến phát minh này thành thảm họa. Nhiều khinh khí cầu đã bốc cháy trong khi đang bay.

    Thảm họa cháy khinh khí cầu tại Hindenburg năm 1937 dù không phải là trường hợp khinh khí cầu hydro đầu tiên bốc cháy nhưng lại là vụ khủng khiếp nhất. Thảm họa này khiến các nhà sản xuất khinh khí cầu phải vĩnh viễn quay trở lại sử dụng khí heli.

    2. Xăng pha chì

    Từ những năm 1921, các nhà sản xuất đã nghĩ rằng sử dụng xăng pha chì sẽ tăng đáng kể hiệu suất của xe.

    Tuy nhiên, ngay từ năm 1924, đã có những báo cáo cho thấy công nhân tại nhà máy xăng dầu Standard Oil Co. ở New Jersey bị mắc một số bệnh nghề nghiệp. Thực sự, họ đã bị ngộ độc chì.

    Phải tới năm 1975, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ mới nhận thức được các vấn đề về sức khỏe có liên quan tới xăng pha chì. Đến năm 1995, toàn bộ xe hơi được sản xuất ở Mỹ đều được chuyển sang sử dụng xăng không chì.

    3. Concorde

    Lúc mới xuất hiện, Concorde được cho là sẽ trở thành máy bay phản lực của tương lai với khả năng vượt Đại Tây Dương, từ New York tới London, trong vòng chưa đầy 3 tiếng đồng hồ.

    Concorde còn là biểu tượng ngoại giao giữa Pháp và Anh.

    Đáng buồn là Concorde tạo ra tiếng ồn quá lớn, cực kỳ ô nhiễm và tốn nhiên liệu. Ban đầu hãng sản xuất dự tính sản xuất 200 chiếc Concorde nhưng cuối cùng chỉ 14 chiếc được xuất xưởng.

    Năm 2000, một trong những chiếc Concorde này bị rơi ở Pháp sau khi cất cánh thất bại, đánh dấu sự thất bại của Concorde. Năm 2003, dự án này chính thức bị giải tán.

    4. Apple Newton MessagePad

    Bên cạnh những sản phẩm mang tính đột phá, Apple cũng không ít lần thất bại. Chiếc PDA mang mác táo, Newton, đã được các bác sĩ đón nhận nhiệt tình khi nó với ra mắt.

    Tuy nhiên, màn hình của Newton rất khó đọc và công nghệ đằng sau tính năng nhận dạng chữ viết của nó quá đơn giản.

    Người dùng mau chóng nhận ra rằng Newton không thực hiện lời hứa thay đổi cả nền công nghệ. Steve Capps, người đứng đầu bộ phận phát triển giao diện người dùng và phần mềm cho Newton, chia sẻ với Wired trong năm 2013 rằng công nghệ nhận dạng chữ viết chưa hoàn thiện khi Newton được bán ra.

    Newton bị khai tử vào năm 1998.

    5. Microsoft "Clippy"

    Microsoft trình làng kẹp giấy Clippy trong Windows 97 với hy vọng cung cấp cho người dùng một trợ lý ảo. Gã khổng lồ phần mềm hy vọng rằng trợ lý ảo trực quan này sẽ giúp người dùng soạn thảo văn bản tốt hơn và điều hướng quá trình xử lý văn bản của họ.

    Nhưng thực sự thì Clippy đã trở thành kẻ ngáng đường, quấy rầy người dùng khiến công việc của họ bị gián đoạn. Nó thậm chí còn tự động bắt đầu một văn bản mà người dùng không có ý định viết.

    Mặc dù phải đón nhận những phản ứng tiêu cực nhưng Clippy tồn tại tới tận phiên bản phần mềm ra mắt năm 2004 của Microsoft. Nhưng rồi Microsoft cũng nhận ra vấn đề và giải phóng người dùng khỏi sự phiền toái của Clippy.

    6. Zune

    Máy nghe nhạc Zune của Microsoft ra mắt năm 2006 với mục tiêu trở thành đối thủ của Apple iPod. Trong vòng hai năm, Zune rõ ràng không phải đối thủ của iPod khi tạo ra chỉ 85 triệu USD trong quý cuối cùng của năm 2008 trong khi đó iPod tạo ra tới 3,37 tỷ USD.

    Người tiêu dùng thấy rằng iPod là sản phẩm công nghệ tiên phong, cách mạng hóa cách nghe nhạc của thế giới. Zune ra mắt sau iPod 6 năm với tuyên bố là một sản phẩm đột phá nhưng lại chẳng có bất kỳ thông số kỹ thuật cũng như nét thiết kế nào ăn nhập với tuyên bố.

    Kết quả là Zune chìm dần vào quên lãng. Cuối năm 2011, sản phẩm này chính thức bị khai tử.

    7. Segway

    Segway vẫn được sử dụng ở một số nơi, ví dụ như trung tâm thương mại, sân bay. Tuy nhiên, sự hiện diện hạn chế của nó không đúng như tầm nhìn rộng lớn được đưa ra bởi Dean Kamen, sáng lập Segway, trong năm 2001.

    Kamen mạnh dạn tuyên bố rằng phát minh của anh "sẽ xóa sổ xe hơi như những gì xe hơi đã làm với xe ngựa".

    Ban đầu, Segway đặt giá sản phẩm của mình là 3.000 USD và một số mẫu có giá tới 7.000 USD. Nhưng doanh số Segway đã bắt đầu giảm sút vào đầu năm 2002 sau một loạt vấn đề như chất lượng kém, sự nhầm lẫn về mục đích sử dụng của sản phẩm và những cơn ác mộng khi sử dụng trong thực tế. Một số quốc gia phân loại Segway là một phương tiện giao thông, điều này đồng nghĩa với việc người dùng cần có giấy phép mới có thể sử dụng.

    Ninebot, công ty thâu tóm Segway hồi đầu năm nay, mới đây đã hợp tác với Xiaomi để bán một mẫu Segway cỡ nhỏ tại Trung Quốc.

    Theo Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ