Alphabet Q3/2017: doanh thu tăng mạnh, đạt 27,7 tỷ USD nhưng phải trả rất nhiều tiền cho Apple, mảng kinh doanh khác ngoài Google vẫn không khởi sắc

    Truật Xích,  

    Kết quả kinh doanh tuyệt vời là thế nhưng mối quan tâm chính của các nhà đầu tư là chi phí phân phối lưu lượng truy cập của Google (Traffice Acquisitions Costs - TAC), chi phí dành cho các nhà sản xuất điện thoại và trình duyệt cho phép chạy Google Search và quảng cáo

    Alphabet vừa công bố kết quả kinh doanh Quý 3. Doanh thu cả quý tăng lên 27,7 tỷ USD, lợi nhuận đạt 9,57 USD trên mỗi cổ phiếu. Trước đó, các nhà phân tích dự tính doanh thu Alphabet chỉ đạt 27,2 tỷ USD, lợi nhuận 8,33 USD trên mỗi cổ phiếu. Kết quả đầy khích lệ này tới từ quảng cáo tìm kiếm trên di động. Tuy nhiên, Google cũng nhắc nhở các nhà đầu tư rằng chi phí dành cho các đơn vị phân phối sẽ tiếp tục tăng lên (đối tượng được nhắc đến ở đây có lẽ là Apple). Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho mảng phần cứng thiết bị và marketing trong giai đoạn nghỉ lễ cuối năm cũng sẽ tăng theo.

    CFO của Google, bà Ruth Porat cho biết: “Chúng tôi đã có một quý ấn tượng, với doanh thu tăng trưởng 24% theo năm, phản ánh sức mạnh của Google và Other Bets”. Đây là lần đầu tiên CFO của Alphabet nhắc đến mảng Other Bets, không phải mảng kinh doanh từ Google trong buổi họp công bố báo cáo tài chính. Mảng này bao gồm xe tự lái và các lĩnh vực thử nghiệm khác, đang ảnh hưởng nhiều tới chi phí của Alphabet.

     Google phải trả 2,4 tỷ USD cho các đối tác để cài cắm Google Search và quảng cáo

    Google phải trả 2,4 tỷ USD cho các đối tác để cài cắm Google Search và quảng cáo

    Cổ phiếu Alphabet tăng 3% trong phiên giao dịch kế tiếp. Tính ra trong năm nay, cổ phiếu Alphabet đã tăng tới 25%.

    Porat và CEO Google, ông Sundar Pichai nhấn mạnh vị thế vững mạnh của dịch vụ video YouTube và mảng kinh doanh điện toán đám mây. YouTube đạt 100 triệu giờ xem mỗi ngày trong phòng khách, tăng trưởng tới 70% so với năm ngoái. Ông Pichai cũng nhắc tới dịch vụ đăng ký trả tiền theo kỳ của YouTube, nhưng không chia sẻ con số cụ thể.

    Kết quả kinh doanh tuyệt vời là thế nhưng mối quan tâm chính của các nhà đầu tư là chi phí phân phối lưu lượng truy cập của Google (Traffice Acquisitions Costs - TAC), chi phí dành cho các nhà sản xuất điện thoại và trình duyệt cho phép chạy Google Search và quảng cáo. Chi phí TAC dành cho các đối tác, ví dụ như Apple đã tăng tới 54%, đạt 2,4 tỷ USD trong quý 3.

    Porat cho rằng sự tăng trưởng trong chi phí TAC là do sự phổ biến rộng rãi của các thiết bị di động, nơi Google phải trả nhiều hơn để tác động tới việc tìm kiếm và “thỏa thuận hợp tác”. Bà không nói rõ tên các đối tác nhưng cho rằng con số này sẽ còn tăng.

    Trong quý này, 2 vấn đề nổi cộm nhất xuất hiện, đặt câu hỏi cho Google rằng họ có thể giữ được doanh thu, lợi nhuận như thế này trong bao lâu nữa: cuộc chiến về luật với Ủy Ban Châu Âu và sự đầu tư mạnh mẽ cho mảng thiết bị.

     Phần cứng là niềm hy vọng mới của Google

    Phần cứng là niềm hy vọng mới của Google

    Tháng 9, đến kỳ hạn Google phải đáp ứng điều kiện của Ủy ban châu Âu về chống độc quyền trong quảng cáo mua bán. Google đồng ý sẽ chỉnh lại các kết quả tìm kiếm có trả tiền của mình tại châu lục già, và vẫn tiếp tục kháng cáo. Những quảng cáo sản phẩm kiểu như thế này đã giúp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhưng các nhà đầu tư lại quan tâm hơn tới vấn đề phần mềm Android trên các thiết bị di động.

    Cũng trong tháng Chín, Google đồng ý chi trả 1,1 tỷ USD cho 2.000 kỹ sư từ HTC, nhằm thu thập những người có kỹ năng tốt nhất để phát triển mảng điện thoại Pixel. Mảng phần cứng chính là vũ khí quan trọng giúp Google chiến đấu với Apple và Amazon trong thời đại mới. Mặc dù vậy, xây dựng và bán phần cứng đang làm giảm tỷ suất lợi nhuận và đó cũng là thị trường Google đang phải vất vả tranh đấu trong nhiều năm nay.

    Pichai khẳng định thương vụ HTC là “win-win” cho cả 2 công ty. Những kỹ sư phần cứng sắp gia nhập, được cho là “tốt nhất thị trường” sẽ giúp Google thiết kế điện thoại, loa và kính thực tế ảo.

    Tuy nhiên Google không công bố doanh số thực tế của thiết bị. Trong khi đó, Other Revenue, doanh thu tới từ các mảng khác bao gồm cả phần cứng đã tăng trưởng tới 40%, đạt 3,41 tỷ USD. Thế nhưng, Google lại nhắc tới đơn vị điện toán đám mây như nhân tố chính cho thành công này, sau khi ký kết với 2 khách hàng mới: Kohl và PayPay.

    CEO Sundar Pichai cũng nhấn mạnh sự hợp tác với các đơn vị bán lẻ, hình thành liên minh chống lại sự thống trị của Amazon (Amazon vừa công bố doanh thu từ đám mây đạt tới 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái).

    Other Bets, bao gồm mảng kinh doanh xe tự lái, thiết bị thông minh tại gia vẫn tiếp tục lỗ. Nhóm này lỗ tới 812 triệu USD, giảm so với cùng kỳ 2016 (861 triệu USD). Doanh số đạt 302 triệu USD, chủ yếu đến từ Nest và Google Fiber.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ