AMD lấy Ryzen 7 so sánh hiệu năng với i7-6800K: thắng vì "tốt khoe xấu che"

    Master Dùi,  

    Dù hiệu năng vốn đã rất ấn tượng, AMD vẫn tỏ ra khôn khéo khi biết chọn các bài thử có lợi cho mình để trình diễn.

    Trong khuôn khổ sự kiện ra mắt dòng CPU Ryzen 7 của mình, ngoài các thông tin chi tiết, AMD còn tranh thủ trình diễn hiệu năng lý thuyết của thế hệ CPU mới này. Tất cả các bài thử đều được chạy trên các máy tính mạnh mẽ với cấu hình tương đương nhau. Dựa vào tầm giá bán, AMD đã bắt cặp các cuộc đấu hiệu năng CPU lần lượt R7 1800X với i7-6900K, R7 1700X đối đầu với i7-6800K, cuối cùng là R7 1700 và i7-7700K. Các máy tham chiếu đều được đặt ở khu trưng bày để khách tham quan dễ dàng thực mục sở thị.

    AMD không chỉ chiến thắng về giá cả mà còn về hiệu năng, ít nhất là trong 5 video quay các màn so sánh hiệu năng giữa 2 quân đoàn “xanh” và đỏ. Điều này cũng chẳng có gì là lạ khi đây là sự kiện của AMD. Chắc chắn họ sẽ lựa chọn các linh kiện để mang lại hiệu năng tốt nhất, có lợi nhất cho CPU của họ. Chẳng ai lại để CPU của đối thủ thắng trong sự kiện của chính mình, nhất là khi ngày bán ra cũng đang cận kề.

    Battlefield 1
    R7 1800X vs i7-6800K

    Đầu tiên là Battlefield 1 chạy ở độ phân giải 4K với 2 chiếc GeForce Titan X Pascal chạy SLI. Độ phân giải này chắc chắn sẽ khiến GPU phải chạy hết công suất, không có FPS cực cao để thử thách CPU, tuy nhiên sự khác biệt về hiệu năng giữa Ryzen và Core i là không phải không có. Một vấn đề là AMD lại lấy R7 1800X so sánh với Intel Core i7-6800K trong bài thử này trong khi đúng ra phải là i7-6900K. Có thể thấy AMD có phần hơi "ăn gian" trong bài thử này.

    CPU từ Intel chỉ có 6 nhân có giá bán 440 USD phải bắt cặp với CPU Ryzen 8 nhân cùng giá bán 499 USD có vẻ là không được công bằng cho lắm. Bởi vậy, không có gì bất ngờ khi hiệu năng trên cấu hình Ryzen cao hơn một chút so với CPU rẻ nhất của Broadwell-E.

    Sniper Elite 4
    R7-1800X vs i7-6900K

    Tiếp theo là Sniper Elite 4, lần này là 2 chiếc RX 480 chạy CrossFire. Lần này AMD đã chơi công bằng hơn khi so R7 1800X với i7-6900K. AMD đã rất khôn khéo vì các tập lệnh của CPU AMD có xu hướng hỗ trợ CrossFire tốt hơn. Ryzen có hiệu năng cao hơn Broadwell-E trong bài thử này là điều gần như biết trước.

    Nhiều người thắc mắc vì sao các bài thử lại sử dụng độ phân giải 4K. Để thử CPU, 4K là một lựa chọn khá tệ khi nó sẽ khiến GPU chạy hết công suất, không mang lại được FPS cao để CPU có đất diễn. Dù Ryzen tỏ ra khá mạnh mẽ trong các bài thử về game này, nó có thực sự mạnh mẽ như vậy ở tất cả các game hiện hành. Sự thật sẽ sớm được phơi bày vào ngày 2/3 tới nhưng có lẽ sẽ không ấn tượng vì hầu hết các tựa game hiện nay chỉ sử dụng nhiều nhất 4 nhân CPU. Hiện tại chỉ các tựa game DX12 mới tận dụng được sức mạnh của các CPU nhiều nhân.

    OBS
    R7 1700 vs i7-7700K

    Bài thử cuối cùng liên quan đến game là màn so tài giữa R7 1700 và i7-7700K. Với hầu hết người dùng, i7-7700K là quá đủ để chơi game. Tuy nhiên, việc chơi và stream game lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Trong bài thử này, AMD sử dụng OBS để stream Dota 2 lên twitch. Với thiết lập encode bằng CPU, chuẩn x264 và 3500 kbps bitrate, CPU của AMD mang lại hiệu năng khá hơn khi có số FPS ổn định trong khi i7-7700K thường xuất hiện giật và giảm FPS.

    Liệu đây có phải là một phép so sánh công bằng? Có lẽ là không vì hầu hết các streamer thường chọn encode bằng GPU. Tuy nhiên, nếu muốn có chất lượng stream tốt nhất, CPU vẫn là lựa chọn hơn cả. Khá nhiều streamer chuyên nghiệp thậm chí còn có một máy tính thứ 2 để encode. Tất nhiên, một CPU 6 nhân 12 luồng hoặc hơn sẽ thừa sức cân cả game lẫn encode cùng lúc mà không bị giảm FPS.

    Mega-tasking
    R7 1700X vs i7-6800K

    Sau các bài thử về game, AMD chuyển sang bài thử về khả năng mega-tasking, siêu đa nhiệm. Trong video là 3 tác vụ sử dụng nhiều CPU chạy cùng lúc, bao gồm Blender, HandBrake và Optane 2.0 trên trình duyệt Chrome. Mục đích của bài thử là để đo thời gian mà máy cần để hoàn thành tất cả các tác vụ. R7 1700X cán đích trong 92 giây còn i7-6800K mất tới 112,3 giây.

    Excel
    R7 1700 vs i7-7700K

    Cuối cùng là bài thử Excel. Nhiều người sẽ nghĩ Excel hay các phần mềm văn phòng không cần đến CPU mạnh. Điều này là khá sai lầm với những file Excel phức tạp cùng dung lượng lớn. Bài thử sử dụng một đoạn lệnh macro để tạo ra một loạt các đồ thị. Kết quả chẳng có gì bất ngờ khi R7 1700 hoàn thành tác vụ với 23 giây trong khi i7-7700K cần tới 27 giây.

    Gì thì gì, đây vẫn là sân khấu của AMD nên chẳng có gì lạ lùng khi các CPU Ryzen đánh bại đối thủ ở cả 5 bài thử. Tốt khoe xấu che là điều mà gần như ai cũng làm. Cũng vì sự “vô tình” so sánh một cách khá bất công, nhiều người tỏ ra hoài nghi về hiệu năng trong môi trường sử dụng thực tế của Ryzen. Dù không có thể chưa thần thánh như lời quảng cáo, Ryzen vẫn là một bước nhảy vọt về hiệu năng của các CPU và APU AMD so với thế hệ tiền nhiệm.

    Không những thế, với việc tăng 52% chỉ số IPC, vượt chỉ tiêu 12%, chúng ta có thể thấy nỗ lực của AMD đã được đền đáp. Dù có thể hiệu năng vẫn còn thua kém đôi chút, giá bán của Ryzen vẫn là quá hấp dẫn so với mức hiệu năng mang lại. Không ai khác chính người dùng sẽ là người được hưởng lợi khi AMD phả hơi nóng vào gáy Intel. Thiếu vắng sự cạnh tranh suốt nhiều năm đã khiến Intel ngủ quên trên chiến thắng. 2017 và vài năm tới chắc chắn sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa 2 đại gia chip bán dẫn này.

    Tham khảo PCWorld

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày