Ấn Độ ‘vỡ oà’ trong niềm vui khi tàu vũ trụ hạ cánh thành công lên Mặt Trăng

    Hải Vân, Báo Tin Tức 

    Hôm 23/8, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã hạ cánh thành công xuống cực Nam, nơi chưa được khám phá của Mặt Trăng, đánh dấu bước tiến lịch sử trong sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng.

    Theo hãng tin Reuters (Anh), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - người đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi, đã theo dõi sự kiện này trực tuyến. Vẫy lá quốc kỳ khi chứng kiến màn hạ cánh lịch sử của tàu Chandrayaan-3, ông vui mừng chia sẻ với toàn thế giới: “Khoảnh khắc này thật khó quên. Thật phi thường. Đây là tiếng reo hò chiến thắng của một Ấn Độ mới!”.

    Ấn Độ ‘vỡ oà’ trong niềm vui khi tàu vũ trụ hạ cánh thành công lên Mặt Trăng - Ảnh 1.

    Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trực tiếp theo dõi và chúc mừng cú hạ cánh thành công của tàu Chandrayaan-3. Ảnh: DW

    Từ New Delhi, các nhà khoa học và quan chức cũng có cảm xúc tương tự. Họ vỗ tay, cổ vũ và ôm chầm lấy nhau khi tàu vũ trụ của Ấn Độ hạ cánh thành công. Ông S. Somanath, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) chia sẻ: “Ấn Độ hiện đã ở trên Mặt Trăng”.

    Trên khắp đất nước, người dân hân hoan ăn mừng, đốt pháo và nhảy múa trên đường phố.

    Ấn Độ ‘vỡ oà’ trong niềm vui khi tàu vũ trụ hạ cánh thành công lên Mặt Trăng - Ảnh 2.

    Người dân vui mừng khi xem buổi phát trực tiếp cảnh tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh xuống Mặt Trăng. Ảnh: Reuters

    Ấn Độ ‘vỡ oà’ trong niềm vui khi tàu vũ trụ hạ cánh thành công lên Mặt Trăng - Ảnh 3.

    Người đàn ông Ấn Độ cầm quốc kỳ nước này và mô hình tên lửa LVM3-M4 mang theo tàu đổ bộ Chandrayaan-3. Ảnh: Reuters

    Trước khi tàu vũ trụ hạ cánh, người dân trên khắp Ấn Độ đã tụ tập trước màn hình tivi lớn. Gần 7 triệu người đã xem buổi phát trực tiếp trên YouTube.

    Ít nhất 500 người đã tập trung trong khán phòng và bên ngoài Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ ở New Delhi, nơi phát trực tiếp hình ảnh tàu đổ bộ Chandrayaan-3 đáp xuống bề mặt Mặt Trăng, để chứng kiến thời khắc lịch sử này.

    Ấn Độ ‘vỡ oà’ trong niềm vui khi tàu vũ trụ hạ cánh thành công lên Mặt Trăng - Ảnh 4.

    Người dân theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh trên Mặt Trăng, bên trong khán phòng ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

    Ông Rahul Gandhi, một nghị sĩ của Ấn Độ bày tỏ sự kiện tàu Chandrayaan-3 đáp xuống cực Nam Mặt trăng - nơi chưa có tàu vũ trụ nào từng đến, là kết quả của nhiều thập kỷ làm việc chăm chỉ, khéo léo của cộng đồng khoa học Ấn Độ. Kể từ năm 1962, chương trình không gian của Ấn Độ đã tiếp tục mở rộng quy mô lên tầm cao mới và truyền cảm hứng cho ước mơ của thế hệ trẻ.

    Màn hạ cánh lịch sử của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh thành công tàu vũ trụ lên Mặt Trăng - sau Mỹ, Trung Quốc và Nga.

    Sau khoảnh khắc lịch sử này, Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos đã gửi lời chúc mừng thành công của Ấn Độ.

    “Roscosmos chúc mừng các đồng nghiệp Ấn Độ đã hạ cánh thành công tàu vũ trụ Chandrayaan-3. Việc khám phá Mặt Trăng vô cùng quan trọng đối với toàn nhân loại. Trong tương lai, hoạt động này có thể trở thành nền tảng cho sứ mệnh khám phá không gian sâu”, Roscosmos viết trong một bài đăng trên kênh Telegram.

    Trong đoạn video được Bộ Ngoại giao Nga chia sẻ tại hội nghị thượng đỉnh BRICS, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng đã chúc mừng người đồng cấp Ấn Độ trong cuộc gặp song phương.

    Ấn Độ ‘vỡ oà’ trong niềm vui khi tàu vũ trụ hạ cánh thành công lên Mặt Trăng - Ảnh 5.

    Tàu đổ bộ Mặt trăng Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã đến quỹ đạo mặt trăng vào ngày 5/8. Ảnh: Reuters

    Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson, chia sẻ: “Xin chúc mừng tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của ISRO đã hạ cánh thành công xuống cực Nam Mặt Trăng! Xin chúc mừng Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 4 hạ cánh mềm thành công tàu vũ trụ trên Mặt Trăng. Chúng tôi rất vui khi được trở thành đối tác của các bạn trong sứ mệnh này!”.

    Giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) Josef Aschbacher, bình luận: “Thật đáng kinh ngạc! Xin chúc mừng ISRO, Chandrayaan-3 và tất cả người dân Ấn Độ! Đây là cách để trình diễn công nghệ mới và giúp Ấn Độ lần đầu hạ cánh mềm trên một thiên thể khác. Tôi thực sự ấn tượng!”.

    Trước đó, các phương tiện truyền thông của Ấn Độ cũng hồi hộp đếm ngược đến thời điểm tàu Chandrayaan-3 hạ cánh. Các buổi cầu nguyện trước sứ mệnh không gian lịch sử đã được tổ chức khắp nơi trên đất nước.

    Ấn Độ ‘vỡ oà’ trong niềm vui khi tàu vũ trụ hạ cánh thành công lên Mặt Trăng - Ảnh 6.

    Người dân thực hiện nghi lễ havan - nghi lễ đốt lửa truyền thống của đạo Hindu để cầu nguyện cho tàu vũ trụ Chandrayaan-3 hạ cánh an toàn trên Mặt Trăng, ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

    Trẻ em đã tụ tập bên bờ sông Ganga, nơi được coi là thánh địa của người theo đạo Hindu, để cầu nguyện cho màn hạ cánh an toàn. Các nhà thờ Hồi giáo cũng dâng lời cầu nguyện cho tàu vũ trụ đổ bộ Mặt Trăng thành công.

    Tại một ngôi đền của đạo Sikh, còn được gọi là Gurduwara ở thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Dầu khí Hardeep Singh Puri cũng đến cầu nguyện. Ông Puri nói: “Không chỉ kinh tế, Ấn Độ cũng đang đạt được tiến bộ về khoa học và công nghệ”.

    Ấn Độ ‘vỡ oà’ trong niềm vui khi tàu vũ trụ hạ cánh thành công lên Mặt Trăng - Ảnh 7.

    Người dân thực hiện nghi lễ havan. Ảnh: Reuters

    Tàu vũ trụ của Ấn Độ đã đến gần cực Nam của Mặt Trăng hơn bất cứ tàu thám hiểm vũ trụ nào trong lịch sử. Vùng cực Nam của Mặt trăng được coi là khu vực mang lại lợi ích quan trọng cả về chiến lược và khoa học đối với mọi quốc gia tham gia sứ mệnh du hành vũ trụ.

    Với cuộc đổ bộ này, Chandrayaan-3 dự kiến duy trì hoạt động trong 2 tuần, thực hiện một loạt thí nghiệm - bao gồm phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất của bề mặt Mặt Trăng.

    Các nhà khoa học cho rằng đây là khu vực có nước đóng băng. Nếu tồn tại với số lượng đủ, nước đóng băng có thể làm nguồn nước uống phục vụ sứ mệnh khám phá Mặt Trăng và giúp làm mát thiết bị. Nước đóng băng cũng có thể được phân hủy để tạo ra hydro làm nhiên liệu và ôxy để thở, hỗ trợ các sứ mệnh lên Sao Hỏa hoặc khai thác tài nguyên của Mặt Trăng trong tương lai.

    Ông Carla Filotico, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn SpaceTec Partners cho biết:

    “Hạ cánh xuống cực Nam thực sự sẽ cho phép Ấn Độ khám phá liệu có nước đóng băng trên Mặt Trăng hay không. Điều này rất quan trọng đối với dữ liệu và khoa học địa chất của Mặt Trăng”.

    Giám đốc ISRO nhấn mạnh cuộc đổ bộ này đã mang lại cho Ấn Độ sự tự tin để mở rộng mục tiêu đến các chuyến du hành tới Sao Hỏa và Sao Kim.

    Theo vị quan chức này, Ấn Độ cũng đang có kế hoạch khởi động một sứ mệnh khác vào tháng 9 để nghiên cứu Mặt Trời. Quốc gia này cũng đã dự định khởi động chuyến bay vào vũ trụ có người lái dù chưa tiết lộ ngày chính thức. Giới chức cho biết quá trình chuẩn bị có thể sẽ sẵn sàng vào năm 2024.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ