Android: Ranh giới mong manh của phân mảnh và sự đa dạng

    H.A,  

    Android là một bức tranh rộng lớn và sinh động của ngành công nghiệp di động.

    Trong số các hệ điều hành di động phổ biến hiện nay thì Android là nền tảng mở và cung cấp nhiều sự tùy biến hơn cả đặc biệt là giao diện người dùng. Đúng như vậy, mỗi thiết bị Android có thể dễ dàng cài đặt nhiều giao diện sinh động khác nhau “không đụng hàng”. Như một xu thế chung, mỗi OEM của Google cũng mang đến nhiều phiên bản giao diện người dùng rất tuyệt vời.

    Android OS: Ranh giới mong manh của phân mảnh và sự đa dạng
     

    Nhiều người thích những trải nghiệm giao diện “sạch sẽ” và đơn giản của Android gốc nhưng những giao diện người dùng giàu tính năng như Sense của HTC, TouchWiz của Samsung hay Optimus của LG đều thể hiện được giá trị riêng trong con mắt của người dùng.

    Nhiều loại giao diện tùy biến không làm phân mảnh Android?

    Tại sao Android đã nhanh chóng phát triển và vươn lên trở thành nền tảng hệ điều hành di động số một hiện nay. Đó là vì chiến lược phát triển phủ rộng hết mức có thể như một loại vi-rút của Google. Hãng khổng lồ tìm kiếm không quan tâm tới phí bản quyền hệ điều hành như Microsoft, Android là miễn phí và Google sẵn sàng hỗ trợ mọi đối tác muốn sản xuất thiết bị chạy hệ điều hành này. Những sản phẩm cao cấp, trung cấp hay thậm chí giá rẻ đều có thể chạy Android. Sự phân mảnh là không thể tránh khỏi so với những hệ điều hành khép kín như Windows Phone hay iOS. Tuy nhiên, nó cũng góp phần tạo nên sự đa dạng cho Android và nhờ đó thích hợp với nhiều đối tượng người dùng khác nhau.

    Android OS: Ranh giới mong manh của phân mảnh và sự đa dạng
     

    Tại CES 2012, Chủ tịch Eric Schmidt của Google đã đính chính khi được hỏi về tình trạng có rất nhiều OEM tham gia vào việc tùy biến Android: “Điều này làm nên sự đa dạng giữa các máy Android, không phải phân chia hay tách biệt”. Theo ông, "đa dạng" là một từ mang nghĩa tích cực, trong khi "phân mảnh" là từ tiêu cực. "Đa dạng có nghĩa bạn có quyền lựa chọn, và những nhà sản xuất điện thoại sẽ quyết định tạo ra thiết bị theo hướng đột phá của riêng mình, đồng thời luôn chứng minh và thuyết phục bạn rằng sản phẩm của họ là tốt nhất".

    Định nghĩa về "phân mảnh", ông Schmidt cho ví dụ về ứng dụng có thể chạy trên thiết bị này nhưng không hoạt động trên thiết bị khác. Sự đa dạng thiết bị có được do sự phong phú từ thiết kế và giao diện mà các nhà sản xuất thiết bị tạo riêng cho hệ điều hành Android: "Chúng tôi hoàn toàn cho phép các đơn vị này thêm bớt, thay đổi giao diện người dùng, miễn sao họ không làm ảnh hưởng tới nền tảng và các ứng dụng, đồng thời xem đấy là cách để cho khách hàng có thêm nhiều lựa chọn".

    Trong khi khách hàng của iPhone đều có chung trải nghiệm về giao diện, Schimdt lại cho rằng Android không cần phải như vậy: "Chẳng ai yêu cầu mọi người phải dùng chung giao diện. Ai cũng được thoải mái để tạo nên sự thay đổi của riêng mình".

    Android OS: Ranh giới mong manh của phân mảnh và sự đa dạng
     

    Lập luận của Eric Schmidt luôn nhấn mạnh rằng Android là một nền tảng có lợi thế hơn cả. Như đã nói ở phần trên, bạn là người thích sự đơn giản, tinh khiết và nguyên gốc, các thiết bị Nexus là sự lựa chọn hàng đầu. Trong khi đó TouchWiz sẽ cung cấp một bộ khung phần mềm thông minh khá toàn diện, hay Sense 5.0 hiện nay thì vô cùng mượt mà.

    Các OEM đã chứng minh rằng, ngay cả khi giao diện tùy biến của họ vô cùng khác biệt với giao diện gốc thì người dùng vẫn nồng nhiệt đón nhận nó. Điển hình là dòng tablet Kindle Fire của Amazon. Mặc dù, Amazon phát triển gần như bộ khung phần mềm và kho ứng dụng riêng với Google nhưng thành công của hãng là không thể phủ nhận. Trong quý I/2013, Amazon là công ty sản xuất tablet đứng thứ 4 thế giới sau Apple, Samsung và Asus.

    Sự đa dạng của Android còn được nhân lên gấp nhiều lần với vô số các bản rom cook dành cho các dòng máy khác nhau, người dùng hoàn toàn có thể tự chỉnh sửa để tạo ra các bản rom hợp ý mình.

    Không thể phủ nhận nhiều người luôn phàn nàn về việc tình trạng phân mảnh ở Android là không tốt. Nhưng nếu xem xét kỹ chúng ta cũng dễ nhầm lẫn giữa những mặt hại và điểm tích cực mà nó mang lại.

    Điểm tích cực

    Nếu bạn đã xem xét phần trên của bài viết thì có thể thấy rằng việc nhiều OEM tham gia vào thị trường Android với đủ chủng loại thiết bị kích thước, cấu hình khác nhau đem lại cho người dùng rất nhiều sự lựa chọn. Với điện thoại iPhone 5, bạn cho rằng kích thước màn hình 4 inch là “hoàn hảo” nhưng sẽ có người bác bỏ, vì đơn giản họ thích sử dụng điện thoại màn hình lớn. Vấn đề này sẽ không còn là chuyện to tát với Android, bạn có thể mặc sức chọn lựa sản phẩm phù hợp với mình cả về tầm giá và kích cỡ.

    Android OS: Ranh giới mong manh của phân mảnh và sự đa dạng
     

    Còn trả lời về việc các thiết bị cũ sẽ vẫn mãi là “đồ cổ” khi rất lâu mới nhận được các bản cập nhật hệ điều hành, Google khẳng định các thiết bị cũ vẫn có thể chạy được hệ điều hành mới hơn nhưng phần cứng đó lại không thể đáp ứng được các ứng dụng đi kèm. Do đó, nếu thuộc giới hạn về phần cứng thì người dùng có lẽ chỉ còn biết chấp nhận.

    Mặt khác, chúng ta cũng phải chấp nhận thêm một thực tế nữa là khi sử dụng Android, vấn đề “Bloatware” là không thể tránh khỏi. Nếu suy nghĩ theo hướng tích cực thì đó lại tạo nên một sự đa dạng cho nền tảng này. Bloatware là thuật ngữ sử dụng trong cả lĩnh vực máy tính và điện thoại di động. Hiểu một cách đơn giản, bloatware là những ứng dụng được bổ sung cho thiết bị do nhà sản xuất thiết bị đó đưa vào cùng với hệ điều hành. Vì là phần mềm nên bloatware không gây hại gì cho thiết bị cũng như dữ liệu của người dùng, ngoại trừ việc bloatware chiếm dụng bộ nhớ lưu trữ, bộ nhớ RAM khi chạy và có thể làm máy chạy chậm hơn.

    Đơn cử trên Galaxy S4, chúng ta có thể sở hữu rất nhiều ứng dụng “không đụng hàng” với bất cứ nhà sản xuất nào như S Health, S Voice, ChatON hay Group Play. Còn trên HTC One là HTC Zoe, BoomSound và BlinkFeed. Những tiện ích đi kèm này ngoài việc hỗ trợ cho người dùng còn là một phần trong chiến lược marketing và tạo nên bản sắc riêng của từng nhà sản xuất, từng thiết bị cụ thể.

    Tác hại của phân mảnh trên Android

    Sự đa dạng về phần cứng không hẳn đã bị coi là phân mảnh. Nhưng sự phân mảnh thực sự nằm ở đâu? Câu trả lời đó là khả năng hỗ trợ hệ điều hành và ứng dụng.

    Android OS: Ranh giới mong manh của phân mảnh và sự đa dạng
     

    Phân mảnh ở Android bị gây ra bởi hai yếu tố chính: Thứ nhất là việc cập nhật các phiên bản hệ điều hành mới diễn ra không đồng bộ. Các thiết bị có thể phải chờ rất lâu hoặc thậm chí không bao giờ để được nâng cấp phần mềm. Thứ hai, các ứng dụng Android hoạt động không thống nhất trên nhiều thiết bị, ứng dụng có thể chạy được trên thiết bị này nhưng lại không thể hoạt động trên thiết bị kia hoặc nhiều ứng dụng hiện nay cũng chưa hỗ trợ độ phân giải màn hình Full HD (dẫn đến tình trạng ứng dụng chỉ hiển thị hết một phần của màn hình).

    Bạn đừng đổ lỗi cho phần cứng là nguyên nhân chính gây nên phân mảnh. Nó chỉ là một vế nhỏ của câu chuyện. Chính vì vậy, hiện nay giải pháp mà Google đưa ra không phải là quy chuẩn bắt các OEM phải sử dụng một hệ thống phần cứng chuẩn chung thống nhất. Thiết kế cấu hình ra sao là quyền của các OEM. Còn về phần Google, họ sẽ tung ra các công cụ lập trình ứng dụng mới hơn cho phép lập trình viên phát triển ứng dụng tương thích đa nền tảng, đa cấu hình. Đây mới chính là bước đi khôn ngoan để giảm bớt tình trạng phân mảnh.

    Kết luận

    Quả thực ranh giới giữa phân mảnh và sự đa dạng của hệ điều hành Android là rất mong manh. Tuy nhiên, theo đuổi chiến lước mang smartphone đến với tất cả mọi người, Google sẵn sàng chấp nhận “mang tiếng” là một hệ điều hành “đầy rẫy” phân mảnh. Nhưng từ đó chúng ta lại tìm ra những điểm sang mà những nền tảng như iOS hay Windows Phone còn rất hạn chế.

    Android OS: Ranh giới mong manh của phân mảnh và sự đa dạng
     

    Những động thái mới của gã khổng lồ tìm kiếm tại Google I/O 2013 được tin là sẽ giúp Android trở nên thống nhất hơn, chủ yếu là ở khía cạnh phần mềm còn phần cứng sẽ vẫn là sự phát triển đa dạng với tốc độ chóng mặt. Người dùng vẫn sẽ tự biết chọn cho mình nền tảng tốt và phù hợp nhất với bản thân và sự thành công của Android đã cho thấy Google vẫn đang đi đúng hướng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày