Anh rời khỏi EU là thảm họa với giới khoa học

    Kuroe,  

    Việc tách khỏi EU có thể sẽ giúp Vương quốc Anh giải quyết các vấn đề về dòng người nhập cư, nhưng rất có thể sẽ phải đánh đổi bằng sự phát triển của ngành nghiên cứu khoa học.

    Vậy là chỉ cách đây vài giờ đồng hồ, kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh có rời khỏi Liên minh Châu Âu EU hay không đã được công bố - với phần thắng thuộc về phe Brexit, ủng hộ việc Anh tách khỏi EU.

    Với việc kết quả chênh lệch giữa 2 phe là 48,1% và 51,9%, rõ ràng không phải ai cũng cảm thấy hài lòng với quyết định này - đặc biệt là những nhà nghiên cứu tại Anh. Họ cảm thấy, việc rời khỏi Liên minh Châu Âu là một mối đe dọa nghiêm trọng tới nguồn quỹ cho các hoạt động phát triển khoa học. Trên thực tế, một cuộc thăm dò được thực hiện trước đây cho thấy, 83% các nhà khoa học Anh phản đối quyết định này.

    Hồi tháng Ba vừa rồi, 159 thành viên Hội đồng Hoàng gia tại trường Đại học Cambridge cho rằng, Brexit "là một thảm họa đối với cộng đồng khoa học Anh", bởi lẽ điều này khi được thông qua sẽ khiến các nhà khoa học trẻ không thể tự do đi lại và nghiên cứu tại các quốc gia châu Âu như trước nữa.

    Một báo cáo khác do Viện Quý tộc Anh đưa ra vào tháng Tư cho biết "Đại đa số các thành viên trong cộng đồng khoa học tại Vương quốc Anh phản đối Brexit". Nguyên nhân một phần bởi Liên minh Châu Âu từ xưa đến nay tài trợ rất nhiều tiền cho các nghiên cứu khoa học và công nghệ cho các nước thành viên, với nguồn quỹ lên tới 74,8 tỉ Euro từ năm 2014 đến năm 2020.

     Hôm nay, Vương quốc Anh quyết định sẽ tách khỏi EU

    Hôm nay, Vương quốc Anh quyết định sẽ tách khỏi EU

    Đối lập với quan điểm này, những người ủng hộ phe Brexit cho rằng: "Hãy sử dụng tiền thuế của người dân Anh để phục vụ nghiên cứu".

    Nhưng kể cả như vậy, các nhà khoa học vẫn tin rằng việc rời khỏi EU sẽ khiến họ chịu thiệt hại rất nhiều. Bởi lẽ, Vương quốc Anh hàng năm nghiên cứu và đưa ra tới 16% báo cáo có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, do đó các đề xuất trợ cấp nghiên cứu được đưa ra ở Brussel thu về được rất nhiều tiền tài trợ. Trong khoảng tời gian từ năm 2007 đến năm 2013, Anh đóng góp cho quỹ nghiên cứu của Liên minh Châu Âu 5,4 tỉ Euro, và thu lại được 8,8 tỉ Euro tiền tài trợ cho các dư án.

    Số tiền này chiếm tới 1/4 của quỹ nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm tại Vương quốc Anh, và còn tăng dần lên trong nhiều năm trở lại đây. Với việc Brexit được thông qua, số tiền quỹ bị cắt giảm có thể sẽ kéo theo sự tụt hậu của nhiều lĩnh vực nghiên cứu vốn là chủ lực của Anh.

    "Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ nằm ở tiền tài trợ" - ông Mike Galsworthy, một nhà nghiên cứu sức khỏe tại Đại học London cho biết. "EU khuyến khích việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu". Việc tài trợ cho các dự án nghiên cứu góp phần thúc đẩy các mối tương tác khoa học bên trong Liên minh Châu Âu - hầu hết các chương trình nghiên cứu khi muốn xin tài trợ đều cần có đối tác từ các quốc gia EU khác. Điều này khá dễ hiểu, bởi sự hợp tác quốc tế sẽ gớp phần tăng cao chất lượng cũng như tầm ảnh hưởng của các nghiên cứu.

    Đối lập với quan điểm này, những người theo phe Brexit cho rằng, Vương quốc Anh vẫn có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu của EU, với danh nghĩa của một "thỏa thuận liên kết". Một vài quốc gia không thuộc Liên minh Châu Âu như Na Uy và Tunisia cũng đã chọn phương án này. Nhưng đặt trong địa vị của một quốc gia mạnh về nghiên cứu khoa học như Anh, liệu có khả thi?

    Trong lúc chờ đợi câu trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy nhìn sang trường hợp của Thụy Sĩ - một quốc gia này không nằm trong Liên minh Châu Âu. Năm 2004 người dân Thụy Sĩ được EU cho phép tự do đi lại trong lãnh thổ châu Âu, một phần để phục vụ cho các dự án hợp tác nghiên cứu. Năm 2014, dưới áp lực của cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu, một cuộc bỏ phiếu tại quốc gia này đã diễn ra với kết quả 50,3 % người dân Thụy Sĩ muốn hạn chế dòng người nhập cư tại châu Âu - kéo theo việc thương lượng lại các khía cạnh quan trọng của Hiệp định đi lại tự do giữa hai bên. Ở thời điểm đó, không ai nghĩ đến những ảnh hưởng của quyết định này đối với giới khoa học.

    Năm 2014, Thụy Sĩ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm hạn chế dòng người nhập cư từ EU
    Năm 2014, Thụy Sĩ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nhằm hạn chế dòng người nhập cư từ EU

    Nhưng rồi, điều gì phải đến cũng đã đến, số lượng sinh viên Thụy Sĩ tham gia vào chương trình trao đổi sinh viên của trường Đại học Erasmus - vốn là lựa chọn hàng đầu của các sinh viên ngành nghiên cứu - giảm dần. Đi kèm theo đó, trợ cấp cho các hoạt động nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm của Thụy Sĩ cũng giảm dần. Brussels đồng ý cung cấp cho Thụy Sĩ "thỏa thuận liên kết tạm thời", nhưng chỉ là vừa đủ để tham gia vào các hoạt động nghiên cứu cơ bản.

    Điều này sẽ kết thúc vào tháng Hai tới, tuy nhiên bên phía EU cho biết, muốn có được thỏa thuận liên kết toàn diện, thì Thụy Sĩ, cũng giống như Na Uy, phải đồng ý cho phép các thành viên của EU quyền tự do đi lại - tức mọi chuyện lại trở về với vạch xuất phát ban đầu. Nếu không đồng ý, Thụy Sĩ sẽ phải tìm cách khác để tham gia vào các dự án nghiên cứu tại Liên minh Châu Âu.

    "Chẳng có lý do gì để tin rằng Vương quốc Anh sẽ tránh việc cùng chung số phận với Thụy Sĩ" - bà Athene Donald, đến từ phòng thí nghiệm Cavendish của Cambridge cho hay. Để có được thỏa thuận liên kết toàn diện và xin trợ cấp nghiên cứu từ EU, Anh sẽ cần phải đồng ý với thỏa thuận tự do đi lại giữa hai bên - điều mà phe Brexit kịch liệt phản đối.

    Và, các dự án nghiên cứu do EU tài trợ sẽ còn tốn kém hơn nữa. Các quốc gia thành viên đóng góp vào quỹ nghiên cứu của Liên minh Châu Âu, và sau đấy cạnh tranh bằng các dự án khoa học. Điều này đòi hỏi phải có sự quản lý toàn diện, và các quốc gia không phải thành viên sẽ phải chịu chi phí cao hơn tới 20% cho các dự án hợp tác. Ngoài ra, do Anh không còn là thành viên của EU nữa, nên quốc gia này cũng mất luôn quyền được cùng quyết định xem, dòng tiền tài trợ sẽ đổ vào đâu.

    Và những tác động kinh tế của việc không được tham gia vào các dự án nghiên cứu do EU tài trợ, đến nay vẫn còn tồn tại ở Thụy Sĩ. Một thống kê hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, chỉ còn 21% cử tri Thụy Sĩ cho rằng, tự do đi lại trong khối Liên minh Châu Âu là điều không tốt. Và, các nhà vận động tại quốc gia này đang dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới trong thời gian tới.

    Cuối cùng, quyết định rời khỏi EU của Anh thực sự là quyết định khiến kẻ cười, người khóc
    Cuối cùng, quyết định rời khỏi EU của Anh thực sự là quyết định khiến "kẻ cười, người khóc"

    Ông Karlheinz Meier, đến từ trường Đại học Heidelberg, Đức, là một thành viên của Human Brain Project - dự án nghiên cứu có trụ sở đặt tại Heidelberg và thành phố Manchester. Ông cho rằng, kể cả khi Anh tách ra khỏi Liên minh Châu Âu, các nhà khoa học tại quốc gia này vẫn sẽ có cách để tiếp tục tham gia vào dự án. "Họ sẽ không từ bỏ việc hợp tác nghiên cứu với Liên minh Châu Âu. Nếu thế thật thì điên quá."

    Nói vậy thôi, chứ người Anh có rất ít lựa chọn trong vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh George Osborne cho biết, ông sẽ phải cắt giảm chi tiêu công để thanh toán các chi phí của Brexit - dự kiến sẽ lên tới 100 tỉ USD vào năm 2020. Trong đó, bao gồm cả ngân sách cho chăm sóc sức khỏe - nguồn quỹ mà từ xưa đến nay không ai muốn cắt giảm cả. Và giới khoa học, đương nhiên sẽ còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

    Các công ty công nghệ cao của Anh, như Rolls-Royce và BT, đều lên tiếng phản đối Brexit. Điều tương tự cũng diễn ra với Coadec - một liên minh start up công nghệ tại xứ sở sương mù. Tất cả những gì họ cần là quyền tự do đi lại - đặc biệt là với các lập trình viên.

    Các chuyên viên nghiên cứu phát triển đã lên tiếng trình bày rõ quan điểm của mình tại Viên Quý tộc Anh. Liên minh Châu Âu đang nắm trong tay các thí nghiệm cao cấp về năng lượng từ tính hợp hạch. Trong khi đó, lò phản ứng JET đặt tại Anh lại giúp cho các nhà khoa học của quốc gia này lợi thế rõ ràng về mặt công nghệ. Và giai đoạn tiếp theo của dự án - lò phản ứng ITER đặt tại Pháp, nếu như có thể tạo ra được năng lượng hợp hạch, thì điều này cũng sẽ rất, rất lâu nếu không có sự hỗ trợ của Anh Quốc. Và thế là, ai ai cũng đều chịu thiệt.

    Quỹ sáng kiến phát triển dược phẩm của Liên minh Châu Âu - trị giá 3,3 tỉ Euro - không đồng ý tài trợ cho Thụy Sĩ. Và với việc Brexit được thông qua, rất có thể Anh sẽ là quốc gia tiếp theo đi theo vết xe đổ này. Anh vốn là một quốc gia đóng góp rất nhiều cho ngành nghiên cứu dược phẩm, và nếu bị cắt kinh phí tài trợ, cũng đồng nghĩa với việc các loại thuốc mới tân tiến hơn sẽ ra đời chậm hơn.

    Và hôm nay, khi người Anh đồng ý rời khỏi Liên minh Châu Âu, có thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng với giới khoa học Anh hay không? Điều này, thời gian rồi sẽ trả lời.

    Tham khảo technologyreview

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày