Apple, Facebook hãy nhìn tấm gương thất bại của Uber tại Trung Quốc mà thức tỉnh đi!

    PV,  

    Ngoài Uber, rất nhiều công ty công nghệ khác ở thung lũng Silicon đã chịu thua cuộc ở thị trường Trung Quốc.

    Không lâu trước đây, những gã khổng lồ công nghệ Mỹ xem thị trường Trung Quốc như một miếng mồi béo bở: Thị trường 1,4 tỷ dân, tầng lớp trung lưu ngày một tăng và người dân lại chịu ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa âm nhạc Mỹ và mong muốn được sử dụng hàng hóa và dịch vụ Mỹ.

    Tuy nhiên, mới đây, sau cuộc chiến tốn kém hàng tỉ đô từ cả 2 phía để giành lấy thị trường Trung Quốc, CEO Uber là Travis Kalanick đã quyết định chấm dứt và đồng ý bán lại mảng kinh doanh tại quốc gia này cho đối thủ của họ ở địa phương là Didi Chuxing. Bước tiến này đến 1 năm sau khi Uber tuyên bố chính thức thâm nhập Trung Quốc – thị trường gọi xe lớn nhất thế giới và cũng là mục tiêu chinh phục quan trọng bậc nhất của CEO Kalanick.

    Mặt khác, theo Zennon Kapron – Giám đốc công ty tư vấn truyền thông có trụ sở tại Thượng Hải là Kapronasia thì: “Uber tiếp cận các thị trường trên toàn thế giới bằng tâm thế của một kẻ ngạo mạn, nhưng đáng tiếc thái độ đó khó có thể thành công ở thị trường Trung Quốc ".

    Trận chiến giành thị phần của Uber tại Trung Quốc dĩ nhiên có vài khó khăn riêng biệt – họ chống lại một đối thủ cạnh tranh khổng lồ được chống lưng bởi Alibaba và Tencent. Tuy nhiên, kết cục không mấy vui vẻ của Uber ở thị trường này có thể là bài học xương máu dành cho những công ty như Amazon hay Apple vẫn xem thị trường Trung Quốc là MỎ VÀNG.

    “Cái ngày mà các công ty nhảy vào thị trường Trung Quốc với suy nghĩ mang đến một thứ gì đó mới mẻ như nước soda hay điện thoại thông minh... đã qua rồi”, theo Tom Birtwhistle – giám đốc PWC Hong Kong. “Hiện tại, nếu muốn gia nhập thị trường Trung Quốc, bạn phải cạnh tranh với rất nhiều công ty đang tồn tại ở đây”.

    Hơn nữa, cả người tiêu dùng và các công ty Trung Quốc không còn “thích thú với những thứ dở tệ nữa”. Quan sát cách Huawei, Xiaomi và Oppo đã giáng những đòn đau cho Apple và hàng loạt công ty khác có thể thấy: “Sự cạnh tranh tại thị trường địa phương đang ngày một trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Hãy thử nhìn vào thị trường điện thoại thông minh: Những nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc từng cung cấp các mẫu điện thoại giá rẻ và dở tệ nhưng hiện tại họ đã thay đổi chiến thuật và hướng tới những thứ chất lượng cao. Họ cũng từng gặp phải những thử thách về thương hiệu.

    Nhưng ngày nay, rất nhiều công ty mới đang chịu chi tiền để tạo dựng thương hiệu và thực hiện những chiến lược marketing tốt không kém gì các đối thủ ở phương Tây. Nhìn chung giờ họ có thể cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, giá rẻ, thương hiệu tầm cỡ toàn cầu – và đó là lợi thế rất khó có thể đánh bại”.

    Những thành công như việc thống trị của Google ở thị trường châu Âu khiến các công ty tại thung lũng Silicon trở nên vênh váo hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, "có lẽ châu Âu chỉ là trường hợp ngoại lệ", theo chuyên gia phân tích Duncan Clark – tác giả cuốn sách Alibaba: The House that Jack Ma Built.

    “Trong một thị trường có kích thước như Trung Quốc, ‘cây nhà lá vườn’ là một lợi thế đáng kể, nó bị chi phối rất nhiều bởi văn hóa và ngôn ngữ. Rất nhiều công ty Mỹ từng nhận ra thực tế rằng họ có thể thành công ở nước ngoài thông qua việc thống trị được ở thị trường châu Âu. Tuy nhiên Trung Quốc thì khác. Ở đây có sẵn lượng vốn và doanh nhân tài năng dồi dào và thậm chí nhận được cả sự ủng hộ của chính phủ.

    Thương vụ "bán mình" của Uber cuối cùng đã được hoàn thành có hơi hướng gần giống với thỏa thuận giữa Yahoo và Alibaba vào năm 2005. Ebay cũng sớm nhìn thấy sự hứa hẹn ở thị trường Trung Quốc nhưng đáng tiếc Alibaba - đối thủ tại địa phương của họ đã tìm ra cách tốt hơn để thu hút người dùng trong một môi trường có sự tin cậy kém đó là sử dụng khế ước giao kèo với bên thứ 3 thay vì phí trả trước như Ebay. Google cũng buộc phải rút lui vào năm 2010 thay vì chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo của Bắc Kinh thời điểm đó.

    Những năm trước, Apple có thể vẫn bán được cả sản phẩm bình thường và xa xỉ một cách khá thuận tiện tại Trung Quốc mặc dù thị trường điện thoại thông minh đang ngày một trở nên cạnh tranh. Tuy nhiên, viễn cảnh tương lai của Apple hiện tại trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

    Thị phần của họ tại Trung Quốc đã giảm trong những năm vừa qua, kéo theo lợi nhuận sụt giảm. Tuy nhiên thật may là thời điểm mới gia nhập thị trường, công ty này đã có bước đi khôn ngoan khi thu hút được người tiêu dùng bằng hệ sinh thái phần cứng rất khó thay thế. Ngoài ra, việc liên kết với Foxconn và những nhà sản xuất khác tại Trung Quốc đã tạo ra hàng ngàn việc làm – và đây là điểm mà chính quyền Bắc Kinh đặc biệt thích thú.

    Đến nay, trong khi Google, Yahoo, Ebay và nạn nhân mới nhất là Uber đã rời Trung Quốc để thu hẹp thị trường; Microsoft, Qualcomm và Apple đang gặp vô số khó khăn thì một số gã khổng lồ công nghệ khác tại thung lũng Silicon vẫn miệt mài tìm kiếm cơ hội tại Trung Quốc.

    Facebook được phép sử dụng tại Trung Quốc trước khi bị cấm vào năm 2009. Trong những năm gần đây, Mark Zuckerberg đã bày tỏ rõ quan điểm muốn mang nền tảng mạng xã hội này tới Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu đó, anh đã phải đích thân mang quyển sách nói về chủ tịch Tập Cận Bình tới cho nhân viên Facebook, biểu diễn tài năng nói tiếng Quan Thoại và đăng tải những tấm ảnh đang chạy bộ tại Bắc Kinh. Nhưng cho đến nay, những nỗ lực này vẫn hoàn toàn chưa đơm hoa, kết trái.

    Trong khi đó, Elliot Ng – người hiện tại là Giám đốc sản phẩm cho Google sau 4 năm trở về Mỹ nắm giữ vị trí đứng đầu dự án phát triển cho công ty tại thị trường Trung Quốc thì thấm thía những khó khăn ở thị trường này:

    “Để giành chiến thắng ở thị trường Trung Quốc, các công ty cần có sự tập trung và riêng biệt hóa. Chính vì vậy, họ cần phải lựa chọn giữa việc chấp nhận điều đó và giành toàn bộ tâm huyết cho thị trường này hay dồn sức cho 40, 70 hay thậm chí 190 thị trường khác - thế giới được định nghĩa là không có Trung Quốc”.

    Cuối cùng, dù chiến lược kinh doanh của CEO Uber là Kalanick tại thị trường Trung Quốc có thể mắc sai lầm nhưng một dự đoán về viễn cảnh tương lai của thị trường này của anh lại rất có thể sẽ thành sự thật.

    Cụ thể, tại một hội thảo diễn ra vào tháng 1 anh nói: “Khoảng 5 năm nữa, sẽ có nhiều cải tiến, phát minh sáng chế và nhiều doanh nhân hơn ở Trung Quốc, mà cụ thể là Bắc Kinh thay vì thung lũng Silicon”.

    Theo Trí thức trẻ/CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ