Apple ơi, khi Trung Quốc không còn là nhà, mình biết đi về đâu?

    Ngocmiz,  

    Tăng trưởng của Apple tại Trung Quốc 5 năm tới có thể sẽ không mạnh được như 5 năm vừa qua, không phải bởi mọi người chẳng còn muốn mua iPhone mà bởi các cơ hội tăng trưởng của hãng đang dần dần biến mất.

    Đọc qua báo cáo tài chính quý II năm tài khóa 2016 của Apple hẳn ai cũng sẽ thấy rất thất vọng về doanh thu đi xuống của công ty. Doanh thu từ thị trường Trung Quốc, vốn từ lâu vẫn là đầu tàu chính nay đã sụt giảm lần đầu tiên trong lịch sử.

    Trong 3 quý đầu năm 2015, Apple thu về 16,8 tỷ USD nhưng chỉ 1 năm sau đó, con số này đã tụt 26% xuống còn 12,5 tỷ USD.

     Tăng trưởng của Apple qua các năm (Cột tím: doanh thu - tỷ USD; Đường xanh: tỷ lệ tăng trưởng - %)

    Tăng trưởng của Apple qua các năm (Cột tím: doanh thu - tỷ USD; Đường xanh: tỷ lệ tăng trưởng - %)

    Apple vẫn khá may mắn vì doanh thu iPhone tại Trung Quốc mới chỉ giảm nhẹ, chưa đến mức đáng báo động như các thiết bị khác. Như một biểu tượng hàng đầu trong giới công nghệ, thương hiệu Apple luôn khiến bất cứ ai phải thèm muốn. Và iPhone chính là món quà tặng phổ biến nhất tại Trung Quốc năm 2014.

    Tuy nhiên, tăng trưởng của Apple tại Trung Quốc 5 năm tới có thể sẽ không mạnh được như 5 năm vừa qua, không phải bởi mọi người chẳng còn muốn mua iPhone mà bởi các cơ hội tăng trưởng của hãng đang dần dần biến mất.

    Trung Quốc bão hòa, Ấn Độ quá non

    Khi bắt đầu tiến vào thị trường đại lục năm 2009, Apple thực sự đứng trước một biển cơ hội cực lớn. Trung Quốc có khoảng 100 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với khả năng chi trả cho những sản phẩm như café Starbucks hay điện thoại iPhone. Thị trường smartphone tại Trung Quốc cũng đặc biệt màu mỡ vì rất nhiều người trước đó vốn sử dụng “cục gạch” bắt đầu mua smartphone lần đầu. Đến 2011, chỉ 2 năm sau khi tấn công quốc gia này, Apple đã thu về 12,7 tỷ USD, chiếm 11% tổng doanh thu hàng năm của hãng. Đến 2013, 1/4 tổng doanh thu của Apple đến từ thị trường Trung Quốc.

    Thế nhưng thị trường này đang bão hòa. Theo công ty nghiên cứu Canalys, lượng máy bán ra chỉ tăng 2% từ năm 2014 đến 2015 và được dự đoán sẽ chỉ tăng 5% tới hết năm 2016.

     Tỷ lệ tăng trưởng lượng máy bán ra lại Trung Quốc năm 2010-2016 (kèm dự đoán)

    Tỷ lệ tăng trưởng lượng máy bán ra lại Trung Quốc năm 2010-2016 (kèm dự đoán)

    Vấn đề ở chỗ Táo chưa hề tìm được thị trường nào thay thế Trung Quốc. Nhiều người cho rằng tiếp theo rất có thể là Ấn Độ với dân số đông ngang ngửa đại lục. Thế nhưng thị trường này lại chạy sau Trung Quốc nhiều năm với hạ tầng Internet và hệ thống phân phối chưa phát triển.

    Theo số liệu từ CNNIC, năm 2009, chỉ 28% dân số Trung Quốc quen với mua sắm trực tuyến. Trong khi đó, ngành thương mại điện tử tại Ấn Độ được dự báo sẽ chưa thể đạt đến ngưỡng đó cho tới tận 2018. Điều này có nghĩa là Apple sẽ phải lệ thuộc vào hệ thống cửa hàng bán trực tiếp để đánh chiếm thị trường này. Tuy nhiên hãng lại chưa mở một Apple Store nào tại đây.

    Ấn Độ cũng nghèo hơn Trung Quốc rất nhiều. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc năm 2009 đã đạt 3.650 USD, trong khi tại Ấn Độ, con số này hiện nay vẫn đang là 1.570 USD.

    Tất cả những khó khăn này thể hiện ngay ở thói quen mua sắm của người Ấn. Mức giá trung bình của smartphone tại đây chỉ khoảng 120 USD, thấp hơn rất nhiều so với giá một chiếc iPhone.

     Mức giá bán smartphone trung bình tại Trung Quốc và Ấn Độ

    Mức giá bán smartphone trung bình tại Trung Quốc và Ấn Độ

    Mẫu iPhone SE giá rẻ mới được Apple tung ra có mức giá 586 USD nhằm hướng đến nhóm khách hàng tầm thấp hơn cũng sẽ khó lòng chạm được đến phần đông cư dân Ấn Độ.

    Trong một cuộc nói chuyện gần đây, CEO Apple Tim Cook có nói ông sẽ coi Ấn Độ là một thị trường theo sau Trung Quốc hiện nay khoảng 7 đến 10 năm.

    Sẽ không có đường tắt

    Những chiến lược tăng trưởng Apple từng thực hiện tại Trung Quốc có lẽ sẽ không dễ lặp lại tại thời điểm hiện nay.

    Khi hãng lần đầu giới thiệu mẫu iPhone 6 màn hình lớn năm 2014, trong khi nhiều người dùng tại Mỹ lên tiếng chê bai thì người dùng Châu Á lại hết lòng tán thưởng.

    Ra mắt smartphone màn hình lớn giúp Apple giữ chân những người dùng rất có thể đã chuyển sang dùng các dòng phablet cao cấp của Samsung. Tại Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, các mẫu iPhone mới đã gây sốt. Đặc biệt là tại Hàn Quốc, nơi người dân vốn luôn ưa chuộng các thương hiệu nội địa, Apple vẫn soán ngôi LG về thị phần và phá vỡ thế thống trị nhiều năm của Samsung.

     Apple liệu còn có thể gây sốt tại Châu Á khi màn hình iPhone không thể phóng to hơn được nữa?

    Apple liệu còn có thể gây sốt tại Châu Á khi màn hình iPhone không thể phóng to hơn được nữa?

    Thế nhưng thực tế lại phũ phàng ở chỗ bạn sẽ không thể “phóng to” màn hình smartphone nhiều lần một khi iPad đã ra lò.

    Về mặt chiến lược thì mối lợi lớn nhất của Apple tại Trung Quốc chính là quan hệ đối tác với China Mobile – hãng viễn thông lớn nhất nước này. Thương vụ này giúp Apple tiếp cận 760 triệu người dùng mạng China Mobile – một nửa dân số Trung Quốc. Họ có thể mua iPhone trợ giá với các dịch vụ ưu đãi khác từ nhà mạng.

    Việc đưa iPhone màn hình lớn vào sử dụng cùng với mối quan hệ đối tác với China Mobile khiến cho 2014, 2015 trở thành những năm thành công rực rỡ của nhà Táo tại đại lục. Chỉ trong quý cuối 2014 đến quý đầu 2015, doanh thu hãng tăng tới 33% - thời điểm có ngày lễ Độc thân, mùa mua sắm lớn nhất tại Trung Quốc.

    Tuy nhiên, giữa một thị trường đang chững lại, có vẻ như Apple sẽ chưa có hướng đi nào đẩy mạnh doanh thu trước mắt.

    Ben Thompson, nhà phân tích của Stratechery cho biết “Tăng trưởng trước đó của iPhone không chỉ nhờ vào màn hình lớn hơn mà còn nhờ hệ thống phân phối. Một khi đã thu phục hết các cửa này, Apple sẽ phải tiến đến giai đoạn khốc liệt là lôi kéo người dùng Android chuyển sang iPhone."

    Tiếp theo sẽ là gì?

    Thay vì chỉ tập trung vào các thiết bị phần cứng như trước đây, Apple đã dần chuyển dần sang cung cấp dịch vụ và cổng thanh toán. Tuy nhiên thật khó mà tưởng tượng được đây sẽ là nguồn doanh thu thay thế phần cứng, đặc biệt là tại trường Trung Quốc.

    Các công ty Internet Trung Quốc hiện đã chiếm gần hết thị trường Apple đang nhắm tới này. Apple Pay mới được đưa vào Trung Quốc tháng 1 năm nay khi mà Alipay của Alibaba đã chiếm tới 83% các giao dịch trực tuyến tại nước này.

     Thị phần thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc

    Thị phần thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc

    Trong khi đó, ngành công nghiệp phát hành nhạc, video lại khá manh mún và khó kiếm lời. Mới đây, việc các kho phim và ebook trực tuyến của Apple bị chặn tại Trung Quốc đã cho thấy những nút thắt khó nhằn các công ty Internet nước ngoài phải đương đầu khi tiến vào thị trường này. Chính vì vậy mà kể cả khi Apple TV và Apple Music đã rất phổ biến trên thế giới thì tại Trung Quốc, chúng cũng vẫn bị đóng cửa hoàn toàn.

    Các nỗ lực đánh chiếm mảng thiết bị phần cứng khác của Apple cũng chưa mang lại kết quả khả quan kể cả trên toàn cầu lẫn tại đại lục. 5 năm kể từ ngày đầu tiên ra mắt, doanh số bán iPad vẫn khá ảm đạm. Doanh số Apple Watch cũng không mấy khá hơn khi người dùng phải liên tục đặt câu hỏi về tính năng thực tế của nó.

    Sẽ còn nhiều vấn đề Apple phải vật lộn tại Trung Quốc như những gì hãng đang trải qua tại các thị trường khác. Khi mức độ phổ biến của iPhone đã đạt đến đỉnh điểm thì Apple sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới.

    Ít nhất tính đến thời điểm này thương hiệu Apple vẫn sẽ được ưa chuộng. Khi iPhone được ra mắt cuối năm nay, hãng cũng kỳ vọng doanh thu tăng cao khi các fan Táo chuyển qua dùng phiên bản mới này. Tuy vậy, Apple cũng như các nhà đầu tư của hãng vẫn nên chuẩn bị tinh thần cho một tương lai không còn rực rỡ như trước tại thị trường đang bão hòa này.

    Tham khảo Quartz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ