Apple tha thiết muốn thoát khỏi kỷ nguyên phần cứng nhưng vẫn còn ngập ngừng

    Ngocmiz,  

    Apple hiểu hãng chắc chắn phải tiến đến kỷ nguyên phần mềm nhưng vẫn đang bị chính những thành công trong mảng phần cứng ngáng đường.

    Theo bài viết của Davey Alba, Tạp chí Wired

    Apple đã gây dựng thành công của mình trên các thiết bị phần cứng xuất sắc. Mọi thứ hãng tung ra đều có giá thành cao, thiết kế tuyệt hảo và cũng hoàn thiện từ trong ra ngoài. Bạn không mua các sản phẩm của Apple về để tự mình vọc vạch mà thay vào đó sẽ sử dụng cho tới khi hãng tung ra thứ gì đó tốt hơn. Chính chiến lược này đã đưa Apple lên hàng ngũ các công ty có giá trị nhất thế giới.

    Thế nhưng ngay cả gã khổng lồ như Apple cũng đến lúc phải thay đổi, CEO Tim Cook cũng đã làm rõ điểm này tại hội nghị WWDC vừa qua. Apple đang ngày càng nhận ra rằng hãng không thể tự giới hạn mình trong mảng bán phần cứng. Một thiết bị luôn gây sốt mỗi lần ra mắt như iPhone cũng đến lúc phải chứng kiến suy giảm dài trong doanh số, chưa kể công ty cũng đang bị tụt lại phía sau so với Google, Facebook, Amazon trong mảng cung ứng các dịch vụ mà người dùng yêu thích.

    Các sản phẩm của Apple đang cung cấp nền tảng cho tất cả các ứng dụng, dịch vụ của các công ty đối thủ trong khi Apple chẳng thể kiểm soát hay ăn chia được lợi nhuận từ chúng. Điều này đã đưa Apple vào thế tiến thoái lưỡng nan: Công ty buộc phải vượt thoát khỏi kỷ nguyên phần cứng đồng thời cũng phải giữ chân được người dùng trong hệ sinh thái riêng biệt của mình. Apple cũng thông báo tại WWDC rằng hãng đang dần mở cửa hệ sinh thái của mình cho các nhà phát triển bên ngoài xây dựng được nhiều ứng dụng tích hợp hơn. Thế nhưng động thái này cũng không khiến iOS trở nên ‘mở’ được như Android, hay nói đúng hơn là Apple sẽ khó lòng đi theo một hướng tương tự được.

    Động thái cân bằng từ Apple

    Một trong những thông báo quan trọng nhất của Apple tại WWDC là hãng bắt đầu mở cửa các nền tảng Maps, iMessage và một số ứng dụng khác cho các nhà phát triển bên ngoài phát triển các tiện ích như đặt chỗ nhà hàng qua Maps hay chèn ảnh GIF vào iMessage. Đây là những điều tất yếu là Apple phải làm, thế nhưng cũng vẫn chỉ là những bước đi dè dặt.

    Tin đáng mong chờ hơn chính là việc hãng mở nền tảng trợ lý ảo Siri cho bên thứ ba. Việc Apple cung cấp API mở cho Siri sẽ cho phép tất cả các ứng dụng bên ngoài có thể gắn Siri vào giúp người dùng xử lý các tác vụ từ gọi điện cho đến gửi tin nhắn hay thanh toán, tìm kiếm, gọi xe,… bằng việc ra lệnh cho trợ lý ảo thông minh này.

     Việc mở cửa Siri sẽ mở ra cơ hội cho các nhà phát triển nhúng trợ lý thông minh này vào các ứng dụng của mình

    Việc mở cửa Siri sẽ mở ra cơ hội cho các nhà phát triển 'nhúng' trợ lý thông minh này vào các ứng dụng của mình

    Theo chuyên viên phân tích Andy Hargreaves của KeyBanc Capital Markets, Apple buộc phải đi nước cờ này: mở tất cả các dịch vụ như trợ lý giọng nói, nhắn tin, bản đồ hay các tương tác khác trên điện thoại. Tiếp tục ngăn chặn các nhà phát triển bên thứ ba chắc chắn sẽ đẩy Apple vào nguy cơ thất bại trước Android cũng như phải chứng kiến những ứng dụng bên thứ ba như Facebook hay Google Maps vượt xa những ứng dụng của mình.

    Hargreaves cho rằng “Apple thực chất vẫn đang cai quản một khu vườn đóng kín và mới chỉ vừa cho phép các nhà phát triển sử dụng được nhiều hơn các công cụ bên trong khu vườn của mình mà thôi.”

    Điều tương tự cũng đang xảy ra với Siri. Mặc dù Siri hoạt động trên cả Macbook và TV cũng như các ứng dụng khác thế nhưng Apple vẫn muốn giữ Siri cho riêng mình trong những mảng như âm nhạc, thị trường mà hãng muốn thống trị với Apple Music. Mở cửa Siri chỉ là một bước giúp Apple tuyên chiến với các trợ lý giọng nói như Alexa hay Google Assistant. Và Apple vẫn còn rất nhiều điều phải làm để chứng minh được rằng hãng không phải chỉ là một công ty thiết kế ứng dụng cao cấp.

    Làm hài lòng các nhà phát triển

    Apple mới đây đã có những động thái cho thấy hãng chắc chắn đã nhìn ra tương lai nghiêng về phần mềm chứ không phải phần cứng. iPhone có lẽ đã không gây bão nếu không có App Store, nơi các nhà phát triển thỏa sức sáng tạo với các ứng dụng, dịch vụ biến chiếc smartphone trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Và đề nuôi dưỡng hệ sinh thái ứng dụng này, Apple cần khuyến khích các nhà phát triển bằng những cách mới.

    Apple đã mở chế độ cho phép subscribe các dịch vụ như Spotify cho tất cả các hạng mục ứng dụng trên App Store. Và nếu người dùng tiếp tục subscribe các ứng dụng này sang năm kế tiếp, Apple sẽ cắt giảm phần chia doanh thu với các nhà phát triển từ 30% xuống còn 15%. Những thay đổi này cho phép các nhà phát triển có thêm nhiều cách kiếm lợi nhuận ngoài bán ứng dụng – phương thức ngày càng trở nên kém hấp dẫn và khiến người dùng rời xa.

    Điều quan trọng là nếu Apple không thể làm hài lòng các nhà phát triển bên thứ ba, họ sẽ đơn giản là chuyển qua thiết kế ứng dụng Android hay kết nối các dịch vụ của mình với Alexa của Amazon. Hãng cũng đang nỗ lực khiến App Store trở nên thân thiện hơn trong mắt các nhà phát triển bằng việc giản lược hóa quá trình đưa ứng dụng lên store xuống còn 2 ngày. Một số nguồn tin cũng cho biết Apple còn đang cho phép các nhà phát triển mua quảng cáo trên App Store qua đấu giá.

    Cuối cùng thì Apple vẫn sẽ kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái của mình. Cho dù công ty có hướng tới tương lai vượt thoát khỏi phần cứng thì hiện tại có vẻ như vẫn đang khá ngập ngừng và chỉ mong chờ bạn mua thêm iPhone mà thôi.

    Tham khảo Wired

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày