Apple vật lộn với việc thâu tóm các công ty lớn

    Ngocmiz,  

    Táo khuyết được cho là thường khá độc đoán trong việc đưa ra điều khoản cũng như không bao giờ muốn thuê tư vấn từ các ngân hàng đầu tư cho thương vụ của mình.

    Mới đây, Tim Cook từng chia sẻ rằng Apple vẫn luôn tìm kiếm các công ty phù hợp để thâu tóm, cho dù công ty đó có to cỡ nào.

    Đây chính là điều mà CEO Apple liên tục nhấn mạnh khi được các nhà đầu tư hỏi về chiến lược sử dụng “núi tiền” 246 tỷ USD của công ty để đạt được các mốc doanh thu cũng như bành trướng sang những lĩnh vực mới như xe tự lái.

    Tuy nhiên, đã nhiều năm nay, Apple liên tiếp phải vật lộn với các thương vụ sáp nhập lớn. Lý do mà những người từng tham gia các dự án thâu tóm với Apple đưa ra chính là ở nỗi sợ rủi ro, sự e dè khi làm việc cùng các cố vấn bên ngoài cũng như sự thiếu kinh nghiệm của công ty trong việc đồng bộ các công nghệ lớn mà họ thâu tóm.

    Thương vụ lớn nhất của Táo khuyết trong suốt lịch sử 41 năm tồn tại là hãng tai nghe Beats Electronics (3 tỷ USD), theo sau chính là vụ thâu tóm hãng máy tính NeXT Computer để mời Steve Jobs trở về công ty.

    Đây rõ ràng không phải một danh mục ấn tượng khi đem so với Facebook – chỉ sau 13 năm hoạt động đã thực hiện tới 3 thương vụ sáp nhập tỷ đô, trong đó có WhatsApp trị giá tới 22 tỷ USD. Các tập đoàn khổng lồ khác như Google, dù mới thành lập năm 1998 cũng thâu tóm 4 công ty tỷ đô, trong khi Microsoft thì đã nắm trong tay ít nhất 10 thương vụ giá trị lớn.

    Có thể thấy thay vì chăm chỉ đi thâu tóm các công ty lớn, Tim Cook lại chuyên tâm phát triển mảng dịch vụ của Apple như Apple Music, App Store và iCloud. Chiến lược này đã bắt đầu mang về kết quả với doanh thu hàng năm từ mảng này được dự đoán sẽ đạt 50 tỷ USD vào 2021.

    Thế nhưng vai trò của các thương vụ sáp nhập lớn vẫn là không thể bàn cãi, nhất là khi Apple bắt đầu phân phối video qua Apple Music và ứng dụng TV nhưng lại không hề sở hữu dịch vụ nào phổ biến cỡ Netflix hay Prime Video của Amazon.

    Toni Sacconaghi, chuyên gia phân tích của Sanford C. Bernstein cho rằng Apple cần thâu tóm ít nhất một công ty trong lĩnh vực online video để bù lấp khoảng trống này. Để đạt mục tiêu 50 tỷ USD doanh thu hàng năm từ dịch vụ, công ty phải tăng được 13 tỷ USD/năm cho mảng này trong vòng 4 năm tới – con số vượt quá mức mà Apple có thể tự mình thu về. Ngay cả trong trường hợp mua lại được Netflix thì doanh thu 9 tỷ USD/năm của mạng video này vẫn chưa đủ khỏa lấp phần thiếu kia.

    Chính tâm lý dè chừng, hành động chậm cũng từng khiến Apple để vuột mất thương vụ thâu tóm Time Warner trị giá 85 tỷ USD vào tay nhà mạng AT&T dù đã đàm phán mua lại từ cả năm trước đó. Apple cũng thất bại trong nỗ lực mua lại hãng xe hơi cao cấp McLaren hay hãng thiết kế chip Imagination – lần nào cũng chỉ là “đàm phán thương lượng” nhưng vẫn quyết định không mua.

    Apple được cho là thường khá độc đoán trong việc đưa ra điều khoản cũng như không bao giờ muốn thuê tư vấn từ các ngân hàng đầu tư cho thương vụ của mình. Trong thương vụ với Beats, cả hai bên đều không thuê ngân hàng đầu tư làm việc cùng. Apple sau đó cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc đồng bộ đội ngũ của Beats vào công ty. Chính điều này lại tiếp tục “xua đuổi” các công ty có ý định bán mình cho Apple trong những thương vụ tiếp sau.

    Các chiến lược hiện sáp nhập hiện thời của công ty chủ yếu phù hợp với việc thâu tóm startup nhỏ. Trong 4 năm qua, công ty đã mua lại 15-20 công ty - hầu hết là các startup chưa tên tuổi.

    Thế nhưng, như đã bàn, thâu tóm các công ty lớn có ý nghĩa đặc biệt hơn rất nhiều, không chỉ về nhân sự, giá cổ phiếu, doanh thu, mà còn cả về mặt công nghệ và những thay đổi về chiến lược kinh doanh cho Apple. Để giữ sức cạnh tranh cũng như đạt được những mục tiêu doanh số đầy tham vọng, chắc chắn gã khổng lồ phần cứng cần khắc phục chiến lược thâu tóm có phần độc đoán và thiếu khôn ngoan của mình.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày