"Đầu tiên, tôi muốn làm một chiếc điện thoại có thể dùng trong 100 năm. Nhưng sau đó tôi nhận ra với loại công nghệ này, chúng có thể tiến hóa và trở nên tốt hơn. Nhược điểm duy nhất là sau khi trở nên tốt hơn, chúng ta lại quẳng những món đồ cũ đi, và nó sẽ tạo ra rác thải điện tử …. Vậy nếu chỉ một con chip trong tủ lạnh bị hỏng? Liệu bạn sẽ vứt cả cái tủ lạnh đó đi không?"

gày 10 tháng Chín năm 2013, ngày Apple công bố chiếc iPhone 5S cũng là ngày nhà thiết kế người Hà Lan Dave Hakkens đăng tải một đoạn video ngắn lên YouTube để quảng bá cho dự án tốt nghiệp đại học của mình: Phonebloks, "một chiếc điện thoại đáng để giữ lại."

Ý tưởng của Hakkens rất khác biệt so với thời điểm đó, một chiếc smartphone được tạo nên từ các khối có thể thay đổi được cho nhau, và mỗi khối đó – tương đương với màn hình, pin, bộ xử lý và tương tự như vậy – lại có thể dễ dàng nâng cấp hay sửa chữa, để nó có thể tái sử dụng thay vì bị quẳng vào bãi rác thải chỉ sau 2 năm.

"Tôi có một chiếc máy ảnh cũ mà tôi đã làm hỏng và tôi không thể sửa được nó. Vì vậy, tôi tháo nó ra thành từng phần và tôi nhận ra rằng, các bộ phận vẫn còn tốt, ngoại trừ một bộ phận." Hakkens cho biết về câu chuyện của mình qua đoạn video. "Tôi nghĩ: Thật phi lý khi chúng ta phải ném đi mọi thứ chỉ vì một bộ phận bị hỏng?"

"Đầu tiên, tôi muốn làm một chiếc điện thoại có thể dùng trong 100 năm. Nhưng sau đó tôi nhận ra với loại công nghệ này, chúng có thể tiến hóa và trở nên tốt hơn. Nhược điểm duy nhất là sau khi trở nên tốt hơn, chúng ta lại quẳng những món đồ cũ đi, và nó sẽ tạo ra rác thải điện tử …. Vậy nếu chỉ một con chip trong tủ lạnh bị hỏng? Liệu bạn sẽ vứt cả cái tủ lạnh đó đi không?"

Phonebloks - không chỉ là một ý tưởng cho smartphone mà còn là thông điệp về vấn đề của thời đại.

Dù chỉ hy vọng sẽ có được sự chú ý từ khoảng 500 người, nhưng câu chuyện của Dave Hakkens về Phonebloks đã lan nhanh khắp mọi nơi và nhận được vô số người hỗ trợ khi họ tweet và share ý tưởng đó trên khắp các mạng xã hội. Nhưng đi cùng với việc lan truyền câu chuyện là sự nghi ngờ với một ý tưởng mộng mơ.

"Chẳng có cách nào ý tưởng này có thể làm được. Đây chỉ là một giấc mộng hão huyền. Cách anh ấy thiết kế ra nó hoàn toàn phi thực tế bởi vì anh ấy là một nhà thiết kế công nghiệp, và chẳng hiểu gì về sự phức tạp." Đó là lời nhận xét chung của những kỹ sư trên trang Reddit. Nhưng Hakkens không nản lòng.

"Nếu bạn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ cộng đồng, các công ty sẽ làm nó." Ý tưởng của Hakkens đã khiến mọi người phát cuồng vì nó, anh chỉ cần ai đó làm nó cho mình.




[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 3.

Trong vòng 48 giờ sau khi đăng tải, đoạn video ngắn về Phonebloks đã thu hút đến hàng triệu lượt xem, và giữa lúc ý tưởng nhận được vô số sự chú ý – một nhóm nghiên cứu công nghệ đã giật nảy mình khi biết về nó. Đó là ATAP hay nhóm của Motorola.

Trước đó hơn một năm, nhóm ATAP đã bí mật nghiên cứu về một thiết bị tương tự như vậy: một chiếc điện thoại được làm từ các bộ phận có thể tùy chỉnh mà họ gọi là các module. Nó không phải là chiếc điện thoại mà bạn phải xếp hàng hàng năm để mua, thay vào đó bằng cách ghép các bộ phận lại với nhau, bạn có thể tự tạo ra chiếc điện thoại cho riêng mình. Nhưng sự xuất hiện của Phonebloks là điều mà họ không ngờ tới.

"Phonebloks được giới thiệu, và cả thế giới như hóa điên vì nó. Nếu Dave Hakkens không đăng tải đoạn video đó, có thể chúng tôi sẽ không thông báo về Ara trong ít nhất một năm sau đó." Cựu thiết kế trưởng của ATAP, Dan Makoski nhớ lại.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 4.

"Ara Knaian từ phòng Thí nghiệm NK Labs, và đội của anh đã hình dung được thiết bị như vậy sẽ hoạt động như thế nào. Nhưng nếu chúng tôi chờ đến khi hoàn thành để nói với thế giới rằng, chúng tôi đang thực hiện nó, mọi người sẽ nghĩ rằng chúng tôi sao chép Dave."

"Vậy," Makoski nói. "Chúng ta sẽ gọi cho Dave."

Và 48 ngày sau đó, dự án Project Ara nhằm xây dựng một chiếc điện thoại từ các module chính thức ra mắt, với cái tên Dave Hakkens và Phonebloks xuất hiện như một đối tác của dự án này. Tuy vậy, ban đầu dự án này có một cái tên hoàn toàn khác: Esprimo – theo tiếng Esperanto (quốc tế ngữ) nghĩa là "expression" hay sự biểu lộ.

Với Dan Makoski, người đứng đầu dự án điện thoại táo bạo này, một người luôn thán phục vẻ đẹp và sự hoàn mỹ trong thiết kế của Apple, dự án Ara cùng với Maker Faire – hội chợ với những phát minh độc đáo của những nhà sản xuất nhỏ, hay các cửa hàng Tech Shop là những đại diện cho bình minh của một phong trào sản xuất mới – Do It Yourself hay DIY, một hình thức cá nhân hóa ở mức cao nhất, đối lập hoàn toàn với mô hình của Apple. Đó chính là lý do cho cái tên ban đầu của dự án, Esprimo.

Tuy nhiên, với vai trò là người đầu tiên nêu ra ý tưởng về điện thoại xếp hình, cũng là người đã chế tạo được 6 phiên bản thử nghiệm với những bộ phận như bộ xử lý, bộ nhớ, pin, … dưới dạng các module để lắp vào khung, tên của kỹ sư xuất sắc, Ara Knaian đã được đặt cho dự án này.




[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 5.

Cho dù được công bố chính thức vào những ngày cuối tháng Mười năm 2013, câu chuyện của Ara Project đã bắt đầu từ trước đó. Sau thương vụ Google sáp nhập Motorola Mobility vào tháng Năm 2012, CEO mới ông Dennis Woodside muốn ai đó sẽ là người lãnh đạo khả năng sáng tạo cho công ty con này, đó là lúc ông tìm đến Regina Dugan, cựu giám đốc chương trình DARPA của Bộ Quốc Phòng Mỹ.

Thực sự thích thú với ý tưởng về một chiếc điện thoại xếp hình với các module có thể tách rời và lắp ghép những bộ phận thay thế vào đó, Regina Dugan, người thành lập nên ATAP để quản lý các dự án sáng tạo cho công ty, tích cực tìm kiếm nhân sự cho chương trình tham vọng này – với một thời hạn cũng tham vọng không kém: 2 năm.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 6.

Những nhân sự đầu tiên của dự án tham vọng này: Ali Javidan (trái) - người chịu trách nhiệm bộ phận tạo mẫu nhanh trong ATAP, và Daniel Makoski (phải) - người phụ trách thiết kế của dự án.

Đầu tiên, người đứng đầu dự án là nhà thiết kế Daniel Makoski, một trong những người sáng tạo nên thiết kế ban đầu cho chiếc tablet lai nổi tiếng của Microsoft, Surface. Bên cạnh đó là Ali Javidan, một cựu kỹ sư của Tesla được Dugan kéo về để phụ trách cho phòng tạo mẫu nhanh của ATAP, và giờ sẽ chịu trách nhiệm biến các thiết kế ban đầu của chiếc điện thoại này thành hiện thực.

Khi Makoski thừa nhận rằng, mình không đủ khả năng kỹ thuật để vận hành dự án táo bạo này, Dugan lại tìm đến một người khác: Paul Eremenko, người từng làm việc tại bộ phận sản xuất nhanh của DARPA. Với sự xuất hiện của Paul Eremenko, Javidan quay trở lại phòng tạo mẫu nhanh, còn Makoski hợp tác với Eremenko về thiết kế, văn hóa, cộng đồng cho Ara.

"Tôi chịu trách nhiệm về mặt tinh thần, Paul chịu trách nhiệm về mặt thể xác. Đó là cách chúng tôi phân chia thời gian." Makoski nhận xét về vai trò của hai người đối với dự án này.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 7.

Paul Eremenko - "Người chịu trách nhiệm về mặt thể xác" cho dự án Ara.

Sự hứng thú của Regina Dugan với dự án điện thoại lắp ghép này còn đi xa hơn nữa khi cô đưa ra ý tưởng về xưởng sản xuất trên một chiếc xe di động để truyền bá ý tưởng này đến mọi người. "Chúng ta nên làm một thứ giống như chiếc xe chế biến thức ăn. Như khi anh chế biến món ăn tại chỗ vậy, chúng ta sẽ đặt những chiếc máy in 3D và đồ điện tử có thể tùy chỉnh trong xe tải, và đó là cách chúng ta thực hiện ý tưởng này."

Vì vậy, nhóm cần đến một thành viên quan trọng khác: Jason Chua. Tốt nghiệp tại Stanford, anh là người đồng sáng lập nên SparkTruck – một dự án kết nối học sinh với phong trào tự sản xuất, thông qua các máy in 3D, máy cắt laser và đồ điện tử. Anh trở thành người phù hợp nhất cho ý tưởng có vẻ điên rồ của Regina Dugan. Cùng với Makoski, cả hai sẽ rong ruổi trên chiếc xe tải Velcro đi đường khắp nước Mỹ, để thử nghiệm ý tưởng của Dugan với những con người thật.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 8.

Nhà máy trên chiếc xe tải của nhóm Project Ara.

Những nhân sự còn lại của dự án đều là các nhà thầu từ bên ngoài. Như NK Labs, công ty khởi xướng ra ý tưởng điện thoại lắp ghép này với hai nhà sáng lập, Ara Knaian và Seth Newburg, sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm về phần điện tử, cơ khí và kỹ thuật phần mềm. Một đối tác quan trọng khác là 3DSystems, nhà sản xuất máy in 3D lớn, người chịu trách nhiệm tạo ra các module tùy chỉnh của Ara.

Sau một mùa hè làm việc cật lực, trong khi chuyến chu du đi khắp nước Mỹ của Makoski và Chua gần tới điểm cuối, còn Eremenko đã hoàn thành các chi tiết kỹ thuật cốt lõi của Ara – một "mạng lưới bộ chuyển mạch dữ liệu trên thiết bị", được in trên máy in 3D và gắn lại với nhau bằng nam châm EPM (nam châm điện vĩnh cửu - Electropermanent magenet) do Ara Knaian phát triển.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 9.

Một nguyên mẫu ban đầu của Ara.

Nhưng trong khi cả nhóm dự án hào hứng thử nghiệm các ý tưởng của mình, không khí tại trụ sở chính của Motorola ở Sunnyvale lại không như vậy. Ngay cả Dennis Woodside, CEO vào thời điểm đó của Motorola cũng không mấy ấn tượng về các sản phẩm mẫu ban đầu của Ara. Makoski nhớ lại "Ông ấy như thể "Yeah, nó trông khá thú vị, nhưng anh biết đấy, loại sản phẩm tự làm này có thị trường khá hẹp. Sẽ chẳng ai thực sự quan tâm đến nó.""

Trái ngược với nhận định của Woodside, vào tháng Chín năm 2013, khi Dave Hakkens công khai ý tưởng về Phonebloks, sự quan tâm của công chúng thực sự bùng nổ. Và khi tìm kiếm một công ty nào đó có thể biến ý tưởng của mình thành sự thực, Hakkens đã thực sự chú ý đến Google, không chỉ bởi sự bền bỉ của họ, mà còn vì Ara, một dự án tương tự như Phonebloks mà họ đang triển khai.

Tuy nhiên, Hakkens lại muốn làm việc độc lập thay vì là một thành viên bên trong Google. Mọi việc tưởng chừng như bế tắc cho đến khi Hakkens đưa ra một đề nghị:

"Sẽ thế nào nếu các anh chỉ cần trả công cho việc tôi dành thời gian để kể câu chuyện của các anh, và tôi sẽ sử dụng cộng đồng Phonebloks như một nơi để các anh có thể nhận được phản hồi về những gì các anh đang làm?" Và câu trả lời của Google là đồng ý, đó là một đề nghị có lợi cho cả hai bên. Đến ngày 28 tháng Mười 2013, Ara chính thức ra mắt.




[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 10.

Trên blog của Motorola, Eremenko vạch ra một tương lai tươi sáng cho dự án đầy tham vọng này: "Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy một mối quan hệ cởi mở hơn, biểu cảm hơn và sâu sắc hơn giữa người dùng, nhà phát triển và điện thoại của họ. Tất cả nhằm trao cho bạn quyền lực để có thể quyết định điện thoại của bạn là gì, trông như thế nào, nó được làm từ đâu và từ cái gì, chi phí bao nhiêu và bạn có thể sử dụng nó trong bao lâu."

Và rõ ràng Google cũng rất hứng thú với tầm nhìn đó, minh chứng cho việc đó là việc Google vẫn giữ lại ATAP và dự án Ara ở lại sau khi bán Motorola cho Lenovo vào đầu năm 2014. Biến Ara thành hiện thực và mở rộng nó thành một nền tảng được cộng đồng quan tâm phát triển, Google sẽ tạo nên một hệ sinh thái mở bền vững hơn bao giờ hết. Họ đã có một nền tảng phần mềm mở như Android, và giờ điều họ còn thiếu là một nền tảng phần cứng mở, và Ara có thể lấp chỗ trống đó cho họ.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 11.

Mẫu thiết kế công khai đầu tiên về Ara, xuất hiện khi Motorola thông báo chính thức về dự án này.

Không chỉ có một tầm nhìn tham vọng, dự án Ara còn có một mức giá khởi điểm ấn tượng: 50 USD (năm 2013, chiếc iPhone 5C bản khóa mạng có giá thấp nhất đã là 99 USD). Với mức giá thấp như vậy, chiếc điện thoại chỉ có những tính năng cơ bản nhất – thậm chí nó còn không có cả modem 3G.

Nhưng nó có khả năng nâng cấp và tiến hóa khi kết hợp với những cải thiện về mặt kỹ thuật theo thời gian. Các module cao cấp hơn như pin lớn hơn, hay camera chất lượng cao sẽ được bổ sung, và biến chiếc điện thoại vô dụng đó thành một khoản đầu tư đáng giá khi thời điểm đến.

"Chúng tôi muốn mang khả năng truy cập internet qua smartphone, cho những người trước đây không có khả năng đó. Một phần của hướng đi này là tạo ra một nền tảng, nơi một hãng viễn thông của Ấn Độ cũng có thể đặt một module radio tùy chỉnh vào Ara với mức giá khởi điểm chỉ 50 USD hay 100 USD, hay mở rộng theo cách đó sang các nước như tại châu Mỹ Latinh hay ngay cả Mỹ." Makoski cho biết.

Cho dù bị chậm mất một tháng so với lịch trình, nhưng đến tháng 4 năm 2014, ATAP vẫn phát hành bộ kit cho nhà phát triển của dự án Ara. Cùng tháng đó, Google cũng tiết lộ một vài hình ảnh về nguyên mẫu bộ khung chính Endo cho Ara.

Một đoạn video cập nhật về tiến triển trong dự án Ara của Dave Hakkens, từ clip này, lần đầu tiên người ta thấy những hình ảnh về bộ khung chính Endo của Ara.

Chỉ hai tháng sau đó, ATAP đã bắt đầu nhận đơn đăng ký từ các nhà phát triển để làm phong phú thêm bộ sưu tập module cho mình. Cả nhóm hết sức phấn khởi với niềm tin rằng Ara sẽ trở thành sự thực, và cả những người ủng hộ lớn nhất cho dự án này cũng vậy.

Đến ngày 29 tháng Mười năm 2014, một năm sau khi Ara chính thức ra mắt, Google phát hành đoạn video về nguyên mẫu đầu tiên hoạt động được của Ara. Rất nhanh sau đó, đến tháng Một năm 2015 là một clip khác cho thấy Ara với modem 3G và nhiều module khác, từ bàn phím piano thu nhỏ cho đến máy đo nhịp tim.

Tham vọng hơn, ATAP còn lên kế hoạch cho việc ra mắt thí điểm đầu tiên tại một thị trường bên ngoài nước Mỹ. Thời gian chỉ được áng chừng là trong năm 2015, nhưng địa điểm đã được lên kế hoạch chính xác, Puerto Rico.

"Chúng tôi chỉ nói "Hãy chọn Puerto Rico vì họ có hệ thống quy định tương tự như Mỹ, và nếu chúng ta có thể làm được điều gì đó ở Puerto Rico, chúng ta có thể mở rộng quy mô ở thị trường Mỹ, và cũng như ở Mỹ Latin"." Makoski giải thích.




[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 13.

Nhưng kế hoạch đó đã không bao giờ thành sự thực. Trên thực tế, kể từ khi về tay Google cho đến nay, chặng đường của Ara đã gặp ngày càng nhiều chông gai hơn, tiến độ hoàn thành mọi việc cứ chậm dần đi. Theo một nguồn tin giấu tên cho biết "Nhịp độ và quy mô của những nhà thầu mà chúng tôi đã làm trước đây đột nhiên chậm hẳn lại (sau khi sáp nhập)".

"Với chúng tôi, mọi thứ mình có dường như đang sa vào vũng lầy vậy. Và tôi nghĩ, với Google, có lẽ họ không thấy thoải mái khi tăng tốc mọi thứ lên." Nguồn tin cho biết thêm.

Một clip giới thiệu về Ara với rất nhiều loại module khác nhau.

Không chỉ vậy, những nhà lãnh đạo của Ara đều lần lượt rời đi. Tháng 7 năm 2014, thời hạn 2 năm của Dan Makoski với Dugan đã hết, trong khi đó, Eremenko cũng chỉ còn 13 tháng trước mắt. Một lời tạm biệt khác với Ara đến từ một trong những đối tác ủng hộ đầu tiên của họ, 3DSystems. Eremenko quyết định cắt đứt quan hệ với đối tác này vì máy in của họ quá chậm, và hệ thống mới có thể trang trí cho các module với hình ảnh selfie và thú cưng. 

Dave Hakkens, về cơ bản anh chỉ như một phóng viên đưa tin về Ara khi thỉnh thoảng đến xem các tiến triển của dự án và cập nhật cho người đọc của mình. Anh hầu như không đóng góp được gì cho phần cứng cũng như phần mềm của dự án.

Ngoài ra, một số chi tiết kỹ thuật cốt lõi của dự án cũng gặp các vướng mắc khác nhau: ví dụ như các nam châm EPM không có được độ bám dính như họ mong muốn, hay chiếc điện thoại cũng chưa đủ ổn định hay độ cứng cáp. Có lẽ cả dự án tham vọng này vẫn cần thêm thời gian phát triển. Tuy nhiên, chính thời gian lại là cái mà nó đang thiếu nhất.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 15.

Tháng Sáu năm 2015, Eremenko rời khỏi ATAP, thời hạn 2 năm của anh cũng đã hết, và khó khăn mà Ara phải đối mặt ngày càng thêm chồng chất. Một tháng sau khi Eremenko rời đi, Google cũng hủy bỏ kết hoạch thí điểm tại Puerto Rico với lời hứa sẽ ra mắt Ara trong năm 2016. Nhưng việc thiếu một người lãnh đạo đang khiến tương lai của dự án trở nên mịt mờ hơn bao giờ hết.

Một lối thoát cho dự án được mở ra khi Regina Dugan, người nhiệt tình theo dõi và hỗ trợ cho Ara từ khi bắt đầu đến bây giờ, đứng ra lãnh trách nhiệm dẫn dắt cả dự án. Hỗ trợ cho cô là một cựu binh của Motorola, Rafa Camargo. Từ lúc này, dự án lại chuyển hướng một lần nữa.




[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 16.

Vào đầu năm 2015, giấc mơ của Eremenko về một chiếc điện thoại 50 USD đã không còn thực tế. Vì vậy, dưới thời Dugan và Camargo, Ara chuyển hướng vào phân khúc cao cấp với tất cả các module cần thiết được gắn với nhau.

Như vậy, Ara đã mất đi khả năng phục vụ cho nhiều mức giá khác nhau, nhưng dự án vẫn giữ được trọng tâm của mình. Nó được thiết kế để đưa smartphone tới giới hạn mới, khi nó có thể bổ sung thêm các tính năng dưới dạng module, giống như một khối Lego thông minh vậy.

Một lần nữa, trí tưởng tượng của các nhà phát triển module lại được chắp cánh bay xa. Vẫn còn những module với ý tưởng rõ ràng như một camera đặc biệt hay chiếc loa cao cấp. Nhưng cũng có các module kỳ cục đến không ngờ. "Một trong các module đó, về cơ bản là một bể cá tí hon cho điện thoại của bạn." Một nguồn tin giấu tên cho biết. "Nó là một quần thể sinh vật tí hon bên trong một module, và có một chiếc kính hiển vị ở dưới đáy để bạn có thể quan sát chúng."

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 17.

Sự cuồng nhiệt bên trong ATAP lại một lần nữa được sống dậy trong năm 2015, và mọi người đều hiểu rằng tác giả của sức sống mới đó chính là Regina Dugan. "Cách Dugan giới thiệu nó và cách cô ấy nói về nó, tôi cảm thấy nó là cơ hội lớn nhất mà tôi từng được trình bày."

Nhưng trong khi nhóm Ara trở nên đông đúc hơn, Larry Page và Sergey Brin lại tìm cách để thu hẹp Google lại. Với việc nắm giữ trong tay quá nhiều các dự án "bắn mặt trăng" nhiều tham vọng nhưng chưa sinh lợi, bộ đôi này quyết định thành lập một công ty mẹ có tên Alphabet và các công ty con để tách riêng cỗ máy hái ra tiền của công ty mẹ (như Google Search) và những dự án rủi ro này.

ATAP vẫn nằm trong Google, nhưng giờ bộ phận này có một người lãnh đạo mới, Rick Osterloh, cựu chủ tịch của Motorola. Sau khi lên nắm quyền tại Google, ông Sundar Pichai đã mời Osterloh về để quản lý toàn bộ các dự án phần cứng đang bị phân mảnh của công ty này, bao gồm cả ATAP và Ara.

Đến năm 2016, sau gần 4 năm phát triển với nhiều thăng trầm và thách thức, Ara chuẩn bị cho lần ra mắt lớn nhất từ trước đến nay của mình trong hội nghị Google I/O sắp diễn ra vào tháng Năm. Nhưng chỉ một tháng trước đó, tháng 4 năm 2016, Regina Dugan đột ngột rời đi. Cô được Facebook tuyển dụng để lãnh đạo Building 8, một công ty với "hàng trăm người và hàng trăm triệu USD" để cô tùy ý sử dụng.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 18.

Dugan rời đi, thông tin về Ara trở nên mờ nhạt tại Google I/O 2016. Một lần nữa, dự án lại rơi vào "khoảng trống quyền lực" và nó gần như trở nên bất động. Các nguyên mẫu không được đưa tới nhà phát triển nữa. Nhân sự của dự án, một phần gia nhập vào Building 8 cùng với Dugan, một số khác chuyển sang các dự án khác của Google, chỉ còn một số ít tiếp tục ở lại.

Và rồi điều gì phải đến đã đến, đầu tháng Chín năm 2016, nhát rìu của Osterloh đã chém xuống, Ara chính thức bị "đình chỉ" – cho dù trên thực tế, nó chẳng khác gì bị khai tử.

Ara bị khai tử, nhưng những dấu vết của dự án vẫn còn vương vất đâu đây. Nếu bạn chưa nhận ra thì phương pháp kết nối với module ngoài thông qua 16 chấu nam châm trên Moto Mod có nguồn gốc chính từ dự án Ara. Không chỉ vậy, Moto Mod cũng sử dụng ngăn xếp phần mềm Greybus (software stack) để kết nối về mặt phần mềm, trong khi đó, giao thức lớp ứng dụng Greybus lại là một trong các block thuộc dự án Ara, nhằm cho phép smartphone thay nóng các module.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 19.

Regina Dugan chuyển sang Building 8 - Lời cáo chung cho dự án Ara.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 20.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 21.

Quả thật với những fan hâm mộ Ara, những người luôn mơ về một chiếc điện thoại có tùy chọn lắp ghép hay nâng cấp, những lần ra mắt lỗi hẹn, các thông tin rời rạc và không rõ ràng đã phần nào giúp họ hình dung về một tương lai ảm đạm của dự án này. Cho dù vậy, thông tin khai tử Ara vẫn là một cú giáng trời đánh với họ. Cùng với đó là câu hỏi tại sao, nguyên nhân nào thực sự làm cho Ara bị khai tử bất chấp sự quan tâm của cộng đồng như vậy?

Có thể với nhiều người, thời hạn 2 năm để hoàn thiện một dự án phức tạp và đầy tham vọng như vậy là bất khả thi, nhưng có lẽ, những người sáng lập dường như đã bị sự phấn khích của cộng đồng các nhà phát triển che mờ đi một phần quan trọng nhất của dự án: người tiêu dùng. "Người tiêu dùng không quan tâm đến khả năng module hóa đó." Một người trong nhóm phát triển Ara thừa nhận. "Và đến tận hôm nay, tôi vẫn không biết chắc đó có phải là điều người dùng muốn."

Quả thật, vai trò của smartphone với người dùng đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt là từ thời điểm ý tưởng về Ara xuất hiện. Cấu hình, tính năng và cả giá cả của smartphone đã tiến hóa nhanh hơn cả kỳ vọng của người dùng chỉ trong vài năm qua, và giờ những điều đó hầu như không còn là thứ mà họ tìm kiếm khi mua một chiếc smartphone mới nữa.

Trong khi đó, ý tưởng cốt lõi của Ara lại xoay quanh việc tạo ra một chiếc smartphone có thể nâng cấp về cấu hình và tính năng, những điều có thể đáng chú ý vào thời điểm nó ra mắt, nhưng đã lỗi thời sau đó. Với người dùng, giờ điều họ quan tâm là kiểu dáng và cá tính của sản phẩm, những điều mà Ara không thể mang lại.

[Magazine] Project Ara - khát vọng cách mạng ngành smartphone và những điều chưa kể - Ảnh 22.

Thật khó có thể xem thiết kế này phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ hiện tại của người dùng.

Hãy nhìn vào ví dụ của Samsung với dòng Galaxy S của họ. Sau khi doanh số của những thế hệ Galaxy S5 và S6 không được như kỳ vọng dù đã được họ nhồi nhét đủ thứ tính năng nửa vời, Samsung đã gần như thay máu thiết kế với dòng S7 và S7 Edge có kiểu dáng vượt trội và khác biệt hơn hẳn so với các đối thủ của mình, đặc biệt là iPhone. Ngay lập tức thị trường đem lại những phản hồi tích cực về doanh số đối với các thiết kế mới của hãng.

Không chỉ các dòng cao cấp, ngay cả những dòng smartphone trung cấp, các nhà sản xuất cũng đã phải thay đổi rất nhiều kiểu dáng thiết kế của mình, để không chỉ thu hút ánh mắt của người dùng mà còn tạo nên một điểm nhấn ấn tượng cho hãng.

Hơn nữa, ngay cả với các phân khúc thấp, các nhà sản xuất với chi phí rẻ từ Trung Quốc cũng đã nhanh chóng làm ngập lụt thị trường với vô số các model cấu hình vừa phải nhưng giá vô cùng hấp dẫn để tìm đến người mua. Có thể họ không thể đưa ra mức giá thấp như giá khởi điểm 50 USD của Ara, nhưng nó có đầy đủ tính năng thiết yếu mà người dùng phổ thông cần, như modem 3G.

Ngoài ra, một điểm khác mà người dùng không thể có từ Ara hay các dự án điện thoại module khác, đó là trải nghiệm được nâng cấp, đổi mới sau một thời gian dùng thiết bị hay sản phẩm. Liệu bạn có cảm thấy chán ngán khi phải nhìn thấy cùng một chiếc điện thoại suốt 3 năm trời, nhưng lại không thể dễ dàng bỏ nó đi chỉ vì đã lỡ đầu tư quá nhiều phụ kiện cho nó?

Phải, người dùng luôn thay đổi, và họ đã thay đổi sau ngần đó năm smartphone ra mắt, còn Ara thì không. Có lẽ đó là lý do cho cái chết của Ara. 

Nhưng giấc mơ về một chiếc điện thoại module vẫn còn đó tuy gặp không ít khó khăn. LG G5, sau màn ra mắt ấn tượng lại không gây được ấn tượng tốt về chất lượng cũng như các module tính năng. Moto Z nổi bật với cách kết nối module đơn giản, tiện dụng nhưng giá thành và chất lượng module chưa tương xứng. 

Liệu ai còn muốn một chiếc điện thoại module nữa?




Hải Nguyễn
Tom
Theo Trí Thức Trẻ03/03/2017