ASRock H170 Pro4/Hyper: Biến Core i3 thành Core i5 trong vài nốt nhạc

    Nội Tâm,  

    Hiện tại, điều kiện bắt buộc để OC các CPU non-K với giá phải chăng là phải bạn phải sử dụng bo mạch chủ của hãng ASRock.

    Đã từ rất lâu rồi, người dùng PC không còn được nếm trải cảm giác thích thú của việc ép xung trên các hệ thống giá rẻ, vốn bị Intel o bế từ lâu vì lý do lợi nhuận. Nhớ lại ngày này cách đây 8 năm - thời của Core 2 Duo, Core 2 Quad và lứa Core-i đầu tiên, phong trào OC diễn ra rất mạnh. Những ai đã từng say mê PC thời kỳ đó hẳn còn nhớ cảm giác sung sướng khó tả khi vọc vạch, ép cho cỗ máy yêu quý tăng thêm vài chục % hiệu năng.

    Thế nhưng từ thế hệ Sandy Bridge tới nay, Intel định hướng lại chiến lược sản phẩm, đưa ép xung thành 1 tính năng cao cấp, phải mất nhiều tiền mới có. Không còn chuyện bỏ ít tiền mua Pentium, Core i3 rồi ép xung lên chạy vun vút. Mà đâu phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền cho một cỗ PC, vậy nên phong trào OC ngày càng đi xuống.

    Thật may, ngọn lửa leo lắt lại được nhen nhóm trở lại khi ASRock - một trong những hãng sản xuất mainboard lớn nhất hiện nay - bất ngờ tung ra không phải một, mà hẳn 1 series bo mạch chủ giá bình dân ép xung được các CPU non-K giá rẻ. Sản phẩm đầu tiên thuộc series này xuất hiện tại Việt Nam là H170 Pro4/Hyper, đã được giới thiệu qua màn ép xung Core i5-6600 lên 5 GHz.

    Theo đại diện hãng và nhà phân phối ASRock tại Việt Nam, họ đang có kế hoạch đưa về mã H110M-DS/Hyper - em út và cũng thành viên rẻ nhất trong series ép xung nhà nghèo.

    Trong lúc chờ đợi chú ngựa ô giá rẻ nói trên, hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục giải trí với màn ép xung Core i3-6100 - một CPU trung cấp phù hợp túi tiền nhiều người.

    Điểm mặt bo mạch chủ có thể ép xung non-K

    - ASRock B150A-X1/Hyper (sắp ra mắt).

    - ASRock B150M Pro4/Hyper (sắp ra mắt).

    - ASRock B150 Gaming K4/Hyper (chưa bán tại Việt Nam).

    - ASRock H170 Pro4 (chưa bán tại Việt Nam).

    - ASRock Fatal1ty H170 Performance/Hyper (chưa bán tại Việt Nam).

    - ASRock H170 Pro4/Hyper. Giá tham khảo: 3.200.000 VNĐ.

    - ASRock H110-DS/Hyper (sắp ra mắt).

    Trong số các sản phẩm nói trên, ngoài H170 Pro4/Hyper đã được bán ra và kiểm chứng khả năng với màn ép xung Core i5-6600 lên 5 GHz, cái tên còn lại khiến tôi chú ý hơn cả là H110M-DS/Hyper. Sử dụng chipset rẻ nhất của dòng Intel Skylake, sẽ rất tuyệt vời nếu H110M-DS/Hyper đến tay người dùng Việt Nam với giá khoảng 2 triệu đồng. Được trang bị 5 phase điện, H110M-DS/Hyper hoàn toàn có thể ép xung Core i5 chạy hàng ngày ở mức độ vừa phải.

    ASRock H170 Pro4/Hyper

    Trước hết chúng ta hãy làm quen lại một chút với H170 Pro4/Hyper - bo mạch chủ duy nhất tại Việt Nam hiện nay (không tính Z170) cho phép ép xung cho các CPU non-K. Sản phẩm gắn nhãn Made in Vietnam, được sản xuất tại nhà máy của ASRock đặt tại Bình Dương.

    Dù thuộc phân khúc trung cấp nhưng ASRock lại khoác lên sản phẩm tông đen - trắng sang chảnh thời thượng, vốn chỉ thấy ở các bo mạch chủ cao cấp.

    Có cả giáp bảo vệ mạch audio và các cổng I/O.

    Tản nhiệt chipset và phase điện lại cách điệu bằng màu bạc, tránh một màu trắng toát nhàm chán.

    H170 Pro4/Hyper có tới 10 phase điện, tha hồ ép xung.

    Sản phẩm được trang bị 2 khe PCIe x16, hỗ trợ công nghệ CrossFireX chạy nhiều card đồ họa của AMD.

    Kết quả ép xung CPU Core i5-6600 lên 5 GHz của anh Lê Duy Thanh - một thành viên cộng đồng OC Việt Nam.

    Click vào đây để xem ảnh kích thước lớn.

    Cấu hình thử nghiệm

    Bo mạch chủ: ASRock H170 Pro4/Hyper

    Bộ xử lý: Intel Core i3-6100 (3,7 GHz)

    Card đồ họa: Asus HD 6850 DCII

    Bộ nhớ trong: 2 x 8 GB Avexir Core Series DDR4 2666 MHz

    Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB

    Nguồn: 650W

    Ép xung Core i3-6100: Mất chưa đến 5 phút, dễ như ăn kẹo

    Do đặc thù của ép xung non-K chỉ có thể tăng Base Clock (ảnh hưởng đến cả xung RAM, rất dễ fail) nên ASRock chỉ cung cấp duy nhất 1 chế độ ép xung nhẹ từ 100 MHz lên 110 MHz, nghĩa là xung nhịp tăng 10%, còn tăng cụ thể bao nhiêu thì còn tùy xung gốc của CPU. Ví dụ chip Pentium G4400 xung 3,3 GHz sẽ tăng lên 3,63 GHz; Pentium G4500 xung 3,5 GHz sẽ tăng lên 3,85 GHz. Đối với Core i3-6100 mà tôi đang thử, xung tăng từ 3,7 GHz lên 4,07 GHz.

    10% không phải nhiều, nhưng chế độ này có 2 ưu điểm tuyệt đối:
    - Kích hoạt cực dễ: Chỉ cần bấm chữ X khi boot, chỉ cần biết chữ là làm được.
    - Sau khi kích hoạt, toàn bộ thiết lập đều đặt về chế độ tối ưu cho ép xung. Người dùng muốn ép xung cao hơn chỉ việc tăng Base Clock rồi tìm Vcore thích hợp, chú ý kiểm soát xung RAM là xong, hoàn toàn không phải chỉnh chọt gì thêm.

    Tất nhiên con số 4,07 GHz không thể khiến tôi hài lòng, càng chưa thể hấp dẫn các OCer kỳ cựu. Với kinh nghiệm của mình, tôi dễ dàng đưa xung nhịp hoạt động lên 4,625 GHz.

    Như vậy H170 Pro4/Hyper có thể dễ dàng đưa Core i3-6100 vượt qua ngưỡng 4,5 GHz - ngưỡng thích hợp sử dụng hàng ngày.

    Hiệu năng tăng thêm nhiều hay ít?

    Tất nhiên ép xung chỉ để cho vui thì chả có ý nghĩa gì. Chúng ta sẽ theo dõi sự hiệu quả của vài cái click chuột ở trên mang lại. Tham gia chương trình có sự tham gia của khách mời Core i5-6400 giá 4.459.000 VNĐ - cao gấp 1,6 lần Core i3-6100.

    Kết luận

    Bản thân ép xung đã là một việc thú vị. Ép xung CPU giá rẻ còn thú vị hơn. Đúc kết kinh nghiệm ép xung trước nay, chỉ bằng chút thao tác đơn giản tôi đã có thể đưa sức mạnh của bộ xử lý Core i3 lên tiệm cận với Core i5 (giá chênh lệch tới 1.660.000 VNĐ, tương đương 60%). Đối với một OCer, quá dễ thì mau chán, nhưng giờ thì người dùng PC thông thường cũng có thể ép xung, mà lại ép xung với giá rất rẻ, miễn là bạn sở hữu 1 trong 6 bo mạch chủ được liệt kê ở đầu bài viết. Biến Pentium thành Core i3, và biến Core i3 thành Core i5 - nghe thật là hấp dẫn!

    Với giá 3,2 triệu đồng, H170 Pro4/Hyper có vẻ thích hợp với các cấu hình tầm trung và cận cao cấp chạy chip Core i5, Core i7 non-K hơn. Nếu như bạn thích thú với việc ép xung chip Pentium và Core i3, hãy chờ đợi H110M-DS/Hyper, chắc cũng về sớm thôi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ