Bạn có bị rối loạn tâm thần trong thời đại số hiện nay?

    Trung Kiên, BBC 

    (GenK.vn) - Những rối loạn về tâm thần không trừ một ai, bất kì ai cũng có thể gặp phải những vấn đề về tâm thần trong cuộc sống...

    Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, bạn sẽ như thế nào? Buồn bã, thất vọng, mệt mỏi?

    Vâng, người ta cho rằng có đến một phần tư dân số trên thế giới đã từng gặp các vấn đề về tâm thần, trong đó sự kì thị và phân biệt đối xử là hay gặp nhất. Thực tế cho thấy vấn đề sức khoẻ tâm thần liên quan mật thiết với những “khuyết điểm” của mỗi cá nhân.

     

    Sức khoẻ tâm thần là gì?

    Một người được coi là "khoẻ" về mặt tinh thần, tức là người đó có thể tự đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống, có thể tự chăm sóc bản thân, nhận ra được tiềm năng của mình và đóng góp cho cộng đồng. Tuy nhiên, tình cảm, cảm xúc của mỗi cá nhân thay đổi tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và các giai đoạn trong cuộc đời mỗi người.

    Mỗi người, trong cuộc sống đều đã trải qua ít nhiều các giai đoạn đau khổ hay căng thẳng trong cuộc sống; sau những giai đoạn đó, ngay cả khi vẻ ngoài họ có vẻ bình thường, nhưng thực tế những tổn thương về mặt tâm lý, tình cảm vẫn còn tồn tại, và tích luỹ dần cho tới khi các triệu chứng này biểu hiện ra ngoài và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của họ. Khi đó họ sẽ được coi là “bệnh nhân tâm thần”.

     

    Các triệu chứng có thể thấy: đau khổ, buồn bã kéo dài, âm ỉ hoặc dữ dội, thờ ơ, lãnh đạm, sống khép mình. Chúng có thể kéo dài đến vài ngày hoặc vài tháng.

    Các vấn đề sức khoẻ tâm thần được định nghĩa và phân loại để giúp các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Các triệu chứng được phân làm 2 nhóm chính: loạn thần kinh và tâm thần.

    Loạn thần kinh là trạng thái cực đoan của những cảm xúc thông thường như trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD – obsessive compulsive disorder). Cứ 10 người thì có một người đã từng trải qua rối loạn này trong cuộc đời của họ.

     

    Về tâm thần, cứ 100 người thì có một người có các triệu chứng của bệnh, nó ảnh hưởng tới nhận thức của họ, giảm khả năng suy nghĩ cũng như đánh giá của người bệnh. Có 2 loại: tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực.

    Vấn đề tâm thần thường xuyên xảy ra nhưng may thay, phần lớn chúng ta có thể vượt qua nó, học cách đối mặt và tồn tại khi gặp các khó khăn, đặc biệt là nếu được phát hiện và điều trị bệnh sớm.

    Tình trạng thực tại về vấn đề tâm thần xảy ra tại Anh:

    Lo âu: 10%.

    Rối loạn lưỡng cực: 1%.

    1/150 trẻ gái và 1/1000 trẻ trai ở độ tuổi 15 cảm thấy chán ăn.

    20% số người cảm thấy chán nản một vài lần trong cuộc đời họ.

    Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD): 2%.

    1/10 có rối loạn nhân cách, mặc dù ở một số người thì bệnh không nghiêm trọng.

    1/100 có tâm thần phân liệt.

    (Nguồn: Royal College of Psychiatrists.)

    Vậy có những nguyên nhân nào gây nên rối loạn tâm thần như vậy?

    Không ai biết chính xác nguyên nhân của các rối loạn tâm thần là gì nhưng họ cho rằng sự kết hợp giữa các yếu tố thể chất, tâm lý và xã hội đóng một vai trò rất quan trọng.

     

    Một số vấn đề tâm thần như rối loạn lưỡng cực có tính di truyền. Các nhà nghiên cứu cho rằng nó liên quan tới một vài gen bất thường trong cơ thể nhưng không trực tiếp gây nên bệnh. Vì vậy, một người có gen rất nhạy cảm, dễ bị mắc các rối loạn tâm thần, tuy nhiên họ có thể không bao giờ bị mắc những bệnh ấy.

    Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ về mặt tâm lý dễ làm con người bị tổn thương hơn như nghèo khổ, bị bỏ rơi, mồ côi cha mẹ hoặc bị lạm dụng.

    Và hàng loạt các vấn đề khác trong cuộc sống cũng là nguyên nhân gây nên bệnh thần kinh - tâm thần: ốm đau, ly hôn, cái chết của người thân yêu, mất việc, lạm dụng thuốc, sự kì vọng của xã hội, sự khó khăn trong cuộc sống gia đình.

     

    Khi nào thì một người được coi là bị mắc các rối loạn tâm thần?

    Nhiều bệnh tâm thần khác nhau có thể có những triệu chứng giống nhau do đó nếu chỉ xét các biểu hiện bên ngoài thì rất khó đánh giá được. Và, bệnh tâm thần cũng không thể phát hiện được qua các xét nghiệm thông thường. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý và tâm thần lâm sàng giàu kinh nghiệm sẽ dựa vào triệu chứng của bệnh nhân và theo dõi các cử chỉ, hành vi trong một thời gian dài để chẩn đoán bệnh.

    Các bác sĩ tâm thần ở Anh thường chẩn đoán các bệnh sức khoẻ tâm thần theo hệ thống phân loại bệnh ICD của Tổ chức Y tế Thế giới (the World Health Organisation’s International Classification of Diseases). Nó liệt kê các bệnh và các triệu chứng theo nhiều tiểu mục khác nhau. Hệ thống này được cập nhật 15 năm/lần.

     

    Các chuyên gia cho rằng hiện nay hầu hết các bác sĩ chỉ tiếp cận bệnh nhân theo góc độ Y tế. Họ quên mất rằng, thực chất gốc rễ của những vấn đề rối loạn tâm thần nằm ở những mối quan hệ tâm lý, xã hội của người bệnh.

    Ví dụ điển hình là việc dùng thuốc. Nhiều bác sĩ chỉ biết cho bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần mà không quan tâm đến hiệu quả điều trị, tác dụng phụ của thuốc, nhất là về đời sống tinh thần của bệnh nhân.

    Phân loại rối loạn lưỡng cực tình cảm theo ICD-10:

    “Biểu hiện của loại rối loạn này là sự xáo trộn về tâm lý và thể chất trong hai hoặc nhiều giai đoạn, được đặc trưng bởi hai tình trạng: Hưng cảm (tâm trạng hứng khởi cao bất thường, dễ bị kích thích, khuấy động, tràn đầy năng lượng) và Trầm cảm (tinh thần lúc nào cũng ủ rũ, mệt mỏi, căng thẳng, không có hứng thú làm bất cứ chuyện gì)."

    Nguồn: BBC.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ