Bạn đã biết 13 mẹo chìm sâu vào giấc ngủ dễ dàng hơn này hay chưa?

    NPQM,  

    Đừng để những cơn căng thẳng và mệt mỏi lấy đi bất kỳ giây phút nghỉ ngơi quý giá nào của bạn.

    Thế giới ngày nay càng xuất hiện nhiều vấn đề khiến bạn phải lo nghĩ, khiến cho thời lượng nghỉ ngơi và đặc biệt là giấc ngủ của mỗi người bị ảnh hưởng trầm trọng, không chỉ cho năng suất công việc và những căng thẳng liên quan, mà còn cả chính sức khỏe về lâu dài của bạn nữa.

    Theo thống kê chung, người Mỹ trung bình chỉ được ngủ 6,8 giờ mỗi đêm, giảm 1 tiếng so với số liệu từ năm 1942. 4 trong số 10 người Mỹ thậm chí không đạt được chỉ tiêu tối thiểu cho một giấc ngủ 7 tiếng như khuyến nghị y tế. Do đó, đây ngày càng trở thành một vấn nạn nhức nhối trong đời sống, tác động tiêu cực đến cả tinh thần lẫn thể xác.

    Nếu cảm thấy mình đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng như vậy, dưới đây là những cách hữu hiệu để có thể dễ dàng chìm sâu vào một giấc ngủ thư thái hơn:


    1. Giảm cường độ sáng trong phòng ngủ

    Nghe có vẻ quen thuộc và là thứ mà ai cũng biết, nhưng thực sự thì mọi người vẫn chưa biết cách vận dụng quy tắc này một cách đúng đắn và vẫn coi thường nó: Những ánh sáng xanh tác động đến não theo cách khiến cho hệ thần kinh của bạn nghĩ rằng đó vẫn đang là ban ngày, từ đó ngừng sản xuất các chất xúc tác cho cảm giác buồn ngủ của bạn như melatonin. Các chuyên gia từ Harvard khuyên rằng sử dụng ánh sáng đỏ với cường độ nhẹ vào buổi tối và phơi nắng hoặc tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên vào ban ngày sẽ giúp phục hồi lại nhịp sinh học ngủ nghỉ của cơ thể.


    2. Tránh xa điện thoại

    Vẫn là một quy tắc không có gì xa lạ nữa, nhưng nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khắc phục các vấn đề về giấc ngủ. Nhiều nghiên cứu liên tiếp đã chứng minh nhìn vào màn hình điện thoại trước khi đi ngủ - hoặc kể cả TV, máy tính, tablet - đều ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giấc ngủ cũng như sức khỏe về sau.


    3. Bỏ thói quen uống cafe

    Cafe có thể giúp bạn giải quyết một số vấn đề nhất định, nhưng cũng là tác nhân gây ra những tình trạng xấu khác. Các chất caffein ức chế melatonin trong não, khiến bạn khó ngủ và ngủ ít đi dù thời gian bạn uống có cách xa thời điểm đi ngủ đi chăng nữa.


    4. Dừng việc uống đồ uống có cồn

    Đã đến lúc để chúng ta tỉnh ngộ rồi: Đồ uống có cồn là thứ tệ hại nhất gây nên chứng mất ngủ. Một công bố từ Viện nghiên cứu Sức khỏe Hoa Kỳ đã chứng minh những tác hại kinh khủng chúng gây ra cho giấc ngủ thông thường. Uống ít hay nhiều cũng đều có hại và sẽ bị ảnh hưởng, nhiều khi còn là tiền đề cho nhiều triệu chứng phụ nguy hiểm khác như ngạt thở trong lúc ngủ.


    5. "Chọn mặt gửi vàng"

    Hãy đảm bảo rằng những người đồng hành với mình trong giấc ngủ mỗi tối thực sự là người khiến mình hạnh phúc và muốn ở bên cạnh, vì chỉ khi ấy bạn mới có được tình trạng tốt nhất để duy trì một giấc ngủ tốt, sâu.


    6. Xây dựng thói quen cố định hàng ngày

    Các thói quen và hành vi thường ngày vốn dĩ đã không còn xa lạ với đặc tính của mỗi người trong cuộc sống. Vậy hãy áp dụng điều tương tự cho việc đi ngủ, vì các bác sĩ chuyên khoa đều công nhận những ích lợi mà bạn có được từ nó.


    7. Sưởi ấm bàn tay và bàn chân

    Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu đặt những túi nước chườm ấm ở cạnh tay hoặc chân trong lúc ngủ sẽ giúp bạn rơi vào giấc ngủ nhanh hơn đáng kể. Không có khả năng mua những sản phẩm đó thường xuyên? Hãy đi tất mỏng là đủ rồi. (Tất nhiên điều này phụ thuộc một phần vào sở thích của một số người khác khi họ có thể thích ngoại lệ hay điều ngược lại.)


    8. Cố thức chứ không ngủ

    Nghe thực sự ngược đời, và cũng mới chỉ có duy nhất một nghiên cứu tiến hành chứng tỏ tác dụng của điều nghịch lý này, nhưng đúng là những số liệu điều tra cho thấy những bệnh nhân khó ngủ đã đạt được kết quả khả quan hơn. Do vậy, nếu đã thử nhiều cách mà chưa có tác dụng, hãy tính đến phương pháp độc đáo này xem sao.


    9. Tắm nước ấm

    Đây có lẽ là việc không còn gì phải thắc mắc nữa rồi, vì rất nhiều công trình học thuật đã chỉ ra ích lợi to lớn của nó. Trước khi đi ngủ, hãy tắm nước ấm một chút để thả lỏng cơ thể được chìm sâu vào giấc ngủ dễ hơn.


    10. Thư giãn tinh thần

    Nhiều người mắc chứng khó/mất ngủ thừa nhận rằng những ý nghĩ không tên cứ liên tục lởn vởn trong đầu họ, hoặc là những ký ức khó quên. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo rằng chúng ta nên chọn cho mình một viễn cảnh dễ chịu và thoải mái để nghĩ đến, rồi từ từ cơ thể sẽ dần bình tĩnh và dễ ngủ hơn.


    11. Nghe nhạc

    Nghe nhạc cổ điển nhẹ nhàng giúp hạ mức căng thẳng và tăng chất lượng giấc ngủ, trong khi những lời tâng bốc về việc nghe sách điện tử hay nằm yên sẽ không có tác dụng thực tế bằng. Tất nhiên, nhạc cổ điển chỉ là một gợi ý chung, vì nếu bạn cảm thấy thỏa mãn hơn với các loại nhạc khác thì đừng ngại thử áp dụng.


    12. Hương hoa oải hương

    Những công trình tìm tòi về sức khỏe đã chỉ ra cho thấy mùi hoa oải hương giúp chúng ta dễ rơi vào giấc ngủ hơn và khi tỉnh dậy cũng cảm thấy khỏe khoắn, tươi tỉnh hơn. Được biết, mỗi phản ứng ở 2 giới tính khi theo dõi tiếp xúc với mùi hương này là khác nhau, nhưng nhìn chung là đều có nhiều tác dụng lớn.


    13. Tự hiểu thấu bản thân mình

    Tất cả những mẹo trên chỉ là một cách xúc tác và thúc đẩy cảm giác thư giãn bình tĩnh trước khi ngủ, nhưng mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt không giống nhau, do đó một cách giải quyết không thể áp dụng cho mọi người và mọi tình huống. Biện pháp tốt nhất là cố gắng hiểu được cơ thể mình cần gì, từ đó tìm đến các yếu tố phù hợp để giúp cuộc sống trở nên dễ chịu và thỏa mãn hơn.

    Tham khảo: BusinessInsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày