Bán đủ thứ rồi lập nền tảng cho khách hàng dễ vay tiền mua sắm, Jack Ma đang là chủ nợ của cả một thế hệ người trẻ Trung Quốc

    Vân Đàm, Theo Trí Thức Trẻ 

    Những chi nhánh tài chính của các tập đoàn khổng lồ như Alibaba của tỷ phú Jack Ma đang kiếm được tiền nhờ việc cho khách hàng vay tiêu dùng để mua chính những sản phẩm bán trên các nền tảng của họ.

    Các tỷ phú Trung Quốc đang kiếm được hàng tỷ USD thông qua việc bán mọi thứ từ iPhone tới máy sấy tóc trên những nền tảng mua sắm trực tuyến tại đây. Hiện tại những chi nhánh tài chính của các tập đoàn khổng lồ như Alibaba còn kiếm được cả tiền nhờ việc cho khách hàng vay tiêu dùng để mua chính những sản phẩm bán trên các nền tảng của họ.

    Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của những người trẻ ở Trung Quốc tăng lên, các công ty như Ant Financial – được kiểm soát bởi tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma ngày càng mở rộng việc cho vay hơn. Công ty này sau đó cơ cấu lại các khoản nợ thành các sản phẩm tài chính phức hợp để bán lại cho nhà đầu tư tài chính. Theo tính toán của Bloomberg kết hợp cùng dữ liệu của công ty nghiên cứu China Securitization Analytics thì riêng Ant Financial đã bán ít nhất 149 tỷ NDT (tương đương 23 tỷ USD) thứ gọi là chứng khoán đảm bảo bằng tài sản trong năm nay.

    Tuy nhiên, cách thức mới đang khiến một vài chuyên gia phân tích lo ngại – những người này khẳng định rằng các công ty tài chính cần phải minh bạch hơn với những loại chứng khoản đảm bảo bằng tài sản (ABS) như vậy.

    "Với những loại ABS kiểu này, chắc chắn có nhiều câu hỏi cần được giải quyết. Tiêu chí nào các đơn vị cho vay dựa vào để quyết định cho vay đối với những người vay không đạt tiêu chuẩn? Làm sao để phía đơn vị cho vay thu thập được thông tin về người vay? Lấy gì để đảm bảo tình hình tài chính của họ vẫn ổn định khi nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn?", ông Jerome Chang - Phó chủ tịch mảng Dịch vụ đầu tư của Moody's nói.

    Những câu hỏi như vậy được đặt ra trong bối cảnh việc cho vay tiền trực tuyến ngày càng trở nên dễ dàng.

    Miuki Wang – một sinh viên tại Thượng Hải đã vay khoản tiền trị giá 10.000 NDT (khoảng hơn 30 triệu đồng) cho chuyến du lịch tới London vào mùa hè này chỉ trong vài giây, tất cả thông qua ứng dụng của cô trên điện thoại. Ant Financial chấp nhận đề nghị mức lãi suất hàng năm cho khoản vay của Wang là 14,6% thông qua dịch vụ cho vay tiền trên nền tảng di động mang tên Jebei – có nghĩa là "chỉ cần vay".

    Wang đã trả hết nợ vào tháng 9 và lên kế hoạch sẽ còn vay nhiều hơn qua hình thức này. "Tiền sẽ mất giá qua thời gian. Tại sao không tiêu bây giờ nhỉ?"

    Trong khi đó, Zuo Fei - Giám đốc kiêm chủ tịch mảng ABS tại China Merchant Securites thì khẳng định: "Trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đối với ABS rất thấp bởi số lượng các khoản vay rất nhỏ. Những sản phẩm ABS như thế này sẽ an toàn, trừ khi những rủi ro hệ thống xuất hiện trong nền kinh tế và gây ra những vụ vỡ nợ trên diện rộng trong toàn bộ lĩnh vực cho vay tiêu dùng", theo Zuo Fei – một Giám đốc và chủ tịch ABS của China Merchant Securities nói.

    Nếu như trong năm ngoái JD.com - công ty thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Trung Quốc bán ra 9,5 tỷ NDT ABS thì con số tương tự với Baidu là 1,3 tỷ NDT. "Khi các công ty xây dựng được dữ liệu theo dõi chất lượng tài sản tốt hơn, chắc chắn bạn sẽ có nhiều người tham gia hơn", theo Barry Freeman – đồng sáng lập Pintec.

    Yan Hong – một giáo sư tại Viện kinh tế Thượng Hải khẳng định rằng việc minh bạch thông tin về tài sản đảm bảo cho các khoản vay tiêu dùng là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho những nhà đầu tư vào loại hình tài sản đó.

    "Các nhà chức trách cần thắt chặt các điều kiện công bố thông tin. Họ có thể không tiết lộ tất cả chi tiết về tài sản đảm bảo của mỗi khoản vay, nhưng nhưng thông số cơ bản về tài sản đảm bảo nhất thiết phải có".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ