“Bán mình” tại Trung Quốc, kịch bản nào cho Uber Việt Nam?

    PV,  

    Uber bán công ty của mình tại Trung Quốc cho đối thủ Didi Chuxing, giá trị của thương vụ này là 35 tỷ USD sau 2 năm hoạt động tại thị trường này và tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD.

    “Bán mình” khi các nhà đầu tư đã chán ngấy vì thua lỗ

    Sau khi thông tin Uber sẽ bán công ty của mình tại Trung Quốc phát đi, ông Travis Kalanick, CEO kiêm đồng sáng lập Uber đã có tâm thư gửi tới Uber tại Trung Quốc và cho biết, thương vụ sáp nhập kể trên đã mở đường cho đội ngũ Uber và Didi hợp tác với “sứ mệnh vĩ đại” đó là phục vụ các thành phố, hành khách và lái xe của Trung Quốc một cách bền vững.

    Được biết, sau thương vụ này Uber sẽ nhận được 5,89% cổ phần của công ty hậu sáp nhập, tương đương với khoảng 17,7% cổ phần của Didi Chuxing, Didi cũng sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Uber.

    Và trong suốt 2 năm hoạt động tại Trung Quốc, Uber đã công bố lỗ tới 2 tỷ USD, xuất phát chủ yếu từ các khoản hỗ trợ cho lái xe hoạt động tiếp thị và khuyến mại. Khoảng lỗ này cũng xuất phát từ việc Uber đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm việc đầu tư máy chủ riêng tại Trung Quốc, hợp tác với Baidu để sử dụng hệ thống bản đồ riêng cho Trung Quốc, hợp tác với Alipay để có hệ thống thanh toán trực tuyến riêng cho người dùng tại Trung Quốc…

    Tuy nhiên, điều mà Uber nhận lại, sau những nỗ lực kể trên, là Didi vẫn chiếm tới 85% thị phần thị trường đặt xe qua ứng dụng tại Trung Quốc, trong khi đó Uber chỉ vẻn vẹn 8%.

    Dù sở hữu con số khiêm tốn trên song Travis Kalanick vẫn tỏ ra khá lạc quan khi nhắc lại lý do Uber có mặt tại thị trường Trung Quốc và cho rằng, những nỗ lực của Uber tại Trung Quốc là một trong những nỗ lực kinh doanh táo bạo nhất của Uber vì Uber đã phải “gây dựng từ đầu”.

    Bình luận về sự kiện này, GS. William Kirby, trường Kinh doanh, Đại học Harvard cho rằng, Uber không rút khỏi Trung Quốc vì ngại cạnh tranh với Didi, mà do các quy định đối với công ty đặt xe sắp được ban hành.

    Cụ thể, theo vị này, những nội dung được cho là trở ngại với Uber như lái xe của dịch vụ đặt xe qua ứng dụng phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm lái xe và không có tiền án, tiền sự; Các công ty cũng không được phá giá để chèn ép đối thủ hay thống lĩnh thị trường…

    Đặc biệt là quy định các công ty đặt xe qua ứng dụng chịu trách nhiệm đóng thuế và mua bảo hiểm cho khách.

    Trong khi đó, trên tờ Tech in Asia, một nhà bình luận cho rằng, quyết định “bán mình” của Uber tại Trung Quốc không xuất phát từ việc nhằm phục vụ các thành phố và hành khách của Trung Quốc mà bị ép buộc bởi những nhà đầu tư “chán ngấy” việc Uber đổ tiền vào Trung Quốc mà không giành được nhiều thị phần từ đối thủ nặng ký Didi Chuxing ở nước sở tại.

    Mạnh tay tại Việt Nam, Uber có đi vào “vết xe đổ”?

    Một điểm gần như tương đồng, tại thị trường Việt Nam, dù đã bước chân vào thị trường từ đầu năm 2014 tuy nhiên cho đến nay Uber Việt Nam vẫn đang duy trì mức hỗ trợ đáng kể cho lái xe, lên đến 50% doanh thu và liên tục có các mã giảm giá, miễn phí chuyến đi cho người dùng và người dùng mới.

    Tuy nhiên, nhìn vào sự thất bại của Uber tại thị trường Trung Quốc, liệu việc hỗ trợ lái xe và khuyến mại cho người dùng như hiện tại có phải là một chiến lược kinh doanh bền vững của Uber?

    Thậm chí, tại Việt Nam, Uber còn gặp một rắc rối khác nằm ở các quy định nhằm thắt chặt hoạt động đặt xe qua ứng dụng không có lợi đối với Uber.

    Hồi tháng 10/2015 Uber từng trình Bộ Giao thông vận tải Đề án thí điểm và xây dựng khung pháp lý cho hoạt động dịch vụ kết nối vận tải tại Việt Nam. Tuy nhiên, Uber đã bị Bộ Giao thông trả lại đề án với lý do Uber phải có hiện diện pháp nhân chính thức tại Việt Nam để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các đối tác kinh doanh vận tải.

    Sau đó, Bộ Giao thông đã đề nghị phía Uber sửa lại đề án nhưng cho tới thời điểm này Uber vẫn chưa có động thái nào khác. Hiện mới chỉ có Vinasun và Grab là 2 công ty được phát triển khai Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử tại Việt Nam.

    Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam cũng đang đau đầu khi chưa thể thu được một đồng thuế nào từ Uber dù đã làm việc nhiều lần với đại diện Uber. Trong khi, theo thống kê trước đó từ Cục thuế TP.HCM mỗi ngày taxi Uber chuyển lợi nhuận lên đến hàng tỷ đồng về công ty quản lý tại Hà Lan.

    Theo BizLive

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ