Báo động giả tên lửa tấn công tại Hawaii không phải lỗi của người đánh máy, mà là lỗi của người thiết kế phần mềm

    tvd,  

    Cuối tuần vừa qua, những người dân sống tại Hawaii đã rơi vào tình trạng vô cùng hoảng loạn, sau khi họ nhận được một cảnh báo nguy cơ bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo. Rất may đây chỉ là cảnh báo giả.

    Cuối tuần vừa qua, những người dân sống tại Hawaii đã rơi vào tình trạng vô cùng hoảng loạn, sau khi họ nhận được một cảnh báo nguy cơ bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên rất may là sau khoảng 40 phút từ khi cảnh báo được gửi đi, các quan chức tại Hawaii đã xác nhận rằng đó chỉ là báo động giả.

    Tư lệnh Joe Nawrocki của Bộ tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp các cảnh báo hàng không tại Bắc Mỹ, cho biết: "Không có mối đe dọa tên lửa nào cả. Chúng tôi đang cố gắng tìm ra nguyên nhân vụ việc. Hoàn toàn không có mối đe dọa tên lửa đạn đạo nào đến Hawaii vào lúc này".

    Sự cố này cuối cùng cũng đã được làm rõ nguyên nhân, và đó không phải lỗi của anh chàng đánh máy. Lỗi thực sự nằm ở anh chàng thiết kế phần mềm cảnh báo thiên tai cho các quan chức Hawaii.

    Các quan chức tại Hawaii cho biết thiết kế của phần mềm cảnh báo thiên tai này rất dễ khiến người sử dụng gửi nhầm một cảnh báo thảm họa cho tất cả người dân. Nguyên nhân là do thiết kế của phần mềm này có mục gửi cảnh báo diễn tập và cảnh báo thảm họa thật gần nhau.

    Như bức hình chụp được chia sẻ, chúng ta dễ dàng thấy các lựa chọn cảnh báo bao gồm cảnh báo diễn tập và ngay phía dưới là cảnh báo thảm họa thật. Thiết kế này dẫn đến việc người sử dụng phần mềm dễ dàng bấm nhầm vào cảnh báo thật.

    Mặc dù vị đại diện không cho biết tên của hãng thiết kế phần mềm, nhưng theo bức ảnh chụp thì đây chính là một phần mềm cảnh báo thảm họa của công ty AlertSense. Đây là một công ty được cấp phép để thiết kế phần mềm cảnh báo thảm họa và gửi tới người dân trong lãnh thổ nước Mỹ.

    AlertSense hiện chưa có bất kỳ câu trả lời nào. Nhưng trong một chia sẻ trước đây với The Verge, trưởng đội ngũ phát triển Randy Grohs của công ty đã giải thích cơ chế hoạt động của phần mềm cảnh báo thảm họa này.

    Theo đó, có hai cách để các nhà chức trách có thể gửi một cảnh báo tới người dân. Cách đầu tiên đó là người sử dụng phần mềm sẽ điền thông tin cảnh báo bằng tay, bao gồm cả nội dung và loại cảnh báo. Sau đó gửi cảnh báo này tới điện thoại của người dân.

    Cách thứ hai đơn giản hơn, nó cho phép người sử dụng phần mềm lựa chọn một trong số những mẫu có sẵn và gửi đi mà không cần điền thêm bất kỳ thông tin nào. Các mẫu có sẵn bao gồm các cảnh báo thảm họa động đất, sóng thần, thảm họa chiến tranh hoặc một vụ tấn công bằng tên lửa hạt nhân.

    Tất nhiên sau khi chọn một mẫu cảnh báo có sẵn, người dùng phần mềm vẫn có thể xem các thông tin được hiển thị trong cảnh báo. Sau đó, phần mềm cũng sẽ hỏi lại xem người sử dụng có chắc chắn muốn gửi cảnh báo này đi hay không.

    Chính vì vậy cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho người thiết kế phần mềm này. Mặc dù sau khi thông tin này được công bố, rất nhiều lập trình viên cho rằng đây thực sự là một thiết kế thảm họa.

    Tham khảo: Theverge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ