Báo Nhật viết về Sendo.vn: Đặt hy vọng vào thị trường nông thôn, tự tin vào sự am hiểu thị trường nội địa, sẽ tiếp tục gây vốn để cải thiện ví SenPay

    Chíp,  

    "Chúng tôi cam kết cung cấp một chợ trực tuyến thân thiện và dễ sử dụng cho người dân địa phương vì chúng tôi hiểu hành vi của bà con mình hơn những đối thủ nước ngoài", Chủ tịch Sendo, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng chia sẻ.

    *Lược dịch bài viết của Nikkei Asian Review về nền tảng thương mại điện tử Sendo.vn.

    Sendo Technology, chợ trực tuyến đầu tiên của Việt Nam, nơi người tiêu dùng bán hàng cho nhau, nhìn thấy cơ hội vàng trong việc giành lấy người dùng tại những thành phố nhỏ, cạnh tranh kém khốc liệt hơn các thành phố lớn.

    "Bằng cách chỉ tập trung vào thị trường nội địa, chúng tôi đang tạo ra sự khác biệt cho chính mình", Chủ tịch Sendo, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng chia sẻ với Nikkei Asian Review.

    "Chúng tôi sẽ khai phá những thành phố cấp hai và xa hơn, những nơi hiện tại chưa được nhắm tới và có 70 triệu người Việt Nam sinh sống", ông nói.

    Theo Tạp chí Dân số Thế giới, Việt Nam, một trong những nước phát triển nhất Đông Nam Á, có dân số gần 97 triệu người.

    Báo Nhật viết về Sendo.vn: Đặt hy vọng vào thị trường nông thôn, tự tin vào sự am hiểu thị trường nội địa, sẽ tiếp tục gây vốn để cải thiện ví SenPay - Ảnh 1.

    Chủ tịch Sendo, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng

    Các công ty như nền tảng thương mại điện tử Singapore Lazada và Shopee, tập đoàn hàng tiêu dùng Lotte Hàn Quốc và các startup địa phương như Adayroi và Tiki đang tranh giành chỗ đứng tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, những thành phố đông dân nhất Việt Nam. Nhưng mô hình người tiêu dùng bán hàng cho người tiêu dùng mà Sendo đang tập trung vào đã có những tín hiệu khởi sắc, ông Dũng cho biết.

    Trong tháng 8, Sendo đã nhận được 51 triệu USD từ tám nhà đầu tư bao gồm các tập đoàn dịch vụ tài chính Nhật Bản SBI Holdings, Daiwwa PI Partners, Softbank Ventures Korea và Beenos. các công ty từ Hồng Kông và những nơi khác cũng tham gia vào một trong những vòng gây vốn lớn nhất cho một startup Việt Nam này. Khoản đầu tư của từng công ty không được tiết lộ.

    "Chúng tôi cam kết cung cấp một chợ trực tuyến thân thiện và dễ sử dụng cho người dân địa phương vì chúng tôi hiểu hành vi của bà con mình hơn những đối thủ nước ngoài", ông Dũng tuyên bố.

    Sendo.vn thu hút sự chú ý của công chúng khi là nền tảng được hỗ trợ bởi FPT, tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. Nền tảng thương mại điện tử này được thiết kế để cho phép người dùng bán hàng cho nhau và cung cấp nhiều lựa chọn cho những người tiêu dùng sống bên ngoài hai thành phố lớn của quốc gia hình chữ S. Người mua đặt hàng sau đó chọn đối tác vận chuyển dựa trên các lựa chọn được đề xuất theo vị trí. Sendo chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt hoặc thanh toán trực tuyến từ người mua sau đó trả tiền cho người bán và đơn vị vận chuyển qua ví điện tử SenPay.

    Mức giá trung bình của các sản phẩm trên Sendo là 15 USD. Đồ thời trang với giá dưới 50 USD là mặt hàng bán chạy nhất. Nền tảng này cung cấp hơn 10 triệu sản phẩm từ 300.000 người bán.

    "Ngành công nghiệp thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ nhưng còn nhiều không gian để phát triển", ông Dũng nói. "Chúng tôi thấy 60% người mua sống bên ngoài hai thành phố lớn trong khi 30% người bán sống ở các thành phố hạng hai hoặc thấp hơn".

    Quỳnh Lê, một người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chuyển sang dùng Sendo khi cô muốn tìm kiếm các mặt hàng thời trang do Việt Nam sản xuất như phụ kiện, giày dép và túi xách. Lê cho rằng Sendo là lựa chọn tốt nhất để cô gửi các đơn hàng đến người thân và bạn bè ở nông thôn. Công ty cũng cung cấp một quy trình hoàn tiền và trao đổi hàng linh hoạt cũng như giúp người mua dễ dàng theo dõi thông tin của người bán.

    Doanh thu từ thương mại điện tử của Việt Nam đạt 1,08 tỷ USD vào năm 207, chiếm chưa tới 1% trong tổng số 130 tỷ USD doanh thu của thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, quốc gia này là một trong những thị trường thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất, tăng 30% trong vài năm qua, theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam. Dự kiến, tỷ lệ tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì đến năm 2020.

    Báo Nhật viết về Sendo.vn: Đặt hy vọng vào thị trường nông thôn, tự tin vào sự am hiểu thị trường nội địa, sẽ tiếp tục gây vốn để cải thiện ví SenPay - Ảnh 2.

    Ba sáng lập Sendo, từ trái qua phải: Chủ tịch Nguyễn Đắc Việt Dũng, CEO Trần Hải Linh, Phó TGĐ Nguyễn Phương Hoàng

    Ông Dũng làm việc tại FPT trước khi thành lập Sendo. Ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách một lập trình viên, sau đó giữ một vị trí giám đốc tại trung tâm phát triển dự án của công ty con FPT Telecom. Ông được bổ nhiệm làm giám đốc của một dự án chiến lược tại FPT vào năm 2012, hợp tác với hai nhân sự khác để phát triển một chợ trực tuyến. Bộ ba này rời FPT vào năm 2013 để thành lập Sendo Technology tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2013 và FPT là cổ đông lớn nhất.

    Cái tên Sendo xuất phát từ Sen đỏ hoặc bông Sen đỏ trong tiếng Việt. Dũng cho biết họ đã chọn quốc hoa và màu sắc của quốc kỳ Việt Nam để đặt tên cho công ty của mình, với mục tiêu chỉ phục vụ các thương gia và người tiêu dùng Việt.

    Dũng, 44 tuổi, tốt nghiệp trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thành lập Sendo cùng hai đồng sáng lập, CEO Trần Hải Linh, tốt nghiệp Đại học Công nghệ Nanyang Singapore và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Phương Hoàng, người từng theo học tại Đại học Greenwich, Anh.

    "Khi bắt đầu dự án chúng tôi đã phải xây dựng nền tảng từ đầu bởi thương mại điện tử vẫn còn là một ý tưởng rất mới tại Việt Nam", vị chủ tịch chia sẻ. "Không một ai trong chúng tôi có kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên môn về thương mại điện tử. Ngay từ những bước đầu tiên, chúng tôi đã tự học và xây dựng nền tảng này từng ngày một với sự hỗ trợ từ FPT và SBI".

    Ba tháng sau khi Sendo được thành lập, công ty này đã thâu tóm 123mua.vn, nền tảng thương mại điện tử được xây dựng bởi VNG, hãng kinh doanh game lớn nhất Việt Nam. Giá trị thương vụ này không được tiết lộ nhưng theo ước tính rơi vào khoảng trên 5 tỷ đồng hoặc gấp ba lần giá trị của Sendo lúc bây giờ. Thương vụ thâu tóm này giúp Sendo có thể trực tiếp tiếp cận 30 triệu khách hàng trên hệ thống của VNG, thúc đẩy sự hiện diện của Sendo trong giai đoạn đầu.

    "Thâu tóm 123mua.vn là cột mốc quan trọng cho sự phát triển của Sendo và nó giúp chúng tôi thu hút được vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong vòng gây vốn đầu tiên", ông Dũng nói.

    Trong năm 2014, Sendo đã nhận được gần 2 tỷ yên (tương đương 18 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) từ ba công ty Nhật Bản, bao gồm SBI. Vào thời điểm đó, các nhà đầu tư Nhật Bản nắm 33% cổ phần của Sendo. Từ đó trở đi, sự tăng trưởng ổn định của Sendo khuyến khích các nhà đầu tư khác như Daiwa và SoftBank Group tham gia vòng gây vốn thứ hai trị giá 51 triệu USD.

    FPT là cổ đông lớn nhất của Sendo nhưng vẫn dưới 50% cổ phần, Dũng nói. Số cổ phần còn lại nằm trong tay các đồng sáng lập và bảy nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: SBI, eContext Asia, Beenext, Beenos và các nhà đầu tư mới như SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures.

    Sendo coi Facebook là mối đe dọa chính trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam vì mạng xã hội của Mỹ đang được sử dụng rộng rãi cho việc mua bán. Hàng triệu người đang mua bán qua Facebook, họ nhắn tin trao đổi về mặt hàng và giá cả sau đó gặp nhau để giao dịch hoặc thanh toán qua mạng và chuyển hàng qua các đối tác vận chuyển.

    Sendo muốn thu hút nhiều khách hàng đến với nền tảng của mình hơn bằng cách cung cấp các chương trình khuyến mãi lớn kèm các khoản hỗ trợ hậu mãi. Tuy chọn thanh toán không dùng tiền mặt cũng là một lợi thế cạnh tranh khác mà Sendo muốn đẩy mạnh.

    Báo Nhật viết về Sendo.vn: Đặt hy vọng vào thị trường nông thôn, tự tin vào sự am hiểu thị trường nội địa, sẽ tiếp tục gây vốn để cải thiện ví SenPay - Ảnh 3.

    Sendo thu hút khách bằng các chương trình khuyến mãi lớn và hỗ trợ hậu mãi

    Sendo vẫn muốn thu hút thêm nhiều vốn hơn nữa để cải tiến dịch vụ thanh toán kỹ thuật số để giúp người tiêu dùng bán hàng cho người tiêu dùng dễ dàng hơn nữa. Dịch vụ ví di động SenPay của Sendo đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép từ năm 2016.

    "Trong năm tới, chúng tôi có thể tổ chức một hoặc hai vòng gây vốn nữa", chủ tịch Dũng tiết lộ. "Vì Sendo vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và mở rộng, còn rất nhiều việc cần làm nên chúng tôi sẽ không IPO trước năm 2025".

    Daniel Kang, giám đốc cấp cao tại SoftBank Ventures Korea, cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình với tổng sản phẩm quốc nội tăng trưởng nhanh, dân số trẻ và sẵn sàng áp dụng công nghệ.

    "Trong bối cảnh này, thương mại điện tử của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ", ông Kang nói. "Và chúng tôi tin rằng mô hình chợ trực tuyến của Sendo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ môi trường này".

    Theo Nikkei Asian Review

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ