Bên trong OpenAI - Kế hoạch táo bạo của Elon Musk vì tương lai nhân loại

    Nguyễn Hải,  

    Dù là một trong những người lớn tiếng nhất về nguy cơ của trí tuệ nhân tạo với loài người, nhưng Elon Musk lại là một trong những người hăng hái nhất khi thúc đẩy sự tiến bộ của lĩnh vực này, và ông có lý do cho kế hoạch của mình.

    Cờ đam với Chinook, cờ vua với Deep Blue và cờ vây với AlphaGo, lần lượt những môn thể thao trí tuệ phức tạp này của con người đã bị trí tuệ nhân tạo AI đánh bại. Đi cùng sự hoan hỉ của những nhà nghiên cứu là sự lo lắng của phần đông công chúng cho một tương lai các cỗ máy thống trị con người.

    Nhưng trong khi nhiều người tin rằng sức mạnh hiện tại của máy móc còn cách xa khả năng đó, vẫn còn một nỗi lo khác thực tế hơn cho mối đe dọa của AI với con người. Các AI đến nay phần lớn đều thuộc sở hữu của một cá nhân hay một tổ chức nào đó, và nếu có đủ sức mạnh tạo ra một AI siêu trí tuệ thống trị tất cả, cá nhân hay tổ chức đó có thể muốn AI đó phục vụ cho mục đích xấu của riêng họ. Nỗi lo lắng đó còn gần và thực tế hơn nhiều so với một tương lai mà các AI có thể giành quyền tự chủ và chống lại con người.

     Chủ tịch Y Combinator, Sam Altman và CEO của Tesla, Elon Musk.

    Chủ tịch Y Combinator, Sam Altman và CEO của Tesla, Elon Musk.

    Trong số những người chung mối lo ngại đó nổi lên hai cái tên đáng chú ý, tỷ phú Elon Musk, người sáng lập hãng xe điện Tesla và Sam Altman, chủ tịch của vườn ươm startup Y Combinator. Cả hai đều tin rằng giải pháp tốt nhất để chiến đấu với các AI ác độc đó không phải hạn chế truy cập vào trí tuệ nhân tạo mà phải mở rộng nó. Dùng chính những AI tốt để chống lại các AI xấu. Đó là cũng là cách mà họ thu hút một nhóm những người trẻ tuổi, siêu thông minh và duy tâm cho dự án mới của mình. Đó cũng là khởi đầu của OpenAI.

    Một trí tuệ mở cho mọi người

    Vấn đề của AI ngày nay không phải là ít mà là rất nhiều công ty đang tham gia vào cuộc đua này. Nhưng hầu hết những người tài năng nhất trong các lĩnh vực này đều đang làm việc cho những đại gia về công nghệ như Google, Facebook, Microsoft, Baidu hay Twitter, những người sẵn sàng bỏ ra hàng núi tiền để giữ chân các tài năng của mình. Bản thân ông Musk cũng cần đến AI cho lĩnh vực kinh doanh của mình, các xe điện tự lái cho Tesla, tên lửa có thể thu hồi cho SpaceX.

    Nhưng mọi người đều khá chắc chắn rằng, những bộ não hàng đầu về AI sẽ khó có thể thu hút bởi một startup mới, dù sau lưng nó là Elon Musk và Altman.

     Ilya Sutskever, một trong những người tham gia sáng lập OpenAI.

    Ilya Sutskever, một trong những người tham gia sáng lập OpenAI.

    Tuy nhiên, Ilya Sutskever, người đang làm việc cho Google Brain mang đến giải pháp cho họ. “Tôi cảm thấy sẽ có rủi ro liên quan đến nó,” Sutskever nói. “Nhưng tôi cũng cảm thấy nó sẽ thú vị để thử.” Anh tin rằng bản thân các nhà nghiên cứu luôn muốn chia sẻ những kiến thức của mình. Trong thế giới của các nhà nghiên cứu AI, những bộ óc sáng giá nhất hiếm khi bị thúc đẩy duy nhất bởi chu kỳ sản phẩm hay lợi nhuận biên. Họ chỉ muốn AI tốt hơn, và việc làm AI tốt hơn sẽ không xảy ra khi bạn giữ nó cho riêng mình.

    Điều đó làm nên cách tiếp cận của OpenAI. Đó là thay vì được sở hữu bởi một cá nhân hay tổ chức nào đó, startup 1 tỷ USD này dựa trên sự đóng góp của nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực này, và sau đó có thể chia sẻ miễn phí cho bất cứ ai cần.

    Ý tưởng về một AI mở đã giúp cuốn hút nhiều nhà nghiên cứu về lĩnh vực này. Bên cạnh Sutskever, một trong những người tham gia đầu tiên là Greg Brockman, CTO của Stripe, một startup về thanh toán kỹ thuật số tại Thung lũng Silicon, được tài trợ bởi Y Combinator. Brockman cũng giúp thu hút nhiều nhà nghiên cứu khác như Yoshua Bengio, nhà khoa học máy tính tại Đại học Montreal, một trong những người được xem là cha đẻ của kỹ thuật học sâu, Geoff Hinton và Yann LeCun, hiện đang làm việc tại Google và Facebook về trí tuệ nhân tạo.

     Greg Brockman, CTO của Stripe.

    Greg Brockman, CTO của Stripe.

    Ngoài ra, Brockman còn thuyết phục được chín nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực này tham gia vào startup OpenAI, bất chấp những lời đề nghị hấp dẫn từ các đại gia công nghệ khác. Ban đầu họ sẽ khám phá kỹ thuật học tăng cường, một cách để máy tính có thể học được các tác vụ bằng cách lặp lại chúng nhiều lần và theo dõi xem phương pháp nào cho kết quả tốt nhất. Nhưng mục tiêu chính của kỹ thuật này là “học không giám sát” – cho phép máy móc thực sự tự học, không cần đến con người hướng dẫn.

    Điều thu hút những bộ óc hàng đầu đó tới OpenAI, không phải mức thu nhập hấp dẫn, mà là cơ hội khám phá, nghiên cứu cho công nghệ rộng lớn này. Những người như Hinton và LeCun rời viện nghiên cứu để đến Google hay Facebook vì nguồn lực khổng lồ của các công ty, nhưng họ vẫn giữ ý định hợp tác với các đồng nghiệp khác.

    Như ông LeCun giải thích, nghiên cứu học sâu đòi hỏi dòng chảy tự do về các ý tưởng. “Khi bạn nghiên cứu trong bí mật,” ông nói, “bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.” Tại OpenAI họ có thể nghiên cứu vì mục đích duy nhất là tương lai, thay vì các sản phẩm và thu nhập hàng quý, để cuối cùng họ có thể chia sẻ nó nhiều nhất có thể cho bất cứ ai muốn nó.

    Và ý tưởng của OpenAI không chỉ tác động đến các nhà nghiên cứu, ngay cả các công ty lớn cũng đang chia sẻ nghiên cứu AI của họ. Đó là một thay đổi thực sự, đặc biệt với Google, hãng từ lâu vẫn giữ bí mật về trái tim công nghệ tìm kiếm của mình. Gần đây, Google đã mã nguồn mở engine trí tuệ nhân tạo của mình, Tensor Flow.

    Ngày 27-4 vừa qua là thời điểm OpenAI phát hành đợt đầu tiên phần mềm của mình, một bộ công cụ để mọi người có thể xây dựng các hệ thống AI bằng công nghệ “học tăng cường”. Với bộ công cụ này, bạn có thể xây dựng các hệ thống mô phỏng mới cho robot, chơi trò chơi, ví dụ như làm chủ cờ Vây.

    Vấn đề của một AI siêu trí tuệ

    Khi ông Musk và Altman tiết lộ OpenAI, họ đã tô vẽ dự án như một cách để vô hiệu hóa mối đe dọa của một AI siêu trí tuệ độc ác. Tất nhiên, AI siêu trí tuệ đó có thể sinh ra từ chính công nghệ của OpenAI, nhưng họ nhấn mạnh rằng bất kỳ mối đe dọa nào cũng sẽ được giảm nhẹ vì công nghệ này có thể được sử dụng bởi tất cả mọi người. “Chúng tôi sẽ tiến xa hơn rất rất nhiều các AI kháctrong việc ngăn chặn các tác nhân xấu bất chợt,” Altman nói.

    Nhưng không phải mọi người trong lĩnh vực này đều nghĩ vậy. Nick Bostrom, nhà triết học ở Oxford, người cùng suy nghĩ với Musk về mối đe dọa của AI, nhưng ông cho rằng nếu bạn chia sẻ mà không có giới hạn, những tác nhân xấu có thể nắm bắt nó trước khi bất cứ ai đảm bảo rằng nó an toàn. “Nếu bạn có một phím bấm để làm những việc xấu đối với thế giới,” Bostrom nói. “Bạn sẽ không đưa nó cho bất kỳ ai.” Còn nếu OpenAI quyết định giữ lại các nghiên cứu để giữ nó tránh khỏi người xấu, Bostrom băn khoăn vậy họ sẽ khác gì so với Google hay Facebook.

    Dù ông vẫn cho rằng tuyên bố phi lợi nhuận của OpenAI có thể thay đổi điều gì đó – nhưng nó không thực sự cần thiết. Theo ông, sức mạnh thực sự của dự án, là nó có thể là một sự kiểm tra cho AI khác như của Google hay Facebook. “Nó có thể giảm khả năng của một AI siêu trí tuệ giữ thế độc quyền.” Ông nói. “Nó có thể xóa bỏ một khả năng của việc tại sao một vài người hay một nhóm người lại có AI tốt hơn đáng kể so với mọi người khác.”

    Nhưng như nhà triết học giải thích trên một tờ báo, tác dụng chính của một dự án như OpenAI – một dự án nhằm chia sẻ miễn phí công trình của mình – là để tăng tốc độ tiến bộ của trí tuệ nhân tạo, ít nhất trong ngắn hạn. Và nó cũng có thể đẩy nhanh tiến bộ trong dài hạn, với điều kiện đó là những lý do vị tha, “để chọn lựa một mức độ mở cao hơn thay vì tối ưu cho thương mại hóa.”

    Nó vẫn là điều chính đáng khi người tài trợ hoạt động R&, thúc đẩy bởi sự bác ái, sẽ đẩy nhanh tốc độ tiến bộ bằng việc theo đuổi khoa học mở.” Ông cho biết.

    Những giới hạn của tính mở

    Dù mọi việc đều có vẻ rất tuyệt nhưng không phải mọi thứ của OpenAI đều lý tưởng. OpenAI không phải tổ chức từ thiện. Các công ty của ông Musk và các startup của Y Combinator có thể hưởng lợi lớn từ nghiên cứu của startup này. Theo Brockman, cho dù phòng thí nghiệm OpenAI không trả mức lương cao ngất ngưởng cho các nhà nghiên cứu AI như Google hay Facebook, nhưng họ nhận được các đề nghị về lựa chọn cổ phiếu tại Y Combinator và có lẽ sau này là SpaceX.

    Ngoài ra, Brockman cũng thừa nhận rằng, tầm nhìn của lý tưởng của OpenAI Có giới hạn của nó. Công ty có thể không mã nguồn mở mọi thứ nó tạo ra, cho dù mục đích cuối cùng của nó là chia sẻ phần lớn các nghiên cứu của mình. “Chúng tôi sẽ sản xuất rất nhiều mã nguồn mở. Nhưng chúng tôi cũng sẽ có nhiều thứ khác mà chúng tôi không sẵn sàng chia sẻ.” Brockman cho biết.

    Cả Sutskever và Brockman cũng bổ sung thêm rằng, OpenAI có thể tiến xa khi một số bằng phát minh của nó hoạt động. “Chúng tôi sẽ không lấy bằng sáng chế cho bất cứ điều gì trong tương lai gần.” Brockman nói. “Nhưng chúng tôi để ngỏ về việc thay đổi chiến thuật trong tương lai, nếu chúng tôi thấy nó là điều tốt nhất cho thế giới.” Ví dụ, OpenAI có thể tham gia vào các bằng sáng chế chặn trước, một chiến thuật để ngăn chặn người khác xâm phạm bản quyền.

    Nhưng với một vài người, bằng sáng chế sẽ là động lực cho lợi nhuận - hoặc ít nhất sẽ làm yếu đi cam kết về mã nguồn mở mà những người sáng lập OpenAI từng tán thành. "Đó là mục đích của hệ thống bằng sáng chế." Ông Oren Etzioni, người đứng đầu Học viện Allen về trí tuệ nhân tạo, cho biết. "Điều này làm tôi băn khoăn họ sẽ thực sự đi đến đâu."

    Tham khảo WIRED

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày