Bị Intel cấm cửa, laptop Huawei vẫn còn một tia hy vọng từ chip trong nước

    Nguyễn Hải,  

    Ít người biết, bản thân Trung Quốc cũng có công ty sản xuất các CPU x86 có thể thay thế cho Intel trên các laptop Huawei, dù nó khó có thể bán ra quốc tế.

    Việc Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào danh sách đen nhanh chóng khiến họ bị cô lập trước các đối tác quan trọng của Mỹ. Không lâu sau khi Google rút giấy phép Android của Huawei, đến lượt Intel và Qualcomm thông báo dừng cung cấp chip cho Huawei.

    Đây đều là những đòn đánh hiểm giáng vào tham vọng vươn tầm ra thế giới của công ty Trung Quốc này, nhưng dường như Huawei đã lường trước tình huống này từ nhiều tháng nay khi cho biết, họ đã phát triển được hệ điều hành thay thế Android cho các thiết bị di động của mình. Ngoài ra bản thân công ty cũng đã tự sản xuất các chipset Kirin thay thế cho Qualcomm trên các smartphone cao cấp của mình.

    Tuy nhiên, mọi việc sẽ khó khăn hơn với các bộ xử lý cho PC. Thị trường này đang được Intel và AMD thống trị với 99% thị phần, và cho đến nay, Huawei cũng cho thấy họ không có nhiều kinh nghiệm chế tạo chipset PC. AMD cũng là công ty của Mỹ và vì vậy, khó có hy vọng họ có thể thay thế Intel. Lúc này còn sự lựa chọn nào khác cho Huawei hay không?

    Bị Intel cấm cửa, laptop Huawei vẫn còn một tia hy vọng từ chip trong nước - Ảnh 1.

    CPU x86 của Trung Quốc 

    Trên thực tế, bản thân Trung Quốc cũng có công ty tự thiết kế và sản xuất được các chip x86. Đó là Zhaoxin (tên đầy đủ Shanghai Zhaoxin Semiconductor Co., Ltd), được thành lập vào năm 2013, từ một liên doanh giữa VIA Technologies với chính quyền thành phố Thượng Hải. Nhờ vào các giấy phép x86 của riêng VIA Technologies, nhà sản xuất bản mạch chủ từng nổi lên vào những năm 90, Zhaoxin đã phát triển được hai dòng bộ xử lý x86, với KaiXan nhắm đến PC và laptop, còn KaisHeng dành cho máy chủ và đám mây.

    Dựa trên các kiến trúc của VIA Technologies, liên doanh này đã cho ra mắt một số bộ xử lý do mình tự thiết kế. Trong khi bộ xử lý đầu tiên là KaiXian ZX-A được sản xuất trên tiến trình 40nm, đến năm ngoái, Zhaoxin đã ra mắt bộ xử lý KaiXan KX-6000, CPU 64-bit được sản xuất trên tiến trình 16nm của TSMC.

    Bị Intel cấm cửa, laptop Huawei vẫn còn một tia hy vọng từ chip trong nước - Ảnh 2.

    Được ra mắt vào tháng 9 năm 2018, Zhaoxin cho biết, KX-6000 là bộ xử lý 8 nhân x86 64-bit, với bộ nhớ đệm L2 8MB, iGPU hỗ trợ DirectX 11.1 với bộ điều khiển hiển thị đã được cập nhật, bộ điều khiển bộ nhớ dual-channel DDR4-3200. Ngoài ra bộ xử lý này cũng hỗ trợ các giao diện I/O phổ biến như PCIe, SATA, USB, …, tương tự như các bộ xử lý phổ biến của Intel và AMD trên PC.

    Trong khi công ty không tiết lộ nhiều về kiến trúc bên trong của các CPU này, họ cho biết, KX-6000 có hiệu năng cao hơn 50% so với người tiền nhiệm KX-5000, với tốc độ xung nhịp đạt tới 3 GHz. Theo Zhaoxin, KX-6000 có sức mạnh tính toán tương đương với bộ xử lý i5 thế hệ thứ 7 của Intel, tuy nhiên, công ty cũng không cung cấp điểm sổ benchmark hay thước đo nào để so sánh.

    Tuy nhiên, gần đây điểm số Geekbench 4 dành cho bộ xử lý KX-6840 đã được tiết lộ và nó cho ta thấy phần nào về hiệu năng cho dòng CPU mới ra mắt của Zhaoxin.

    Bị Intel cấm cửa, laptop Huawei vẫn còn một tia hy vọng từ chip trong nước - Ảnh 3.

    Trong khi có điểm số đơn nhân không mấy ấn tượng, điểm số đa nhân của KX-6840 có thể tương đương với điểm số của bộ xử lý i5-7200U của Intel như dưới đây.

    Bị Intel cấm cửa, laptop Huawei vẫn còn một tia hy vọng từ chip trong nước - Ảnh 4.

    Với mục tiêu nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung bộ xử lý đến từ nước ngoài, dường như Zhaoxin đang đi đúng hướng.

    Liệu Zhaoxin có thể là giải pháp cho Huawei?

    Trong khi công ty chưa tiết lộ chính xác về ngày ra mắt của bộ xử lý này, nhưng nhiều khả năng thời điểm này sẽ vào nửa sau của năm 2019. Xét đến tình hình hiện tại của Huawei, đó có thể là lúc họ bắt đầu cần đến những nguồn cung cấp bộ xử lý khác thay thế cho Intel hay AMD.

    Bị Intel cấm cửa, laptop Huawei vẫn còn một tia hy vọng từ chip trong nước - Ảnh 5.

    Các bộ xử lý của Zhaoxin trong một hội nghị ở Trung Quốc.

    Mặc dù vậy, ngay cả khi tìm được nguồn cung bộ xử lý từ Zhaoxin, các thiết bị laptop hoặc PC của Huawei cũng khó có thể tìm được đường ra thị trường thế giới.

    Theo báo cáo của Wall Street Journal, do các vấn đề về bản quyền với Intel, việc cấp phép của VIA Technologies cho các CPU x86 của họ chỉ dành cho thị trường Trung Quốc. Điều này nghĩa là các desktop hoặc laptop sử dụng các CPU như KX-6000 hoặc người tiền nhiệm của nó là KX-5000 sẽ không được bán ra ngoài Trung Quốc.

    Dù sao đi nữa, việc Huawei rơi vào tình thế khó khăn hiện tại nhiều khả năng sẽ làm Trung Quốc củng cố hơn quyết tâm tự chủ về mặt công nghệ chip. Từ đó rất có thể sẽ đổ thêm nhiều tiền đầu tư vào ngành công nghiệp này cũng như tăng lượng đặt mua từ các công ty trong nước. Trong khi tương lai mảng laptop của Huawei còn mờ mịt, rất có thể các bộ xử lý của Zhaoxin sẽ có những bước cải thiện mạnh mẽ hơn trong tương lai.

    Tham khảo ExtremeTech


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày