​Bị khởi tố vì mua bán điện thoại "cùi bắp"?

    PV,  

    Chỉ nhận mua bán, sửa chữa những dòng điện thoại “cùi bắp” sản xuất hơn 10 năm trước, bỗng một ngày anh Dương Trọng Tiến bị công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp vì kinh doanh trái phép.

    Đã gần hai tháng trôi qua, anh Dương Trọng Tiến (31 tuổi, tạm trú Q.10, TP.HCM) rất hoang mang, lo lắng bởi quyết định “khởi tố bị can” của cơ quan điều tra Công an Q.10 đang treo lơ lửng.

    Kinh doanh trái phép điện thoại “cùi bắp”

    “Đó là vào buổi trưa 15-6-2016. Khi vợ tôi vừa bán chiếc Nokia 6700 (sản xuất năm 2009) cho khách thì công an ập vào nhà khám xét” - anh Tiến nhớ lại.

    Theo lời anh Tiến, vào thời điểm đó có một vị khách đến mua chiếc Nokia 6700. Mua xong điện thoại, vị khách chưa chịu đi mà cứ nấn ná ở dưới nhà và xin đi vệ sinh hai lần.

    Một lúc sau người này vừa bước ra cửa thì có hai người công an mặc thường phục chặn lại. Tiếp đó, gần 10 cán bộ công an mặc cảnh phục ập đến.

    Tiến nghĩ có lẽ vị khách này vừa phạm pháp nên bị công an theo dõi, bắt giữ. Nào ngờ đối tượng mà công an muốn làm việc chính là Tiến chứ không phải vị khách kia.

    Sau khi khám xét khẩn cấp, Công an Q.10 tạm giữ 40 chiếc điện thoại di động (trong đó có 8 máy khách gửi sửa), 38 sạc điện thoại và sổ sách, biên nhận sửa chữa cho khách. Toàn bộ 40 điện thoại bị tạm giữ hiệu Nokia dòng 6700, 8600 và 8800 đã ngưng sản xuất từ năm 2005 - 2009.

    “Đó là toàn bộ kế sinh nhai của tôi, có nhiều chiếc là điện thoại khách gửi sửa, giờ công an giữ hết rồi” - vừa nói Tiến vừa cho chúng tôi xem bảng thống kê vật chứng.

    Năm 2010, sau khi xuất ngũ, anh Tiến đi học sửa chữa điện thoại làm kế mưu sinh, lo cho vợ con và cha mẹ già. Do không có vốn mở tiệm, đặt quầy nên Tiến chỉ sửa chữa tại nhà.

    Hằng ngày, anh nhận sửa điện thoại hư và mua bán điện thoại cũ, chủ yếu là Nokia cho những người yêu thích dòng điện thoại này. Lần đầu tiên Tiến biết đến giấy phép kinh doanh khi Công an Q.10 đến khám xét.

    “Nếu tôi chưa đăng ký kinh doanh thì cơ quan công an nên giải thích và hướng dẫn cho tôi thủ tục đăng ký, sao lại quy tôi tội kinh doanh trái phép?” - Tiến thắc mắc.

    Lệnh khám xét, bảng kê điện thoại bị thu giữ và quyết định khởi tố bị can. Trong đó, quyết định khởi tố bị can được điều tra viên Võ Quốc Khánh cho anh Tiến xem nhưng không giao quyết định và đã được anh Tiến chụp lại. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ,lãnh đạo cơ quan điều tra Công an Q.10 xác nhận quyết định này là “không đúng, không có” - Ảnh: A.X.

    "Chọn hành chính hay hình sự?"

    Ngày hôm sau Tiến được mời lên làm việc tại đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Q.10.

    “Tại đây, điều tra viên Võ Quốc Khánh hỏi muốn phạt hành chính hay phạt hình sự. Tiếp đó ông Khánh nói nên chọn phạt hình sự đi vì tới ngày 1-7 này điều 159 Bộ luật hình sự (tội kinh doanh trái phép - PV) hết hiệu lực rồi. Giờ em chọn phạt hình sự thì đến lúc đó người ta không truy tố em nữa, coi như em không bị gì hết” - Tiến kể.

    Sau đó, ông Khánh đưa Tiến ký vào biên bản ghi giá 40 chiếc điện thoại Nokia đang tạm giữ là 120 triệu đồng.

    Ngày 30-6, Tiến trở lại Công an Q.10 và được ông Khánh đưa cho xem quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, phần tội danh bị khởi tố lại ghi “có hành vi mua bán ngoại tệ không có giấy phép kinh doanh”.

    Anh Tiến dùng điện thoại chụp lại quyết định khởi tố bị can, đồng thời yêu cầu điều tra viên Khánh sửa lại. Sau đó anh Tiến ra về mà không được cơ quan công an giao quyết định khởi tố.

    “Từ đó đến nay tôi sống trong lo lắng, không biết vụ việc của mình rồi sẽ ra sao. Hơn tháng nay tôi nghỉ bán, chẳng dám đi đâu. Hàng xóm đi ngang cứ ngó vào nhà vì người ta nghĩ chắc tôi phạm tội gì nặng lắm” - anh Tiến tâm sự.

    Chưa khởi tố bị can

    Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-7 về lý do vì sao đưa ra hai tình huống pháp lý (chọn phạt hành chính hoặc xử lý hình sự) cho người vi phạm, ông Võ Quốc Khánh cho biết: “Hoàn toàn không có việc đó”.

    Về việc định giá 40 chiếc điện thoại Nokia hơn 100 triệu đồng, ông Khánh nói do hội đồng định giá của Q.10 định giá chứ ông không tự quyết định.

    Chiều 28-7, ông Phạm Công Hầu, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Q.10, cho biết vụ việc liên quan đến anh Tiến đang được xác minh, xử lý theo quy định tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm.

    Khi được hỏi về quyết định khởi tố bị can đối với anh Tiến vào ngày 30-6, ông Hầu khẳng định công an quận chưa ra quyết định khởi tố vụ án hay bị can nào liên quan vụ việc của Tiến.

    Khi chúng tôi đưa ra quyết định khởi tố bị can mà điều tra viên Khánh “tống đạt” cho anh Tiến, ông Hầu nói “văn bản này không đúng, không có”.

    Về hướng xử lý vụ việc của anh Tiến, ông Hầu cho rằng hiện chưa có kết quả cuối cùng vì vẫn còn trong thời gian xác minh. Công an quận sẽ xử lý đúng quy định pháp luật. Nhất là trong giai đoạn Bộ luật hình sự năm 2015 đang tạm hoãn thì phải áp dụng quy chế có lợi cho người vi phạm.

    Trong trường hợp điều tra viên “nhá” quyết định khởi tố bị can nhưng không giao cho bị can (sau đó lãnh đạo cơ quan điều tra Công an Q.10 xác nhận là “không đúng, không có”), dù là động cơ gì, vẫn bị xem là sai và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

    Một vị nguyên là chánh tòa hình sự TAND tối cao

    Nên hướng dẫn người dân làm cho đúng

    Trường hợp anh Tiến sửa chữa, buôn bán điện thoại cũ, giá trị không cao, tính chất nhỏ lẻ để mưu sinh, không có cửa hàng, không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh...

    Bản thân anh Tiến có nhân thân tốt, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên nên không thể xử lý hình sự, nhất là trong bối cảnh tội “ kinh doanh trái phép ” đã được bãi bỏ (mặc dù Bộ luật hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực) và có hướng dẫn các cơ quan tố tụng phải áp dụng các quy định theo hướng có lợi cho người vi phạm.

    Lẽ ra cơ quan chức năng chỉ cần nhắc nhở (vì chưa vi phạm lần nào) và hướng dẫn anh thực hiện đăng ký hộ kinh doanh cho phù hợp và bảo đảm đóng thuế cho Nhà nước. Như vậy hợp lý hợp tình hơn.

    Theo Tuổi Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày