Bộ não không phải là một cái máy tính, nó có lý do của riêng mình để mà phát triển to như ngày hôm nay

    Dink,  

    Nhiều người cho rằng bộ não của con người chính là vật thể phức tạp nhất trong vũ trụ này.

    Loài người là sinh vật duy nhất có hình thái hoạt động xã hội bậc cao tồn tại trên Trái Đất này. Chúng ta đã phát triển vượt mặt, lai giống hay thậm chí tiêu diệt những chủng người khác.

    Chúng ta chung sống trong những thành phố có tới vài triệu người, và dù đài báo có đưa tin gì đi chăng nữa, bạo lực diễn ra giữa các cá nhân người là cực hiếm. Lý giải cho điều đó: ta có một “bộ não xã hội – social brain” cực lớn, cực linh hoạt và vô cùng phức tạp.

    Để thực sự hiểu được cách thức não bộ của ta duy trì trí thông minh của cá nhân con người, ta cần phải nêu ra tầm quan trọng của 86 tỷ neuron thần kinh và 100 nghìn tỷ các kết nối mạnh mẽ giữa các neuron với nhau và giữa mỗi điểm kết nối ấy, hơn 1.000 protein đang tồn tại.

    Nhà sinh học thần kinh Steven Rose gợi ý rằng từng đó hiểu biết về não bộ là chưa đủ, ta cần phải biết rõ cách thức các kết nối kể trên tiến hóa trong suốt một đời người, và trong bối cảnh xã hội nào diễn ra khiến cho nó tiến hóa. Có lẽ, cần tới nhiều thế kỷ nghiên cứu, ta mới có thể hiểu được trọn vẹn liên kết cơ bản của hệ thần kinh con người.

    Nhiều người cho rằng não bộ chúng ta như một cỗ máy tính mạnh mẽ, xử lý thông tin đầu vào và xuất thông tin ra như những siêu máy tính đương đại. Nhưng Robert Epstein, nhà tâm lý học tới từ Viện Nghiên cứu Hành vi và Công nghệ Hoa Kỳ, nói rằng đây chỉ là một suy nghĩ thiếu chất lượng và chính nó đang làm chậm quá trình nghiên cứu, để ta có thể thấu hiểu được chính não bộ mình.

    Loài người chúng ta được sinh ra với giác quan, phản xạ và một cơ chế tiếp nhận thông tin nhưng ta lại chẳng có một thông tin nào, luật lệ nào, thuật toán nào hay bất kì một yếu tố nào khác giống với máy tính, những yếu tố cho phép một cỗ máy thể hiện được khía cạnh nào đó của “trí thông minh”.

    Ví dụ, máy tính có thể chứa được một bản sao hoàn hảo của dữ liệu trong một khoảng thời gian dài, thậm chí ngay cả khi nguồn điện bị ngắt. Trong khi đó, não bộ của con người có thể tạo ra dữ liệu giả hoặc trí nhớ giả đè lên những kí ức cũ, và não chỉ có thể duy trì “trí thông minh” chừng nào mà ta còn sống. Ví dụ này có thể làm bạn thấy não bộ chẳng bằng những cái máy tính đầy sức mạnh kia, nhưng bạn nhầm rồi.

    Chúng ta là những sinh vật sống chứ không phải là những cỗ máy.

    Ta có thể thấy ngay được những lợi ích của việc có được một bộ não lớn. Trong cuốn sách Cái nôi của Loài người – The Cradle of Humanity từ giáo sư cổ khí hậu học Mark Maslin tại Đại học London viết về quá trình tiến hóa của con người, tác giả đã nói rằng não lớn đã cho phép con người sống được trong một xã hội lên tới 150 người.

    Hình thái xã hội đông đúc này cho phép con người kháng cự lại được những thảm họa tới từ môi trường sống, bằng cách giúp đỡ nhau tăng sản lượng thực phẩm săn bắt hái lượm được và có thể chia sẻ cho nhau khi thiếu thốn.

     Quy mô cộng đồng của từng giống người qua các thời kì. Ở mốc 200.000 năm trước, tộc người Homo Sapiens xuất hiện, với quần thể xã hội lên tới được 150 người.

    Quy mô cộng đồng của từng giống người qua các thời kì. Ở mốc 200.000 năm trước, tộc người Homo Sapiens xuất hiện, với quần thể xã hội lên tới được 150 người.

    Một bộ não xã hội cũng cho phép những kĩ năng đặc biệt được phát triển, nhờ đó những cá nhân người có thể trở thành “chuyên gia” trong một lĩnh vực cụ thể, trong đó có thể kể tới khả năng đỡ đẻ, chế tạo công cụ, nhóm lửa, săn bắt và tìm kiếm nguồn tài nguyên.

    Con người không có một vũ khí phòng vệ tự nhiên (không móng vuốt, không răng sắc nhọn, không có sức mạnh lớn) nhưng khi làm việc tập thể, kèm theo việc sử dụng công cụ một cách khéo léo, ta bỗng trở thành loài săn mồi đứng đầu chuỗi thức ăn. Ví dụ cụ thể? Người cổ đại săn voi mammoth nhiều đến mức chính họ đẩy loài động vật to lớn, lông lá này đến bờ vực tuyệt chủng.

    Nhóm xã hội lớn của loài người ngày một lớn và phức tạp hơn, nhưng chính điều đó đã khiến những cá thể trong quần thể lớn chịu đựng một mức áp lực lớn, bởi những lợi ích mà từng cá nhân nhận về (thức ăn, sự an toàn khi sống trong một đàn lớn, khả năng duy trì nòi giống cao) đều rất lớn, họ không thể tách mình khỏi xã hội được.

    Vì thế, nhà nhân loại học tại Oxford, Robin Dungar cho rằng não bộ lớn của chúng ta phát triển là để theo dõi sát sao những mối quan hệ xã hội đang thay đổi cực kì nhanh chúng. Để có thể sống được trong một quần thể xã hội lớn, khả năng nhận thức của não phải cực cao và nếu như một cá thể bị tách đàn, lạc khỏi khối quần thể lớn này, cá thể ấy sẽ không còn nhận được thực phẩm, sự bảo vệ khỏi những mối nguy từ bên ngoài và sẽ không còn khả năng giao phối, truyền lại gen của mình cho thế hệ tiếp theo.

    Qua những phân tích ấy, ta có thể thấy rằng nhờ những hiểu biết chi tiết về xã hội này và nhu cầu theo dõi sát sao, điều khiển và kiểm soát mọi mối quan hệ xoay quanh chúng ta, ta mới có được bộ não lớn và phức tạp như vậy. Và có vẻ là não ta còn linh hoạt hơn ta tưởng nhiều: những nghiên cứu mới cho thấy não của người hiện đại dễ uốn nắn hơn và bị ảnh hưởng từ môi trường xung quanh nhiều hơn loài tinh tinh.

    Giải phẫu cho thấy não tinh tinh bị chi phối mạnh mẽ bởi gen của chúng, trong khi đó não người hiện đại được “rèn giũa” bởi chính môi trường xung quanh chúng, bất kể gen của cá nhân như thế nào. Điều này có nghĩa rằng não người đã được “lập trình sẵn” khả năng linh hoạt này – có thể tự điều chỉnh mình theo môi trường và theo xã hội mình được nuôi dưỡng. Những thế hệ não mới có thể tiến hóa theo hoàn cảnh mà chúng gặp phải, chẳng cần thể chất con người phải tiến hóa theo.

    Đây có lẽ cũng là lý do tại sao thế hệ trước luôn phàn nàn rằng họ chẳng thể hiểu được thế hệ sau nghĩ gì, bởi lẽ não của thế hệ tiếp theo đã tiến hóa theo một cách khác, những mạng lưới thần kinh mới này đã được nuôi dưỡng trong một môi trường xã hội hoàn toàn khác. Bạn lại muốn ví dụ cụ thể? Trẻ con thời nay học cách dùng đồ điện tử cực kì nhanh, dường như chúng cùng tiến hóa với nhau vậy, mà đúng thế thật!

    Não bộ chúng ta là một cấu trúc kì diệu, không phải chỉ là một bộ máy xử lý (giống máy tính) đơn thuần đâu nhé.

    Dựa theo bài viết của giáo sư Mark Maslin trên The Conversation.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ