Bùng phát virus Marburg: Một chủng sốt xuất huyết kịch độc, triệu chứng và phòng tránh ra sao?

    Thanh Long,  

    Theo WHO, sốt xuất huyết do virus Marburg rất khó để phân biệt với sốt xuất huyết do virus khác. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có một số triệu chứng nổi bật.

    Biến chủng BA.5 của virus SARS-CoV-2, bệnh đậu mùa khỉ và bây giờ là virus Marburg. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây liên tục đưa ra cảnh báo về những mầm bệnh mới tấn công loài người.

    Đợt bùng phát mới nhất của virus Marburg ở vùng Ashanti phía Nam Ghana hiện đang chiếm hết tin tức về dịch bệnh mới nổi trên toàn cầu. WHO cho biết virus Marburg là một mầm bệnh vô cùng nguy hiểm.

    Nó được tổ chức này xếp vào "Nhóm nguy cơ số 4", là nhóm cao nhất trong bảng xếp hạng các mầm bệnh, gây ra nguy cơ cao cho cá nhân và cả cộng đồng. Các mầm bệnh thuộc nhóm nguy cơ số 4 yêu cầu phải được ngăn chặn bằng các biện pháp an toàn sinh học cấp độ 4, tương đương.

    Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa virus Marburg vào nhóm "Tác nhân Khủng bố Sinh học loại A".

    Bùng phát virus Marburg: Một chủng sốt xuất huyết kịch độc, người nhiễm "trông giống như thây ma" - Ảnh 1.

    Một đợt bùng phát virus Marburg đang xảy ra ở Ghana. Nó đã khiến ít nhất 2 bệnh nhân tử vong ngay sau khi nhập viện.

    Những xếp loại này đủ để cho chúng ta thấy độ nguy hiểm của mầm bệnh Marburg. Trên thực tế, virus Marburg chính là virus độc nhất trong họ Filoviridae mà cả 6 chủng Ebola trước đây thuộc về, nhưng đều phải xếp sau nó.

    Bài viết này sẽ giúp bạn có được hình dung về tình hình dịch bệnh Marburg hiện tại, và cách để phòng tránh.

    Marburg: Một chủng virus kịch độc

    Marburg là một virus gây ra bệnh sốt xuất huyết, nhưng nó thuộc vào họ Filoviridae chứ không phải họ Flaviviridae (như virus sốt xuất huyết thông thường lây truyền qua muỗi Dengue).

    Flaviviridae là một họ virus rất lớn bao gồm từ virus Dengue, virus viêm não Nhật Bản, virus Tây sông Nile, virus sốt vàng da và virus Zika. Chỉ riêng một chi trong họ virus này đã có tới hơn 50 loài virus khác nhau.

    Tuy nhiên, phần lớn các virus được cho là nguy hiểm nhất nhóm này, như Dengue và Zika chỉ thuộc vào "Nhóm nguy cơ số 2" theo phân loại của WHO, nghĩa là gây bệnh trên người nhưng hiếm khi nghiêm trọng và có biện pháp điều trị, phòng ngừa.

    Còn họ Filoviridae mà virus Marburg thuộc về thì khác. Đây là một họ virus rất nhỏ, chỉ gồm 6 chi, mỗi chi chỉ có từ 2-6 loài virus. Nhưng tất cả các virus thuộc họ Filoviridae đều cực độc.

    Chúng bao gồm cả 6 chủng Ebola được biết đến trước đây và virus Marburg được xếp vào "Nhóm nguy cơ số 4", cao nhất theo phân loại của WHO, là các virus gây bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao (lên tới 88%), chưa có thuốc chữa và vắc-xin phòng ngừa.

    Bùng phát virus Marburg: Một chủng sốt xuất huyết kịch độc, người nhiễm "trông giống như thây ma" - Ảnh 2.

    Bùng phát virus Marburg: Một chủng sốt xuất huyết kịch độc, người nhiễm "trông giống như thây ma" - Ảnh 3.

    Gia phả các dòng virus gây bệnh sốt xuất huyết: Trong đó, họ Flaviviridae (màu xanh) bao gồm virus Dengue, virus viêm não Nhật Bản, virus Tây sông Nile, virus sốt vàng da và virus Zika. Họ Filoviridae kịch độc (màu đỏ) gồm có 6 chủng Ebola và virus Marburg.

    Cái tên Marburg được đặt cho virus này, bởi nó lần đầu tiên được phát hiện và mô tả bởi các nhà khoa học Đức, từ đợt bùng phát vào năm 1967 ở thành phố Marburg. Virus Marburg vốn chỉ lây nhiễm động vật linh trưởng, nhưng vì một sự cố phòng thí nghiệm, nó đã lây sang các nhân viên làm việc ở đây và khiến 7 người chết.

    Vì độc tính nguy hiểm của nó, nhiều quốc gia trước đây cũng có chương trình nghiên cứu Marburg như một vũ khí sinh học. Điều này khiến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đưa virus Marburg vào nhóm "Tác nhân Khủng bố Sinh học loại A".

    Trong tự nhiên, virus Marburg lây nhiễm động vật linh trưởng thường chỉ lưu hành ở khu vực Tây Phi, đặc biệt là ở Uganda (đất nước đã có 5 đợt bùng phát virus này từ năm 2007 đến 2017).

    Đợt bùng phát mới nhất của virus này được WHO ghi nhận ngày 17/7 tại vùng Ashanti phía Nam Ghana là lần đầu tiên Marburg được tìm thấy ở quốc gia này và là lần thứ hai nó xuất hiện trong khu vực.

    Virus đã lây cho 2 bệnh nhân và khiến cả 2 tử vong nhanh chóng. Hiện 90 người có tiếp xúc với 2 bệnh nhân này vẫn đang được theo dõi. WHO cho biết họ cũng đang liên hệ với các quốc gia lân cận có nguy cơ cao để sẵn sang đưa họ vào tình trạng báo động nếu dịch Marburg bùng phát.

    Bùng phát virus Marburg: Một chủng sốt xuất huyết kịch độc, người nhiễm "trông giống như thây ma" - Ảnh 4.

    Các đợt bùng phát virus Marburg trước đây.

    Triệu chứng sốt xuất huyết Marburg

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, sốt xuất huyết do virus Marburg gây ra rất khó để phân biệt với sốt xuất huyết do virus khác. Tuy nhiên, nó vẫn có một số triệu chứng nổi bật.

    Thời kỳ ủ bệnh (từ lúc nhiễm virus đến khi bắt đầu có triệu chứng) dao động trong khoảng 2-21 ngày. Sau đó, cơn sốt xuất huyết Marburg sẽ ập đến đột ngột, bệnh nhân sốt cao, đau đầu dữ dội.

    Cơ bắp toàn bộ cơ thể cũng sẽ trở nên đau nhức. Bệnh nhân có thể tiêu chảy nhiều nước, đau bụng, bị chuột rút và buồn nôn, nôn từ ngày thứ ba trở đi. Đặc biệt, triệu chứng tiêu chảy có thể kéo dài suốt 1 tuần.

    "Vẻ ngoài của bệnh nhân trong giai đoạn này được mô tả có những nét giống với thây ma, đôi mắt hoắm sâu, khuôn mặt vô cảm và cực kỳ thờ ơ", WHO viết. Trong một số đợt bùng phát, bệnh nhân nhiễm virus Marburg gây ra triệu chứng phát ban và ngứa.

    Từ ngày thứ 5 cho tới thứ 7 trở đi, nhiều bệnh nhân sẽ có biểu hiện xuất huyết nghiêm trọng. Máu tươi sẽ xuất hiện trong chất nôn, phân, dịch mũi, lợi và thậm chí âm đạo. Nếu hệ thần kinh bị ảnh hưởng, người nhiễm virus sẽ bắt đầu lú lẫn, cáu kỉnh hoặc thậm chí có hành động hung hăng bất thường.

    Bùng phát virus Marburg: Một chủng sốt xuất huyết kịch độc, người nhiễm "trông giống như thây ma" - Ảnh 5.

    Vẻ ngoài của bệnh nhân nhiễm virus Marburg được mô tả có những nét giống với thây ma, đôi mắt hoắm sâu, khuôn mặt vô cảm và cực kỳ thờ ơ.

    Khoảng thời gian nguy hiểm nhất là trong khoảng 8-9 ngày sau khi triệu chứng đầu tiên khởi phát. Đây là lúc bệnh nhân đã bị sốc và mất máu nghiêm trọng. Hiện chưa có phương pháp điều trị kháng virus này được cấp phép cho bệnh sốt xuất huyết Marburg.

    Bệnh nhân vì vậy chỉ được chăm sóc hỗ trợ, bằng cách bù nước bằng đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch, điều trị các triệu chứng nhằm cải thiện khả năng tự mình chống đỡ và sống sót.

    Tỷ lệ tử vong trung bình của bệnh sốt xuất huyết Marburg là 50%, dao động trong khoảng 24-88% tùy việc được phát hiện và điều trị sớm hay không. Trong so sánh, tỷ lệ tử vong của sốt xuất huyết do virus Dengue lây truyền qua muỗi hiện nay chỉ là 1%.

    Bạn có thể nhiễm virus Marburg từ đâu?

    Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết Marburg bản chất là một chủng zoonosis, nghĩa là virus nhảy từ động vật sang người. Vật chủ tự nhiên của nó là Rousettus aegyptiacus, một loài dơi ăn quả.

    Do đó, những người có rủi ro lây nhiễm virus Marburg lớn nhất là người dân sống và tiếp xúc nhiều với dơi hoang dã trong các hang động hoặc khách du lịch. Dơi Rousettus aegyptiacus thường lưu hành ở khu vực Châu Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải và tiểu lục địa Ấn Độ.

    Vào năm 2008, một phụ nữ Hà Lan đã chết vì bệnh Marburg sau khi đến thăm Uganda. Một du khách Mỹ cũng mắc bệnh sau chuyến du lịch Uganda năm 2008 nhưng đã khỏi bệnh. Cả hai du khách đã đến thăm một hang động nổi tiếng là nơi sinh sống của dơi ăn quả trong một công viên quốc gia.

    Bùng phát virus Marburg: Một chủng sốt xuất huyết kịch độc, người nhiễm "trông giống như thây ma" - Ảnh 6.

    Bùng phát virus Marburg: Một chủng sốt xuất huyết kịch độc, người nhiễm "trông giống như thây ma" - Ảnh 7.

    Khỉ xanh Châu Phi và dơi ăn quả là hai loài mang virus Marburg trong tự nhiên.

    Ngoài ra, loài khỉ xanh Châu Phi (Cercopithecus aethiops) cũng là một vật chủ mang virus Marburg. Chính những con khỉ này đã gây ra đợt bùng phát virus đầu tiên ở thành phố Marburg, Đức năm 1967, sau khi các nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với chúng.

    Những người tiếp xúc với linh trưởng, đặc biệt là khỉ xanh Châu Phi ngoài tự nhiên, hoặc trong các phòng thí nghiệm, sở thú, cơ sở thú y cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.

    Trong cộng đồng, sau khi virus Marburg lây nhiễm một người, nó có thể truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc gần gũi, đặc biệt là dịch cơ thể của bệnh nhân dù là trực tiếp hay gián tiếp khi chất dịch dính trên bề mặt.

    WHO vì vậy khuyến cáo nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Marburg phải thực hành các biện pháp phòng ngừa cẩn thận. 

    Các mẫu máu thu thập từ bệnh nhân được coi là một nguy cơ sinh học cực kỳ nguy hiểm. Chúng phải được đóng gói tới 3 lớp nếu phải vận chuyển tới phòng thí nghiệm và các thí nghiệm phải được thực hiện trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp cao nhất.

    Người nhà chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Marburg cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nghi lễ chôn cất bệnh nhân tử vong, liên quan đến việc tiếp xúc với thi thể cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. WHO khuyến cáo chôn cất bệnh nhân nhiễm Marburg "nhanh chóng, an toàn và trang nghiêm", sau đó tất cả những người tiếp xúc đều phải theo dõi sức khỏe trong 21 ngày.

    Cuối cùng là nguy cơ lây truyền qua đường tình dục. WHO khuyến cao nam giới sau khi khỏi sốt xuất huyết Marburg vẫn phải thực hành quan hệ tình dục an toàn trong 12 tháng kể từ khi có triệu chứng nhiễm virus, hoặc cho đến khi tinh dịch của họ có xét nghiệm 2 lần âm tính với virus Marburg. Đó là bởi virus có thể tồn tại trong tinh hoàn của họ.

    Bùng phát virus Marburg: Một chủng sốt xuất huyết kịch độc, người nhiễm "trông giống như thây ma" - Ảnh 8.

    Bùng phát virus Marburg: Một chủng sốt xuất huyết kịch độc, người nhiễm "trông giống như thây ma" - Ảnh 9.

    Virus Marburg là một mầm bệnh nguy hiểm, có thể lây nhiễm từ người sang người.

    Đợt bùng phát Marburg ở Ghana đang được quản lý ra sao?

    Hai trường hợp nhiễm virus Marburg mới nhất được phát hiện tạo vùng Ashanti của Ghana, thủ phủ nổi tiếng với nghề khai thác vàng và ca cao. Bệnh nhân đầu tiên là một nam thanh niên 26 tuổi, nhập viện vào ngày 26/6 và tử vong ngay ngày hôm sau. Người thứ hai là một người đàn ông 51 tuổi, nhập viện ngày 28/6 và tử vong ngay trong ngày hôm đó.

    Ngay sau khi nhận được báo cáo về hai trường hợp nhiễm virus Marburg này, WHO đã gửi chuyên gia của mình tới Ghana để hỗ trợ một "nhóm điều tra liên quốc gia" đang được thành lập tại đây.

    Họ cũng đang gửi thiết bị bảo vệ cá nhân, tăng cường giám sát dịch bệnh và truy vết để quản lý các nguy cơ bùng phát dịch trên quy mô lớn. Đến nay, hơn 90 người tiếp xúc với các bệnh nhân đã được xác định và theo dõi sức khỏe.

    WHO và cơ quan chức năng ở Ghana đã tích cực cảnh báo và giáo dục cộng đồng địa phương về những rủi ro của mầm bệnh Marburg. Dự kiến trong ngày hôm nay, WHO sẽ có một cuộc họp giao ban để báo cáo tình hình ở Ghana.

    "Giới chức y tế đã phản ứng nhanh chóng, bắt đầu chuẩn bị cho một đợt bùng phát có thể xảy ra. Điều này là cần thiết bởi nếu không có hành động ngay lập tức và dứt khoát, Marburg có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi đang chuẩn bị thêm nguồn lực để ứng phó", Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực Châu Phi, nói trong một tuyên bố.

    Tham khảo WHO, Sciencedirect, WashingtonpostNejmMdpi 


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ