Bước tiến tiếp theo về đồ họa trên điện thoại sẽ thay đổi hoàn toàn thị trường trò chơi di động

    Kuroe,  

    Càng ngày chúng ta sẽ được thưởng thức càng nhiều tựa game trên điện thoại với đồ họa khủng khiếp không kém gì trên các cỗ máy console đắt tiền.

    Ngành công nghiệp game đang ngày càng trở nên khổng lồ, khi mà theo báo cáo gần đây nhất cua Newzoo, ngành này đã đạt mốc hơn 100 tỉ USD mỗi năm. Trong số đó, mảng game trên điện thoại di động chiếm một phần không hề nhỏ. Trong năm 2017, riêng thị phần game di động sẽ đem đến doanh thu khoảng 46,1 tỉ USD. Thế nên rõ ràng nhà phát triển nào cũng muốn có phần từ chiếc bánh khổng lồ ấy.

    Bản thân các trò chơi điện tử cũng có đủ loại hình thái khác nhau. Lấy ví dụ như trong Google Play Store, có tới 17 nhóm trò chơi được phân chia, từ game hành động, game nhập vai, cho đến các tựa game thường thức. Xét về mặt phần cứng thì game có thể được chia ra làm hai nhóm: một nhóm tận dụng sức mạnh GPU và nhóm khác không yêu cầu GPU khủng cho lắm. Nhóm đầu tiên thường là của các tựa game 3D, và hầu hết các tựa game 2D sẽ thuộc về nhóm còn lại.

    Tuy nhiên, gần đây có một thể loại game nữa xuất hiện trên cả hai nền tảng Android và iOS, đó là những tựa game đòi hỏi sức mạnh tối đa của GPU. Những tựa game nặng về đồ họa như vậy đang dần đẩy game di động đến gần với các tựa game console hơn bao giờ hết.

    Những tựa game đồ họa khủng không chỉ là điều chỉ thấy ở thể loại FPS, mà nay còn được mở rộng ra các thể loại game khác như đua xe, MOBA, hay thậm chí là MMO.

    Để được coi là một tựa game đồ họa khủng, thì các tiêu chí sau đều cần được thể hiện ra ngoài:

    - Đồ họa 3D tiên tiến, với lượng điểm Vertex lớn.

    - Vertex phức tạp, shader riêng từng phần nhỏ.

    - Sở hữu gameplay có chiều sâu, có kèm theo các nhân vật được điều khiển bằng AI thì càng tốt.

    - Luôn yêu cầu sức mạnh GPU ở mức tối đa.

    Tại thị trường châu Âu, những tựa game đồ họa khủng chiếm khoảng 5-10% trong nhóm những tựa game có doanh thu lớn nhất. Trong khi đó, con số này tại thị trường Trung Quốc là 40%.

    Tại Bắc Mỹ, 45 trong số 200 tựa game Android được ưa chuộng nhất là những tựa game có đồ họa khủng, như Madden NFL, CSR Racing 2, và World of Tanks Blitz. Quy ra con số cụ thể khi quay lại với thị trường Trung Quốc, trong danh sách 200 game được ưa chuộng nhất thì có tới 134 tựa game sở hữu đồ họa khủng, đem về doanh thu khoảng 42%

    Thị trường Trung Quốc dẫn đầu doanh thu trong mảng game di động
    Thị trường Trung Quốc dẫn đầu doanh thu trong mảng game di động

    Để cho ra một tựa game có đồ họa khủng thành công, thì điều quan trọng nhất mà các nhà sản xuất cần phải chú ý là tối ưu hóa sản phẩm, để có thể tận dụng tối đa tài nguyên mà không gây ảnh hưởng quá lớn đến thời lượng pin.

    Chính bởi vậy, mà một trong những điểm mạnh nhất của hệ sinh thái Android là sự đa dạng của thiết bị, Từ những chiếc điện thoại thông minh cao cấp, đến những chiếc Tablet giá rẻ, từ TV đến các thiết bị tự động, Android ở khắp mọi nơi. Ngày nay chúng ta thậm chí có thể chạy các ứng dụng Android trong hệ điều hành Chrome OS.

    Trong các thiết bị Android này là các loại SoC (Hệ thống trong Chip) khác nhau, tuy nhiên chúng thường có một số điểm chung. Đầu tiên là khoảng 99,5% trong số các loại SoC kể trên sử dụng CPU xây dựng trên nền tảng ARM. Thứ hai là chúng đều có GPU.

    SoC đến từ Samsung, Huawei, MediaTek và Xiaomi là những ví dụ điển hình cho các bộ vi xử lý với CPU nền tảng ARM và GPU tiên tiến.

    50% số lượng smartphone hiện tại sử dụng GPU Mali. Đây cũng là lựa chọn GPU của các hãng sản xuất SoC được kể tên ở trên. Những chiếc GPU Mali thế hệ mới có thể được tìm thấy ở nền tảng cao cấp của Samsung Exynos, trong khi những GPU Mali có hiệu suất cao được xây dựng trong bộ vi xử lý Helios của MediaTek và Xiaomi Surge.

    Tối ưu hóa sản phẩm cho GPU Mali đảm bảo rằng một lượng lớn các nhà phát triển game có đồ họa khủng có thể đạt được độ phủ lớn trên các thiết bị Android. Tuy nhiên đây không phải là điểm duy nhất khiến cho GPU Mali trở nên phổ biến.

    Nền tảng ARM cho phép tạo ra các công cụ tùy biến Mali có thể sử dụng để cắt giảm băng thông GPU cần thiết (từ đó giúp tiết kiệm pin), cũng như tối ưu hóa đồ họa. Những công cụ này sử dụng kỹ thuật Render 3D tiên tiến nhất để từ đó giúp GPU đạt được hiệu suất cao nhất.

    Nói như vậy không có nghĩa là những tựa game cổ điển sẽ chết dần chết mòn - chúng vẫn luôn có chỗ đứng vững vàng trong lòng những người mê game. Tuy nhiên, đóng vai trò mũi nhọn trong thị trường game di động chắc chắn sẽ là những tựa game với đồ họa khủng, giúp đẩy xa giới hạn của những tựa game này hơn bao giờ hết - thậm chí là xóa nhòa khoảng cách với các thiết bị console.

    Trong tương lai gần, chắc chắn chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều tựa game đồ họa khủng xuất hiện trong cửa hàng trực tuyến, cũng như thấy "cuộc đua vũ trang" giữa các nhà sản xuất GPU để giành lấy thế thượng phong trong mảng thị trường béo bở này.

    Tham khảo Android Authority

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ