Apple bị “ghét” là chuyện tất nhiên!

    PV, Hoàng Béo 

    Con người thường tỏ ra mù quáng khi yêu nhưng lại rất tinh tường trong chuyện bắt lỗi, ghét bỏ ai đó.

    Con người thường tỏ ra mù quáng khi yêu nhưng lại rất tinh tường trong chuyện bắt lỗi, ghét bỏ ai đó. Với những tín đồ IT cũng vậy, nhiều người chẳng lý giải nổi tại sao mình yêu các sản phẩm Apple đến thế, trong khi phe còn lại có thể ngồi cả ngày để viết dãy dài lý do tẩy chay “quả táo cắn dở”. Dưới đây là những lý do cụ thể nhất được tổng hợp.
     
    Phát giá cắt cổ, chặt chém khách hàng
     
    Khó có thể phủ nhận mức giá các sản phẩm mà Apple bán ra luôn cao hơn một cách tương đối so với nhóm thiết bị cùng chức năng đến từ hàng loạt đối thủ cạnh tranh. Với chính sách giá này, Apple vô tình đã gạt lượng lớn người tiêu dùng bình dân ra khỏi thị trường của mình. Và tất nhiên, khi nhà sản xuất đã quay lưng lại với mình thì người dùng chẳng có lý do gì để thích những sản phẩm ấy.
     
     
    Bào chữa: Đồng ý với quan điểm Apple đã dựng lên rào cản giá quá cao, ngăn cách mình với phần đông người dùng thu nhập thấp. Nhưng chính mức giá cao đã góp phần làm nên đẳng cấp hay giá trị của thương hiệu. Nói cách khác, khách hàng chịu chi sẽ luôn ưu ái Apple trong mỗi quyết định chọn mua đồ công nghệ. Điều này cũng tương tự như việc Nokia tách riêng thương hiệu Vertu để bán những mẫu dế siêu sang, thay vì xếp chung cùng các model phổ thông quen thuộc.
     
    Tuy nhiên, đáng nói hơn khi chính sách giá cao của Apple luôn đi cùng phương châm mang lại sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, từ kiểu dáng thiết kế cho đến độ ổn định, chất lượng linh kiện bên trong. Chẳng hạn như việc màn hình của Apple sử dụng panel IPS cao cấp, máy nghe nhạc của hãng luôn được chấm điểm âm thanh thuộc hàng top cho đến những chi tiết rất nhỏ như bàn phím, touchpad trên máy tính xách tay cũng được đầu tư kỹ lưỡng. Đấy chính là những điều mà dù có yêu hay ghét thì chúng ta vẫn phải thừa nhận.
     
    Riêng về thiết kế kiểu dáng, các kỹ sư nhà Táo thực sự đã thể hiện được phong cách khác biệt, vẻ đẹp đến từ nét đơn giản. Người dùng mua sản phẩm về, chẳng cần trang trí mà hệ thống vẫn luôn ấn tượng, trong khi bạn bè đang loay hoay, bọc dán, độ chế mãi cũng vẫn xấu, cái đó gọi vui là “vô chiêu thắng hữu chiêu”.
     
     
    Lắm sự cố, nhiều scandal đình đám
     
    Giới công nghệ hẳn chưa quên scandal về hiện tượng quá nhiệt (thậm chí nổ) pin iPod, iPhone mà Apple gặp phải thời gian trước, tình hình nghiêm trọng đến mức Ủy Ban Châu Âu đã phải lên tiếng và chuẩn bị kế hoạch mở cuộc điều tra quy mô lớn. Hay sự cố liên quan đến tuổi thọ thiết bị sao lưu dữ liệu Time Capsules khiến hàng trăm khách hàng điêu đứng. Rồi mới đây nhất là vụ um xùm về vấn đề lỗi anten trên iPhone 4…
     
    Tất cả những vụ việc trên đều được đánh giá là nghiêm trọng, khiến khách hàng cảm thấy mất tin tưởng, nhất là những người đã móc ví nhiều tiền để rồi sở hữu một sản phẩm đẳng cấp… nhưng bị lỗi. Vì vậy, người ta ghét Apple.
     
    Bào chữa: Không có nhà sản xuất nào muốn bị mất mặt trước khách hàng. Lỗi sản phẩm chỉ là điều ngoài mong muốn và cái cần đánh giá nằm ở thái độ khắc phục tích cực đến đâu.
     
     
    Trong tất cả các vụ tai tiếng của mình, dù có bào chữa, có biện minh nhưng Apple gần như không bao giờ chối bỏ trách nhiệm, họ sẵn sàng thay pin mới hoặc thậm chí đổi máy mới cho người dùng gặp sự cố về pin ở nhiều khu vực. Máy Time Capsules có tuổi thọ quá thấp, nằm trong series có vấn đề cũng được đổi mới hoàn toàn. Hay như vụ việc iPhone 4, nhà sản xuất đã kịp thời chữa cháy bằng cách tặng vỏ bảo vệ cho khách hàng, song song với việc thay đổi thiết kế kỹ thuật…
     
    Một vấn đề khác mà khách hàng cần thông cảm khi mọi động thái của Apple luôn bị giới truyền thông theo dõi. Khi có cơ hội, họ sẵn sàng thổi bùng lên như thể vừa xảy ra một sự kiện động trời. Sony, HP, Nokia, Sony Ericsson hay nhiều tên tuổi khác cũng dính phải scandal tai tiếng kém gì trái Táo? Nhưng trong mắt người dùng thì các sự cố liên quan đến Steve Jobs và cộng sự vẫn nghiêm trọng nhất, đơn giản bởi nó xuất hiện trên mặt báo quá nhiều và được giật tít nổi bật.
     
    Ghét bởi fan Apple quá “đông và hung hãn”
     
    Không vì vấn đề kinh tế, cũng không liên quan đến góc độ kỹ thuật, nhiều người chia sẻ rằng ghét trái Táo bởi ngày ngày phải gặp quá nhiều fan khó ưa của Apple. Những người coi sản phẩm với logo quả Táo của mình là nhất, phủi tay trước bất cứ ý kiến tranh luận nghiêm túc nào và đôi khi còn tỏ ra kênh kiệu vì: “Tôi là một người xài đồ Apple”.
     
     
    Câu cửa miệng của những fan này thường là: “Dùng chưa mà phát biểu?”, “Cái đó không bao giờ vượt được iPhone”… rồi sau đấy chẳng đưa ra được một chính kiến hợp lý nào để phản bác đối phương hay giải thích cho người khác hiểu tình yêu công nghệ của mình.
     
    Bào chữa: Không dễ để bào chữa bởi với thái độ như trên thì người ngoài khó mà thiện cảm nổi, thậm chí là ghét lây sang các sản phẩm của Apple cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì đó chỉ là một bộ phận nhỏ trong cộng đồng fans yêu mến Apple. Những người này có tâm lý dùng đồ theo hiệu ứng số đông, luôn thích đú theo sản phẩm hot, sành điệu mà chẳng hiểu gì về công nghệ cũng như việc khai thác tính năng.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ