Game online tại Việt Nam mới là ngành công nghiệp "một nửa"?

    PV, Bút Sa - Tổng hợp 

    Theo nhiều game thủ, hiện tại giới trẻ nước nhà mới chỉ dừng lại ở việc "tiêu thụ trò chơi trực tuyến" mà chưa hề học cách sử dụng nó thế nào cho tốt.

    Cách đây chừng 5, 6 năm, có lẽ cụm từ "game online" vẫn còn khá xa lạ đối với phần đông giới trẻ Việt Nam. Tuy vậy sau những bước tiến thần tốc (chủ yếu về mặt số lượng), ngày nay hầu hết người chơi nước nhà đều nhìn nhận dòng sản phẩm giải trí này như một "ngành công nghiệp" đầy tiềm năng.
     
    Tuy vậy, theo một số game thủ, thị trường game online tại Việt Nam mới chỉ xứng đáng với tên gọi "nửa công nghiệp". Đơn giản vì chủ yếu chúng ta chỉ tập trung tiêu thụ mà chưa hề học cách sử dụng chúng sao cho tốt, cho có ích trong cuộc sống.
     
    Cần có sự thanh lọc?
     

    Giới trẻ đang "tiêu thụ" game online vô tội vạ do bị bỏ đói?
     
    "Nếu công bằng mà nhìn lại thì cảm giác thời gian quan chúng ta như một gã khổng lồ bị 'bỏ đói' game online và khi cho ăn thì ăn một cách vô tội vạ, chỉ cần hợp khẩu vị là nuốt mà không cần biết nó làm từ cái gì và ngon dở ra sao..."
     
    "... Thời tôi là sinh viên, game ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh viên với con số không dưới 30%. Họ đã lấy tiền nạp card cho 'sản phẩm công nghiệp' của họ ra sao? Mà có thật sự là của họ hay không, hay chỉ cần NPH nói ngưng là mất trắng", game thủ có nickname Rain&Tear phát biểu.
     
    Theo lời thành viên này, trò chơi trực tuyến nếu là sản phẩm của một ngành công nghiệp đúng nghĩa thì nó cần nhận được sự quan tâm từ cả hai phía, đơn vị phát hành và khách hàng.
     
    Tuy vậy hiện tại game thủ chỉ biết chơi mà không biết chọn lọc ra những sản phẩm có ích, phải chiến thắng được sức mê hoặc của nó, còn NPH thì mải chạy theo lợi nhuận, quên cả nhiệm vụ "nắn tư tưởng" cho giới trẻ.
     

    Game thủ cần biết nhìn nhận chứ không chỉ chơi cho vui. (Hình minh họa).
     
    Không dừng lại ở đó, những người đồng tình với anh cho rằng cuộc chiến "thanh lọc" những bất cập trong thế giới ảo cần bắt nguồn ngay từ từng gia đình, hạt nhân quan trọng nhất trong xã hội: "Là một thành viên trong gia đình, cần phải giáo dục 'những tờ giấy trắng' vẽ lên mình những game màu theo đúng tuổi chứ không phải vẽ lên đó những thứ như: Pro, Gà, Noob, PK và những hình ảnh như Thiếu Lâm, Nga Mi...".
     
    Nhận định chủ quan?
     
    Tuy vậy, luồng ý kiến trên nhận được khá nhiều lời phản bác "hòa bình". Theo một số thành viên, ý tưởng thanh lọc trò chơi trực tuyến tuy hay nhưng còn chủ quan và cần áp dụng dần dần chứ không thể trong một sớm một chiều. Hơn thế nữa, ranh giới game xấu - game tốt quá mơ hồ để có thể nhận ra.
     

    Chưa cần viển vông, điều cần thiết hiện tại là NPH cần coi trọng khách hàng.
    (Hình minh họa).
     
    "Việc có Cầu tất sẽ có Cung, không bàn về những tác hại do game online mang lại nữa, nhưng chúng ta không thể phủ nhận chúng góp một phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của tầng lớp thanh thiếu niên bây giờ. Chúng ta thường phê phán những mặt xấu khi nó đã phát sinh, nhưng chúng ta cũng thường bỏ qua những mặt mạnh mà nó vẫn tồn tại", một game thủ phát biểu.
     
    Cũng theo game thủ này, nếu ai cũng có thể tự nhận thức, tự bảo vệ mình trước cám dỗ thì Pháp luật đã không còn cần thiết nữa, ước vọng ngàn đời này tuy đẹp nhưng áp dụng vào thế giới thực lại có phần viển vông. Ngay cả trong gia đình, mỗi người đều có một sở thích riêng, một khát vọng riêng và không nên áp đặt quá sâu vấn đề "kiêng cữ" game online.
     

    "Hết sân chơi, chúng ta còn biết làm gì ngoài vào tiệm Net và chơi game online đây".
     
    Hơn thế nữa, bây giờ chưa phải là lúc thích hợp để chúng ta áp dụng những hạn ngạch to lớn cho ngành kinh doanh trò chơi trực tuyến non trẻ. Sự thật là ngay cả việc các NPH chăm lo chu đáo cho game của mình mua về và phục vụ tốt game thủ tham gia cũng còn chưa thực hiện được, thì sao có thể nghĩ tới xã hội game online trong sạch?
     
    "Có phải thực sự chúng ta là một gã khổng lồ bị bỏ đói? Theo tớ thì không, tại Việt Nam các ngành giải trí cao cấp còn mới mẻ quá, chưa phổ cập được tới đông đảo giới trẻ, tại thành phố lớn nơi vui chơi công cộng đang ngày một thưa dần, vậy chúng ta còn biết làm gì ngoài vào tiệm Net và chơi game online đây?", game thủ ĐP. tâm sự.
     
    Tiến bộ tới từ tranh luận
     

    Cộng đồng cần có thêm nhiều cuộc tranh luận để game online ngày một tiến bộ.
    (Hình minh họa).
     
    Rõ ràng để đưa ra được nhận định đúng sai cho hai luồng ý kiến trên là điều vô cùng khó khăn và tùy thuộc vào suy nghĩ mỗi người. Tuy nhiên đúng là giới trẻ Việt Nam đã bắt đầu nhìn nhận sâu sắc về trò chơi trực tuyến, tranh luận luôn là khởi nguồn của tiến bộ và rất có thể những câu hỏi, phương án "viển vông" ngày nay sẽ là liều thuốc tốt cho tương lai.
     
    Còn bạn, bạn nghĩ sao về thị trường game online nước nhà, liệu nó có xứng đáng với danh hiệu ngành công nghiệp đúng nghĩa hay mới chỉ dừng lại ở nửa "tiêu thụ" mà thôi?

    NỔI BẬT TRANG CHỦ