Gặp lại đại gia Việt từng sở hữu 1,8 tỷ VNĐ nhờ game

    PV, S&L 

    Vị đại gia một thời này cho rằng thị trường đồ ảo của làng game nước nhà đang suy giảm mạnh.

    Mặc dù không còn lộ diện trên thị trường game online Việt Nam từ 2, 3 năm nay, tuy nhiên cái tên Phạm Trường Sơn vẫn còn lưu lại trong tâm trí nhiều gamer lão làng. Vị giám đốc cũ của công ty M4G này từng nổi tiếng với thương vụ mua bán 2 tài khoản VLTK trị giá 1,8 tỷ VNĐ (lớn nhất nước nhà thời bấy giờ).
     

    Anh Phạm Trường Sơn, giám đốc M4G từng nổi danh một thời.
     
    Nói không ngoa, cùng với M4G, Phạm Trường Sơn đã là người khởi đầu cho việc thanh toán, giao dịch tài sản ảo một cách linh hoạt hơn và cũng dễ dàng hơn. Sau thời gian hoạt động mạnh mẽ, vị giám đốc trẻ tuổi này đã "biến mất bí ẩn" khỏi thị trường game online Việt. Ngay cả lần đấu giá vật phẩm ảo của VLTK (chương trình gắn liền với thương hiệu M4G) gần đây cũng do một công ty khác tổ chức.
     
    Hôm qua (16/07), chúng tôi đã có cuộc trao đổi trực tiếp với nhân vật này về những nhận định, quan điểm và dự định trong tương lai của anh dành cho làng game online Việt.
     
    Theo anh thị trường đồ ảo tại Việt Nam có vẻ đang tàn lụi như nhiều người lo ngại?
     
    Thị trường đồ ảo trước giờ phụ thuộc rất nhiều vào các yêu tố phát triển của thị trường game online. Nhìn lại một năm qua của thị trường GO Việt, ta có thể khẳng định chắc chắn rằng thì trường đồ ảo đang suy giảm mạnh.
     

    Những cuộc đấu giá đồ ảo đang ngày một vắng bóng.
     
    Anh đánh giá thế nào về chất lượng của GO Việt hiện nay?
     
    Thị trường GO Việt đang được phủ một màu ảm đạm, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Sẽ thật không công bằng nếu đánh giá chất lượng của các trò chơi tại thời điểm này. Nhưng quan điểm cá nhân của Sơn là "Chất" vẫn vậy, chỉ có "Lượng" thay đổi thôi.
     
    Anh đánh giá thế nào về sức sống của các game kiếm hiệp?
     
    Game nhập vai kiếm hiệp sẽ vẫn là món ăn giải trí ưa thích (như ăn Phở vậy!) đối với cộng đồng game thủ Việt. Chỉ có điều, các Game thể loại này ở Việt Nam đang thiếu những sự kiện hấp dẫn để giữ chân người chơi. Nguyên nhân này cũng xuất phát từ nhiều lý do chứ không chỉ riêng từ phía các NPH.
     

    Thị trường buôn bán trang bị ảo cũng ngày một ảm đạm.
     
    Theo anh thể loại game online nào trong tương lai sẽ thống trị thị trường trong nước?
     
    Trong tương lai thì không giám chắc, nhưng Sơn đang nhìn thấy sự lên ngôi của các thể loại Webgame. Đặc biệt là các Game bài, dễ chơi, quen thuộc, rồi cả thể loại game Social nữa.
     
    Cách đây không lâu, anh từng chia sẻ về 01 sản phẩm game online trên Mobile. Hiện giờ dự án này thế nào rồi và anh đang làm gì?
     
    Có một chút thay đổi về vấn đề thời gian cho sản phẩm này, còn lại thì tất cả đã sẵn sàng. Hiện tại hả,… (cười) Sơn đang đi “bán vé số” (hiện tại anh đang làm cho trang web eloto.vn, một trang web kết hợp với công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Nam Định, bán vé số trực tuyến).
     
    Là một người yêu game online, chắc anh sẽ không bỏgame đơn giản như thế, trong thời gian tới anh có những dự định gì về việc sẽ phát triển một vài dự án game không?
     
    Trước mắt, Sơn muốn tập trung hoàn thành tốt công việc đi “bán vé số” của mình đã. Còn về dự án game, như đã nói ở trên, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sơn sẽ không bỏ game và chắc chắn sẽ quay lại.
     

    Các đại gia như BeoKaKa mất hút là vì MMO không còn hấp dẫn như xưa.
     
    Anh nghĩ vì sao các đại gia như Lâm Tuyết Băng hay BeoKaKa ngày càng ít dần?
     
    Trước giờ, các đại gia game Việt chủ yếu tập trung ở các game online hot, có cộng đồng đông đảo. Đó là nơi có sức hấp dẫn, tính cạnh tranh mạnh mẽ và đặc biệt có thể phô trương thanh thế của mình trong như ngoài game.
     
    Còn bây giờ, các MMO không còn được cuốn hút và hấp dẫn như trước nữa, cộng đồng cũng ngày càng vơi dần đi. Đó chính là lý do tại sao số lượng các đại gia lại ít dần đi.
     
    Nếu chơi game kiếm hiệp hiện tại anh còn "máu" và đầu tư như xưa nữa hay không?
     
    Chắc chắn là không rồi!
     
    Xin cảm ơn!