Game đã “nhào nặn” lịch sử như thế nào?

    PV, Theo GameSpy - Ảnh: GameSpy, IGN 

    Qua những tựa game lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thực, lịch sử có thể trở nên sống động lung linh hoặc đôi lúc lại méo mó kì dị.

    Giống như điện ảnh, nhiều game hiện đại lấy cảm hứng từ những sự kiện có thực trong lịch sử. Tuy vậy, chân thực đến cỡ nào lại phụ thuộc vào quan điểm của nhà sản xuất. Dưới đây là một số game đã “sáng tạo” lại lịch sử theo những phong cách riêng. Hãy cùng so sánh để thấy “dung sai” thú vị giữa game và lịch sử.
     
    The Saboteur
     
    Có lẽ không cần nhắc lại về việc Pandemic đã tái hiện thành công hình ảnh Paris u ám, đau buồn dưới sự kìm kẹp của bọn Quốc xã như thế nào. Nhưng chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết nguyên mẫu của nhân vật Sean Devlin chính là anh hùng dân tộc Pháp Williams Charles Frederick Grover-Williams.
     
     
    Trong lịch sử, Gover-Williams là người đã công khai trừng trị bọn phát xít và đồng đảng giữa thành phố Paris hoa lệ. Sau này ông bị bắt và tử hình dã man. Vậy thì, Pandemic đã dựa vào đâu để biến một người Pháp bác ái trở thành gã Ailen khoái rượu chè? Và lối hành xử hiệp sĩ bỗng trở thành những pha hành động lén lút, pha chút hài hước lố bịch?
     
    Tuy vậy, nhìn chung The Saboteur đã khắc hoạ thành công lịch sử dưới một góc nhìn mới. Game “làm mới” lịch sử với những màn hành động, rượt đuổi tốc độ cao. Nhờ vậy chúng ta có ấn tượng rõ nét hơn về các chiến sĩ du kích - những người đã hiến dâng thầm lặng để làm nên mùa xuân nước Pháp.
     
     
    Fatal Frame
     
    Sản phẩm của Tecmo được quảng cáo dựa trên một câu chuyện có thật. Đó là câu chuyện cô gái trẻ Miku Hinasaki tìm kiếm anh trai trong toà biệt thự bị ma ám của dòng họ Himuro. Fatal Frame được làm tốt đến mức, cho tới ngày nay nó vẫn coi là một trong những game kinh dị có cốt truyện li kì, rùng rợn nhất.
     
     
    Thực tế, ở nước Nhật cũng có một địa danh tên là Himuro’s Mansion. Tuy vậy, địa danh này chẳng liên quan gì tới ma quỷ. Khi bước vào toà nhà, khách tham quan không hề mất năng lực chạy hoặc phải giải các câu đố hóc hiểm để mở cửa phòng.
     
    Nhà sản xuất cũng không thừa nhận Himuro’s Mansion là cảm hứng làm nên Fatal Frame. Đơn giản họ muốn có một địa danh chính xác để thuyết phục người chơi. Nhờ đó, cuộc phiêu lưu của cô gái trẻ, chiến đấu với ma quỷ mới thành công đến vậy.
     
     
    Velvet Assassin
     
    Cũng giống như The Saboteur, Velvet Assassin lấy Đại chiến thế giới 2 làm chủ đề game. Nhân vật chính Violette Summer được xây dựng trên nguyêm mẫu nữ điệp viên Violette Szabo. Bà được đào tạo bài bản, sử dụng thành thạo nhiều kĩ năng chiến đấu và vũ khí. Trong lịch sử, bà làm việc cho Anh và đã giúp ngưòi Pháp chống lại phát xít bằng các hoạt động phá hoại ngầm.
     
     
    Khi bước vào game, Violette đã trở thành một chiến binh gợi cảm và mưu trí. Ở những màn đấu cuối cùng, Violette còn hiên ngang đọ súng với kẻ thù trong bộ đồ ngủ mỏng manh. Chắc chắn chi tiết này là một “sáng tạo” của nhà sản xuất, vì nguyên mẫu là một quân nhân mẫu mực.
     
    Dynasty Warriors
     
     
    “Đặc sản” của Koei là một tập hợp những võ tướng, nhân vật nổi tiếng thời Tam Quốc. Điều đáng nói là Dynasty Warriors chỉ chú ý đến tạo hình và khả năng chiến đầu, vì thế người chơi sẽ được chứng kiến rất nhiều văn quan võ tướng cùng xông vào một trận hỗn chiến chẳng cần phân biệt đẳng cấp, tính cách gì.
     
    Nhưng cách làm này lại được nhiều game thủ ủng hộ. Thừa thắng xông lên, Koei tung thêm những phiên bản mới, có lẽ với ý muốn “vét sạch” các hảo hán anh hùng của Trung Quốc. Chính gameplay kém sáng tạo và có phần “nhảm nhí” này đã làm dòng Dynasty Warrior đi xuống. Nếu bạn có ý định học lịch sử qua game, đừng để ý đến Dynasty Warriors.
     
     
    Genji: Days of the Blade
     
    Lịch sử Nhật Bản với những truyền thuyết và chiến binh bí ẩn cũng là nguồn cảm hứng cho game. Trong Genji, người chơi được chứng kiến những cuộc đại chiến với loài cua khổng lồ trên bờ biển Nhật Bản. Tuy nhiên, trong văn hoá Nhật không hề đề cập tới những loài cua khổng lồ như vậy.
     
    Điều đáng nói ở đây là nhà sản xuất không cố tình xuyên tạc lịch sử. Hình tượng cua khổng lồ tượng trưng cho những thế lực đen tối hắc ám. Vì thế, Genji: Days of the Blade ngợi ca sức mạnh của con người có thể đẩy lui cả những thảm hoạ vô cùng to lớn. Với ý định như vậy, game đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ.
     
     
    Assassin’s Creed
     
    Siêu phẩm hành động nhập vai của Ubisoft có lẽ là một trong những game mang trong nó nhiều yếu tố lịch sử văn hoá nhất. Trong hai phiên bản của game, người chơi được chiêm ngưỡng Jerusalem, Arce thời Trung Cổ, Florence, Venice thời Phục hưng… Game cũng nhắc tới nhiều danh nhân đương thời và những mối quan hệ giữa chính quyền với nhà thờ thời đó.
     
     
    Là một game được Ubisoft đầu tư công phu, giá trị giáo dục lịch sử của Assassin’s Creedkhông hề nhỏ. Chưa bao giờ các thành phố cổ kính lại được tái hiện sống động như thế. Kèm theo đó là một kho tri thức về địa lý, tập quán của người dân bản địa. Về những điểm này, bạn có thể coi game như một bộ phim tư liệu giá trị.
     
    Tất nhiên game cũng mắc phải những khuyết điểm nhỏ. Chẳng hạn như Altair, sát thủ đến từ Trung Đông lại nói tiếng Anh rất trôi chảy. Hoặc Ezio – nhân vật chính trong phần 2, đã chiến thắng Giáo hoàng trong một trận đấu tay đôi, điều phi lý nhưng buộc phải có để tăng tính hành động cho game.
     
     

    NỔI BẬT TRANG CHỦ