Enslaved: Odyssey to the West - Sáng tạo nhưng vẫn chưa đủ độ chín

    PV, ElitistVN.Mều 

    Xét cho cùng, Enslaved: Odyssey to the West là một tựa game hay. Nó chỉ có một lỗi duy nhất là chưa hoàn hảo.


    Trong tháng 10 này, Enslaved: Odyssey to the West là một trong những tựa game hành động phiêu lưu mà các game thủ không thể bỏ qua. Tựa game này chưa được nhiều người biết đến bởi nó chỉ là một thương hiệu mới và vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường. Thế nhưng, những yếu tố sáng tạo trong thiết kế của trò chơi này cùng với tiềm năng tương lai của nó thì lại khiến cho mọi người không thể hờ hững.

    “Đạo” Tây Du Ký liệu có phải là một ý tưởng hay?


    Ngay từ khi mới được công bố, Enslaved: Odyssey to the West đã được mọi người chú ý đặc biệt bởi cốt truyện của nó vốn được xây dựng dựa trên nội dung của tác phẩm kinh điển từ Trung Hoa. Tuy nhiên, với thời lượng hạn hẹp của một tựa game, sản phẩm này cũng mới chỉ vay mượn được một số ý tưởng về nhân vật để đưa được vào tác phẩm của mình.

    Còn lại, các yếu tố về tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, tâm linh và đặc biệt là cả một thế giới thần tiên của Trung Hoa cổ vẫn chưa được truyền tải hết. Nhận xét một cách nghiêm khắc thì Enslaved: Odyssey to the West mới chỉ là một tác phẩm lấy đề tài về thế giới sau ngày Tận Thế và chứa đựng một số điểm sáng trong thiết kế nhân vật. Mặc dù vậy, nội dung của nó lại được bù đắp bằng những thủ pháp điện ảnh sẽ được nhắc đến ngay dưới đây.

    Game của Ninja Theory = 1/2 ý tưởng hay 1/2 chất điện ảnh


    Từ sau khi thực hiện dự án Heavenly Sword, studio của Anh Quốc này đã đã được các game thủ trên toàn thế giới biết đến. Tựa game mà họ phát triển độc quyền cho PS3 khi đó không phải là một sản phẩm xuất sắc. Thế nhưng, những nỗ lực trong việc truyền tải một trải nghiệm chân thực như điện ảnh của nó lại khiến mọi người không thể xem thường. 

    Đặc biệt, trong các thành viên cốt cán của Ninja Theory còn có Andy Serkis - diễn viên nổi tiếng đã thổi hồn cho Gollum trong bộ ba tác phẩm điện ảnh The Lord of the Rings. Sự xuất hiện của ông trong vai trò chỉ đạo diễn xuất khiến cho những nhân vật trong game có được nét biểu cảm “giống người” hơn nhiều so với các tác phẩm cùng loại. Trong dự án Enslaved: Odyssey to the West, Andy Serkis đã đích thân thực hiện mockup cho các chuyển động trên gương mặt của nhân vật chính Monkey.


    Ngoài ra, Enslaved: Odyssey to the West đôi khi còn khiến người chơi phải ngỡ ngàng vì những góc quay đẹp và rất “phim”. Đáng tiếc rằng những điểm sáng này lại kém liền mạch so với phần còn lại của cả trò chơi, khiến cho các game thủ chỉ có thể nuối tiếc, trông đợi vào một ngày trò chơi điện tử tiến gần hơn tới mức độ phát triển của điện ảnh hiện đại.

    Những tình tiết hài hước, thú vị và các câu hội thoại khó quên chỉ thực sự xuất hiện ở 1/3 cuối của game, khi “Trư Bát Giới” Pigsy xuất hiện. Thực sự thì cá tính hài hước, vài nét ích kỷ của một người đàn ông, đôi chút đáng thương và cả một tấm lòng hy sinh cao cả của con người này tỏa sáng nhiều hơn cả “vai diễn” mạnh mẽ, đáng tin cậy và ngỗ ngược của Monkey.


    Rất nhiều tạp chí danh tiếng đã khen ngợi Enslaved: Odyssey to the West vì một cốt truyện đầy tính nhân văn và một chiều sâu về tâm lý nhân vật. Cá nhân tôi không cảm thấy nó đáng ca tụng đến thế bởi so với điện ảnh chính thống, Enslaved vẫn còn thua kém nhiều, mặc dù sự thua kém của nó đến từ sự khác biệt trong cách thể hiện của hai loại hình. 

    Thế nhưng, so với các tựa game ngày nay thì Enslaved xứng đáng được đứng cạnh những huyền thoại như Metal Gear Solid hay Shadow of the Colossus về tính điện ảnh trong game.

    Mọi ý tưởng sáng tạo đều cần quá trình phôi thai


    Gameplay của Enslaved: Odyssey to the West vượt qua mọi tác phẩm hành động phiêu lưu cùng loại trong yêu cầu về “đầu óc”. Nếu tinh ý thì chắc hẳn bạn đã chú ý tới dòng chữ Tactical Action Adventure trong thể loại của tựa game này. Ngay cả những pha hành động, đánh đấm “chân tay” nhất của game cũng đòi hỏi người chơi phải khôn khéo chọn thời điểm tấn công cũng như tính toán trước khi ra một chuỗi đòn tiếp theo.

    Trong một số màn chơi, yếu tố chiến thuật sẽ còn giúp các game thủ giải quyết nhanh chóng những rắc rối trên đường đi. Bên cạnh đó, một chi tiết đáng khen ngợi khác của Enslaved: Odyssey to the West là sự xuất sắc của nó trong việc pha trộn những cảnh leo trèo, khám phá với hành động lén lút và một chút FPS. Khi đó, những tình huống “nghìn cân treo sợi tóc” càng trở nên có sức quyến rũ hơn.


    Đáng tiếc rằng những yếu tố đổi mới này vẫn chưa đạt được độ chín cần thiết để trở thành một sản phẩm 5 sao. Từng chi tiết đơn lẻ trong hệ thống chiến đấu và leo trèo của game đều chưa đạt tới một chiều sâu cần thiết. Ngay khi bạn vừa làm quen được với hệ thống này để không còn cảm thấy bỡ ngỡ thì game đã chỉ còn một nửa nội dung. 

    Những màn chơi ở phần cuối game thực sự cam go và đầy những tình huống cân não. Thế nhưng, như thế vẫn chưa đủ để người chơi phải ngất ngây trong suốt một thời gian dài sau khi chiêm ngưỡng cái kết. Mặc dù vậy, tôi vẫn giữ quan điểm của mình rằng mọi ý tưởng sáng tạo đều cần có một quá trình phôi thai và Enslaved phần 2 chắc chắn sẽ có một gameplay hoàn thiện hơn.

    Cuối cùng, Enslaved: Odyssey to the West để lại những ấn tượng gì sâu sắc?


    Bất ngờ nhất trong toàn bộ trò chơi phải nói đến sự xuất hiện của Cloud (Cân Đẩu Vân phiên bản ngoại của Monkey). Món “bảo bối” này thật sự là chi tiết ấn tượng trong toàn bộ game. Thậm chí, những màn chơi gay cấn, nghẹt thở và “khó nhai” cũng đều xoay quanh nó.

    Cloud có thể di chuyển với tốc độ cao trên mặt nước và một số địa hình cá biệt. Nhà sản xuất đã tận dụng chi tiết này để mang tới cho người chơi một chút không khí của tốc độ. Khi được kết hợp với những địa hình phức tạp thì nó đã giúp kiến tạo nên một số màn chơi đặc biệt đáng nhớ của game. Chúng đáng nhớ từ những cảnh đẹp ở xung quanh cho đến cả những cú nhảy “khó như quỷ”, khiến game thủ phải chơi lại một cảnh nhiều lần.


    Màn rượt đuổi với con robot tê giác (Rhino) ở gần cuối game thực sự rất khó và gay cấn. Tuy nhiên, những con người hardcore sẽ muốn Ninja Theory kéo dài màn chơi này để vắt kiệt sức tập trung cùng sự kiên nhẫn của game thủ trước khi họ được “tưởng thưởng” bằng việc thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành một thử thách đầy cam go. Bản thân tôi trong khi chơi Enslaved: Odyssey đã từng kỳ vọng rất nhiều vào việc sau này sẽ unlock được một mini game đua Cân Đẩu Vân. Đáng tiếc rằng điều đó lại không thành sự thật.

    Những trận đấu trùm trong game luôn hấp dẫn và gay cấn trong lần đầu tiếp xúc bởi chúng đòi hỏi người chơi phải thử nghiệm rất nhiều lần mới có thể phát hiện ra điểm yếu của một con trùm. Tuy nhiên, khi đã tìm ra yếu tố “ngàn vàng” đó và hạ được con trùm thì sự thú vị đã tiêu tan. Ở lần chơi lại game thứ 2, ngay cả trong độ khó cao nhất thì người chơi cũng chẳng còn gặp lại những thách thức quá lớn, ngay cả ở những con trùm khó.

    Xét cho cùng, Enslaved: Odyssey to the West là một tựa game hay. Nó chỉ có một lỗi duy nhất là chưa hoàn hảo.