Những điều nên biết về mạng 4G

    PV, Hàn Phương 

    Bạn đã thực sự hiểu rõ về khái niệm mạng 4G?

    Dù khái niệm 4G đã xuất hiện từ cách đây vài năm, nhưng cho đến CES 2011 mới diễn ra, công nghệ 4G mới thực sự được nhiều người trên thế giới quan tâm với sự ra mắt của hàng loạt các thiết bị di động nổi tiếng như HTC Evo Shift, Motorola Atrix hay Samsung Infuse.
     
    Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những khái niệm cơ bản nhất xung quanh 4G.
     
    4G là gì?
     
    Đầu tiên, 4G là viết tắt của cụm từ Fourth Generation – tức là thế hệ thứ 4 của công nghệ truyền thông không dây. Nó cũng tương tự như 2G (thế hệ thứ 2) và công nghệ 3G (thế hệ thứ 3) đang được triển khai rộng rãi ở Việt Nam.
     
     
    Ngược dòng quá khứ, thuật ngữ 1G dùng để chỉ thời điểm bùng phát mạnh mẽ các thiết bị di động cầm tay, tiếp sau đó là thuật ngữ 2G, thế hệ mà người dùng chuyển sang hệ thống số với điểm nhấn là sự ra đời của tin nhắn văn bản (text messaging). Sau đó, mạng điện thoại 3G mang đến nhiều sự đổi mới to lớn hơn như khả năng truy cập mạng internet tốc độ cao, lướt web dễ dàng, các dịch vụ gia tăng phong phú.
     
    Giờ đây, công nghệ 4G cũng đang được phát triển và áp dụng để phù hợp với yêu cầu truyền tải dữ liệu của các ứng dụng đang ngày một phát triển không ngừng trên nền tảng 3G.
     
    Nói ngắn gọn, những dịch vụ nặng và đang được ưa chuộng bởi khách hàng, ví như HDTV, chơi game trực tuyến qua điện thoại... đã khiến mạng 3G không thể đáp ứng được triệt để. Bởi vậy, 4G chính là câu trả lời cho vấn đề này.
     
    Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người đã biết đến khái niệm mạng 4G nhưng xét cho cùng, thế hệ tiếp theo của mạng viễn thông không dây này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Tính đến thời điểm tháng 4 năm 2010, số mẫu điện thoại sử dụng mạng 4G vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay (nổi bật nhất là HTC EVO 4G của nhà mạng Sprint – Mỹ).
     
     
    Mới đây, ITU (International Telecommunication Union – Liên minh Viễn Thông Quốc tế) đã chính thức công bố những tập hợp yêu cầu công nghệ để cấu thành nên một mạng 4G. Theo đó, không có bất kỳ một mạng 4G nào đang tồn tại ở Mỹ hoặc đâu đó trên thế giới có thể đạt tiêu chuẩn (chủ yếu là về tốc độ).
     
    Mặc dù vậy, ITU cũng cho biết hiện chỉ có duy nhất 2 công nghệ chính đang trong quá trình phát triển và có thể được phân loại như 4G. Đó là công nghệ LTE-Advanced và WiMax 2. Cả 2 đều là phiên bản cải tiến của những công nghệ mà các nhà mạng đang áp dụng và gọi chúng là 4G. Cả LTE-Advanced và WiMax 2 sẽ khó có thể ra mắt sớm, chí ít là đến cuối năm 2011 hoặc thậm chí là 2012. Có thể khi ra mắt, chúng sẽ được gọi với cái tên 4.5G hoặc 5G. Tuy nhiên, nói như vậy có nghĩa rằng các công nghệ đang được áp dụng hiện nay (ám chỉ LTE và WiMax) không phải là 4G thực.
     
     
    Theo như ITU, chỉ những công nghệ thỏa mãn tiêu chuẩn mà tổ chức này đưa ra mới được công nhận là IMT-Advanced và mạng 4G. Trong đó, mạng 4G phải có khả năng trao đổi dữ liệu với tốc độ lên đến 100Mbps. Để thấy được mức độ của yêu cầu này, hãy nhớ đến mạng 3G hiện nay với tốc độ truyền tải 3.84Mbps.
     
    Dù chưa thỏa mãn được yêu cầu nghiêm ngặt mà ITU đưa ra, nhưng các nhà mạng như Sprint và Verizon vẫn gọi công nghệ của mình là 4G. Lý do là vì tốc độ mà hệ thống này mang lại cao hơn hẳn so với 3G.
     
    Vậy, lợi ích mà mạng 4G mang lại là gì?
     
    Không bàn đến tốc độ của 4G vì thế hệ cao hơn thì hiển nhiên phải có tốc độ truyền tải dữ liệu lớn hơn thế hệ trước. Vậy, 4G có gì hấp dẫn hơn so với 3G?
     
     
    Đầu tiên, phải kể đến khả năng của mạng 4G khi nó cho phép người dùng truy cập internet từ máy tính để bàn mà không cần phải có dây nối. Nếu như bạn cảm thấy mệt mỏi vì những giới hạn tốc độ gói cước mà nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP – Internet Service Provider) đưa ra, bạn sẽ cảm thấy vui mừng khi biết rằng sẽ không có giới hạn nào cho mạng 4G (tất nhiên là chỉ có giới hạn cực đại).
     
    Tiếp theo, mạng 4G sẽ lấy người dùng là tâm điểm. Bạn có thể truy cập internet gần như ở mọi nơi, thậm chí cả khi đang di chuyển.
     
    4G đã có chưa?
     
     
    Câu trả lời là có. Hệ thống mạng 4G đã được triển khai mạnh nhất ở Mỹ (tất nhiên là theo cách gọi của nhà mạng, không phải 4G chuẩn theo ITU). Trong đó, Sprint dùng công nghệ WiMax, Verizon Wireless dùng LTE (Long Term Evolution) và T-Mobile áp dụng HSPA , một công nghệ 3G với tốc độ... 4G. Tuy nhiên, mạng của Verizon có thể đạt tốc độ lý thuyết 5-12Mbps, WiMax của Sprint là 3-6Mbps, cách quá xa so với con số 100Mpbs yêu cầu bởi ITU.
     
    Cước phí của 4G ra sao?
     
     
    Về cước phí, mạng 4G có vẻ hấp dẫn hơn so với 3G. Gói cước trung bình khoảng 50$ 1 tháng cho 5GB và 80$ cho 10GB sử dụng. Và nếu sử dụng quá lưu lượng, bạn sẽ phải trả thêm 10$ phụ trội trên mỗi GB sử dụng.
     
    Tóm lại, với sự ra mắt hàng loạt của các thiết bị di động sử dụng 4G, viễn cảnh 4G phát triển và người dùng được tận hưởng mạng di động tốc độ cao sẽ không còn xa nữa.

    NỔI BẬT TRANG CHỦ