Những sai lầm thường gặp khi nâng cấp PC (Phần 1)

    PV, Phan Phan 

    Đối với bất kỳ người dùng nào,việc chiếc máy tính mới cóng hôm nào sau vài năm đã trở nên ì ạch, lạc hậu là việc ít nhất sẽ gặp phải một lần trong đời. Bởi vậy, việc thay toàn bộ máy tính hoặc nâng cấp từng linh kiện đơn lẻ là một nhu cầu không thể thiếu.

    Tuy nhiên, có nhiều người dùng không nẵm rõ được làm thế nào để nâng cấp được máy tính đúng nhất và do đó, họ thường mắc phải sai lầm khi chọn lựa hoặc lắp ráp linh kiện. Dưới đây là những lỗi phổ biến nhất mà người dùng hay mắc phải.
     
    Không dùng thiết bị khử tĩnh điện
     
    Lỗi thường gặp và cũng cực kỳ phổ biến khi lắp ráp linh kiện vào máy tính là không sử dụng các thiết bị khử tĩnh điện như găng tay, vòng... Nhiều người dùng không biết đến sự cần thiết của việc này hoặc có biết thì cũng thường tặc lưỡi cho xong vì nghĩ rằng mình đã rút hết nguồn điện, và cứ thế tay không lắp linh kiện thì cũng chẳng vấn đề gì.
     
    Tuy nhiên, bạn nên biết rằng trong cơ thễ mỗi người đều có tĩnh điện và do đó, bạn hoàn toàn có thể truyền chúng vào các linh kiện máy tính như RAM, CPU hay card đồ họa chỉ với một cái chạm nhẹ. Và kết quả là những linh kiện nhạy cảm này sẽ rất dễ bị hư hỏng. Mặt khác, việc cầm vào những sản phẩm như RAM, VGA hay ổ cứng trong thời gian dài cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của chính người dùng. Bởi vậy, hãy cố gắng trang bị cho bản thân một vòng tĩnh điện để bảo vệ cho bản thân mình cũng như các linh kiện để chuẩn bị cho quá trình nâng cấp máy tính.
     
    Một loại vòng khử tĩnh điện.
     
    Nâng cấp RAM
     
    Lỗi lớn nhất mà những người dùng không có kinh nghiệm hoặc kiến thức thường mắc phải khi nâng cấp RAM là mua... nhầm loại. Điều này sẽ dẫn đến sự không tương thích giữa RAM cũ và RAM mới, thậm chí là giữa RAM mới và bo mạch chủ, dẫn đến những hỏng hóc không thể lường trước. Hiện nay, để dễ phân biệt, các hãng sản xuất RAM thường có các ký hiệu in trên bao bì. Do đó hãy bỏ chút thời gian để đọc các thông số này, đặc biệt là tốc độ bus (được biểu thị bằng đơn vị MHz).
     
    Mỗi loại RAM khác nhau về số chân cắm, dung lượng và thông số kỹ thuật, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là tốc độ bus. Lý tưởng nhất là bạn nên chọn RAM có tốc độ bus và dung lượng bộ nhớ giống hệt như thanh RAM cũ (ví dụ DDR3 1333 MHz, 2 GB). Tuy nhiên nếu không thể, hãy chọn thanh RAM mới có tốc độ bus tương đương để đảm bảo mainboard có thể nhận được RAM cũng như 2 thanh RAM sẽ chạy được với nhau (ví dụ DDR3 1333 MHz 2 GB và DDR3 1333 MHz 4 GB...). Ngược lại, nếu máy tính của bạn đang dùng thanh RAM DDR3 1066 MHz thì không nên chọn RAM có tốc độ bus cao hơn, ví như DDR3 1333 MHz.
     
     
    Một sai lầm nữa của người dùng là thường không để ý đến giới hạn RAM mà máy tính có thể nhận được. Dung lượng RAM tối đa mà máy có thể nhận được phụ thuộc vào mainboard (bo mạch chủ) và hệ điều hành. Hiện nay, hệ điều hành Windows Vista trở đi đã hỗ trợ dung lượng RAM khá lớn nên yếu tố này có thể bỏ qua. Còn về mainboard, nếu bạn sử dụng các loại netbook hoặc laptop siêu mỏng thì nên hết sức lưu ý đến vấn đề này. Cách tốt nhất là đọc tài liệu kèm theo máy hoặc hỏi trực tiếp người bán.
     
    Nâng cấp CPU
     
    Điều đầu tiên và quan trọng nhất: Không chạm vào các chân cắm của CPU khi cầm nắm linh kiện này. Có một điều khá ngạc nhiên là các sai lầm lớn khi nâng cấp đều liên quan đến CPU. Mỗi CPU đều có hàng trăm (thậm chí đền đơn vị nghìn) chân cắm nhỏ li ti ở phía dưới để làm nhiệm vụ kết nối với mainboard khi truyền tải dữ liệu. Nếu như chỉ một chân cắm bị gãy hoặc lệch, tai họa sẽ khôn lường.
     
    Do đó, hãy chú ý khi cầm nắm CPU để lắp ráp và đặc biệt là không dùng lực để “ép” CPU vào bo mạch chủ. Nếu trường hợp CPU không vào được bo mạch, hãy từ từ nhấc CPU, kiểm tra lại các chân cắm đã thẳng chưa, mở rộng socket trên bo mạch chủ và thử lại từ đầu. Giả dụ bạn đã chọn đúng loại CPU để nâng cấp, ngoài việc cẩn thận với các chân cắm thì những yếu tố sau cũng hết sức cần lưu ý: cắm chặt các thiết bị tản nhiệt như quạt, ống dẫn nhiệt (nếu tản nhiệt nước) hoặc bôi keo tản nhiệt đúng quy cách.
     
    Nếu sử dụng keo tản nhiệt, nên chú ý rằng lớp keo này luôn nằm giữa CPU và các phiến tản nhiệt của quạt. Nó sẽ có nhiệm vụ dẫn nhiệt từ CPU và sau đó thoát ra ngoài qua các phiến tản nhiệt và tác động gió từ quạt. Để đảm bảo mối liên hệ giữa các thiết bị này và tránh trường hợp tạo ra điểm nóng trên bề mặt của CPU, lớp mỏng này cần phải được thoa một cách sạch sẽ, mỏng và đồng nhất.
     
    Cách bôi keo "chuẩn".
     
    Cuối cùng, hãy tránh việc sử dụng thiết bị tản nhiệt không phù hợp với CPU. Nếu như CPU mới mạnh hơn CPU cũ, điều đó có nghĩa là nó có thể tạo ra nhiều nhiệt hơn. Do đó bạn nên thay thế quạt tản nhiệt và bôi thêm keo mới, trừ phi bạn vốn đã sử dụng một hệ thống tản nhiệt cao cấp. Nếu có thể “tậu” một bộ vi xử lý có giá 300$, việc bỏ ra từ 30$ - 50$ để mua một hệ thống tản nhiệt mới nhằm bảo vệ cho linh kiện đã đầu tư cũng như toàn bộ hệ thống cũng không phải là con số quá lớn.
     
    (Còn tiếp - Tham khảo: PCWorld)