Nhọc nhằn mưu sinh bằng nghề dán điện thoại vỉa hè

    PV, Huy Hoàng 

    Nghề dán điện thoại, laptop tưởng đơn giản, dễ làm nhưng theo nhiều người thợ, hầu như ai cũng phải theo học những khóa đào tạo ngắn ngày.

    Khởi nghiệp từ 300 trăm ngàn đồng
     
    Số người làm nghề dán nilon bảo vệ, decal trang trí điện thoại, laptop nhiều nhưng hoạt động chủ yếu ở một vài địa điểm lớn. Tại Hà Nội, tìm đến khu vực ngã tư Bách Khoa – Tạ Quang Bửu, đường Láng, ngã tư Sở, phố Huế, gần ký túc xá Đại học Thủy Lợi... mọi người có thể bắt gắp hàng chục tiệm dán điện thoại lưu động trên vỉa hè.
     
    Những tiệm lưu động thế này có nhiều ở gần ký túc xá ĐH Thủy Lợi.
     
    Không quá cầu kỳ, dụng cụ hành nghề của người thợ gói gọn trong giỏ xách nhỏ cùng biển hiệu, chứa giấy dán, khăn lau, dao rọc và bật lửa. Anh Hưng, một người làm nghề tại trước nhà ăn A15, khu vực Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), từ cách đây gần 1 năm, cho biết: “Con phố này chỉ dài tầm 100m nhưng có tới gần chục người làm nghề như tôi. Ở đây, khách hàng chính của dân dán điện thoại là sinh viên trường Bách Khoa, Kinh Tế, Xây Dựng”.
     
    Những địa điểm sát trường học lớn như thế này được anh Hưng và đồng nghiệp coi là chỗ đặt “trụ sở” lý tưởng. Ở đây, người mới cũng đã làm được vài tháng, lâu thì bám trụ cùng vỉa hè này được ngót 2 năm trời.
     
    Đồ nghề của một người thợ khá đơn giản.
     
    Tìm đến khu vực Đại học Thủy Lợi, vào khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi đếm được 4 tốp thợ ngồi gần vỉa hè và khu vực vườn hoa Thủy Lợi. Vào tầm giờ này, khách tìm đến dịch vụ dán điện thoại khá đông. Theo chia sẻ của một dân trong nghề, dán điện thoại vỉa hè là vậy, ngồi cả ngày chỉ đông khách vào những lúc như thế. Thời gian "tút" lại một chiếc điện thoại tính cả mặt trước, sau và màn hình nếu nhanh chỉ 5 phút còn lâu lắm cũng không qúa 15 phút. Chính vì thế, tận dụng khung giờ này, mỗi người thợ có thể xử lý xong 7-8 máy. Tùy theo yêu cầu, khách hàng phải trả cho người thợ từ 20 đến 30 ngàn đồng mỗi lần "tút" lại máy.
     
    Điều bất ngờ, nghề dán điện thoại, laptop tưởng đơn giản, dễ làm nhưng theo nhiều người thợ ở đây, hầu như ai cũng phải theo học những khóa đào tạo ngắn ngày, cá biệt lắm mới có vài người tự “học mót” từ bạn bè thân.
     
     
    Theo giới thiệu của người thợ gần Đại học Thủy Lợi, chúng tôi tìm đến cơ sở Thắng Thuận nằm sâu trong khu vực đường Láng (Đống Đa, Hà Nội). Cở sở này chuyên làm quảng cáo, biển hiệu nhưng cũng kiêm dịch vụ dán xe máy, điện thoại và đào tạo nghề.
     
    Trong vai người muốn học việc, chúng tôi được anh Huy – người quản lý ở đây giới thiệu: “Học nghề dán điện thoại, laptop thôi thì đóng 300 ngàn cho một khóa nhanh 3 ngày là xong, còn muốn chơi tất (học hết - PV), dán từ xe máy, máy ảnh đến những thứ khó hơn thì chi phí là 2 triệu đồng/ 15 ngày, bao ra nghề luôn.” Anh Huy giải thích thêm: “Học xong, cơ sở sẽ giới thiệu mối làm và địa chỉ lấy giấy dán rẻ nhất cho học viên.”.
     
     
    Tìm hiểu thêm từ cơ sở Thắng Thuận, chúng tôi được biết, mỗi tháng có từ 5-7 học viên theo học tại đây. Nhưng người này phần lớn ra làm đều xin vào các cơ sở dán nilon xe máy, số còn lại sẽ chọn khởi nghiệp với nghề dán điện thoại vỉa hè. Anh Huy cho biết: “Nghề dán điện thoại vỉa hè, nếu làm ăn tốt thì trừ chi phí có thể lãi 100-150 ngàn một ngày. Nghề này phí học việc thấp, không yêu cầu cửa tiệm, đồ nghề nhiều nên rất dễ khởi nghiệp”.
     
    Khách hàng ngày càng khó tính, dân làm nghề ngày một đông
     
    Nghề dán điện thoại, laptop nhìn chung không khó để khởi nghiệp, nhưng có tìm hiểu thêm từ những người làm nghề mới thấy cuộc sống mưu sinh bên vỉa hè vẫn nhiều lắm lo toan.
     
    Chưa kể những hôm nắng mưa thất thường ế khách, nhưng lần bị đội trật tự đường phố đuổi phạt, người làm nghề phải rất chật vật khi vấp phải sự cạnh tranh từ hàng loạt cơ sở xung quanh. Chỉ trên đoạn đường Láng dài 4km, chúng tôi đếm được trên 25 dịch vụ lưu động như thế này. Nói như thế để bạn đọc hình dung được tính cạnh tranh gay gắt của thị trường dịch vụ vỉa hè này.
     
    Ở trục đường Láng có hàng chục dịch vụ dán điện thoại lưu động.
     
    Anh Tiệp, người làm nghề trên đường Láng, cho biết thêm: “Khách hàng giờ có xu hướng chọn các cở sở lớn, không tin tưởng lắm vào tay nghề những người như chúng tôi, chính vì thế kiếm sống bằng món này không phải chuyện đơn giản”.
     
    Ngay cả khi tìm đến thì khách hàng bây giờ cũng khó tính hơn trước kia rất nhiều. Như trước đây, những người làm nghề thường dùng dao tem để rạch các đường rãnh trên máy. Loại này sắc, rẻ, nhưng đặc điểm là dễ láng nhầm vào thân máy, gây xước. Khách hàng phàn nàn nhiều quá nên giờ dân trong nghề đều dùng dao rọc giấy cả, anh Tiệp kể.
     
     Dao rọc giấy được dùng để thay thể dao tem.
     
    Hay như chuyện dán để còn bong bóng, bụi trên thân máy, những lỗi thế này giờ khó mà được thông cảm. Những người tay nghề non không may gặp phải đều bị khách bắt bóc ra dán lại từ đầu...
     
    Tai nạn nghề nghiệp mà anh Tiệp còn nhớ là lần để lại hai vết rạch ở mặt sau chiếc iPhone 3GS khi được thuê dán decal giả carbon.“Hồi đó giá trị chiếc máy rất cao, ông khách lại không có vẻ gì hiền lành nên suýt chút nữa thì tôi phải đền mệt”Chính vì thế, người làm nghề như anh Tiệp, anh Hưng muốn tồn tại được ở thành phố không phải điều đơn giản; ngày kiếm được, ngày không là chuyện thường tình.
     
    Có nên tìm đến dịch vụ dán điện thoại vỉa hè?

    Ngay cả khi đã hiểu về nghề qua các chia sẻ ở trên thì đứng ở góc độ khách hàng, liệu nên chăng khi sử dụng loại hình dịch vụ này? Chi phí có thể rất rẻ so với những hình thức trang trí, bảo về máy khác, nhưng giải pháp này có thực an toàn?
     
    Trao đổi với chúng tôi, một cơ sở chuyên bán decal, giấy dán cho dân thợ ở chợ Trời (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khẳng định, giấy dán điện thoại cùng loại với giấy dán xe máy, đặc điểm của loại giấy này là sử dụng lớp keo bám dính cực chắc. Khác xa lời quảng cáo giấy dán "từ tính", "không dùng keo", giấy "công nghệ Hàn Quốc, Nhật"... mà những người làm nghề vẫn thường quảng cáo.
     
     
    Anh Minh Hiếu, nhân viên trung Tâm bảo hành Nokia Care khẳng định: “ Việc sử dụng lớp giấy dán trang trí, bảo vệ như vậy về lâu dài không tốt cho vỏ điện thoại. Khi bóc ra, rất khó để tẩy sạch lớp keo còn sót lại trên vỏ; thậm chí, có thể làm bong tróc nhẹ sơn phủ ở một vài mẫu điện thoại”. Đây cũng là điều mà rất nhiều người sau khi sử dụng các lớp giấy dán có thể kiểm chứng.
     
    Bên cạnh đó, như chia sẻ từ dân trong nghề ở trên, việc dán điện thoại phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề người thợ. Nếu không may, khách hàng rất dễ phải ân hận vì một hai đường rạch sơ ý của người thợ.
     
    (Tổng hợp)
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày