Thẻ nhớ nhái vẫn thao túng thị trường Việt Nam?

    PV, Huy Hoàng 

    Dân buôn khẳng định, tại Hà Nội chỉ trừ một số ít nơi bán hàng chính hãng ở đâu cũng kinh doanh thẻ nhái. Mua trên 100 thẻ microSD 2GB thì giá vào khoảng 75 ngàn đồng/ chiếc, loại 4GB chỉ còn 125 ngàn đồng/ chiếc.

    Vài năm trở lại đây, một số hãng thẻ nhớ lớn đã có nhà phân phối chính thức tại Việt Nam như Sandisk, Kingston, Transcend... mở ra cơ hội tiếp cận hàng chất lượng tốt cho người dùng. Tuy nhiên, có một thực tế là thẻ nhớ không tên tuổi, thẻ nhớ nhái (giả thương hiệu) vẫn sống tốt trên thị trường nội, được khách hàng chấp nhận, ngay cả khi biết rõ xuất xứ của sản phẩm khó có thể tin tưởng.
     
    Thẻ nhớ nhái vẫn... sống tốt ở thị trường nội
     
    Kingston Việt Nam từng cho biết thẻ nhớ nhái có giá rẻ hơn từ 20-40% đang trôi nổi trên thị trường gây ảnh hướng lớn đến cả người dùng lẫn doanh nghiệp. Trong khi đó, một đại lý phân phối thẻ nhớ Transcend lớn tại miền Bắc cũng khẳng định dòng thẻ “no name”, nhái được chuyển từ Trung Quốc sang chiếm thị phần khá áp đảo ở Việt Nam.
     
    Ông Nguyễn Văn An, đại diện công ty công ty Phú Thái (chuyên buôn bán thẻ nhớ chính hãng, tại Hà Nội) cho biết trên thị trường hiện này các dòng thẻ nhớ microSD và SD có lượng tiêu thụ lớn nhất, khách hàng tập trung chủ yếu vào mức dung lượng 2GB đến 4GB. Ăn theo đó, thị trường thẻ nhái cũng tập trung vào phân khúc này và dùng lợi thế giá rẻ nhằm câu kéo người dùng.
     
     
    Tham khảo trên thị trường, dòng thẻ Kingston microSD 2GB (class 4) được bán với giá chính hãng khoảng 170 ngàn đồng (theo FPT Shop) thì hàng ngoài luồng chỉ khoảng 100 ngàn (mức giá này cũng thay đổi tùy theo nơi bán). Khi được hỏi, đa phần cửa hàng cho biết thẻ chỉ bán kèm adapter, không bao bì, còn thời gian bảo hành bằng một nửa thậm chí 1/5 so với hàng chính hãng. Thực tế, với mức giá quá rẻ, chẳng cần so sánh với đặc điểm nhận dạng hàng giả mà Kingston cung cấp, người ta cũng biết ngay đây là thẻ loại gì.
     
    Với quan hệ của mình trong giới kinh doanh điện thoại, không khó để chúng tôi xin địa của vài mối buôn thẻ nhớ nhái ở Hà Nội. Theo lời giới thiệu thì rất nhiều cửa hàng điện thoại, phụ kiện, tin học thậm chí có cả chuỗi siêu thị lớn cũng lấy hàng từ các mối này. Đây sẽ là những đầu mối giúp chúng ta hiểu hơn về thực trạng thẻ nhái ở Việt Nam.
     
     
    Chọn địa nằm sâu trong ngõ (gần trụ sở công an phường phố Huế) ở khu vực chợ Trời. Trong vai một người muốn mua buôn số lượng lớn thẻ SD và microSD loại 2GB/4GB, chúng tôi được chủ hàng cho biết ở đây nếu lấy từ 50, 100, 200 thẻ trở lên sẽ có các mức chiết khấu khác nhau. Như với số lượng mua khoảng 100 thẻ microSD loại 2GB thì giá vào khoảng 75 ngàn đồng/ chiếc, loại 4GB chỉ còn 125 ngàn đồng/ chiếc. Tỏ ra không bằng lòng với mức chiết khấu, chúng tôi được người đàn ông này cho hay: “Ở đây một tháng bán buôn cho hàng chục nơi ở Hà Nội và các tỉnh, mức giá thế này là mặt bằng chung và quá hữu nghĩ rồi.”.
     
    Tất nhiên, không nằm ngoài dự đoán, thẻ nhớ được bán theo từng lốc, kèm adapter nhưng không có bao bì. Theo lời giải thích thì “đây đều là hàng hãng nhưng nhập thế này để giảm giá thành. Nếu có trục trặc, cơ sở sẽ đổi mới trong vòng 1 năm". Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi "hàng chính hãng" này nhập từ đâu, bên nào phân phối thì đáp lại chỉ là câu trả lời quanh co từ phía chủ cơ sở.
     
    Tìm đến một người bán hàng khác tại phố Hoàng Ngọc Phách (Đống Đa, Hà Nội). Ở đây, thẻ nhớ chủ yếu được bán lẻ nhưng theo tìm hiểu thì địa chỉ này được khá nhiều người dùng di động, máy ảnh tìm đến bởi mức giá tốt và uy tín kinh doanh.
     
     
    Khi được hỏi về nguồn gốc dòng thẻ nhớ, người bán không giấu giếm mà trả lời luôn đây là thẻ nhớ Trung Quốc, không tên tuổi cũng có, mà nhái các thương hiệu lớn cũng có. Nhưng người này cũng khuyên chúng tôi: “Tại Hà Nội trừ một số ít nơi bán hàng chính hãng ra thì ở đâu cũng bán hàng giống như đây, nhưng giá thì đảm bảo không thể tốt bằng. Còn chất lượng thực ra cũng ngang hàng chính hãng thôi”. Tùy theo đợt mà thẻ nhớ nhập về từ Quảng Châu, Thâm Quyến... nhưng chất lượng nhìn chung cũng như nhau.
     
    Thẻ có khi chỉ ghi dung lượng mà không rõ hãng sản xuất – loại này nếu để ý kỹ thì rất hay có sẵn trong máy điện thoại bán ra từ các cửa hàng nhỏ. (đây chính là mánh để một số nơi hạ giá điện thoại). Còn thẻ có nhãn thì hay mang tên của Kingston, Sandisk đơn giản vì ở thị trường Trung Quốc đây là hai thương hiệu rất mạnh. Hàng loại này thích thì có thể nhập dòng nhái cả vỏ hộp, nhưng giá cao hơn khoảng 20 ngàn – thông tin cho biết thêm.
     
     
    Để khẳng định chất lượng hàng của mình, người bán cho chúng tôi dùng trực tiếp thẻ trên máy ảnh và copy/ paste file qua lại với laptop để kiểm tra dung lượng thực và tốc độ.
     
    Nhìn chung, so với thời điểm trước khi có mặt của hàng chính hãng được phân phối trực tiếp thì thị trường thẻ nhớ tại Việt Nam bây giờ vẫn tràn ngập các sản phẩm không rõ xuất xứ, nhái lại tên tuổi. Mặt hàng này được bán công khai, bất chấp nỗ lực bảo vệ thương hiệu của nhiều đơn vị kinh doanh sản phẩm chính hãng.
     
    Người dùng đã nhận thức đúng về an toàn dữ liệu?
     
    Anh Thành - một người chơi máy ảnh lâu năm trên diễn đàn VnPhoto, cho rằng: “Không hẳn là người dùng bị cửa hàng đánh lừa. Trái lại, với một bộ phận người dùng smarphone, máy ảnh, họ còn rất am hiểu về công nghệ và biết rõ thẻ nhớ loại nào là chính hãng. Nhưng vì giá rẻ và chưa thật quan tâm đến an toàn dữ liệu nên chọn hàng nhái thôi”.
     
    Về cấu tạo, thẻ nhớ gồm 2 bộ phận chính: chip NAND Flash chứa dữ liệu và vi điều khiển. Chip NAND Flash là linh kiện tinh vi và chỉ một vài nhà máy của một số hãng đủ năng lực thiết kế, số còn lại sẽ đặt hàng OEM.
     
    Thành phần chính: NAND Flash, vi điều khiển và board mạch của thẻ SD.
     
    Sau khi có chip NAND Flash, các hãng bổ sung bộ phận điểu khiển và gắn hệ thống này board mạch, đặt trong vỏ thẻ. Thẻ được đóng gói để đưa ra thị trường sau khi vượt qua khâu kiểm tra chất lượng lần cuối. Thẻ nhớ nhái cũng bắt buộc phải mua chip NAND Flash từ các công ty lớn, nhưng các cơ sở này sẽ tiết kiệm tối đa chi phí bằng việc sử dụng linh kiện chất lượng thấp để làm vi điều khiển, mạch, vỏ, bộ phận tiếp xúc. Quan trọng hơn, khâu kiểm tra chất lượng tuyệt nhiên không có hoặc có nhưng dây chuyền không đạt tiêu chuẩn, bớt được rất nhiều chi phí đầu tư. Hàng loại này sau khi ra thị trường còn tiếp tục hạ giá so với hàng chính hãng bởi không kèm bao bì, trốn thuế...
     
    Thực tế, còn một loại thẻ siêu nhái nữa bằng cách làm giả dung lượng. Loại này có dung lượng thấp, nhưng được chỉnh sửa thông tin trên vi điều khiển, khiến các thiết bị khác nhận nhầm dung lượng cao. Tuy nhiên, các cửa hàng di động tại Hà Nội đều cho rằng kiểu thẻ siêu nhái này giờ hiếm gặp và cũng không ai dám bán.
     
    Chưa có một thống kê nào về tỷ lệ mất mát dữ liệu khi sử dụng thẻ nhớ nhái và thẻ nhớ chính hãng. Nhưng nhìn vào quy trình thiết kế thì không khó để chúng ta đoán ra đâu là lựa chọn an toàn hơn. Cần nhấn mạnh rằng, quy trình kiểm tra chất lượng lần cuối rất quan trọng. Qua đó sẽ hạn chế tối đa trường hợp thẻ bị hỏng bất ngờ trong quá trình sử dụng, gây mất trắng dữ liệu.
     
    Tuy nhiên, đây lại không phải vấn đề được người dùng trong nước chú ý. Ghi nhận từ quá trình kinh doanh của đơn vị mình, ông An (đại diện công ty Phú Thái) cho biết: “Khách hàng chỉ chủ yếu quan tâm đến giá thành và dung lượng, gần đây thì nhiều người mới chú ý hơn đến tốc độ thẻ”.
     
    Ở đây, chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm của anh Thành, không cho rằng người dùng trong nước hoàn toàn bị đánh lừa bởi thẻ nhái. Vấn đề cần đề cập đến có lẽ là nhận thức trong việc giữ an toàn dữ liệu – thứ mà trong nhiều trường hợp còn quý giá hơn chiếc thẻ nhớ của bạn rất nhiều lần.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ