Đã hơn 2 năm rưỡi kể từ ngày chiếc smartphone chạy Android đầu tiên ra mắt, chiếc HTC G1. 2 năm rưỡi không phải là quá dài, nhưng vẫn đủ để Android "kéo" HTC lên vị trí một trong 5 hãng sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới. Chỉ riêng trong quí đầu năm 2011, HTC bán ra 9.7 triệu thiết bị chạy Android. 1 con số làm nhiều nhà sản xuất khác phải cảm thấy mơ ước.
Nhìn lại một cách công tâm, không có Android có lẽ HTC không thể có ngày hôm nay. Nhưng nếu HTC không sản xuất smartphone chạy Android có lẽ niềm hứng thú của người sử dụng đối với HĐH cũng chẳng thể cuồng nhiệt như hiện tại. Mối quan hệ cộng sinh giữa HTC và Android đã trở nên khăng khít và sâu nặng.
Công thức cho sự thành công của HTC tương đối đơn giản: Android thiết kế đẹp, bền giao diện Sense trực quan, tiện lợi. Có thể hiện tại HTC không phải hãng đi đầu trong lĩnh vực tablet cũng như không phải là hãng sở hữu chiếc smartphone mạnh nhất trên thị trường, nhưng vị thế của HTC trong làng smartphone là không thể phủ nhận.
Thế nhưng sự thành công của HTC không phải là không có tì vết: Phân khúc smartphone tầm trung của hãng còn khá yếu và phân khúc bình dân thì còn đang hoàn toàn bỏ ngỏ. Và với xu hướng smartphone đang dần hất cẳng feature phone, dumbphone, nếu như HTC vẫn chỉ bám lấy phân khúc smartphone cao cấp thì sẽ là một bước đi hết sức thiếu khôn ngoan trong thời điểm thị trường đang chuyển mình.
Video clip đánh giá sơ lược Wildfire S do chúng tôi thực hiện.
Ý thức được "điểm chết" trong dòng sản phẩm của mình, HTC vừa tung ra phiên bản nâng cấp của chiếc smartphone tầm trung Wildfire mang tên Wildfire S. Được sự hỗ trợ của HTC Việt Nam, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc bài đánh giá chi tiết chiếc smartphone này. Về giá cả cũng như các hình thức khuyến mãi của Wildfire S, bạn đọc có thể tham khảo trong
bài viết này.
HTC Wildfire S: 7 điểm - CPU MSM 7227 600MHz - RAM 512 MB (390 MB hiệu dụng) - ROM 512 MB (150 MB hiệu dụng) - Màn hình 3.2 inch 320x480 Ưu điểm: - Thiết kế đẹp, chắc chắn, hoạt động ổn định. - Giao diện Sense và hỗ trợ HTC Sense.com. - Pin tốt. - Hỗ trợ Flash trên trình duyệt (Dù không thực sự hữu dụng) Khuyết điểm: - Vẫn còn một vài điểm chưa hợp lý trong thiết kế như phần nắp lưng, sơn viền chất lượng chưa cao. - CPU và GPU yếu. - Giá chưa thực sự hấp dẫn, gói khuyến mại không áp dụng với khách hàng dùng Viettel. |
1. Cảm quan
Cũng thật khó hiểu khi những bản nâng cấp sản phẩm gần đây của HTC đều được thêm chữ S vào sau tên gốc. Desire S, Wildfire S, HD7S, Incredible S và cứ với cái đà này có lẽ danh sách trên sẽ còn dài ra nữa. Không ai cho tôi được một câu trả lời cụ thể về việc chữ "S" ở các bản nâng cấp có ý nghĩa gì? Superior, Speed, Smart...? Nhưng riêng đối với Wildfire S, ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu tôi đó là "Small". Vốn quen sử dụng các smartphone có cỡ màn hình 4.3 inch, cầm chiếc Wildfire S trong tay tôi có cảm giác bị "hẫng" vì trọng lượng và kích thước quá gọn gàng của chiếc điện thoại này.
Kích thước nhỏ, phần lưng làm bằng nhựa đã góp phần "kéo" trọng lượng của máy xuống chỉ còn hơn...1 lạng tí chút (105 g). Ngay cả khi đã lắp pin, Wildfire S cũng vẫn cho cảm giác nhẹ nhàng, cầm nắm thoải mái nhất là đối với những bạn nữ hoặc những ai bàn tay nhỏ. Wildfire S hầu như vẫn giữ nguyên thiết kế của đàn anh Wildfire, thay đổi dễ nhận thấy nhất đó là phím định hướng quang học đã được bỏ đi, khiến cho máy "co" lại thêm 1 chút, rất gọn gàng. Thiết kế của Wildfire S có vẻ rất "hút" các bạn nữ vì qua đánh giá của một vài bạn trẻ tôi tiếp xúc, tất cả đều rất hào hứng với Wildfire S. Đặc biệt phiên bản màn hồng phấn rõ ràng là hướng tới đối tượng người sử dụng là nữ.
Mặc dù sử dụng khá nhiều nhựa trong thiết kế, nhưng Wildfire S vẫn kế thừa được truyền thống kết cấu chắc chắn của các smartphone HTC. Dù khá nhẹ nhưng cầm Wildfire S trên tay không hề có cảm giác rẻ tiền mà thấy hợp lý về trọng lượng. Kích thước khiêm tốn và nhẹ khiến Wildfire S dù nhét trong túi quần bò chật vẫn rất thoải mái. Nắp nhựa trên lưng máy được sơn nhám, sờ khá mướt tay và ôm sâu vào lòng bàn tay cho cảm giác cầm nắm dễ chịu.
Nhìn chung thiết kế của Wildfire S thực sự gây được nhiều thiện cảm từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên vẫn có 1 vài điểm mà người viết cảm thấy không hài lòng như việc nắp lưng mở ra đóng vào khó khăn, phần diềm nhựa của máy có chất lượng sơn kém như đã nêu trong clip đánh giá ở đầu bài. Thêm vào đó, các phím bấm cảm ứng được sắp xếp hơi sát vào mép dưới của màn hình nên khi đang gõ bằng bàn phím cảm ứng ở chế độ màn hình dọc thỉnh thoảng lúc gõ phím cách thì lại ấn nhầm vào nút back làm tắt mất bàn phím cảm ứng.
Thêm một điểm khá thú vị nữa của Wildfire S đó là máy có một khe để luồn dây đeo điện thoại, chi tiết này hầu như không xuất hiện trên các smartphone khác của HTC như Desire HD, Desire S... Việc sử dụng dây đeo điện thoại ở các smartphone màn hình cảm ứng thường làm màn hình dễ bị xước hơn khi bị cọ xát với vật cứng ở dây đeo. Nhưng rõ ràng là ở Wildfire S, HTC muốn đem tới 1 sản phẩm thỏa mãn mọi sở thích của giới trẻ.
Phần móc dây đeo điện thoai, 1 chi tiết hiếm gặp ở các smartphone của HTC.
Đuôi máy cũng có lỗ luồn dây đeo
2. Hệ điều hành và giao diện
Nhìn chung một trong những lợi thế cạnh tranh rất lớn của các smartphone HTC so với sản phẩm của những hãng khác đó là giao diện Sense. Giao diện người dùng mang tên Sense của HTC có thể nói không ngoa, là giao diện người dùng số 1 trên hệ điều hành Android do các hãng xây dựng tính đến thời điểm hiện tại. Ngoài việc đồ họa trên Sense nhìn khá bóng bẩy, đẹp mắt thì việc HTC đầu tư cho Sense 1 kho Widget khá đa dạng và hữu dụng cũng là 1 điểm cộng rất lớn của Sense. Chẳng hạn như chỉ nói riêng 1 mục đồng hồ, HTC đã cung cấp cho người dùng cả chục kiểu widget đồng hồ khác nhau, tất cả đều được thiết kế rất đẹp và tỉ mỉ. Rồi tất cả các Widget hiển thị danh bạ, trình chơi nhạc, khung ảnh, điều khiển chức năng như bật mở Wifi, Bluetooth... cũng đều được thiết kế bắt mắt, hữu dụng.
Giao diện Sense trên Wildfire S nhìn chung hoạt động ổn định, nhưng sau khi khởi động lại máy phải chờ khoảng 15-20 giây để các widget tải hết rồi giao diện mới mượt mà được. Việc cuộn trang, chuyển đổi màn hình trên Wildfire S tương đối trơn tru, dù vậy vẫn thi thoảng máy tỏ ra hơi "ngập ngừng" khi thực thi thao tác của người sử dụng. Rõ ràng việc sử dụng CPU thế hệ cũ và chỉ chạy ở xung nhịp 600 MHz đã trở thành 1 yếu điểm của Wildfire S trong khi các đối thủ cùng tầm giá khác như Galaxy Ace có xung nhịp lên tới 800 MHz.
Wildfire S cũng được HTC "ưu ái" hỗ trợ gói dịch vụ HTCSense.com miễn phí. Đây thực chất là 1 dịch vụ clouding, cho phép người dùng backup tin nhắn, danh bạ từ máy lên trên tài khoản Sense online, sau đó khi nào cần thì lại đưa về máy. Tính năng này khá tiện với những ai thường xuyên flash ROM cho chiếc smartphone của mình tránh được việc mất tin nhắn, danh bạ... Gói dịch vụ này có thể ví như Mobile Me của Apple, mặc dù được HTC cung cấp hoàn toàn miễn phí trong khi Mobile Me hiện tại đang tính phí 99$/năm (kèm 1 email @me.com).
Giao diện trang HTCSense.com. Dịch vụ này cho phép tìm máy điện thoại khi bị thất lạc. Hiện ở Việt Nam, các gói dịch vụ gia tăng khác như backup tin nhắn, danh bạ chưa hoạt động trên HTCSense.com. Trao đổi với chúng tôi, đại diện HTC cho biết HTCSense.com sẽ phục vụ người dùng trong nước với đầy đủ các tính năng trong vài tuần nữa.
Sử dụng HTCSense.com người sử dụng còn có thể tìm máy của mình khi để thất lạc hoặc bị ăn trộm: Vị trí của máy được xác định thông qua GPS và định vị từ trạm thu phát sóng điện thoại sẽ được cập nhật trên 1 bản đồ nhỏ, người sử dụng có thể biết được hiện tại máy của mình đang ở đâu, đồng thời người sử dụng có thể làm máy reo chuông kể cả khi nó đang ở chế độ câm để dễ tìm thấy hơn, forward tin nhắn, cuộc gọi sang 1 số máy khác trong trường hợp để quên máy ở nhà, khóa điện thoại từ xa hoặc thậm chí là xóa toàn bộ dữ liệu trên máy thông qua 1 nút bấm trên HTCsense.com trong trường hợp máy bị mất.
Nhìn chung HTCSense.com là một gói dịch vụ hết sức hữu ích và đáng giá của HTC dành cho khách hàng của mình. Trước đây dịch vụ này chỉ dành cho các dòng smartphone cao cấp như HTC Desire HD hay HTC Desire Z thì giờ đây lại có cả trên 1 sản phẩm mid-end là HTC Wildfire S.
Thêm một lỗi nho nhỏ nữa nhưng cũng khá thường gặp đó là khi đang mở quá nhiều ứng dụng và tắt màn hình đi rồi bật lên, màn hình khóa của máy không phản hồi lại thao tác trong vòng 1-2 s, sau đó mới hoạt động như bình thường, cũng không phải là một yếu điểm chết người nhưng đôi khi lại rất khó chịu. Tốt nhất có lẽ người sử dụng nên "thủ" sẵn 1 phần mềm quản lý ứng dụng cho phép tắt hết các ứng dụng đang chạy mỗi lần khóa màn hình để tránh tình trạng này.
3. Duyệt web
Trình duyệt trên Wildfire S hoạt động khá tốt. Tốc độ tải trang ở mức chấp nhận được, dù không "nhanh như điện" nhưng cũng không quá lề mề. Khi trang web đã tải xong nội dung, việc zoom, cuộn trang diễn ra mượt mà ngay cả khi trên trang có nhiều hình ảnh.
Khi chưa zoom vào chữ trên màn hình rất nhỏ và khó đọc.
Và một điểm nữa cũng khá bất ngờ đối với tôi là mặc dù chỉ sử dụng SoC MSM 7227 thuộc dòng ARM11 vốn là dòng kiến trúc xử lý không được Adobe hỗ trợ nhưng trình duyệt trên Wildfire S vẫn chạy được Flash. Các banner flash tải về đầy đủ, mặc dù tốc độ load flash rất lâu, và khi tải xong rồi thì thường là đoạn flash đó bị "đứng hình". Thử nghiệm thực tế trên trang nhaccuatui.com cho thấy trình chơi nhạc viết bằng flash trên trang vẫn tải về và vẫn có tiếng nhạc phát ra, tuy nhiên phần flash hiển thị trên trang web bị "đứng hình" và không thể tương tác được. Đồng thời việc cuộn trang khi có đối tượng flash rất chậm và giật. Có lẽ phương án hợp lý nhất khi duyệt web với Wildfire S là tắt tính năng tải flash đi, vì hiện tại nhiều trang web sử dụng flash để làm banner và nếu "dính" đúng vào các trang đó thì việc duyệt nội dung trên trang có thể gặp trục trặc chỉ vì 1 cái banner rất... vô duyên.
Nghe nhạc bằng trình duyệt của máy trên nhaccuatui.com với trình chơi nhạc viết bằng flash của trang web.
Nhìn chung, việc Wildfire S hỗ trợ flash là một tính năng ngoài mong đợi của người viết nên dù cho sự hỗ trợ này là "nửa vời" và không chứng tỏ tác dụng thực sự khi sử dụng, nó vẫn là 1 động thái rất đáng hoan nghênh của HTC.
Do màn hình nhỏ, độ phân giải không cao nên khi chưa zoom vào, gần như không thể đọc rõ được nội dung trang web, đồng thời việc xem các trang có nhiều nội dung ảnh cũng gặp hạn chế vì kích thước màn hình nhỏ. Nói cho cùng, với 1 smartphone tầm trung như Wildfire S, khó có thể đòi hỏi gì hơn. Các tính năng truyền thống của các smartphone Android như zoom trang web bằng cách nhúm 2 ngón tay, text gói vào khung mình hình khi phóng lớn cũng giúp việc đọc nội dung trên trang được thuận tiện.
4. Chạy ứng dụng
Khả năng chạy ứng dụng của Wildfire S cũng không nằm ngoài dự liệu của người viết. Với CPU chỉ có 600 MHz và GPU Andreno 200 vốn có tiếng là "yếu đuối" trong mảng dựng hình 3D, khả năng xử lý các game 3D của Wildfire S khá "bết bát". Các game trên nền 2D như Angry Birds, Ants Killer chạy tốt nhưng khi sang các game có đôi chút 3D như Fruit Ninja, lập tức thấy hiện tượng lag, chậm hình diễn ra. Nói gì thì nói, Wildfire S vẫn chỉ là 1 chiếc smartphone tầm trung, bạn không thể mong đợi nó chơi game "ầm ầm" như các smartphone cao cấp khác được.
Angry Birds và các game 2D chạy khá tốt.
Bù lại khả năng chơi game yếu kém là việc các ứng dụng văn phòng và mạng xã hội như Document To Go, Facebook... hoạt động khá tốt. Với các ứng dụng sử dụng giao diện với text là chủ đạo thì yếu điểm màn hình nhỏ trở nên mờ nhạt hơn. Chỉ cần màn hình 3.2 inch là bạn đã có thể theo dõi được tất cả các cập nhật của bạn bè mình, cũng như đọc được những nội dung trên file Word, Excel...
Trình xem ảnh tích hợp sẵn hoạt động tốt.
Ứng dụng email của HTC được thiết kế đẹp, tuy nhiên tính năng hiển thị email theo nhóm thực sự vẫn còn rối rắm nên tôi không thấy áp lực của việc muốn dùng HTC Mail thay cho ứng dụng Gmail truyền thống của Android. Trên Wildfire S, HTC không cài thêm bàn phím tiếng Việt như Desire S nên người sử dụng phải tự tải bàn phím từ Android Market.
Wildfire S đạt gần 700 điểm ở bài benchmark chuẩn trên Quadrant.
5. Chụp ảnh, quay phim
Có thể nói HTC chưa bao giờ mạnh về mảng quay phim, chụp ảnh. Camera trên các smartphone của hãng này dù cho là phân giải cao hay thấp đều cho màu ảnh rất kém. Nhưng phải nói ở Wildfire S, người viết vui mừng thông báo rằng Camera của chiếc smartphone này hoàn toàn theo kịp tầm giá của nó.
Camera trên Wildfire S đạt phân giải 5Mpx.
Nói thế không có nghĩa là camera 5Mpx của Wildfire S được cải thiện so với các smartphone khác của HTC, chất lượng camera của Wildfire S cũng "xêm xêm" như chiếc camera 5Mpx mà chúng ta gặp trên Desire S. Yếu điểm về camera trên các smartphone cao cấp của HTC lộ rất rõ khi bị xếp cạnh những "máy ảnh" như N8, iPhone 4... Nhưng với 1 smartphone tầm trung như Wildfire S chất lượng ảnh lại hoàn toàn tương xứng với giá tiền, bạn khó có thể tìm được 1 smartphone tầm trung nào có chất lượng camera vượt trội hơn nhiều so với Wildfire S.
Ảnh chụp từ Wildfire S có độ tương phản màu khá tốt.
Màu ảnh trong điều kiện đủ sáng cũng khá rực nhưng vẫn có cảm giác hơi "dại" và không thật.
Về mảng quay phim, Wildfire S hỗ trợ quay phim với độ phân giải tối đa là 480x640. Tuy nhiên ở phân giải 480x640, sau khi quay xong film máy sẽ không... xem được đoạn video do chính mình vừa quay: Hình bị đứng, chỉ có mỗi tiếng. Một hạn chế khá buồn cười, có lẽ lý do chủ yếu là vì trình xem video mặc định trên máy sử dụng phần cứng vào việc phân giải video mà GPU Andreno 200 của Wildfire S quá yếu nên không thể xem được phim có "độ phân giải cao".
Phim quay từ camera của Wildfire S với độ phân giải tối đa mà máy có thể quay được: 640 x 480. Chúng ta có thể thấy rất rõ rằng trên video này máy liên tục bị bỏ khung hình, và tốc độ khung hình cũng không đạt 24 fps mà chỉ loanh quanh mức 15-16 fps. Lý do chính dẫn đến việc không đạt đủ fps đó là do CPU của máy quá yếu. Thậm chí phim ở phân giải 640 x 480 quay ra không xem trực tiếp bằng video player của máy được.
Tuy nhiên bạn vẫn có thể cài Mobo Player (miễn phí, có trên Android Market) vào và chọn chế độ software decoding để xem lại đoạn phim vừa quay. Khi tải file phim vừa quay ra máy tính, file phim đó cũng hiển thị hoàn toàn bình thường không gặp vấn đề gì. Ở các phân giải thấp hơn không gặp hiện tượng này.
6. Thời lượng sử dụng pin.
Pin của Wildfire S có một điểm "cải lùi" nho nhỏ so với người tiền nhiệm: dung lượng pin bị giảm từ 1300mAh ở Wildfire xuống còn 1230mAh ở Wildfire S. Có vẻ như HTC rất tự tin vào khả năng tiết kiệm pin của Android 2.3. Và sự thực là sự tự tin ấy hoàn toàn có cơ sở: Pin của Wildfire S khá bền, ngay cả khi người viết đã cố gắng "ngược đãi" Wildfire S đủ kiểu, từ chơi game liên tục, duyệt web trên Wifi rồi 3G, xem Youtube... nhưng vẫn không "hạ" nổi Wildfire S trong ngày đầu tiên mà nó còn "lết được sang được 2/3 ngày thứ 2. Như vậy nếu sử dụng dè xẻn, phục vụ chủ yếu mục đích nghe gọi, nhắn tin, duyệt web đôi chút... có thể tin tưởng rằng Wildfire S sẽ đủ sức gánh bạn sang tận ngày thứ 3 (có thể không hết được ngày 3).
Nhưng thời gian sử dụng pin vẫn khá dài, nhờ vào màn hình tiêu thụ ít điện năng.
7. Nghe nhạc và loa ngoài:
Nhìn chung không có gì nhiều để nói về mảng này của Wildfire S. Loa ngoài của máy bé chỉ vừa đủ để làm loa phát âm báo. Vì kích thước nhỏ và thời lượng pin tốt, có thể thấy Wildfire S hoàn toàn có khả năng thay thế máy MP3, tránh cho bạn việc phải mang vác cùng lúc 2 thiết bị: Điện thoại và máy nghe nhạc.
8. Chất lượng sóng không dây và đàm thoại.
Wildfire S bắt Wifi khá tốt, cả ở những vị trí mà Desire HD bó tay, thì Wildfire S vẫn "dành dụm" được 1 vạch sóng. Chất lượng thoại của máy tạm ổn mặc dù không hiểu sao loa thoại của máy có cảm giác hơi bé kể cả khi đã mở tối đa âm lượng. Trong mấy ngày sử dụng, chưa 1 lần Wildfire S để "rớt" giữa cuộc gọi dù ở nơi sóng chập chờn.
Kết luận
Nếu phải chấm cho Wildfire S 1 điểm nào đó trong thang từ 0-10, có lẽ tôi sẽ cho chiếc smartphone này điểm 7. Có thể nói, HTC Wildfire S không phải là smartphone có chỉ số hiệu năng/giá thành cao nhất mà bạn có thể tìm mua được. Bạn sẽ không thể có được ở Wildfire S khả năng chơi game mượt mà, trải nghiệm lướt web trơn tru hay camera xuất sắc như ở các smartphone cao cấp. Thậm chí so sánh với 1 vài đối thủ tầm trung khác, Wildfire S cũng có vẻ "yếu thế" ở một vài điểm: Thua Galaxy Ace ở xung nhịp CPU (mặc dù nhiều RAM hơn, và Galaxy Ace cũng đắt hơn vài trăm nghìn), thua Xperia X10 Mini Pro ở bàn phím cứng... Nhưng những gì mà Wildfire S có được thì bạn lại khó có thể tìm được ở bất kỳ sản phẩm nào khác, đó là thiết kế đẹp, chắc chắn, giao diện Sense tuyệt vời cùng với thời lượng pin hợp lý.
Có thể tin tưởng rằng, Wildfire S sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ "đặt gạch" của HTC ở phân cấp sản phẩm tầm trung, tránh tụt hậu so với các hãng khác. Tuy nhiên cái giá 7 triệu có vẻ vẫn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt, nhất là các bạn trẻ, đồng thời gói khuyến mãi chỉ áp dụng cho 2 nhà mạng Vina, Mobi là một trong những hạn chế của Wildfire S vì đa phần học sinh, sinh viên và dân văn phòng trẻ, đối tượng khách hàng chính của Wildfire S lại đang sử dụng mạng Viettel rất nhiều.
Với những người sử dụng mạng Viettel thì phần khuyến mãi của HTC hầu như lại không có giá trị gì, có thể gây tâm lý "so bì" giữa các khách hàng. Nếu như HTC Việt Nam có thể thực hiện qui đổi phần khuyến mãi của Wildfire S thành việc giảm giá sản phẩm cho những ai không có nhu cầu sử dụng gói khuyến mại kể trên thì tin tưởng rằng sức hút của chiếc smartphone này sẽ mạnh hơn nhiều.
Dẫu sao sự ra đời của Wildfire S cũng góp phần hâm nóng phân khúc smartphone tầm trung vốn còn đang trong giai đoạn "khởi động".