Apple và những cuộc chiến pháp lý không hồi kết

    PV, Tròn Xoay 

    Kể từ lúc bắt đầu thành công với chiếc điện thoại iPhone thì cũng là lúc Apple phải đối mặt hàng tá vụ kiện mà trong đó đứng ở nguyên đơn lẫn bị đơn.

    Việc vừa được cấp giấy chứng nhận sáng chế cho tính năng cảm ứng đa điểm điện dung của Apple được coi là một bước ngoặt lớn của ông lớn này trong cuộc đua giành thị phần di động cảm ứng một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc tương lai sẽ có vô số cuộc chiến pháp lý giữa Apple và đối thủ bởi những chiếc điện thoại thời thượng không thể thiếu công nghệ này, và Apple thì dễ gì cho không.

     

    Đây không phải là lần đầu tiên Quả táo sở hữu một bằng sáng chế gây tranh cãi. Xuyên suốt lịch sử hoạt động của mình, Apple đã có hàng tá những vụ kiện tụng liên quan đến phát minh, sáng chế mà thường trong số đó Apple là nguyên đơn.


    Hãy thử nhìn vào những cuộc chiến pháp lý trong 3 năm trở lại đây để thấy Apple đã “gây hấn” với những đại gia nào.


    EMG Technology tháng 11/2008


    EMG Technology khởi kiện Apple vào năm 2008 tại tòa án Mỹ bởi những vi phạm trong sáng chế chức năng zoom trên màn hình thiết bị không dây. EMG cho rằng tất cả thiết bị iOS đều dùng chức năng này trong việc lướt Web và tương tác với ứng dụng. Đơn kiện ứng với iPhone, iPod Touch, Apple TV và thậm chí là cả AppStore và iPad vừa ra mắt.


    Kết quả: Vẫn chưa có kết luận. Ngày 12/09 tới sẽ đưa ra kết luận chính thức.


    Nokia tháng 10/2009


     

    Là đối thủ đáng gờm của Apple trong lĩnh vực di động, hiển nhiên Nokia không dễ để Apple nuốt dần thị phần và túi tiền của mình. Hãng đã đưa ra đơn kiện Apple vi phạm 10 sáng chế trong lĩnh vực di động của mình. Cụ thể, Nokia cáo buộc Apple sử dụng công nghệ kết nối mạng GSM, 3G và WiFi bất hợp pháp. Đáp trả lại, 2 tháng sau đó Apple cũng kiện Nokia vi phạm 13 sáng chế của mình.


    Nokia cũng không chịu thua khi tiếp tục kháng nghị lên Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ rằng Apple tiếp tục vi phạm thêm 7 sáng chế nữa. Apple sau đó lại cáo buộc Nokia vi phạm 9 sáng chế tại Anh.


    Kết quả: Vào tháng 3, Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đã phán quyết Apple không vi phạm 5 trong số các sáng chế của Nokia. Tuần trước, 2 đại gia đã ngồi lại với nhau đối thoại và Apple đồng ý trả cho Nokia chi phí bản quyền cho các sáng chế đã sử dụng. Một trong số những điều khoản trong bản ghi nhớ là tất cả các sáng chế đang tranh chấp dở sẽ coi như được giải quyết.

     

    Eastman Kodak tháng 1/2010


     

    Đầu năm 2010, Eastman Kodak gửi đơn phàn nàn về cả Apple và RIM lên Ủy ban thương mại Hoa Kỳ, trong đó cáo buộc rằng 2 công ty này vi phạm sáng chế trong lĩnh vực ảnh số mà họ đang sở hữu. Kodak muốn tòa án cấm các sản phẩm di động nhập khẩu vào Mỹ từ 2 công ty này và đáng kể nhất trong số đó chính là việc Kodak cho rằng Apple đã sử dụng trái phép công nghệ xem ảnh trên di động.


    3 tháng sau đó, Apple phản kháng với lời lẽ cho rằng họ chính Kodak mới đang vi phạm 2 sáng chế của mình.

     

    Kết quả: Tháng 1 vừa qua, Ủy ban thương mại Hoa Kỳ đã ra phán quyết Apple và RIM không vi phạm những gì mà Kodak cáo buộc. 4 tháng sau đó, cũng đơn vị lập pháp này đưa ra thông cáo rằng Kodak không sử dụng sáng chế của Apple. Một bộ phận của Ủy ban này sẽ tiếp tục điều tra và đưa ra kết luận cuối cùng về cuộc chiến pháp lý giữa 3 công ty vào ngày 19/9 tới đây.

     

    Elan Microelectronics tháng 3/2010

     

    Elan là một công ty sản xuất chipset tới từ Đài Loan, đứng ra khởi kiện Apple vào thắng 3/2010 với cáo buộc Apple sở hữu công nghệ “cảm ứng tương tác bằng 2 hoặc nhiều ngón tay”. Nói một các khác đây chính là cảm ứng đa điểm, một thế mạnh của các thiết bị iOS bắt đầu từ iPhone và giờ đây còn xuất hiện trên các hệ máy Macbook. Công ty này mong muốn các sản phẩm Apple sẽ bị cấm tại Mỹ căn cứ theo điều 337 trong bộ luật của Ủy ban thương mại Hoa Kỳ đã ban hành.

     

    Kết quả: Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cho biết, họ không tìm thấy bằng chứng Apple vi phạm vào tháng 4 vừa qua và quyết định dừng vụ kiện. Tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý giữa 2 công ty vẫn còn tiếp diễn tại bang California và phải tháng 2 năm tới mới có phán quyết cuối cùng.

     

    HTC tháng 3/2010


    Lần này thì Apple đứng ở bên nguyên đơn và HTC thuộc phía bị đơn. Đây là cuộc chiến pháp lý được giới chuyên gia đánh giá là trước sau gì cũng xảy ra bởi cả 2 đều là những công ty hàng đầu trong sản xuất smartphone màn hình cảm ứng.


    Apple cáo buộc HTC vi phạm 20 sáng chế của mình, mà một trong số đó chính là việc “ăn cắp” giao diện iPhone, phần cứng và cấu trúc nền tảng. Một thông cáo báo chí sau đó của Apple còn trích dẫn rằng CEO Steve Jobs miêu tả các đối thủ là quân trộm cướp. Apple sau đó còn bổ sung thêm một đơn kiện 3 tháng sau đó.


    2 tháng sau, HTC phản công với cáo buộc Apple vi phạm 5 trong số các sáng chế của mình về công nghệ di động. Đó bao gồm cả công nghệ phần cứng và phần mềm. Apple phàn nàn lên Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ với mong muốn cấm nhập khẩu các thiết bị của HTC vào Mỹ.


    Kết quả: Tháng 4 vừa qua, Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đã tuyên bố HTC không vi phạm gì nhưng cũng chưa đưa ra phán quyết cuối cùng. Cuộc chiến vẫn còn âm ỉ tiếp tục.


    Motorola tháng 10/2010

     


    Là đại gia di động đầu tiên trên đất Mỹ, hẳn nhiên Motorola nóng mặt với những thành công của Apple, nhất là khi công ty này liên tục thua lỗ. Vì thế, việc Motorola đưa ra cáo buộc iPhone, iPod Touch, iPad và cả Macbook vi phạm 18 sáng chế của mình cũng không có gì lạ.
     
    Các cáo buộc xoáy vào việc vi phạm trong sáng chế công nghệ kết nối không dây như 3G, GPRS, 802.11 và thiết kế ăng-ten. Cũng như mọi cuộc chiến pháp lý khác, cái đích cuối cùng mà Motorola nhắm đến là Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đưa ra phán quyết cấm các sản phẩm Apple nhập khẩu vào Mỹ. Apple cũng không vừa khi đưa ra đơn kiện, cáo buộc rằng Motorola vi phạm 2 sáng chế của mình về giao diện người sử dụng và công nghệ cảm ứng trên thiết bị di động. Sau đó, Quả táo còn bồi thêm 12 cáo buộc vi phạm sáng chế khác.
     
    Kết quả: Tới tháng 11, Ủy ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ ra thông báo sẽ nghiên cứu đơn kiện của cả 2 bên. Chuyện vẫn đang hạ hồi phân giải.
     
    Samsung tháng 4/2011
     
    Apple kiện Samsung với lý do rằng hãng điện tử Hàn Quốc cóp nhặt giao diện sử dụng và thiết kế kiểu dáng của mình. Apple cho rằng, Samsung có được thành công với các sản phẩm là bởi cả một quá trình cạnh tranh không lành mạnh. Samsung cũng phản pháo bằng một đống cáo buộc Apple vi phạm các sáng chế của mình tại rất nhiều quốc gia.
     
    Trong một mớ hỗn độn của cuộc chiến pháp lý, Samsung còn yêu cầu Apple phải cho mình xem trước các thiết kế của iPhone và iPad mới để chắc chắn các sản phẩm sắp ra mắt không vi phạm kiểu dáng thiết kế mà Apple cáo buộc. Dù cuộc chiến có đi tới đâu thì rõ ràng cả Apple và Samsung đều không được lợi gì bởi các sản phẩm Quả táo sử dụng rất nhiều linh kiện được cung cấp bởi Samsung và đại gia xứ Hàn thì mất đi quan hệ đối tác tốt đẹp trong quá khứ.
     
    Kết quả: Tòa án ra phán quyết Samsung không có quyền “ngó trước” các sản phẩm sắp ra mắt của Apple.


    Tham khảo: CNet.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ