Android và hành trình "thay máu" cho ngành công nghiệp điện thoại

    PV, Minh Lết  

    Có thể iOS đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành công nghiệp sản xuất điện thoại thông minh, nhưng Android còn làm được hơn thế: định hình lại cả ngành công nghiệp điện thoại.

    Có thể cho rằng iPhone là thiết bị tiên phong trong lĩnh vực smartphone. Trước iPhone, chúng ta có rất nhiều mẫu smartphone chạy WinMo hoặc BlackBerry OS, Symbian... Tuy nhiên tất cả đều đã "chào thua" trước chiếc smartphone huyền thoại của Táo Khuyết khi sản phẩm này vừa chào đời.

    Steve Jobs đã tự tin đến mức giới thiệu với báo chí rằng "Today Apple is going to reinvent the phone" (Ngày hôm nay, Apple sẽ phát minh lại điện thoại). Thế nhưng sự thực là lời phát biểu của Steve Jobs chưa được chính xác cho lắm. Có lẽ nên sửa lại câu nói của Steve thành "Ngày hôm nay, Apple sẽ phát minh lại điện thoại thông minh" thì sẽ hợp lý hơn.

    Mùng 9 tháng 1 năm 2007: "Hôm nay Apple sẽ phát minh lại điện thoại di động".

    Điện thoại và điện thoại thông minh là 2 phạm trù riêng biệt cho tới cách đây ít nhất vài năm. Điện thoại thông minh từng có thời là những thiết bị có giá trên trời, nằm ngoài tầm với của người sử dụng phổ thông. Những thiết bị thông thường ít tính năng lại phổ biến nhờ giá cả dễ chịu..

    Có thể nói, iPhone là 1 cú huých đối với các công nghệ ứng dụng trên điện thoại thông minh. Nó mở đầu cho xu thế chợ ứng dụng, cảm ứng điện dung, giao diện tương tác đa điểm... Thế nhưng cũng có 1 sự thực khó lòng chối bỏ, đó là khi iPhone ra đời, thị trường gần như không có sự chuyển dịch đáng kể, trừ việc WinMo bị kết liễu vì đối đầu trực tiếp với iOS. Các hệ điều hành khác như Symbian, BlackBerry OS không chịu nhiều áp lực vì chúng không nằm trong phân khúc siêu cấp với mức giá cực cao như iPhone.  

    Nhưng đến khi Android ra đời, thực sự thị trường điện thoại bị đảo lộn hoàn toàn. Những hệ điều hành già nua như Symbian, BlackBerry OS và cả WinMo vốn đang héo hắt cũng bị "đào tận gốc, trốc tận rễ". Bộ mặt của thị trường điện thoại di động sau 2 năm chịu sự "hoành hành" của Android đã hoàn toàn không còn như xưa nữa.

    1. Điện thoại thông minh giá rẻ ra đời

    Trước Android, có không ít dòng điện thoại tự nhận mình là điện thoại thông minh giá rẻ. Tuy nhiên có 2 vấn đề với những lời tuyên bố kiểu như thế: hoặc những chiếc điện thoại đó không... thông minh, hoặc giá của chúng không... rẻ. Nhưng Android ra đời kéo theo cuộc cách mạng về phần mềm. Vốn trước đây các smartphone tốn rất nhiều chi phí cho công đoạn phát triển phần mềm cũng như thiết kế phần cứng. Điều này góp phần đội giá của 1 chiếc smartphone Android lên vì bản thân sản phẩm bán ra phải gánh chi phí phát triển.


    Thế nhưng Android với bản chất là 1 HĐH mã nguồn mở do Google phát triển và cung cấp miễn phí cho bất kì nhà sản xuất nào có nhã ý phát hành smartphone chạy Android. Việc Google gánh chi phí nghiên cứu và phát triển phần mềm trị giá hàng triệu, thậm chí là hàng tỉ USD đã khiến các nhà sản xuất "nhẹ gánh" rất nhiều, đồng thời đồng thuế chi phí phát triển đè lên lưng người tiêu dùng cũng được gỡ xuống phần nào. 

    Thêm vào đó các thành phần như chip nhớ NAND Flash, panel LCD, panel cảm ứng điện dung cũng được hạ giá thành vì được sản xuất ở quy mô lớn hơn. Các smartphone chạy Android với số lượng xuất xưởng khổng lồ đã trở thành 1 nguồn ra ổn định cho các linh kiện trên.

    Có thể nói không ngoa rằng Android đã "đẻ" ra khái niệm smartphone giá rẻ. Android giúp làm mờ ranh giới về giá cả giữa smartphone, dumbphone. Nếu như cần phải nên tên 1 lý do cho việc vì sao thị phần của smartphone đang dần lấn át dumbphone và feature phone, có lẽ sẽ không có cái tên nào "sáng giá" hơn Android.

    2. Thay đổi luật chơi của các "chợ ứng dụng"

    Có thể AppStore của Apple hiện tại có nửa triệu ứng dụng hiện hữu (số liệu 25/5/2011), thế nhưng đến 72% trong số đó là ứng dụng yêu cầu trả phí. Làm 1 phép nhân đơn giản, có 360.000 ứng dụng trên AppStore sẽ bắt người sử dụng móc túi trả tiền để được sử dụng. Chưa kể đến cơ chế kiểm tra khắt khe của AppStore yêu cầu người download phải có 1 thẻ tín dụng có khả năng chi trả quốc tế để làm bảo đảm mới được phép tải ứng dụng, dù là miễn phí. Trong khi đó Android Market, dù hiện tại chỉ có 250 ngàn ứng dụng (số liệu tháng 3/2011) tuy nhiên có đến 57% trong số đó là ứng dụng miễn phí, hơn gấp đôi so với tỉ lệ đó ở AppStore. Ngoài ra Android Market thực sự đưa 2 chữ "miễn phí" về đúng với ý nghĩa của nó khi không bắt người sử dụng phải cung cấp bất kì thông tin nào khi download và sử dụng các ứng dụng được cộp mác "Free".

    Số liệu thống kê cũ, hiện đã có 1 vài thay đổi.

    Có thể là đối với các thị trường nước ngoài, việc cung cấp thông tin thẻ tín dụng để dùng AppStore chẳng phải điều gì to tát. Tuy nhiên ở Việt Nam thì không phải ai cũng thỏa mãn điều kiện này của Apple vì TMĐT của Việt Nam chưa thực sự phát triển và không phải ai cũng có thẻ tín dụng thanh toán quốc tế. Cơ chế của Android Market giúp người có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận với các smartphone giá rẻ hơn. Vì ai cũng biết, không có ứng dụng thì smartphone chỉ là 1 chiếc feature phone, không hơn không kém.

    Có lẽ nếu không có Android và Android Market có lẽ smartphone đã không thể phổ biến như bây giờ.

    3. Thân thiện với phần cứng

    Không giống như iOS, Android rất thoáng trong vấn đề phần cứng. HĐH của Google có thể chạy trên hầu hết mọi loại nền tảng CPU, GPU dành cho thiết bị di động hiện có trên thị trường. Chính sự thông thoáng này đã đem lại cho Android khả năng "bắt tay" với nhiều hãng sản xuất với nhiều triết lý hoạt động khác nhau.


    Điều này lại giúp các smartphone Android trở nên đa dạng về cấu hình cũng như tùy chọn. Điều khiến iPhone khó lòng có thể thống trị được thị trường đó là có quá ít lựa chọn cho người sử dụng. Ai muốn có bàn phím cứng, màn hình lớn sẽ không thể sử dụng iPhone được. Yếu điểm của iPhone cũng khiến trong thời kì Android còn chưa ra mắt và iPhone còn là "lá cờ đầu" của smartphone thì điện thoại thông minh vẫn không thể đánh bật được các feature phone quá đa dạng về kiểu dáng cũng như tính năng.

    Tuy nhiên Android đã bù đắp được các yếu điểm đó. Chính điều này đã góp phần thay đổi cán cân lực lượng giữa smartphone và dumbphone, đồng thời góp phần định hình lại thị trường.

    4. Hệ điều hành cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ già nua

    Như đã nói ở trên, khi iPhone ra đời, ngoại trừ WinMo chết "tức tưởi" vì lỡ dại đứng trong lãnh địa smartphone màn hình cảm ứng của iPhone, các hệ điều hành khác cùng thời như Symbian hay BlackBerry OS gần như không chịu nhiều áp lực và cũng không cảm thấy cần phải thay đổi.


    Tuy nhiên Android xuất hiện và đánh mạnh vào tất cả các phân khúc, tất cả các thị trường. Từ những smartphone giá 5 triệu đồng chạy Symbian cho tới các smartphone BlackBerry với bàn phím QWERTY từng 1 thời "độc chiếm" dòng smartphone dành cho doanh nhân đều cảm thấy vị thế của mình bị đe dọa và đang lung lay.

    Chính Android, chứ không phải iOS mới là kẻ đã trực tiếp hất đổ những tượng đài của ngày hôm qua như Symbian, BlackBerry OS... Sự ra đời của Android kéo theo những bước tiến vượt bậc của thị trường, đồng thời đánh dấu cho việc cái mới thay thế cái cũ.

    Kết

    Không phủ nhận rằng Steve Jobs đã hoàn toàn có lý khi cho rằng iPhone là sản phẩm tiên phong, giúp định hình cả 1 thời đại phía sau nó. Tuy nhiên sự thực là Apple mới chỉ "phát minh lại" smartphone mà thôi. Thứ thực sự đã làm được việc định hình thị trường điện thoại di động, thay đổi cán cân lực lượng giữa cái mới và cái cũ, giúp thị trường chuyển mình sang xu thế smartphone thay cho dumbphone, "phát minh lại" cả ngành công nghiệp điện thoại nói chung thì phải là Android.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ