360 độ xung quanh thương vụ Google mua lại Motorola

    PV, Minh Lết 

    12,5 tỉ USD, 2 đại gia, 1 canh bạc và rất nhiều kẻ thù. Việc Google mua lại Motorola Mobility đã trở thành tâm điểm của sự chú ý trong giới mộ đạo tuần qua. Hãy cùng xem Google muốn gì ở Motorola?

    12,5 tỉ USD là 1 số tiền khổng lồ, nói 1 cách hình tượng, nó bằng khoảng 12% GDP Việt Nam năm 2010 hoặc xấp xỉ GDP của Campuchia. Thậm chí số tiền mà Google tung ra để mua lại Motorola Mobility còn lớn gấp 4 lần thương vụ mua lại DoubleClick (3,1 tỉ USD) hoặc gấp 7,5 lần số tiền mà Google phải trả để "tậu" YouTube (1,65 tỉ USD).

    Có nguồn tin cho rằng, vào thời điểm Google mua lại Motorola, gã khổng lồ internet đang dằn túi 35-40 tỉ USD tiền mặt. Mua lại Motorola, Google đã phải "nói lời tạm biệt" với 1/3 hầu bao.

    Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, Google đã nhận được gì sau khi bỏ ra ngần ấy tiền để mua lại Motorola Mobility?

    1. Thêm vũ khí mới cho cuộc chiến pháp lý

    Những tuyên bố từ phía Larry Page sau khi thương vụ Motorola được công khai dường như chỉ để truyền tải 1 thông điệp duy nhất: "Chúng tôi mua lại Motorola để tự bảo vệ mình". 

    Vốn chưa bao giờ có chiến lược thực sự nghiêm túc về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ, Google rất ít chú ý đến các phương tiện pháp lý để bảo vệ những sở hữu trí tuệ của mình. Năm 2009, Google còn công bố bộ công cụ hỗ trợ lập trình mang tên Closure. Về cơ bản, khi chia sẻ bộ công cụ này với cộng đồng, Google đã từ bỏ quyền sở hữu những thứ đã tạo nên các trang web và dịch vụ của mình, để cho tất cả mọi người đều có quyền tạo ra những "bản sao" của Google mà không phải trả 1 đồng chi phí nào hoặc không phải lo đối mặt với các đơn kiện. Google cũng hầu như là công ty duy nhất chưa từng kiện các đối thủ của mình về vấn đề sở hữu trí tuệ.
     
     
    Chính vì có 1 "tiểu sử" lơ là với vấn đề sở hữu trí tuệ, khi phải đối mặt với những đơn kiện về vấn đề quyền sáng chế ngày càng gay gắt từ phía các đối thủ của mình, Google mới "cuống cuồng" tìm đủ mọi cách để bảo vệ đứa con bất hạnh Android.

    Đầu tiên là 4 tỉ USD mà Google định chi cho 6000 bằng sáng chế trong thương vụ bất thành Nortel. Giờ lại là 12,5 tỉ cho thương vụ Motorola. Là 1 trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử lâu đời nhất thế giới với lịch sử gần 80 năm, Motorola đã thu thập được 1 kho vũ khí "độc nhất vô nhị" về cả số lượng lẫn chất lượng. Trên 17000 bằng sáng chế mà Motorola hiện đang sở hữu cùng 7500 bằng sáng chế khác đang chờ phê duyệt sẽ được sang tay cho Google.

    Với kho bằng sáng chế này, Google đã 1 bước từ con số 0 lên vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp điện thoại di động nếu chỉ kể tới số lượng bằng sáng chế. Chưa hết, là nhà sản xuất từng tiên phong trong lĩnh vực di động, các bằng sáng chế chủ chốt của Motorola trong lĩnh vực này chắc chắn nhiều hơn bất cứ ai. Đây sẽ là 1 trong những yếu tố quyết định đã khiến Google quyết tâm "cắn răng" mua lại Motorola.

    2. Thêm 1 nguồn thu

    Google là 1 công ty khổng lồ với trên 30000 nhân viên. Những sản phẩm mà Google như Google Search, Google Maps, Gmail, Youtube, Android... cũng là những "ông khổng lồ" trong lĩnh vực của chúng. Điều này dẫn tới 1 hệ quả tất yếu: chi phí để vận hành và nghiên cứu các sản phẩm kể trên chắc chắn cũng lớn khủng khiếp.

    Không phủ nhận rằng tất cả những sản phẩm kể trên đều là những thành công rất lớn, nhưng vì Google "phân phát" chúng hoàn toàn miễn phí cho bất kỳ ai có nhu cầu, Google không thu được 1 đồng lợi nhuận nào từ các sản phẩm ấy. Nguồn thu chủ yếu và hầu như duy nhất của Google là quảng cáo.
     

    Như vậy, nguồn thu từ quảng cáo của Google đang phải "nuôi báo cô" mười mấy ông khổng lồ đang ngồi há miệng chờ ăn. Mà cứ mỗi năm, Google lại "đẻ" ra thêm 1 vài dịch vụ mới. Gần đây nhất là Google (cũng miễn phí luôn).

    Lợi nhuận từ quảng cáo của Google cố nhiên là rất lớn, nhưng về lâu về dài, nguồn lợi nhuận ấy không thể cứ gánh mãi cả 1 guồng máy cồng kềnh đang càng ngày càng mở rộng. Và Google cần phải tìm 1 nguồn thu nhập nữa để giúp mình gánh vác chi phí hoạt động. Rõ ràng, phương án mà Google đang thực hiện là: Sản xuất phần cứng.

    Mặc dù sản xuất phần cứng trước nay là 1 ngành luôn bị coi là có tỉ suất lợi nhuận thấp so với các ngành dịch vụ hoặc phát triển phần mềm. Tuy nhiên lợi nhuận từ sản xuất phần cứng luôn là "tiền tươi thóc thật" hơn việc cung cấp dịch vụ và phần mềm.

    Với sự trợ giúp của Motorola, biết đâu trong vòng 5 năm nữa, Google sẽ có tên trong top 5 nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới?

    3. Thêm rất nhiều đối thủ

    Google đang phải "một mình chống Mafia". Đối thủ cạnh tranh của hãng này đang trải rộng khắp các ngành nghề, từ MXH như Facebook, đến dịch vụ tìm kiếm và HĐH như Microsoft, Apple, RIM, thậm chí cả Oracle, 1 hãng sản xuất phần mềm cũng "ghét" Google. Thương vụ mua lại Motorola lần này dường như chỉ làm cho Google "gây thù chuốc oán" với nhiều người hơn.
     

    Nếu như trước đây, quan hệ cộng sinh giữa Google và các hãng sản xuất thiết bị chạy Android như HTC, Samsung... tương đối êm đẹp, thì giờ đây, khi mua lại Motorola và bước chân vào lĩnh vực sản xuất phần cứng, Google đã đặt mình vào vị trí đối đầu với các đồng minh thân cận trước đây của mình. HTC, Samsung, LG... tất cả sẽ không còn nhìn Google với con mắt thân thiện như trước đây được nữa, vì 1 lý do đơn giản: Google từ nay sẽ "ăn chung bát cơm" với các hãng sản xuất thiết bị.

    Theo 1 cách hiểu, thương vụ mua lại Motorola đang đe dọa đến các mối quan hệ cộng sinh của Android. Và khi HTC, Samsung cảm thấy Android đang quá "o bế" smartphone của Google mà ghẻ lạnh sản phẩm từ các hãng này, có thể họ sẽ nhào vào vòng tay đang mở rộng đón chào của Windows Phone và Microsoft. Nói cho cùng, Microsoft vẫn đang là bên phân phối HĐH duy nhất không "nhúng mũi" vào việc làm ăn của các đối tác.

    Nếu bạn cần 1 ví dụ về việc này thì hãy nhìn Symbian. Nokia phát triển Symbian và cho tất cả các hãng trong liên minh Symbian như Samsung, Motorola... cùng được sử dụng Symbian trên sản phẩm của mình. Tuy nhiên Nokia đã lợi dụng quyền lực của mình trong liên minh Symbian để khiến Symbian hầu như chỉ tương thích tốt nhất trên các điện thoại do Nokia sản xuất. Chính sự ích kỷ và những toan tính cá nhân này của Nokia đã giết chết Symbian.

    Dù vậy, cũng chưa phải là đã hết hi vọng. Nếu Google có thể cam kết duy trì sự hỗ trợ và tương thích của Android trên thiết bị của tất cả các hãng  tham gia sản xuất một cách công bằng như trước đây. Android vẫn sẽ tìm được một chỗ đứng cân bằng giữa lợi ích của tất cả mọi người. Nói cho cùng, đây cũng chính là tôn chỉ hoạt động của Google suốt nhiều năm qua: Chung sống hòa bình, có tiền cùng kiếm.

    4. Thêm hi vọng
     
     
    Vào thời điểm hiện tại, rất khó để nói Google có thể có thêm những gì từ vụ mua lại Motorola. Sản xuất phần cứng là 1 trò chơi mà Google chưa có chút kinh nghiệm nào, và thực tế đã chứng minh, những tấm gương thất bại thê thảm trong ngành sản xuất phần cứng không phải là hiếm. Nếu các "GPhone" trong tương lai không thuyết phục được người tiêu dùng, đây sẽ là 1 trong những vụ ném tiền qua cửa sổ lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ. 

    19000 nhân viên từ Motorola giờ chuyển sang Google cũng sẽ đặt ra cho hãng này những thách thức mới về vấn đề quản lý cũng như điều hành. Và hơn hết, thương vụ mua lại Motorola chưa hẳn đã là tấm vé để Android và Google thoát khỏi tất cả các rắc rối pháp lý mà hãng này đang gặp phải.

    Oracle đang kiện Google vì vi phạm bản quyền và quyền sáng chế của Java ở HĐH Android. Oracle không hề dính dáng gì tới ngành công nghiệp di động, vì thế có thể nói, 17 ngàn bằng sáng chế mà Google mới sắm sẽ không thể gây khó dễ được cho Oracle. Chưa hết, Motorola cũng không phải là thế lực "bất khả xâm phạm" trong thế giới di động. Tháng 10 năm ngoái, Apple đã kiện hãng này xoay quanh các vấn đề liên quan tới giao diện cảm ứng đa điểm trên smartphone.

    Tuy nhiên, vượt qua tất cả những khó khăn trên, vẫn còn đó những hi vọng về 1 tương lai sáng sủa hơn cho Android nói riêng và ngành công nghiệp di động nói chung. Đây đang là thời điểm khó khăn và thử thách đối với Android, nếu vượt qua được quãng thời gian này mà vẫn duy trì được sự đồng lòng nhất trí của cả cộng đồng sản xuất, phát triển thì Android mới có thể thực sự trưởng thành.

    Và bạn hãy bỏ ra 1 phút để suy nghĩ về điều này, nó đã làm tôi phấn khởi suốt tối qua khi nghe về thương vụ Google-Motorola: Motorola có truyền thống sản xuất các feature phone giá rẻ (lượng feature phone mà Motorola bán ra nhiều hơn smartphone), Google có truyền thống cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc các sản phẩm giá cực "bèo". Vậy sự kết hợp Google Motorola có cho ra đời các smartphone Android giá 100$? Chúng ta hãy chờ xem sao!
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ