Phải làm gì khi trót... đánh mất điện thoại?

    Minh Lết, Minh Lết  

    Mất điện thoại và đặc biệt là mất smartphone là 1 trong những cơn ác mộng khủng khiếp nhất của dân hi-tech. Làm gì để khỏi phải đau tim mỗi lần chú dế yêu vô tình "đi lạc"?

    Giờ đây, smartphone có lẽ là thiết bị đắt giá nhất mà chúng ta mang theo bên người hằng ngày. 1 chiếc smartphone Android "tàng tàng" cũng đã có giá cỡ... 1 tháng lương, chưa kể đến những model cao cấp thường khiến chủ nhân méo mặt mỗi khi "đi lạc". Chưa kể đến những ai thường sử dụng điện thoại di động cho những công việc mang tính riêng tư như email, tin nhắn, chụp ảnh, viết nhật ký và hàng trăm việc khó gọi tên khác chắc chắn không muốn bất kỳ ai xem được những thông tin hết sức "nhạy cảm" như thế.

    Kết luận: Mất điện thoại, đặc biệt là đánh mất smartphone, là một thảm họa. Để đối mặt với thảm họa, luôn cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Và bài viết sau đây sẽ giúp bạn có được đôi chút hiểu biết để tìm lại, hoặc thậm chí là tránh lâm vào tình trạng dở khóc dở cười khi bất ngờ phải chia lìa với chú dế thân yêu.

    1. Cẩn tắc vô ưu

    Để đối mặt với việc thất lạc chiếc smartphone của mình, bạn phải tự trang bị một vài công cụ phòng hờ. Một trong số đó là các phần mềm tự động gửi tin nhắn khi máy được thay SIM. Cơ chế hoạt động như sau, bạn cài ứng dụng đó vào điện thoại, nhận SIM card mà bạn sử dụng, sau đó khi có người thay SIM card khác vào, ứng dụng đó sẽ tự động gửi tin nhắn bằng SIM card mới đến 1 số máy mà bạn đã chỉ định từ trước. Trong tin nhắn đó có thông tin về tọa độ của chiếc điện thoại bị thất lạc, và đương nhiên, đi kèm với nó là số điện thoại của người đang cầm máy.

    1 ứng dụng theo dõi việc thay đổi SIM card là ứng dụng cần có cho những ai đãng trí.

    Có số các thông tin này, bạn có thể dễ dàng hơn trong việc định vị và tìm lại điện thoại của mình. Thử tưởng tượng, bạn nhặt được 1 chiếc điện thoại, vừa thay SIM vào lập tức có người gọi tới số của bạn hỏi xin lại đúng chiếc máy đó và đọc vanh vách ra địa chỉ nhà riêng của bạn. Nếu không phải là tay móc túi chuyên nghiệp, chắc chắn bạn sẽ không muốn ngoan cố giữ lại bên mình 1 chiếc điện thoại có thể gây rắc rối như vậy.

    Công cụ thuộc kiểu này hiện đã có mặt trên tất cả các hệ máy. Symbian và Android có Theft Aware là 1 ứng dụng bắt trả phí hoặc Prey Anti-Theft là 1 công cụ miễn phí của Android có tính năng tương tự mà bạn có thể tìm trên Android Market. iPhone cũng có những phần mềm tương tự mà bạn có thể dễ dàng tìm được trên Cydia hoặc Apple Store.

    Những dịch vụ như Find My iPhone nên được thiết lập ngay lần đầu tiên dùng máy.

    Giờ đây iPhone (Find My iPhone) và smartphone của HTC (HTCSense.com) đều đã được tích hợp công cụ giúp tìm lại điện thoại thất lạc bằng cách xem vị trí hiện thời của máy mình trên bản đồ trực tuyến. Tuy nhiên những công cụ này đều đòi hỏi bạn phải đăng ký hoặc chỉnh sửa thiết lập trên điện thoại để cho phép chúng hoạt động. Nếu bạn là người đãng trí, tốt hơn hết là hãy để các công cụ này chạy ở chế độ mặc định. Bên cạnh các công cụ tìm kiếm điện thoại bị mất, bạn cũng nên thường xuyên sử dụng các công cụ sao lưu dữ liệu trên điện thoại, phòng trường hợp bạn không thể tìm lại được chú dế yêu thì các dữ liệu quan trọng của bạn cũng không bị mất. Titanium Backup là 1 ứng dụng backup dữ liệu rất mạnh và hiệu quả trên nền Android.

    Và còn 1 điều nhỏ nhưng cũng rất quan trọng: Hãy lưu số IMEI của điện thoại lại vì nếu như người khác tìm được máy của bạn và đưa cho cơ quan công an, bạn sẽ cần bằng chứng để nhận lại nó. 

    2. Đừng quên mật khẩu

    Đôi lúc những dữ liệu trên điện thoại của bạn còn có giá trị nhiều hơn bản thân chiếc điện thoại ấy. Chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy thoải mái khi có người cầm được điện thoại và cứ vô tư đọc hết tin nhắn, xem hết ảnh bạn chụp. Và để ngăn tình huống ấy xảy ra, tốt hơn hết hãy đặt mật khẩu cho chiếc smartphone của bạn. Có 1 nguyên tắc luôn đúng với mọi loại mật khẩu: Nếu kẻ tấn công có đủ thời gian, trình độ và quyết tâm thì không một cơ chế bảo vệ nào là an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên 1 mật khẩu an toàn cũng sẽ dễ dàng làm nản lòng nhiều con mắt tò mò.

    Đừng quên sử dụng mật khẩu.

    Hãy chú ý đặt mật khẩu tránh khỏi những qui tắc dễ đoán như "1234" hay số ngày sinh, biển số xe... Những mật khẩu kiểu như thế này sẽ trở nên đặc biệt "dễ xơi" với những người mà bạn quen biết, và thực tế đã chứng minh, quan hệ của bạn với 1 người càng sâu sắc thì bạn càng không muốn người ta đọc được tin nhắn của mình.

    Các công cụ tìm kiếm điện thoại nêu ở phần trên cũng thường có khả năng khóa máy từ xa. Bạn chỉ cần đăng nhập lên trang web của dịch vụ từ máy tính và chọn khóa máy rồi đánh mật khẩu. Ngay khi đánh mất điện thoại, hãy nghĩ đến việc bảo đảm an toàn cho những dữ liệu nhạy cảm trước tiên.

    3. Làm gì khi đã mất điện thoại?

    Và đây là tình huống xấu nhất: Chú dế yêu bỗng nhiên biến mất, sau 1 hồi tìm kiếm ở những nơi mà bạn vừa đi qua không đem lại hiệu quả, bạn kết luận: Đã mất điện thoại. Việc đầu tiên là hãy dùng 1 điện thoại khác gọi thử vào số của bạn. Nếu người giữ máy của bạn trả lời, hãy hỏi xin lại 1 cách lịch sự và đừng quên "hậu tạ". Nếu không có tín hiệu hoặc chuông reo không nghe, hãy để lại 1 tin nhắn xin lại máy.


    Nếu bạn có các công cụ như Find My iPhone hay HTCSense.com thì đây chính là lúc đem chúng ra sử dụng. Còn nếu trước đó bạn chưa cài thì vẫn còn 1 hi vọng: các smartphone Android cho phép bạn cài đặt ứng dụng từ xa thông qua trang Web, hãy lên https://market.android.com/ đăng nhập bằng tài khoản Gmail mà bạn sử dụng trên điện thoại của mình và cài 1 ứng dụng tên là Plan B. Ứng dụng này sẽ giúp bạn tìm lại chiếc smartphone của mình, đã có người thành công, vì vậy cứ thử mọi phương án có thể và xem vận may của bạn đến đâu.


    Nếu bạn cho rằng máy điện thoại của mình bị lấy cắp, việc trình báo cho cơ quan chức năng cũng là một việc nên làm. Đặc biệt là nếu bạn may mắn có thể xác định được vị trí chính xác của chiếc điện thoại đang tọa lạc tại nhà của tên ăn cắp hay tại 1 cửa hiệu cầm đồ nào đó, cách làm hợp lý nhất là báo cho cơ quan chức năng. Nên nhớ rằng, bạn luôn được pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đến đây thì việc lưu giữ hóa đơn mua hàng với số Serial hoặc IMEI sẽ tỏ ra hữu dụng khi bạn cần làm việc với công an để nhận lại tài sản của mình.

    Kết

    Mất mát tài sản là điều không ai muốn gặp phải, nhưng mất mát 1 thiết bị quan trọng, gắn bó với nhiều mặt của đời sống như smartphone đôi khi lại gây ra những hậu quả vượt xa khỏi giá trị về vật chất. Nhưng vận rủi luôn đến với người ta vào những lúc ít ngờ tới nhất. Cẩn thận bao nhiêu đi chăng nữa, đôi khi vẫn là không đủ. Vì vậy hãy chuẩn bị thật tốt cho tình huống xấu nhất. Nói cho cùng, chúng ta rất ít khi phải hối hận vì đã chuẩn bị quá kỹ lưỡng mà thường tự trách mình là "Giá như..."
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ