[Đánh giá] Sony Xperia S: Viên ngọc chưa mài

    PAV,  

    Sony Xperia S là một trong những smartphone có nhiều thứ được coi là đầu tiên của Sony trong suốt quá trình phát triển điện thoại dài đằng đẵng kia. Liệu chất lượng của nó có xứng đáng với những gì mà fan của Sony Ericsson trước đây vẫn mong đợi ở một chiếc smartphone cao cấp?

    Sau hơn 10 năm hợp tác với nhà phát triển Thụy Điển Ericsson, Liên minh Sony Ericsson đã chính thức trở về tay của ông lớn Sony hồi tháng 2 vừa qua với mục đích cốt lõi là cố gắng giành lại thị phần smartphone đang rất phát triển. Dù cho những cố gắng đó là muộn màng nhưng sản phẩm đầu tiên của Sony ngay sau khi sáp nhập đã chứng tỏ không ít cố gắng của hãng. Sony Xperia S là một trong những smartphone có nhiều thứ được coi là đầu tiên của Sony trong suốt quá trình phát triển điện thoại dài đằng đẵng kia. Liệu chất lượng của nó có xứng đáng với những gì mà fan của Sony Ericsson trước đây vẫn mong đợi ở một chiếc smartphone cao cấp?
     
    Các thông số kĩ thuật rườm rà GenK đã nêu ở bài viết trước đây về Xperia S, ở bài viết này chúng tôi xin phép chỉ đề cập tới những vấn đề cảm nhận mang tính chủ quan hơn của người viết sau vài ngày sử dụng sản phẩm này.
     
    Ngoại hình 
     
    Khi lần đầu tiên cầm chiếc điện thoại này trên tay thì có đến 9/10 người sử dụng đủ các loại smartphone khác nhau phải gật gù cho rằng kiểu dáng nó khá đẹp và đơn giản mặc dù mặt sau có thiết kế chưa thực sự toát lên cái hồn của một smartphone cao cấp.

     
    Đúng thật là với tôi, ngay khi vừa chạm tay vào Xperia S, cảm giác đầu tiên mà tôi nhận thấy chính là cảm giác chắc chắn và những đường nét sắc sảo ở mặt trên máy. Nhưng những đường nét ở mặt sau của máy lại khá thô do phần bo tròn ở tấm lưng kết hợp với phần nhựa mờ của vỏ khiến người dùng cảm thấy không ưng ý lắm về 1 chiếc smartphone cao cấp.
     

     
    Máy có thiết kế dài nên với những người có bàn tay nhỏ, thì việc sử dụng điện thoại bằng 1 tay sẽ có cảm giác hơi bất an vì các vị trí góc của màn hình khá xa tầm với của ngón cái. Phía đuôi của máy là một dải nhựa trong suốt có khắc chìm biểu tượng của 3 phím cứng thông dụng trên Android nhưng vị trí thực sự của các phím này lại nằm ở 3 dấu chấm rất nhỏ phía trên dải nhựa trắng nên khiến nhiều người nhầm lẫn vị trí 3 nút cảm ứng này, thêm vào đó việc các nút cảm ứng chỉ còn là 1 chấm nhỏ khiến người dùng thường xuyên bấm trượt các phím này, nhưng đó chỉ là một chút khó khăn ban đầu khi chưa quen tay với chiếc điện thoại này.
     

     
    Ở phía trên của máy là nút nguồn và jack phone 3,5 mm. Nút nguồn được đặt ở phía bên trái khiến những người đang quen sử dụng iPhone hay những điện thoại đặt nút nguồn bên phải cảm thấy khó chịu nhưng sau khoảng 30 phút sử dụng tôi lại thấy vị trí đặt nút nguồn ở đây khá thoải mái khi cầm điện thoại bằng tay phải.
     

     
    Giống như nút nguồn, thay vì để 2 phím âm lượng bên cạnh trái của máy thì Sony lại đặt nó ở phía cạnh phải của màn hình, nếu đang quen cầm tay trái thì bất cứ ai mới dùng cũng sẽ thấy ngay sự khó chịu về vị trí đặt nút cứng nhưng nếu quen cầm điện thoại bằng tay phải thì mọi thứ lại khác. Tầm với của ngón trỏ và ngón cái đến nút nguồn và nút âm lượng khá vừa tay không bị với, phím âm lượng được thiết kế khá dài nên cảm giác sử dụng thoải mái hơn dù phím bấm hơi nông.
     

     
    Ngoài màn hình ra, toàn bộ thân máy được phủ một lớp chống bám bẩn nano theo như quảng cáo, nhưng do sản phẩm tôi sử dụng là màu đen nên rất khó xác định khả năng chống bám bẩn của lớp vỏ này có thực hay không nhưng điều đầu tiên mà tôi thấy ở lớp sơn mờ này chính là nó rất dễ bị bám vân tay và mồ hôi. Nhưng có lẽ do lớp chống bẩn có tác dụng nên chỉ cần lau nhẹ qua là mặt lưng lại trông sạch như mới.
     
    Mặc dù toàn bộ thân máy tạo cho người viết một cảm giác chắc chắn khi cầm thì phần nắp lưng lại ngược lại, do thiết kế rất mỏng và khá dễ mở nên phần nắp lưng ép với thân máy khá lỏng, nếu bạn có bàn tay hơi đầy đặn thì khi cầm sẽ cảm giác có gì đó khá ọp ẹp ở lòng bàn tay.
     

     
    Màn hình
     
    Với kích cỡ 4,3 inch, độ phân giải HD 720 x 1280 và mật độ điểm ảnh cao (342 ppi), màn hình của Sony Xperia S hiển thị hình ảnh rất rõ nét, kết hợp với công nghệ BRAVIA có trên các dòng TV của Sony nên màu sắc hiển thị trên màn hình khá tươi và trung thực khác hoàn toàn với kiểu màu sắc sặc sỡ nhưng bị ám xanh của loại màn AMOLED trên các dòng điện thoại cao cấp của Samsung.
     

     
    Vì sở hữu độ phân giải cao mà mật độ điểm ảnh cũng rất lớn nên việc tìm thấy một điểm bị răng cưa trên toàn bộ màn hình 4,3 inch của Xperia S là hết sức khó khăn cho dù có zoom sát vào từng kí tự đi chăng nữa.
     

     
    Nếu bật độ sáng tối đa thì màn hình cho cảm giác hơi chói nên khả năng sử dụng dưới ánh sáng mặt trời của Xperia S là tương đối tốt. Cảm ứng của chiếc điện thoại này cũng không có gì đáng chê trách, độ nhạy của màn hình có thể cho cảm giác trơn mượt như trên iPhone, nhưng chính vì những điểm mạnh to lớn tới như vậy nên màn hình của Xperia S lại rất tốn pin, mặc dù để độ sáng màn hình xuống dưới mức 50% nhưng lượng pin tiêu thụ vào màn hình vẫn chiếm tới hơn 70%.
     
    Một vài bài test thông dụng
     
    Vellamo
     

     
    Quadrant Standard Edition
     

     
    Chụp ảnh và quay phim
     
    Cảm nhận chung khi nhìn ảnh chụp từ Xperia S đó là cảm giác màu rất rực rỡ đặc biệt là những ảnh chụp ngoại cảnh trong điều kiện ánh sáng tốt. Với những ngày thời tiết âm u hơn thì những gam màu nóng bị chói khá nặng.
     

     
    Các gam màu nóng thể hiện hơi chói.
     
    Màu sắc vẫn rất tươi dù trời âm u.
     
    Khi chụp nội cảnh trong điều kiện ánh sáng đủ, ảnh cho độ chi tiết khá cao, màu sắc trung thực tuy phóng to vẫn thấy nhiều nhiễu.
     

     
    Với điều kiện phòng ánh sáng trung bình, ảnh dễ bị rung và nhòe do phơi sáng không đủ đồng thời nhiễu bắt đầu xuất hiện tương đối rõ.
     

     
    Cuối cùng là thử nghiệm trong điều kiện ánh sáng yếu, có vẻ như đây là vấn đề lớn của tất các các loại camera có trên các dòng điện thoại cao cấp, ảnh bị nhiễu rất nặng, dễ dàng nhận ra dù không hề zoom vào ảnh, tuy nhiên điểm mạnh đặc biệt ở Xperia S đó chính là dù chụp trong điều kiện thiếu sáng nhưng ảnh vẫn rất chi tiết và sắc nét nếu như bạn cố gắng giữ máy thật chắc.
     

     
    Khi quay phim, hình ảnh có chất lượng ở mức trung bình khá, vẫn còn cảm giác hơi mờ do ống kính tự động lấy nét chậm, tốc độ bắt hình của máy khá tốt nên khi quay phim hay chụp ảnh các vật thể di chuyển nhanh thì ảnh và video đều không bị hiện tượng bóng ma kéo phía sau hình. Đồng thời khả năng xử lý của chíp lõi kép Snapdragon S3 cũng giúp hình ảnh không rơi xuống thấp hơn mức 30FPS, tạm đủ để mắt người cảm thấy không giật hình.
     
     
    Phần mềm
     
    Phiên bản Xperia S mà người viết đang cầm trên tay sử dụng hệ điều hành Android 2.3.7 với giao diện người dùng mới của Sony có tên là UXP NXT (một cái tên khá khó nhớ). Điểm đầu tiên đập vào mắt người viết là giao diện khá đơn giản và dễ nhìn. Tuy nhiên giao diện này lại mắc phải một nhược điểm rất khó chịu đó là các nút chức năng như tắt bật kết nối, khóa xoay màn hình hay điều chỉnh độ sáng đều được đặt ở một gadget trên màn hình Home Screen mà không đặt trên thanh kéo từ khay đồng hồ nên mỗi lần muốn điều chỉnh lại các thông số đó khi đang trong một ứng dụng thì bạn cần thoát ra ngoài Home Screen để điều chỉnh rồi lại quay vào phần mềm từ đầu.
     
    Một điểm khiếm khuyết khá lớn có thể thấy ở phần mềm của Xperia S nữa đó là khả năng xoay màn hình, máy chỉ cho phép xoay 1 góc 90 độ từ dọc sang ngang nhưng nếu ảnh chụp bị ngược và cần xoay 180 độ để xem thì màn hình vẫn trơ trơ như không có gì xảy ra. Hy vọng vấn đề này sẽ được khắc phục khi Sony cập nhật hệ điều hành này lên ICS như đã hứa.
     
    Ngoài những khiếm khuyết kể trên thì Xperia S vẫn có một số điểm cộng nho nhỏ đó là tích hợp sẵn một số chức năng mà thông thường chúng ta phải cài thêm nến muốn sử dụng như tính năng Hotspot và tính năng tăng nhanh độ sáng màn hình khi cần thiết. Nhưng nhiêu đó vẫn là chưa đủ với những khiếm khuyết về phần mềm kể trên.
     

     
    Trình duyệt mặc định trên Xperia S về cơ bản vẫn đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về sự thoải mái khí duyệt web đặc biệt là khả năng gói lại text trên web khi Zoom. Nghĩa là khi bạn zoom to vào 1 phần văn bản thì phần văn bản đó sẽ được xê dịch lại để nội dung đoạn text gói gọn trong màn hình hiển thị của bạn. Mặc dù là chức năng không mới, nhưng những trải nghiệm mà nó mang lại vẫn rất thoải mái với những người dùng khó tính nhất.
      
    Thời lượng Pin
     
    Pin của Sony Xperia S được cải tiến công nghệ giúp tốc độ sạc pin được cải thiện khá nhiều so với các phiên bản trước. Cụ thể là máy sạc từ 3% lên 18% trong vòng 15 phút, và 18% pin này nếu dùng tiết kiệm bạn có thể sử dụng được đến gần 2 giờ. Còn khi sạc đầy hoàn toàn máy có thể chịu vừa đủ một ngày làm việc với công suất vừa phải. Đặc biệt là nếu sử dụng những ứng dụng gì cần bật màn hình liên tục như lướt web và bật 3G thì máy sẽ không thể chịu hết một ngày do màn hình phân giải cao là thứ đốt pin máy nhiều nhất. Nên mặc dù độ sáng màn hình khá tốt nhưng thông thường tôi phải để ở mức 25% độ sáng để tiết kiệm tối đa lượng pin dùng cho màn hình nếu không muốn ngừng liên lạc lúc 4-5 giờ chiều.
     
    Vấn đề năng lượng vốn cũng được Sony tính tới, chính vì vậy mà Xperia S được tích hợp sẵn bên trong máy một ứng dụng tiết kiệm năng lượng có tên là Power Saver. Ứng dụng này sẽ cho phép bạn quản lý tiết kiệm pin theo 3 chế độ là tiết kiệm thông thường (chỉ cần kích hoạt), kích hoạt khi dung lượng pin giảm xuống dưới 1 mức định trước và cuối cùng là kích hoạt chế độ tiết kiệm trong 1 khoảng thời gian định trước (thường dùng để giảm tối đa lượng pin trong thời gian bạn ngủ). Mặc dù cho phép quản lý khá kĩ lưỡng thời lượng pin nhưng xem ra những cố gắng đó vẫn là chưa đủ để có thể sử dụng thoải mái chiếc smartphone cao cấp này.
     

     
    Mặc dù cục sạc kèm theo máy có dòng khá thấp nhưng vẫn có thể sạc đầy Sony Xperia S trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ. Cũng vì dòng của sạc khá thấp nên trong suốt thời gian sạc máy nóng lên không đáng kể nên ảnh hưởng của nhiệt tới pin không nhiều. Khi sạc thử bằng cục sạc của Kindle Fire có dòng lớn hơn 1 chút, thì thời gian sạc nhanh hơn nhưng bù lại thân máy lại rất nóng nên có lẽ không nên cố gắng đẩy nhanh tốc độ sạc cho Xperia S.
     
    Lời kết 
     
    Xét về mặt hình thức Sony Xperia S không mang đến vẻ quý phái cho người dùng nhưng xét về những trải nghiệm khi sử dụng thì những người từng là fan của Sony Ericsson vẫn hoàn toàn bị thuyết phục với sản phẩm đầu tay này cho dù phần mềm có chút sạn nhỏ. Nhìn về mặt tổng thể có vẻ như sản phẩm đầu tay của Sony sau khi sáp nhập giống như một viên ngọc còn khá thô và khi được gọt giũa kĩ hơn thì nó sẽ trở lại là một viên ngọc quý khác trong dòng sản phẩm cao cấp của hãng. Hy vọng rằng sản phẩm thứ 2, thứ 3 hay chính phiên bản nâng cấp về phần mềm của Xperia S sẽ khiến người dùng thỏa mãn hơn với những trải nghiệm tuyệt vời mà họ đã từng được thử khi còn mang tên Sony Ericsson.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ