Cuộc đua cấu hình: Hợp lý hay chưa?

    Tùng Phạm,  

    Chạy đua phần cứng cần phải được định hình lại một cách rõ ràng hơn và hướng vào những tính năng thực sự thiết thực cho người dùng.

    Chắc rằng bất cứ ai trong số những người yêu công nghệ như chúng ta đều hiểu rõ cấu hình là gì dù cho để định nghĩa chính xác nó vẫn là một điều không hề dễ dàng. Nói nôm na thì cấu hình là những thông số kỹ thuật liên quan đến phần cứng, phần mềm của một thiết bị công nghệ. Trong suốt lịch sử phát triển của những sản phẩm này, chủ đề về cấu hình luôn là một mảng đề tài được đem ra mổ xẻ và bàn luận không có hồi kết. Mô típ chung khi bàn về cấu hình là nó sẽ nhanh hay mạnh như thế nào trong tương lai hay nó đã đến mức giới hạn hay chưa?

    Trước đây cấu hình chỉ được nhắc tới khi nói về PC với những thông số như CPU, RAM, GPU.... thì bây giờ đề tài cấu hình đã lan sang mảnh đất của những thiết bị di động. Thời điểm mà điện thoại vẫn còn là một món đồ xa xỉ và đơn giản là một phương tiện để liên lạc thì những thông số của chúng thường ít được quan tâm. Nếu không muốn nói thẳng rằng chúng chả có cấu hình gì. Sau những năm dài lê bước,̀ ngành công nghiệp này đang có những bước chuyển mình đáng kinh ngạc để đạt được nhiều bước nhảy lớn về công nghệ. Và cũng giống như con đường mà PC đã đi, smartphone và tablet đang bước vào một cuộc đua về cấu hình.
     
     
    Nếu như phần cứng trên PC chỉ đơn giản tập trung vào những thành phần quan trọng và thiết yếu như đã nói ở trên thì với smartphone, đó lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Những thông số về cấu hình của smartphone rộng hơn, chúng cũng bao gồm các thành phần như của máy tính nhưng lại được bổ sung thêm các thông tin về dung lượng pin, màn hình, camera, chuẩn kết nối...  Chính vì thế cuộc đua cấu hình của điện thoại sẽ có nhiều điểm khác biệt so với trên chiến trường PC, mỗi thông số phần cứng của smartphone thường sẽ ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
     
    1. Pin
     
    Tuy là một trong những thành phần quan trọng của smartphone và tablet nhưng hiện tại thì công nghệ pin chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến một hệ quả là nó có bước phát triển chậm hơn hẳn so với những công nghệ còn lại. Chẳng có gì là ngạc nhiên đối với những người sử dụng smartphone khi tối tối họ về nhà là phải cắm sạc cho điện thoại của mình và chỉ cần quên bẵng đi thôi là hôm sau họ sẽ phải lo ngay ngáy về thời lượng pin trên smartphone của mình.

    Sẽ không phải là một phép phóng đại quá đáng khi nói rằng pin chính là một trong những thứ cần phải được nâng cấp trên những chiếc điện thoại vì bây giờ người dùng đang phải cam chịu với dung lượng pin ít ỏi của smartphone và thường rỉ tai nhau về những thủ thuật để tăng thời lượng sử dụng cho smartphone như tắt Bluetooth, Wi-Fi, 3G khi không sử dụng hay giảm độ sáng màn hình.
     
     
    2. Camera và các kết nối
     
    Có lẽ khi nói về camera cùng các kết nối trên smartphone, rất nhiều người sẽ thấy thỏa mãn khi thấy rằng điện thoại của mình chụp vẫn đẹp, vào mạng rất nhanh, tuy nhiên đó vẫn chưa phải là tất cả. Vẫn còn đó những người dùng khó tính muốn chiếc dế của mình phải chụp được những bức ảnh đẹp như trên máy ảnh và được trang bị kết nối mạng nhanh nhất. 

    Và công nghệ hiện đang phục vụ những người dùng như vậy, trước kia chúng ta có camera 5 chấm trên điện thoại thì hiện tại, thông số này đang ngày càn được nâng cao lên đến 8 "chấm", 12 "chấm" và bá đạo nhất là 41 "chấm" của Nokia PureView 808. Các kết nối cũng vậy, 4G đang là một tính năng phổ biến trên các siêu phẩm smartphone và cũng dần dần thành một tính năng phổ thông.
     
    Nokia Pureview 808: Smartphone có camera khủng lên tới 41 chấm.
     
    Xét một cách công bằng thì đây là những đòi hỏi thiết thực và không hề quá đáng, thay vì phải mang theo chiếc máy ảnh chỉ để chụp ảnh thì bạn lại có thể thực hiện điều đó trên những chiếc điện thoại và cũng chỉ với smartphone, bạn hoàn toàn có thể xem tin tức, xem video online mà không cần đến máy tính.

    Chắc chắn là ai cũng có thể hiều được sự tiện lợi như thế nào vì chỉ nghĩ đến những viễn cánh ấy thôi cũng đã là một điều thú vị rồi. Càng thú vị hơn nữa khi viễn cảnh đấy không hề viển vông và đang ngày càng tiến gần đến cuộc sống thực. Nhìn chung thì camera và các kết nối đang đi đúng con đường của mình, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.
     
     
    3. Màn hình
     
    Xu hướng chạy đua chung của những chiếc màn hình cảm ứng trên smartphone đó là nâng cao độ phân giải để cải thiện chất lượng hiển thị hay tăng cường độ sáng nhưng những tính năng thật sự cần thiết như giảm mức tiêu thụ điện năng thì lại chưa được quan tâm đúng mực bởi màn hình chính là thành phần gây hao pin nhiều nhất trên điện thoại.

    Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các tít báo nói về các công nghệ màn hình cho độ phân giải cao hơn hoặc các công nghệ cho màn hình sáng hơn hay rực rỡ hơn thế nhưng rất hiếm khi ta đọc được những thông tin để chế tạo màn hình có khả năng tiêu thụ điện năng thấp. Ngoài ra chúng ta cũng có thể thấy một số công nghệ màn hình độc đáo của Samsung hay Nokia tuy nhiên sẽ cần một khoảng thời gian dài để chúng trở thành hiện thực.
     
     
    Việc các nhà sản xuất đang cố gắng nâng cao độ phân giải để cải thiện chất lượng hình ảnh cũng chỉ đơn giản nhằm phục vụ lợi ích của người dùng nhưng hệ quả của việc đó là các màn hình của các smartphone khủng đang đua nhau lên độ phân giải HD từ đó nó lại làm nảy sinh ra nhiều vấn đề. 

    Đầu tiên phải kể đến đó là pin, màn hình độ phân giải cao sẽ có nhiều điểm ảnh hơn, nhiều điểm ảnh hơn sẽ phải cần tới nhiều năng lượng hơn và kết quả là thời lượng pin sẽ bị rút ngắn hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Apple trang bị dung lượng pin khủng cho chiếc tablet new iPad của mình bởi nó sở hữu màn hình Retina có độ phân giải cực cao.
     
     
    Ngoài ra thì màn hình có độ phân giải cao sẽ khiến cho CPU phải tải nhiều hơn do đó các thiết bị di động sẽ nhanh chóng bị nóng hơn. Và sẽ thật là khó chịu khi chiếc smartphone bạn cầm trên tay cứ "ấm nóng" quá mức bình thường như thế, chẳng cần phải nói đâu xa lỗi new iPad bị người dùng kêu ca vì quá nóng cũng có một phần nguyên nhân là màn hình từ độ phân giải quá cao. Thực tế màn hình độ phân giải cao cũng không phải là phi lý lắm nếu như nó giải quyết được hài hòa những vấn đề kể trên. 
     
    4. CPU và RAM
     
    CPU và RAM chính là hai thành phần có tốc độ phát triển nhanh nhất của điện thoại, chúng ta chẳng còn tỏ ra quá bất ngờ với những chiếc smartphone lõi kép hoặc lõi tứ cùng dung lượng RAM lên đến 1GB và gần đây nhất đó là sự ra mắt của chiếc smartphone được coi là mạnh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại là HTC One X với CPU lõi tứ nVidia Tegra 3 1,5 GHz cùng 1 GB RAM. Tuy nhiên liệu rằng cách làm của HTC đã thực sự hợp lý?
     
     
    Cũng chẳng khác với màn hình độ phân giải cao là mấy, CPU tốc độ cao hoàn toàn có thể khiến smartphone của bạn trở nên nhanh nóng và mau hết pin hơn. Tuy rằng nVidia đã trang bị thêm tính năng quản lý điện năng cho dòng Tegra 3 của mình. Nhưng khó có thể đảm bảo chắc chắn rằng nó sẽ hoạt động hiệu quả bởi qua nhiều bài đánh giá thì smartphone của HTC vẫn cho thấy thời lượng pin khá thấp.

    Ngoài ra còn phải kể đến sự lãng phí, bởi hiện tại vẫn có quá ít các ứng dụng được tối ưu hóa cho các bộ xử lý đa lõi và lõi tứ lại càng ít. Chính vì thế mà sức mạnh của vi xử lý lõi tứ sẽ chưa tìm được chỗ để thể hiện. Một số người có thể lý luận rằng cần phải có phần cứng trước rồi mới có ứng dụng sau nhưng quả thực hầu hết các ứng dụng đang có mặt hiện nay đều có thể xử lý được với những con chip lõi tứ. Việc mà lõi tứ làm được chỉ là cải thiện thêm một chút hiệu năng mà thôi. Nhưng chỉ vì một chút hiệu năng gia tăng ấy mà phải đánh bằng việc máy bị nóng và nhanh hết pin thì thật không đáng một chút nào.    
     
    Kết
     
    Chạy đua phần cứng là rất tốt, không chỉ vì có cạnh tranh thì mới có phát triển mà còn là bởi chúng ta sẽ sớm có được những thiết bị mạnh hơn, nhanh hơn nhằm phục vụ cuộc sống tốt hơn. Nhưng bất kỳ vấn đề gì cũng có nhiều mặt, bên cạnh những lợi ích vẫn là không ít phiền toái và rắc rối, điều đáng nói ở đây là các nhà sản xuất vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung. Thay vì hướng vào những trài nghiệm của người dùng thì họ lại thay nhau tung ra các sản phẩm có thông số "hầm hố" như một cách để khoe và tạo sự chú ý nơi người dùng.
     
     
    Phải chăng là Apple đã đánh hơi được xu hướng khi mà những sản phẩm của họ không có những cách tân mạnh mẽ về phần cứng qua các thế hệ. Từ iPhone đến iPad, không hề có những nâng cấp phần cứng khiến người dùng ngạc nhiên. "Quả Táo" hướng người dùng vào những trải nghiệm nhiều hơn là các thông số khô khan và chúng ta cũng có thể thấy rõ điều đó qua các quảng cáo về sản phẩm của Apple: Hình ảnh người dùng tỏ ra thích thú khi sử dụng những sản phẩm của hãng sẽ hiện lên thường xuyên hơn thay cho những thông số phần cứng khó hiểu. Và vì lẽ đó mà chạy đua phần cứng cần phải được định hình lại một cách rõ ràng hơn và hướng vào những tính năng thực sự thiết thực cho người dùng.  
     
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ