Bức tranh không mấy sáng sủa của thị trường điện thoại di động thương hiệu Việt

    Bella, Bella 

    Với quy mô thị trường trên 20 triệu điện thoại mỗi năm cùng với sự cạnh tranh khốc liệt, người tiêu dùng Việt đang là những người được hưởng lợi. Tuy nhiên, đây cũng là sức ép khá lớn lên các doanh nghiệp trong nước.

    Mặt trận điện thoại giá rẻ

    Điện thoại thương hiệu Việt từng là sự lựa chọn của người dùng có thu nhập hạn chế nhờ giá thành rẻ mà vẫn đầy đủ tính năng giải trí cần thiết. Điểm chung của các mẫu sản phẩm này là giá thành thấp, dao động trong khoảng từ vài trăm tới 1 triệu đồng. Nếu bổ sung thêm những tính năng cao cấp hơn như 3G thì cũng chỉ có giá chưa tới 2 triệu đồng. Giai đoạn 2009 - 2010 được coi là thời kỳ đỉnh cao của các nhà sản xuất trong nước nhờ biết nhanh nhạy nắm bắt thị trường. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, đầu năm 2012, thị trường điện thoại nội lại trở nên trầm lắng. 


    Việc mất dần thị phần trong nước được lý giải bởi nhiều nguyên do.  Ngoài việc người tiêu dùng cân nhắc khi chi tiêu trong thời điểm kinh tế khó khăn, thì các doanh nghiệp trong nước cũng không tung ra được nhiều mẫu mã mới cho họ lựa chọn. Hơn nữa, miếng bánh thị phần cũng bị chia sẻ bởi quá nhiều thương hiệu trong nước (hơn 10 thương hiệu).
     
    Mặt khác, năm 2011, các nhà sản xuất toàn cầu đã "giật mình" và thay đổi quan điểm sản xuất, cho ra đời dòng sản phẩm này với mức giá tương đương thì điện thoại thương hiệu Việt lâm vào cảnh "chợ chiều". Xét một cách toàn diện, người tiêu dùng vẫn tin tưởng vào cái tên Nokia hoặc Samsung hơn là những tên tuổi trong nước như Q - Mobile hoặc FPT, bởi họ cho rằng những sản phẩm đó có chất lượng tốt hơn hàng nội rất nhiều.

    Mặt trận điện thoại thông minh - smartphone

    Theo số liệu của IDC, năm 2011, điện thoại thương hiệu Việt chiếm 21% thị phần nhưng tỉ lệ doanh thu lại rất thấp vì thực tế, khi đầu tư mạnh vào phân khúc điện thoại giá rẻ dưới 1 triệu có lợi nhuận biên thấp, thì lợi nhuận không thể cao được.
     
    Gần đây, những nhà sản xuất thương hiệu Việt đang chuyển hướng, tung ra những mẫu smartphone trong tầm giá từ 1,5 - 3 triệu. Q - Mobile dự kiến ra mắt bộ ba smartphone "mang đậm dấu ấn riêng" trong tháng 6 và tháng 7 này. Mobistar cũng hứa hẹn ra mắt Touch S01 có cấu hình ngang ngửa Samsung Galaxy Y với giá chỉ khoảng 2,6 triệu vào đầu tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, hiện nay, mảng điện thoại thông minh smartphone giá rẻ đang bị các thương hiệu ngoại "lấn lướt" với những cái tên như Samsung, HTC, LG, Sony. Để cạnh tranh với các "ông lớn" này quả thật không phải là điều dễ dàng.


    Các điện thoại mang thương hiệu Việt đang bị các tên tuổi ngoại tạo nhiều sức ép, vì nhìn chung, ở tầm giá dưới 2 triệu, Nokia đang là một thương hiệu hùng mạnh ở thị trường Việt Nam. Ở phân khúc từ 3-5 triệu, sản phẩm thương hiệu Việt lại bị Samsung lấn lướt. Ngoài ra, việc tập đoàn Huawei "dấn thân" sâu hơn vào thị trường trong nước và làn sóng điện thoại smartphone giá rẻ của Nhật Bản sắp đổ bộ khiến các smartphone của các doanh nghiệp trong nước càng lao đao. 


    Trước đây, các doanh nghiệp trong nước cũng đã cho ra mắt những smartphone giá rẻ như F99 của FPT, S10 của Q-Mobile nhưng không tạo được tiếng vang lớn vì mẫu mã không được đánh giá cao. Người tiêu dùng nhận xét điện thoại smarphone Việt đang là "ruột Tàu, mác Việt"; có thể cạnh tranh về giá nhưng về lâu dài lại rất khó vì khách hàng thuộc phân khúc này khá kỹ tính.
     
    Ngoài ra, nhiều sự liên kết đã diễn ra như Q-Mobile và VTC tạo ra Q-Store, FPT và FPT Software phát triển F-store... nhằm tạo ra các bản sắc riêng nhưng vẫn chưa được đánh giá cao vì ít ứng dụng, không thu hút được người dùng. Điều này cho thấy, điểm yếu của các sản phẩm smartphone trong nước vẫn là công nghệ. Đại diện của một công ty từng hợp tác với Q-mobile cho biết, việc đưa nội dung lên Q-store khá phức tạp, vì cần có sự kết hợp giữa nhà cung cấp thiết bị, nhà cung cấp nội dung và đối tác phần cứng (ODM) cho thiết bị. Để kết hợp hài hoà giữa 3 bên cần rất nhiều thời gian.


    Kết

    Các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực hết sức mình để tìm được lối đi riêng. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được thị trường này không phải là điều dễ dàng. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cầm có chiến lược dài hạn, rõ ràng và thời gian để khẳng định chất lượng. Không những thế, sự ủng hộ của người tiêu dùng, các hệ thống bán lẻ cũng là điều cần thiết để thương hiệu Việt gần gũi hơn với người tiêu dùng.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ