Samsung thua kiện Apple: Không chỉ là 1 tỷ USD

    Tùng Phạm,  

    Apple không chỉ muốn tiền bồi thường của Samsung.

    Vậy là cuộc chiến pháp lý giữa Samsung và Apple đã đi đến hồi kết: Samsung bị tòa án ra kết luận sao chép Apple và phải chịu phạt mức phí lên đến 1 tỷ USD. Bên cạnh sự ăn mừng ra mặt của Apple bằng bức thư Tim Cook gửi tới nhân viên cùng với sự giận dữ và quyết tâm kháng cáo của Samsung thì còn đó là những ảnh hướng lớn tới cả những người ngoài cuộc.
     
    samsung-thua-kien-apple-khong-chi-la-1-ty-usd
     
    Thiệt hại về tiền của
     
    Samsung đã thua và phải bồi thường 1 tỷ USD cho những thiệt hại đã gây ra cho Táo Khuyết, nhưng với những gì đã đạt được từ việc copy những sản phẩm của Apple thì đó vẫn là những con số rất nhỏ. Chỉ sau vài năm ngắn ngủi, hãng điện tử Hàn Quốc đã phát triển rất nhanh để chính thức đoạt lấy ngôi vương làng di động của Nokia sau hơn 14 năm nắm giữ. 

    Quý II vừa qua, trong khi nhiều hãng điện thoại làm ăn trầy trật thì Samsung lại tăng trưởng kỷ lục và đạt mức tổng doanh thu tới 50 tỷ USD. Chừng đó thôi cũng đủ để hiểu khoản tiền 1 tỷ USD chẳng là gì với số tài sản trong tay đại gia công nghệ Hàn Quốc.
     
    samsung-thua-kien-apple-khong-chi-la-1-ty-usd
     
    1 tỷ USD tiền phạt là con số mà ai cũng biết nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Samsung dường như bị ảnh hưởng nhiều hơn thế. Mới đây giá cổ phiếu của hãng này vừa sụt giảm 7,7%, mức lớn nhất trong 4 năm qua. Với mức giảm lớn như thế này thì hãng công nghệ xứ Hàn đã mất trắng 12 tỷ USD tổng giá trị của mình chỉ trong một thời gian ngắn.

    Không chỉ là về tiền

    Thực tế, vụ việc tranh chấp pháp lý vẫn chưa thể kết thúc bằng việc Samsung bồi thường cho Apple số tiền 1 tỷ USD. Cái mà táo khuyết đang rất khao khát đó là một lệnh cấm bán các sản phẩm của Samsung từ phía tòa án. Tuy rằng phải đến ngày 20 tháng 9, phiên tòa xét xử xem liệu Samsung có bị cấm bán các sản phẩm của mình hay không mới diễn ra, nhưng nếu Apple lại tiếp tục chiến thắng thì đúng là Samsung phải chịu một vố đau dù rằng những sản phẩm bị cấm bán không phải là những sản phẩm hút hàng của hãng này. 

    Cấm bán đồng nghĩa với việc hãng điện tử Hàn Quốc sẽ để mất một lượng lớn người dùng và đối mặt với một năm tài chính không mong muốn do giá cổ phiếu doanh số sụt giảm mạnh.

    samsung-thua-kien-apple-khong-chi-la-1-ty-usd

    Tiền chỉ là một phần của vấn đề, có những thứ dù có tiền nhưng vẫn không thể có được đó chính là thương hiệu. Thực tế thì với phán quyết này của tòa án, thương hiệu Samsung đã bị tổn thương rất nghiêm trọng. 

    Samsung đã phải chịu thêm một cái mác không ai muốn là "nhái Apple". Cái mác này dường như sẽ khiến phân khúc người dùng cao cấp tránh xa những sản phẩm của hãng điện thoại xứ Kim Chi. Bởi ở phân khúc này, người dùng đòi hỏi những sản phẩm thật sự khác biệt. Và một khi đã bị mang tiếng xấu, sẽ rất khó để họ có thể "chọn mặt gửi vàng" nơi Samsung.

    Apple: Cạnh tranh có lành mạnh?

    Qua đây có vẻ như Apple muốn gửi một thông điệp cảnh báo tới Android, thứ mà cố CEO Steve Jobs đã phải gào lên là "đồ ăn cắp" và thề sẽ tiêu diệt. Cách thức tuyên chiến và tấn công của Táo Khuyết bước đầu đã đạt được những thành công lớn nhưng đây mới chỉ là khởi đầu.

    Trong tương lai, rất có thể sẽ có nhiều vụ kiện như vậy đến từ Apple nhằm vào các nhà sản xuất Android hay thậm chí là Google. Một thời kỳ mới đang được mở ra bởi Apple: Cạnh tranh bằng pháp lý và liệu nó có lành mạnh?
     
    samsung-thua-kien-apple-khong-chi-la-1-ty-usd
    Cạnh tranh bằng pháp lý không hề lành mạnh.

    Lẽ thông thường muốn phát triển thì phải có cạnh tranh, nhưng cái cách mà Apple lựa chọn để cạnh tranh chỉ đem đến những thiệt thòi cho cả ngành công nghiệp di động. Sẽ có ít nhà sản xuất còn đủ động lực để muốn đầu tư phát triển, sáng tạo nên cái mới nữa do lo sợ một ngày nào đó họ sẽ phải chiến đấu chống lại một Apple trên chiến trường pháp lý. 

    Đó không phải là cạnh tranh lành mạnh mà chỉ là một bước thụt lùi của sự phát triển và Apple cũng chẳng cần phải sáng tạo nhiều cho iPhone khi các đối thủ của mình đã biết e sợ. Họ chỉ cần những cải tiến nhỏ cho mỗi phiên bản iPhone mới để sinh lãi và làm giàu là đủ.

    Lùi lại một bước để nhìn xa hơn, chúng ta thấy được sự thụt lùi trong sáng tạo của Apple. iPhone 4S chỉ là một bản F5 của iPhone 4 với một số nâng cấp về phần cứng và những tính năng nhỏ được thêm vào. Rồi đến những thông tin bị rò rỉ về iPhone 5 cũng cho thấy một thiết kế đã 2 năm tuổi: Không còn là sự khác biệt, không còn là những điều ngạc nhiên như hai năm về trước khi mà iPhone 4 được trình làng.
     
    Dẫu cho đó mới chỉ là những tin đồn bởi iPhone 5 vẫn chưa được ra mắt nhưng cũng chẳng thể phủ nhận những thông tin rò rỉ về chiếc iPhone thế hệ mới của Apple không còn nhiều hấp dẫn với giới mộ đạo như trước kia nữa. Và khi chẳng thể đủ sức làm ra một iPhone mới hấp dẫn hơn thì Apple lại chọn cách "dìm hàng" những đối thủ của mình bằng kiện cáo, thứ mà chỉ đem đến cái lợi trước mắt cho Apple nhưng lại là yếu tố đẩy mạnh độc quyền kìm hãm sự phát triển của công nghệ nói chung.

    samsung-thua-kien-apple-khong-chi-la-1-ty-usd


    Samsung: Thiệt nhưng phải cố

    Án phạt dành cho Samsung là sự trả giá xứng đáng cho việc copy Apple. Sự bất công cho Apple là không phải bàn cãi khi mà Táo Khuyết đã mất đến hàng năm để nghiên cứu và phát triển trong khi Samsung lại chỉ cần một thời gian ngắn để "xào nấu" rồi biến những gì của Apple thành của mình. Có thể nói không ngoa rằng thành công của Samsung có đóng góp rất nhiều từ Apple.

    Tuy vậy, xét một cách công bằng thì Samsung cũng không hoàn toàn chỉ là copy Apple. Những sản phẩm của hãng vẫn có những đầu tư xứng đáng từ một Galaxy Note lai máy tính bảng độc đáo cho đến Galaxy Nexus sở hữu thiết kế và hiệu năng tốt. Những đầu tư của Samsung vẫn cần được ghi nhận như chip nhớ, màn hình ... nhưng hành động sao chép cần phải được dừng lại. 

    Hãng điện thoại xứ Kim Chi thừa sức để tạo ra những sản phẩm sáng tạo của riêng mình mà không có bóng dáng iPhone hay Apple trong đó. Galaxy S III là một ví dụ. Dù bị nhiều người chê là "không đẹp" nhưng Galaxy S III vẫn bay cao, vẫn thành công và vẫn là một sản phẩm bom tấn. Do vậy mà hãng điện tử Hàn Quốc sẽ cần phải tự bước đi để có thể phát triển một cách bền vững cũng như tạo nên bản sắc riêng cho chính mình. Đó cũng là hành trình định vị lại thương hiệu, con đường gian nan nhưng cần thiết.
     
    samsung-thua-kien-apple-khong-chi-la-1-ty-usd
    Galaxy S III vẫn đang rất thành công.
     
    Người dùng: Vẫn chịu thiệt 

    Bên cạnh cái lợi rằng Samsung sẽ phải đầu tư nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm khác biệt thì tựu chung lại người dùng vẫn sẽ là những người thiệt thòi. Bởi rất cũng có khả năng Samsung sẽ tăng giá sản phẩm đề bù lỗ cho những mất mát hoặc những sản phẩm của hãng này sẽ phải chịu thêm mức phí bản quyền khiến mức giá bị đội lên. Ngoài ra, họ cũng chẳng còn có nhiều cơ hội sở hữu những sản phẩm mới nữa bởi Apple có thể đang lái ngành công nghiệp di động vào một cuộc cạnh tranh bằng quan tòa và các chứng cứ chứ không phải là những tính năng giữa các sản phẩm với nhau.
     
    Kết
     
    Cuộc chiến của Samsung và Apple đã tạm đi tới hồi kết nhưng kết thúc này lại là mở đầu của một viễn cảnh khác. Nơi mà có thể Android, iOS và thậm chí là cả Windows Phone lao vào ganh đua nhau bằng những bằng sáng chế mà mình sở hữu. Mà những bằng sáng chế đó chỉ mang tính chất chung chung và là kẽ hở của luật pháp để các hãng có thể dựa vào đó để "làm tiền" cũng như vượt qua nhau. 
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ