Đại chiến chíp xử lý năm 2011: ARM – Intel, Intel – AMD

    PV, Đại Hùng 

    Trong năm 2011 này, Intel sẽ rất vất vả nếu muốn duy trì được lợi nhuận ổn định và xây dựng một tương lai vững chắc trên tất cả lĩnh vực.

    Đã qua rồi cái thời mà cuộc chiến chipset máy tính chỉ xoay quanh Intel – AMD. Ngày nay, với sự bành trướng của lĩnh vực sản xuất thiết bị di động, chiến trường chipset đã được “mở rộng” hơn bao giờ hết. Hàng loạt đối thủ mới của Intel, AMD đồng loạt xuất động, với thủ lĩnh tiêu biểu là ARM. Vậy trong năm 2011 này, cuộc chiến chipset sẽ có màu sắc như thế nào?
                    
    Trước tiên, cần phải phân biệt rõ đâu là những “chiến trường” lớn trong năm 2011.
             
    Cuộc chiến giữa AMD và Intel trên thị trường netbook
        
    Với việc Intel thống trị trên desktop và laptop, hiện nay, AMD chỉ còn trông chờ vào một mặt trận cuối cùng là netbook. Đặt nhiều niềm tin vào dòng chip Fusion, AMD hy vọng sẽ thay thế Intel để trở thành kẻ thống trị mới trên thị trường notebook.
            
          
    Bởi AMD tin rằng, Fusion có mọi thứ cần thiết cho nhu cầu của một người dùng netbook: Tích hợp với chip đồ họa công nghệ cao và theo công nghệ 32nm. Vì vậy, Fusion sẽ tạo nên một bộ mặt mới của netbook, với khả năng render đồ họa tốt hơn, xử lý số liệu hiệu quả hơn, tăng cường tuổi thọ pin và nhất là đem lại trải nghiệm laptop thực sự trên những chiếc netbook nhỏ bé.
       
    Dĩ nhiên, Intel không thể để cho AMD dành lấy thị trường. Sau khi AMD ra tuyên bố về Fusion, không lâu sau đó, Intel đã tung ra những thông tin đầu tiên về Sandy Bridge – thế hệ CPU Core tiếp theo của Intel. Từ động thái này của Intel, rất có thể cục diện thị trường netbook sẽ tiếp tục diễn tiến như trước kia, như trên thị trường laptop, desktop.
                   
              
    Vì sao lại như vậy? Câu trả lời khá đơn giản: Thế hệ CPU Core đã quá nổi tiếng trong mắt người tiêu dùng nên chắc chắn, một thế hệ Core II với công nghệ cải tiến sẽ còn “hot” hơn nữa. Vì vậy, chưa cần thực hiện một so sánh chính thức nào, Sandy Bridge đã có được lượng khách hàng đông đảo hơn Fusion. Ngoài ra, do theo đuổi chính sách giá rẻ, sản phẩm của AMD thường không đạt đến tầm sức mạnh của chip Intel. Có lẽ chính sách này rất sai lầm, bởi người tiêu dùng cần một sản phẩm thực sự chất lượng, không phải một sản phẩm rẻ mà không ra gì.
           
    Cuộc chiến giữa Intel và ARM trên thị trường tablet - smartphone
              
    Đây sẽ là cuộc chiến còn khốc liệt hơn cuộc chiến lâu năm giữa Intel và AMD. Bởi ARM hiện đang là kẻ thống trị thị trường tablet – smartphone, với hơn 90% thị phần toàn cầu. Còn Intel thì chỉ là kẻ thất bại, và bị chính cả đối tác lâu năm của mình là Microsoft “ruồng rẫy”.
           
    Dù vậy, cục diện thị trường chưa hẳn sẽ tiếp tục nghiêng về phía ARM trong tương lai. Bởi mới đây, Intel đã chi tiền lót tay những 1,5 tỷ USD cho NVIDIA để chung sống hòa bình với hãng này, cũng như dành quyền sử dụng các bằng phát minh của NVIDIA. Trên phương diện kinh tế mà nói, 1,5 tỷ USD đó của Intel đúng là kiểu "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn"!
                   
             
    Thật sự là vậy, bởi NVIDIA đang nổi lên như ngôi sao sáng trên thị trường: Hầu hết các mẫu tablet – smartphone “đỉnh” nhất đều nghĩ đến chip Tegra 2 của NVIDIA như nguồn sức mạnh thay thế cho ARM. Bản thân Tegra 2 cũng đã chứng minh được mình không hề thua kém ngay cả những dòng chip Atom của Intel. Vì vậy, nếu Intel tận dụng được sức mạnh vốn có của NVIDIA và biến nguồn sức mạnh này thành của mình, chắc chắn ARM sẽ phải dè chừng sự quật khởi của Intel.
          
    Nhưng đó là câu chuyện của tương lai, bởi trong hiện tại, các dòng chipset Atom Moorestown hay Menlo đều không hỗ trợ tốt Android OS – vốn là nền tảng smartphone phổ biến nhất, lại càng thua kém chipset ARM về khoản tuổi thọ pin. Thật sự, chưa có bất kỳ dòng chip tablet nào của Intel có thể đạt đến mốc tuổi thọ pin kỷ lục 8 – 10 giờ như những kỳ tích mà ARM chipset thực hiện được.
     
           
    Không hỗ trợ Android, chính là một nhược điểm lớn của Intel. Bởi Windows không thể nào phát huy hết sức mạnh của mình trên một thiết bị điện toán như tablet – smartphone; ngược lại, còn khiến cho tablet Windows thêm trì trệ so với các đối thủ cạnh tranh từ Android. Và kết quả không cần nói ai cũng biết: Tablet của Intel và Microsoft đang bị đè bẹp bởi binh đoàn Android cực đông đảo trong hiện tại.
         
    Kết luận
     
    Như vậy, trong năm 2011 này, cả 2 cuộc chiến đề cập ở trên sẽ có nhiều kết quả khác nhau. Intel sẽ có thể thua khi đấu với ARM, nhưng sự thống trị lâu bền trên lĩnh vực desktop, laptop sẽ cho Intel một cơ hội nữa tiếp tục đánh bại AMD. Hoặc cũng có thể Intel sẽ thua cả khi đấu với ARM và AMD. Nhưng dù gì đi chăng nữa, với 2 mặt “thọ địch” trong năm 2011 này, Intel sẽ rất vất vả nếu muốn duy trì được lợi nhuận ổn định và xây dựng một tương lai vững chắc trên tất cả lĩnh vực.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày